Cả nhà “nghiện” bài chòi giữa đảo Cù Lao Xanh
Giữa mênh mông sóng biển, mỗi khi chiều tà, tiếng hô bài chòi lại phát ra từ ngôi nhà nhỏ của ông Trần Hữu Phước (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, Bình Định) vang vọng giữa cả làng chài trên đảo Cù Lao Xanh.
Bình Định: Cả nhà “nghiện” bài chòi giữa đảo Cù Lao Xanh
Hát cho đỡ “thèm”
Chiều dần tàn, khi những chiếc ghe được kéo lên bờ, công việc nhà cũng tạm xong, ông Phước lại ra hiên nhà ngồi hát mấy điệu bài chòi cổ. Ông Phước bảo hát bài chòi để cho đỡ “thèm”, những ca từ rất mộc mạc nhưng đó cũng là niềm vui cho riêng ông và cả gia đình ông.
Cầm tấm thẻ bài chòi trên tay, ông Phước kể: Từ nhỏ, ông đã mê bài chòi cổ khi nghe bà nội thường hay hát. Tôi nghe và hát theo rồi hát bài chòi ngấm vào máu từ lúc nào không hay. Năm 2011, Trung tâm văn hóa TP Quy Nhơn mở lớp học bài chòi tôi liền đăng ký tham gia rồi quay về đảo để cùng ngư dân thành lập Hội Bài chòi dân gian trên đảo Cù Lao Xanh- xã Nhơn Châu”.
Gia đình "nghiện" hát bài chòi trên đảo Cù Lao Xanh
Ông Phước cho biết, từ thời xưa bài chòi thường được tổ chức vào các dịp lễ Tết tại nhiều vùng nông thôn cũng như thành thị ở Bình Định. Trong bài chòi, “anh hiệu” là người hô những câu hát hứng với từng con bài như: Nhứt trò, Nhì bí, Tam quảng…
Bài chòi thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của nó trong các làn điệu: Xuân Nữ, Hò Quảng, Xàng xê, cổ bản và cùng các làn điệu dân ca như: Lý thương nhau, Vọng kim lang, Hò tát nước… Ca từ của bài chòi mộc mạc, dễ nhớ nên hô bài chòi trở thành môn nghệ thuật độc đáo dành cho ngư dân đặc biệt là cư dân trên đảo Nhơn Châu mỗi dịp lễ hội, Tết.
Thế nhưng, để hô được bài chòi hay thì anh hiệu ngoài nhớ và thuộc nhiều câu hát, ứng với nghĩa của các thể bài thì còn phải biết ứng biến với từng người chơi, biết áp dụng các trích đoạn hát bội cổ, các bài ca dao vào những chỗ hợp lý. “Chơi bài chòi là chơi hội, nên các anh hiệu phải dí dỏm, luôn phải tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình. Đặc biệt, để trở thành nhân vật anh hiệu trong bài chòi thì cần phải luyện tập rất công phu. Bản thân tôi từ nhỏ đã tuyệt đối không uống bia rượu, cà phê để giữ giọng”, ông Phước chia sẻ bí quyết.
Vượt sóng… hát bài chòi
Máu mê hát bài chòi không chỉ có ở ông Phước mà vợ con ông đều mê và hát bài chòi rất giỏi. Hơn 2 năm nay, cứ vào cuối tuần ông và vợ là bà Lê Thị Hoa lại bỏ dở công việc nhà, theo những chuyến tàu vận chuyển lương thực cho người dân đảo vào đất liền hát bài chòi phục vụ bà con, phần thỏa thú hát bài chòi của mình. “Ông nhà tôi chính là người “đầu độc” tôi và các con tôi mê mài chòi như hôm nay. Để tập cho các con hát bài chòi, ông tự chặt tre làm thành những con bài rồi hô hào, đối đáp. Nhờ đó, cả gia đình ai cũng biết nghệ thuật bài chòi”. Bà Hoa chia sẻ.
2 năm nay, cuối tuần vợ chồng ông Phước đi thuyền vào Quy Nhơn hát
bài chòi cho đỡ "thèm"
Con trai ông Phước, anh Trần Huệ Thiện dù còn rất trẻ nhưng cũng bị “nhiễm” bài chòi từ cha nên cũng thường theo cha mẹ vào Quy Nhơn hát bài chòi. Hiện anh Thiện là giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nhơn Châu và đạt giải Ba tại Liên hoan dân ca Bài chòi năm 2014 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức. Anh Thiện tâm sự: “Để hát được bài chòi thì ít nhất phải thuộc 27 câu hát đi đôi với 27 lá bài. Đối với thanh niên rất khó, đòi hỏi kỹ năng, sự va chạm với ngôn ngữ, giọng điệu và cả đam mê dành cho bài chòi”.
Người con trai thứ Trần Quang Nhơn hiện là sinh viên trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định mê bài chòi nên cũng thường đi hát cùng cha mẹ. Hai cô con gái cũng đang học đàn nhị, trống làm nhạc công cho các hội diễn. Mỗi khi công việc rảnh rang, cả nhà lại quần tụ bên nhau hô bài chòi, tiếng hô hát vang vọng phát ra từ ngôi nhà nhỏ rồi như lẫn vào tiếng sóng vỗ giữa mênh mông biển khơi không dứt.
Không có tiền mua thẻ bài hô bằng gỗ khắc, ông Phước tự chặt tre rồi dùng
bút bi viết các thẻ bài
Cả hai vợ chồng ông Phước là nghệ nhân đã đạt danh hiệu Nghệ nhân xuất sắc hô hát bài chòi và chạy hiệu tỉnh Bình Định; giải Nhì Liên hoan dân ca Bài chòi lần thứ 2- năm 2014 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức, cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác… Thế nhưng, nghiệp ca hát không đủ nuôi gia đình nên cuối tuần vợ chồng đi vào đất liền hát thuê, mỗi người chỉ 250 ngàn đồng/ suất “Chi phí đi lại ăn uống rồi chẳng còn được bao nhiêu, trong khi phải bỏ dở công việc gia đình nhưng vì yêu bài chòi nên không bỏ được”, ông Phước trải lòng.
Điều mà ông Phước lo lắng, hiện môn nghệ thuật bài chòi trên đảo Cù Lao Xanh có nguy cơ bị mai mọt do thiếu kinh phí tổ chức. Không có sân chơi, vợ chồng ông Phước cùng những người yêu bài chòi trên đảo phải lặn lội vào đất liền để hát phục vụ bà con.
(Nguồn: http://dantri.com.vn)