Ca sĩ và hành trình “độc đạo” trong âm nhạc

10/02/2014

Nhân câu chuyện ca sĩ Tùng Dương vừa chính thức ra mắt album với tựa đề hàm chứa nhiều ẩn ý về con đường riêng của một nghệ sĩ nào cũng phải đi, đó là “Độc đạo”, nhìn lại số đông các ca sĩ đang thành công hiện nay, con số những người dám “một mình một đường” ấy chỉ là số ít.

“Độc đạo” có phải là duy nhất?

Bất kì ca sĩ nào khi dấn thân vào con đường nghệ thuật và tìm cho mình một vị trí xứng đáng đều mong muốn tạo ra được những sản phẩm âm nhạc “duy nhất”. Tham vọng đó không thể nằm ở phát ngôn là tôi thích sáng tạo cái mới, luôn thay đổi không nhàm chán và đi tìm giá trị mới cho âm nhạc mà phải hành động thật sự để tìm cái “duy nhất” ấy không mệt mỏi. Nhạc Việt nhiều ca sĩ, nhiều bài hát, nhiều sân khấu nhưng hiếm những ca sĩ dám đi trên một con đường riêng ấy.

Điều này không lạ với thế giới, nhưng đôi khi để chiều lòng số đông khán giả chỉ coi âm nhạc là nghệ thuật giải trí thuần túy, ít ca sĩ nào dám đi trên một con đường khó đến như vậy.

Đương nhiên “độc đạo” trong bối cảnh hòa nhập, tìm kiếm thị phần rộng lớn và để có được khán giả ít ra ở số lượng an toàn không thể nào tự biến mình thành “duy nhất” được. Thường khi ca sĩ tự biến mình thành “duy nhất” đôi khi lại bị phản ứng ngược cho rằng họ là “lập dị”. Đếm đi đếm lại, những ca sĩ đi theo hành trình “độc đạo” ấy hiện nay rất ít, và chúng ta cũng cần làm rõ thế nào mới gọi là “đường riêng”. Rõ ràng, ngay cả những cái tên đình đám như Tùng Dương, Đức Tuấn, Thu Minh, Phạm Thu Hà, Nguyên Thảo, nhóm 5 Dòng Kẻ đôi khi cũng còn một chút bâng khuâng để chọn lựa cho mình một phong cách âm nhạc “thích nghi” tốt nhất với bối cảnh, đặc thù riêng ở Việt Nam.

 

Nếu trên thế giới, chúng ta không khó tìm kiếm những ca sĩ chuyên về pop, jazz hay dance nhưng ở Việt Nam, đó là thử thách lớn cho người nghệ sĩ. Dù vậy, khán giả vẫn có thể tìm cho mình những gương mặt đến thời điểm này có thể gọi là đã tạo được vị trí trên con đường riêng của mình. Đó là một nữ hoàng nhạc Jazz Tuyết Loan, một Tùng Dương luôn cổ quái trong âm nhạc, một Đức Tuấn với semi classic, Thu Minh chiếm hữu dòng nhạc Dance, Phạm Thu Hà mang hơi thở cổ điển... Không hẳn là những ca sĩ này đã chọn “độc đạo” ngay từ đầu cho phong cách âm nhạc của mình nhưng họ đã định hình, tạo dựng thương hiệu trong suốt quá trình dài từ một dòng nhạc điển hình.

Đầu tư không ít thời gian, kinh phí cho những chuyến làm album tại nước ngoài, hay mang cả nghệ sĩ quốc tế vào live show ở Việt Nam, ca sĩ Đức Tuấn đã tạo nên một con đường riêng cho đến thời điểm này không có một ca sĩ nào dám bước qua. Có thể đó chưa hẳn là một con đường thú vị để trở thành xu hướng, nhưng semi classic đã giúp cho Đức Tuấn tạo được tiếng vang và vị trí xứng đáng. Dù hiện tại, Đức Tuấn có nhiều ấp ủ cho các sản phẩm độc đáo với nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng anh vẫn luôn cố tìm tòi mang được dấu ấn cá nhân đó là theo đuổi dòng semi classic vào chính mảng ca khúc nổi tiếng này.

 

Hay ca sĩ Thu Minh, dù trước khi có thành công với Dance, khởi sự từ album “Thiên đàng” hợp tác cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, album “Ngôn ngữ cơ thể” cùng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, hay mới nhất là hit Hot, ballad và pop vẫn là mảng thành công không nhỏ. Nhưng trong khoảng 5 năm, dấu ấn Thu Minh để lại và đưa cô đến với vị trí không hề nhỏ trong làng giải trí hiện nay chính là dance, và Thu Minh cũng không lơ là tô đậm hình ảnh ấy mọi lúc mọi nơi từng chi tiết một. Vì vậy, Thu Minh hiện tại vẫn được xem là ca sĩ có con đường riêng với Dance thành công nhất hiện nay.

Và số hiếm như nghệ sĩ Jazz Tuyết Loan vẫn luôn là hướng đến của nhiều ca sĩ khi nghĩ đến hành trình “độc đạo” ấy. Trong số đó phải nhắc đến ca sĩ Tùng Dương, người đã khởi xướng, dò tìm và thành công trên con đường riêng của anh một cách độc đáo. Hai album đã rất thành công của Tùng Dương là “Những ô màu khối lập phương” và “Li Ti” đã cho thấy xu hướng trong âm nhạc của anh chỉ có một. Ngay cả phong cách trình diễn, khán giả vẫn thấy đó là một nghệ sĩ nhất quán điển hình nhất từ trước tới đây. Và album mới nhất đúng cái tên “Độc đạo” mà anh vừa ra mắt đã được thực hiện tại Pháp cũng là một sản phẩm không hề “nhỏ” trong làng nhạc hiện nay.

“Độc đạo” gồm 11 ca khúc, trong đó có những bài hát mới và một số bài được làm mới: “Độc đạo”, “Con ốc” (Lưu Hà An); “Thể đơn bào”, “Cuộn” (Sa Huỳnh)…. Bên cạnh đó, album còn có một tác phẩm jazz của Nguyên Lê là “Ánh trăng khuya” viết cho thanh nhạc và dành riêng cho Tùng Dương. Album tiếp tục thể hiện một Tùng Dương ma quái, giọng hát đầy kĩ thuật, đủ mê hoặc người nghe và khiến khán giả phải nhớ đến anh dù thích hay không thích... Những album dạng này hiếm, quý và thú vị nhưng liệu có con đường nào tồn tại thật sự không cho họ khi nhất định đi trên con đường riêng?

 

Sẽ trở thành xu hướng?

Dù không ít lần các ca sĩ chọn hướng đi “độc đạo” phải đối thoại với chính mình và giới truyền thông để làm rõ rằng, họ sẽ trở thành người có được phong cách, và dòng nhạc duy nhất. Nhưng cho đến thời điểm này, sự băn khoăn ấy đã phần nào được giải đáp bởi các sản phẩm âm nhạc và thành công rất cụ thể. Album của Tùng Dương không chỉ được chú ý trong nước mà anh đã có một số kênh phát hành quốc tế. Một cơ hội mới được mở ra cho các ca sĩ đi “độc đạo” vì chỉ có tính duy nhất mới giúp họ được nhận diện trên một thế giới âm nhạc rất rộng lớn ngoài kia.

Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự chuyển dịch của gu thẩm mỹ và cách nghe nhạc của khán giả. Mặc dù hiện tượng số đông vẫn thắng thế nhưng khán giả tinh lọc, khán giả yêu một dòng và một phong cách ngày một đông hơn. Điều đó trở thành độc lực giúp cho hàng loạt các sản phẩm, live show có tính cá biệt đã mạnh dạn được thực hiện. Ví như nhóm 5 Dòng kẻ không ngần ngại ra một album world music đồng chất ngay thời điểm này. Hay các show ca nhạc sẵn sàng dành riêng cả chương trình hàng tháng cho nhạc xưa... Đã đến lúc nhạc Việt có xu hướng mới, đó là tạo nên những con đường riêng ở lớp ca sĩ mới. Không thể hoài cổ và ôm ấp thành công của quá khứ để tiếc nuối mà chính những cái tên đang hiện hữu và thành công đã làm nên xu hướng ấy.

Dấu hiệu đi tìm vào chiều sâu của từng dòng nhạc, chọn cách làm các album “nguyên chất” đúng nghĩa chính là phát báo hiệu ý nghĩa cho những con đường riêng sắp tới sẽ không còn nhạt nhòa trong nhạc Việt. Hơn nữa, cơ hội thành công khi bước ra thế giới không thể dành cho những ca sĩ thiếu cá tính lẫn phong cách âm nhạc đặc thù mang phẩm chất tài năng cá nhân.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...