Ca khúc “Ở hai đầu con sóng”: Một đóng góp mới về đề tài biển đảo của nhạc sĩ miền quan họ

16/03/2015

Biển đảo là đề tài, cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ của giới văn nghệ sĩ nói chung, âm nhạc nói riêng ở nước ta nhiều thập kỷ qua. Thời gian gần đây, đề tài này lại càng trở nên cần thiết hơn khi Tổ quốc đặt lên vai các nhạc sĩ nước nhà trách nhiệm thiêng liêng, đó là sáng tác với tư cách người “chiến sĩ” trên mặt trận bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ấy vậy, nhiệm vụ là một chuyện, nhưng cảm hứng sáng tạo và ý tưởng nghệ thuật để cho ra đời một tác phẩm có giá trị lại nằm ở chỗ khác: tài năng và chất liệu thực tế của người nhạc sĩ có được. Và, trong nhiều ca khúc được viết trong thời gian gần đây, chúng tôi tìm đến “Ở hai đầu con sóng” (phỏng thơ: Hà Đức Doanh) vừa được hoàn thành Quý III năm 2014 bởi một nhạc sĩ miền Quan họ: nhạc sĩ Trọng Tĩnh.

Trọng Tĩnh sinh năm 1952, là lớp nhạc sĩ trưởng thành từ cuối những năm 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Được đào tạo chính quy chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), mặc dù được giữ lại làm cán bộ Phòng Đào tạo tại Trường, song với tình yêu quê hương, ông xin về cống hiến cho văn nghệ tỉnh nhà.

Trước khi về làm công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, ông bắt đầu với chức danh Trưởng Khoa Âm nhạc rồi sau đó là Phó Hiệu trưởng rồi làm Hiệu trưởng trường Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Là người đã từng có nhiều năm lăn lộn với công tác văn nghệ quần chúng ở quê Hà Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay, đã giúp nhạc sĩ có được vốn sống thực tiễn phong phú và, quan trọng hơn, có được tình cảm sâu sắc về quê hương để sau đó ông quyết định gắn bó với mảnh đất này sau khi hoàn thành chương trình đào tạo một cách bài bản. Đó cũng đồng thời là nguyên nhân để ông có được nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, từ những sáng tác khí nhạc như giao hưởng thơ “Cội nguồn”, tam tấu “Trăn trở” (viết cho flute, cello và piano); các tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc như tổ khúc “Đám cưới chuột”, “Tình xuân”, “Giao duyên Quan họ”; viết cho Đàn bầu cùng dàn nhạc dân tộc như “Khóm trúc sân đình”…cho đến nhiều ca khúc viết ở các hình thức khác nhau như “Trầm tư”, “Một mùa xuân mới”, “Sông quê em”, “Khúc giao duyên”, “Về quê Quan họ”, “Đi tìm câu hát”, “Hát về Gia Bình quê ta”, “Người trồng hoa cho Tổ quốc”, “Thành phố sau câu hát”, “Chào mừng thành phố trẻ Bắc Ninh”, v.v....

“Ở hai đầu con sóng” là ca khúc ra đời dựa trên cái duyên đặc biệt giữa nhạc sĩ với một Sĩ quan, Đại tá quân đội, anh Hà Đức Doanh, trong khoảng thời gian mười ngày ông và sáu Nhạc sĩ khác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử đi thực tế sáng tác về biển đảo ở Trường Sa, về người chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Với cảm quan trực tiếp của người nghệ sĩ khi được sống những ngày thực tế tại đảo, tất cả những cảm nhận của Trọng Tĩnh đã có sự gặp gỡ rất tự nhiên với ý tưởng thơ để ca khúc được ra đời với một cảm xúc mới, một đóng góp mới. Bao trùm toàn bộ tác phẩm là ý tưởng nội dung nghệ thuật mà ở đó, con sóng là hình tượng nghệ thuật để qua đó, nhạc sĩ vẽ nên bức tranh sinh động về quan hệ giữa người em gái nơi đất liền với người chiến sĩ biển đảo ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió. Cách triển khai mô tip này chúng ta có thể thấy ở nhiều ca khúc khác như “Gửi em ở cuối sông Hồng” (lấy hình ảnh biên cương và cuối vùng đồng bằng sông Hồng) của Thuận Yến (thơ Dương Soái) hay “Tình ta biển bạc đồng xanh” (con sóng và bờ cát, đất liền) của Hoàng Sông Hương,v.v… Song, ở hai đầu con sóng, ý tưởng nghệ thuật được đẩy mạnh lên qua các tuyến giai điệu, nhịp điệu được thay đổi liên tục, đặc biệt là khi tác giả để hai giọng hát: một nam, một nữ hát đối đáp nhằm thể hiện sự hòa trộn giữa hai không gian đất liền - đảo xa giữa cánh đồng lúa với biển khơi.

Có thể nói, với “Ở hai đầu con sóng”, giá trị của tác phẩm không chỉ thể hiện ở tính thời sự, tính nhân văn, sự trùng khớp giữa ý tưởng thơ và nhạc mà còn thể hiện rất tinh tế trong quá trình xử lý tác phẩm một cách rất chủ động và có kỹ thuật. Và, một tác phẩm nghệ thuật được coi là có đóng góp phải giải quyết hài hòa vừa tự nhiên vừa chủ động tích cực giữa hai yếu tố đó. Hy vọng đây sẽ là một tác phẩm được công chúng đón nhận trong thời gian tới.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt nam)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.