Các lão nhạc sĩ hội viên đi đâu cả rồi?

13/07/2015


Nhạc sĩ Trần Viết Bính

Đây là chuyện nội bộ trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Gọi là “chuyện nội bộ” vì tôi chỉ muốn nói ở trong nhà, nói nhỏ cho nhau nghe xem cái vấn đề này nó như thế nào?

Lực lượng nhạc sĩ chúng ta kể cả già và trẻ bây giờ đều rất mạnh. Trước hết nói đến lực lượng trẻ. Lớp trẻ thì khỏi phải nói,trong các chương trình ca nhạc hiện nay, ca nhạc “thịnh hành”, kể cả sáng tác và biểu diễn, các em đang chiếm lĩnh gần như trọn vẹn trận địa âm nhạc Các em đang tìm tòi, sáng tạo rất nhanh, biểu diễn rất tài, chi phối đời sống âm nhạc rất mạnh mẽ. Chúng tôi tự hào về các em, tin tưởng ở các em, mong đợi ở các em, vì chỉ ít nữa thôi, sau khi lớp nhạc sĩ già chúng tôi có rủ nhau về với các cụ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu, Tô Vũ, vân vân thì các em chính là lớp người sẽ xây dựng và phát triển cái sự nghiệp âm nhạc Việt Nam này. Không yêu quý và tin tưởng các em thì còn biết tin tưởng ai.

Tâm sự hôm nay của tôi muốn nói về các cụ lão nhạc sĩ hội viên U60, Ư70, U 80.

Tôi đã nghe nhiều người, khi họ biết tôi là nhạc sĩ, thắc mắc hỏi: “Các cây đa cây đề âm nhạc sao dạo này không thấy bài hát của các bác ấy nhỉ? Thỉnh thoảng mới thấy đài truyền hình nhắc đến tên các bài hát của các bác ấy nhưng toàn là những bài hát ngày xưa cả thôi, còn những vấn đề của hôm nay thì không thấy bài hát của các nhạc sĩ tên tuổi ấy? Ngày xưa khi chưa có đài truyền hình và nhiều phương tiện thông tin đại chúng nnư bây giờ, cả nước chỉ có một đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ là nơi phát ra các bài hát mới, nhân dân có thể nói là toàn dân hàng ngày ngong ngóng những tâm tình lao động, sản xuất, chiến đấu và nhiều chuyện cảm xúc khác trong cuộc đời được các nhạc sĩ nói hộ họ bắng những bài ca. Bài ca, những tiếng đời bằng âm nhạc, đúng là món ăn tinh thần không thể thiếu được cạnh những bữa ăn hàng ngàycòn thiếu thốn thịt cá, chỉ có rau muống, xu hào, muối mè…

Tôi nghĩ : “Đúng rồi. Họ thắc mắc là phải lắm và vấn đề này tôi nghĩ chỉ có chính các lão nhạc sĩ là mới trả lời chính xác được”.

Tôi còn gặp ở đại hội nhiều lão nhạc sĩ trên 70, 80 tuổi lắm. Tôi năm nay mới có 81 tuổi, họ là các bậc đàn anh của tôi. Tôi xin lỗi các bác trước nếu trong bài viết này có nhắc cụ thể đến tên tuổi một vài bác.Thí dụ các bác: Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Tài Tuệ , Phan Huỳnh Điểu, Huy Thục, Hồ Bắc, Hồng Đăng, Phạm Minh Tuấn, Văn Dung... đấy là lại còn chưa kể đén cỡ U 60 tức là cỡ đã nghỉ hưu, vân vân và vân vân nghĩa là còn nhiều lắm không kể hết.

Nhiều người có cái thắc mắc này và đã tự trả lời: “Các cụ ấy hết hơi cả rồi, bây giờ nhà nước đã cho nghỉ ngơi, lĩnh lương hưu, rong chơi tuổi già, còn bắt các cụ ấy lao động nghĩ ngợi làm gì.Thông cảm cho các cụ ấy chứ”. Tôi thì lại nghĩ, các cụ U60, U70, U80 không cần cái thông cảm này.

Bộ trưởng, thứ bộ trưởng, giám đốc, chủ tịch thì mới nghỉ hưu chứ có ai nói nhạc sĩ nghỉ hưu bao giờ đâu. Gừng càng già càng cay mà !

Không kể đến một số các cụ cao tuổi, sức khỏe thực sự đã yếu, đã từ lâu không còn hiện diện trong đời sống âm nhạc, tôi biết nhiều cụ còn khỏe mạnh còn sáng tác, sáng tác hay nữa là đằng khác. Đấy chính là cái chuyện để tôi phải viết bản tham luận này

Có các cụ ở cách xa Hà Nội hàng ngàn cây số, còn đi đến đây được, nhiều cụ ở các tỉnh và Hà Nội vẫn có mặt đầy đủ. Còn đi được đến đây, dáng đi mạnh mẽ, da mặt hồng hào, nói chung là còn phong độ lắm thì tại sao lại cho là “hết hơi” được?

Không viết được vì đã hết hơi! Tôi không tin cái lý do “hết hơi” này. Cứ suy tôi ra là tôi biết. Từ đầu năm 2015, chỉ tính riêng nửa năm 2015 thôi, tôi tuy là cỡ tầm thường so với tài năng của các bác cũng đã viết được 11 bài hát chưa kể cái công trình nghiên cứu dân ca thứ 8 đang làm và sẽ thực hiện xong trong năm nay. Tôi, loại tầm tầm còn thế thì sao các bác lại hết hơi được. Các bác mà sáng tạo thì không phải là hết hơi mà còn …tuyệt vời nữa là đằng khác. Đề tài mà các bác nếu chọn là viết về đám trẻ con cháu cố. cháu nội ngoại mà các cụ đang chơi với chúng hàng ngày thì các cụ có thừa thực tế hiểu chúng nó, yêu chúng nó để viết, các đề tài xã hội như chống tham nhũng, chống tiêu cực thì khó có ai nhiệt tình, có trách nhiệm và sâu sắc bằng các cụ.

Đã có lần tôi tìm hiểu câu hỏi này ở các bậc lão thành đàn anh. Những câu tôi kể lại sau đây cam đoan là của các cụ hiện nay đang có mặt trong khán phòng này mà tôi không muốn nêu tên.

Có cụ rất nổi tiếng cả nước ai cũng biết tên ngao ngán bảo: “Thôi, thời này là của bọn trẻ, ta chen làm sao được”.

Cụ khác thì vừa mới đây thôi, trong đại hội cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ (7-3-2015 ) bần thần nói: “Bài hát đưa cho họ, họ cứ đòi phải có “đề mô“ (họ thường nói là khuyến khích ưu tiên bài có demo) mà “đề mô” của một bài hát bây giờ dù có nhờ ca sĩ loại B, C hát (chứ không dám nghĩ đến những ngôi sao, ông hoàng, bà chúa ) là phải có từ 10 triệu đồng trở lên để chi cho diễn viên hát, chi cho nhạc sĩ phối khí, chi cho dàn nhạc, trả tiền phòng thu. Tiền triệu như thế thì lấy ở đâu ra, thế là tác phẩm yêu cầu phải có “đề mô” trở thành tác phẩm “để mồ”.

Viết đến đây tôi giật mình tự hỏi: “Quái nhỉ, có ông nhạc sĩ nào đã được ngồi ở vi trí ban biên tập, hội đồng chấm giải mà lại chỉ nghe nhạc mới hiểu còn xem văn bản âm nhạc mà ở đây mới chỉ là loại văn bản ca khúc lại không tưởng tưỡng ra âm thanh được. Nếu thật là thế thì nhân loại chúng ta đã không có một Beethoven vĩ đại, ông này bị điếc cả hai tai mà.

Một cụ khác thì phân trần: “Mày tính, bài hát bây giờ phải đứa bọn trẻ nó đang nắm quyền nó duyệt, tuổi thì nó đáng tuổi con mình, tài thì… thì thôi chả nói đến tài nữa, nó duyệt rồi nó bỏ đi thì…thì …ngượng lắm, gửi đến làm gì. Thôi chả chơi!

Nghe đến đây tôi nghĩ: có tư duy” đặc quyền” nào ở đây không nhỉ?

Lẽ đời, làm các người có quyền duyệt bài thì phải là các nhạc sĩ trẻ vì già đến tuổi 60 là phải nhường chỗ rồi, Các nhà quản lý trẻ có chức thì phải có quyền có quyền thị tự tưởng là mình có tài! Khổ thế!

Tóm lại, lý do hết hơi, lý do không có tiền chạy làm tác phẩm, để có “đề mô” duyệt bài, lý do tác phẩm bị những nhạc sĩ đang chức, đang quyền bỏ đi - ba lý do đã nêu ở trên, cái nào là chính. Xin nhờ Hội Nhạc sĩ Việt Nam tìm hiểu hộ để có câu trả lời xác đáng.

Có được câu trả lời này chúng ta sẽ không để lãng phí chất xám của những bộ óc lão nhạc sĩ hãy còn tuyệt vời, không để mất đi các tác phẩm chưa đáng bị mất đi.

-Xin cám ơn các vị đã lắng nghe

-Xin chúc tất cả các anh chị, và các bạn có những ngày rất vui ở đại hội.

(Tham luận đọc tại Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020)

Trần Viết Bính

(Đồng Nai)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...