Ca trù – Phía sau đàn phách

21/02/2017

Giới thiệu sách Nghiên cứu văn hóa. Số trang: 232 trang; Khổ: 15,5 x 23,5cm
Tác giả: Nguyễn Xuân Diện

Giá bìa: 68.000 đồng
Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc vào tháng 1 năm 2017.

Ca trù – Phía sau đàn phách đem đến cái nhìn tương đối toàn diện về bộ môn nghệ thuật đặc sắc Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Có thể nói, khó có loại thể văn nghệ nào vừa sang trọng quý tộc vừa gần gũi dân dã như ca trù, với hành trình lịch sử đi từ truyền thuyết tiên nhạc đến các nghi lễ đền phủ, vào tận cung đình rồi trở ra với dân gian. Trong hành trình đó, với không ít thăng trầm, ca trù đã dung nạp đầy đủ sự linh thiêng của tín ngưỡng dân gian, sự nghiêm nhặt và trang trọng chốn cung đình, chất phóng khoáng nơi dân dã. Tính “hàn lâm” và chất nghệ sĩ thể hiện rõ trong âm luật, thể cách ca trù; cùng với những điểm rất riêng trong biểu diễn gắn liền với kép hát đào nương, sinh hoạt giáo phường ả đào... được trình bày ngắn gọn và khoa học, giúp độc giả tiếp cận dễ dàng và mạch lạc.

Một phần rất hấp dẫn của cuốn sách, là những câu chuyện phía sau đàn phách, được kể bởi các nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng từ xưa đến nay, mà hầu hết trong số đó chính là những “con nghiện” nhà tơ và là lực lượng sáng tác lớn của ca trù. Quả như tác giả biên sách này đã viết: “Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà... Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù, bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.” Cùng với chuyện văn nhân tài tử, cả một không khí sinh hoạt văn nghệ thời tiền chiến được tái hiện, với những địa danh nức tiếng gắn với các giáo phường ả đào như Xóm Khâm Thiên, Thái Hà, Ngã Tư Sở, Gia Lâm...

Khôi phục và lan tỏa văn hóa truyền thống đang là một yêu cầu bức thiết được đặt ra trong xã hội hiện đại. Những nét văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc cần phải được trân trọng gìn giữ, tôn tạo và truyền đến thế hệ sau. Ca trù – phía sau đàn phách đem đến thông điệp ý nghĩa đó cho độc giả, từ sự dày công nghiên cứu, gắn bó và tâm huyết với văn hóa nước nhà của tác giả Nguyễn Xuân Diện.

Nhà xuất bản Phụ nữ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc, như một món quà đầu xuân.

Tác giả
TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN DIỆN

Sinh năm 1970 tại Đường Lâm, Sơn Tây, HN. Hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Lĩnh vực nghiên cứu: Nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng, văn hóa làng xã, văn học Hán Nôm.

Các công trình đã xuất bản:
- Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù. Nxb. KHXH, H. 2000. 
- Thơ Hát nói xưa và nay. Soạn chung với Hoài Yên. Nxb Văn hóa Dân tộc, H, 2013.
- Đặc khảo Ca trù Việt Nam. Viết chung. Viện Âm nhạc. H. 2006
- Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù- khảo sát nguồn tư liệu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 
Nxb. Thế giới, H. 2007, tái bản năm 2010.

Tham gia hồ sơ “Hát Ca trù người Việt” để đệ trình UNESCO vinh danh Ca trù là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”. Thuyết trình về Ca trù tại nhiều nơi trong và ngoài nước từ năm 2005 đến nay.

Bìa 4
Ca trù Phía sau đàn phách

- Là bề dày lịch sử và chiều sâu nghệ thuật một bộ môn đặc sắc của Việt Nam, từ truyền thuyết tiên nhạc đến các nghi lễ ở cửa đình, đi tới cung đình rồi lại trở ra với dân gian.

- Là thân phận những đào nương dâng cả thanh sắc tuổi xuân cho một nghệ thuật chuyên nghiệp.

- Là mối duyên văn tự và tơ trúc giữa văn nhân và ả đào ghi dấu không phai mờ trong lịch sử văn chương dân tộc.

- Là những biến thiên của lịch sử mà ca trù gửi vào trong câu hát thế cuộc bể dâu.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...