Ca khúc nhạc trẻ Việt đang dễ dãi và bị tầm thường hóa?

12/08/2014

Trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay, những bài hát có giá trị lại bị lấn át bởi những sản phẩm của nhạc thị trường.

Ca khúc “Chỉ có em”, sáng tác của Hoàng Tôn và một nhóm bạn trẻ là một trong những ca khúc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Nhiều ý người chê trách câu “Và chắc có lẽ sẽ chẳng ai yêu được anh đâu. Vì anh xấu hơn con gấu”.

Tương tự như vậy, ca khúc “Mình yêu nhau đi” của Bùi Bích Phương trở thành một trong những bài được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhưng nhiều người không thích câu hát “1, 2, 3, 5 anh có đánh rơi nhịp nào không? Nếu câu trả lời là có anh hãy đến ôm em ngay đi”.


Nhạc Việt đang quá dễ dãi? (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các bài hát với ca từ rất đơn giản, dễ nhớ như: “Anh không đòi quà”, “Anh không phải hot boy”… không chỉ được chia sẻ, mà lời của các ca khúc này đã trở thành câu nói cửa miệng của không ít người trẻ. Nhiều người cho rằng, chính ca từ dễ nghe dễ thuộc, đánh trúng tâm lý của lớp khán giả trẻ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các ca khúc của họ được đón nhận.

Trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay, những bài hát có giá trị lại bị lấn át bởi những sản phẩm của nhạc thị trường. Rất nhiều ca khúc với những giai điệu nhạt nhẽo, sao chép, ca từ gây phản cảm, than thở khóc lóc, chen lẫn tiếng nước ngoài... lại được chú ý nhiều hơn những bài hát hay. Những bài hát tưởng như rất “lãng xẹt” lại trở thành hiện tượng đáng chú ý, thậm chí có người đánh giá là làm "rung chuyển giới Showbiz"!

Trước tình hình này, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng: âm nhạc quần chúng đang có xu hướng phát triển tuỳ tiện. Nếu chúng ta chấp nhận, thậm chí quảng bá cho những việc tương tự thì nền ca khúc quần chúng mãi mãi chỉ là nghiệp dư, hỗn loạn.

Theo nhạc sĩ Quỳnh Hợp, để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên thuộc về các phương tiện truyền thông: “Ngoài các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đã tiếp tay gián tiếp, thậm chí trực tiếp quảng bá. Những bài hát tử tế, được đầu tư công phu thì truyền thông không đưa, cái dở thì đưa ầm ĩ, đài truyền hình mời đến phỏng vấn giao lưu. Các nhà tổ chức sự kiện cũng dựa vào đó để kiếm lời”.

Về các ca khúc “bình dân” này, có người cho rằng, khán giả đang có xu hướng ưa chuộng các ca khúc càng đơn giản, càng ít từ ngữ càng tốt, đi thẳng vào vấn đề và gần gũi với cuộc sống. Tuy nhiên, cần phân biệt khái niệm "giản dị" và "dễ dãi". Các ca khúc hiện nay đang được lưu hành thiên về sự dễ dãi, tầm thường, chứ không phải là sự giản dị, trong sáng.

Theo Tiến sĩ Chu Văn Sơn (Giảng viên trường Đại học Sư phạm HN) sở dĩ có tình trạng này là do dân trí âm nhạc chung chưa cao, vì thế khán giả chưa thể hưởng thụ được âm nhạc cao cấp. “Bây giờ là thời nhu cầu giải trí rất mạnh, cùng với đó là công nghệ giải trí rất phát triển, nó có thể làm lung lay những giá trị âm nhạc đích thực” - TS Chu Văn Sơn trăn trở.

Một câu hỏi đặt ra là: Liệu việc ca khúc bình dân được viết theo lối dễ dãi, tầm thường đang dần dần trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ, có phải là dấu hiệu đáng báo động cho sự xuống dốc của ca khúc Việt hay đây là điều tất yếu của xã hội?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Những ca khúc bình dân đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội nhưng không tồn tại được lâu. Tài năng của các nhạc sĩ trẻ hiện nay chỉ làm được những ca khúc như vậy thì phải chấp nhận, giới trẻ chấp nhận nghe những thứ không có tài. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi nhận thức của lớp trẻ. Chúng ta không nên nhìn vào khuyết tật của nền âm nhạc bởi "cơ thể âm nhạc Việt Nam" vẫn khỏe mạnh, số đông vẫn hướng về cái đẹp, những giai điệu đẹp mãi mãi sống”.

Để âm nhạc Việt Nam phát triển mạnh hơn, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cần có sự đầu tư đúng hướng. "Cần có sự đầu tư lâu dài và chiều sâu cho các lĩnh vực sáng tác âm nhạc kinh điển, bác học và âm nhạc dân tộc, kể cả lực lượng sáng tác, lực lượng biểu diễn và đặc biệt là lực lượng công chúng. Chúng ta phải xây dựng được lực lượng công chúng biết thưởng thức âm nhạc, biết yêu âm nhạc và đánh giá các loại hình âm nhạc khác nhau. Đó mới là nền tảng cho một nền âm nhạc phát triển lâu bền có sự phát triển hưng thịnh...” - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Nhạc sĩ người Nga Prokophiev từng nói: "Người nhạc sĩ không được chiều theo khán giả, hạ thấp thẩm mỹ như phong cách quần chúng dân dã, khẩu vị thấp kém...". Sứ mệnh của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp là phải hướng dẫn, nâng cao thẩm mỹ và trình độ của công chúng. Thiết nghĩ, đó cũng là phương châm cho các nhạc sĩ Việt Nam sáng tạo tác phẩm có giá trị, tạo dựng môi trường âm nhạc lành mạnh./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...