"Bông hoa nhỏ" từ cánh rừng Mozart

28/01/2016

Thiếu nhi Việt Nam từ lâu đã biết tới một bông hoa nhỏ trong "cánh rừng Mozart". Đó bài hát Khát vọng mùa xuân mà nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển soạn lại từ lied Sehnsucht nach dem Frühlinge của Mozart với phần lời tiếng Việt và tiết tấu chậm hơn để các em thiếu nhi có thể hát được. sự kiện nóng

Ca khúc: Sehnsucht nach dem Frühlinge, K. 596

Âm nhạc: Wolfgang Amadeus Mozart

Lời thơ: Christian Adolf Overbeck

Thể hiện: Elly Ameling (soprano) và Dalton Baldwin (piano)

Trong các nhánh của ca khúc nghệ thuật, thể loại lied gắn liền với âm giọng thực tế của ngôn ngữ Đức, thể loại mélodie gắn liền với âm giọng thực tế của ngôn ngữ Pháp. Các cường quốc nhạc cổ điển khác như Na Uy, Nga, Tây Ban Nha… cũng có một di sản đồ sộ ca khúc nghệ thuật.

Nhà soạn nhạc Pháp Maurice Ravel, tác giả của bản Boléro nổi tiếng, ngoài mélodie hát bằng tiếng Pháp còn viết ca khúc nghệ thuật hát bằng các thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha, Do Thái… dựa trên ca khúc dân gian của các dân tộc đó. Điều này mâu thuẫn trực tiếp với cách làm thông thường của thể loại mélodie nhưng đã làm tôn lên vẻ đẹp của cả hai thể loại.

Thời kỳ trước Ravel, bên cạnh các lied hát bằng tiếng Đức như Der Kuß (Nụ hôn), nhà soạn nhạc Đức Ludwig van Beethoven cũng viết hàng loạt ca khúc nghệ thuật hát bằng tiếng Anh dựa trên ca khúc dân gian của Scotland và Ireland.

Dù sống nhiều năm trên đất Pháp, một trong những cách thể hiện lòng yêu nước của nhà soạn nhạc Ba Lan Frédéric Chopin là chỉ sáng tác ca khúc nghệ thuật hát bằng tiếng Ba Lan dựa trên lời thơ của các nhà thơ Ba Lan ông yêu thích.

Ngược lại, Wolfgang Amadeus Mozart hứng thú phổ nhạc không chỉ thơ Đức mà cả thơ Ý và thơ Pháp. Ở thể loại thanh nhạc quy mô lớn như opera, ông soạn các vở có libretto bằng tiếng Đức như Die Zauberflöte (Cây sáo thần); Die Entführung aus dem Serail (Vụ trốn thoát ở hậu cung)… có libretto bằng tiếng Ý như Don Giovanni; Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro)…

Trong một cánh rừng rộng lớn là di sản âm nhạc đồ sộ mà Mozart để lại, ngoài nhiều cây đại thụ là các tác phẩm quy mô lớn (giao hưởng, opera…), còn có rất nhiều cây hoa nhỏ đủ loại hương sắc là các tiểu phẩm trong đó có ca khúc nghệ thuật.

Thiếu nhi Việt Nam từ lâu đã biết tới một bông hoa nhỏ trong cánh rừng này. Đó bài hát Khát vọng mùa xuân mà nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển soạn lại từ lied Sehnsucht nach dem Frühlinge của Mozart với phần lời tiếng Việt và tiết tấu chậm hơn để các em thiếu nhi có thể hát được.

Đến đây nào, tháng Năm thân yêu

Thơ: Christian Adolf Overbeck

Đến đây nào, tháng Năm thân yêu
Và làm cho cây xanh trở lại,
Và khiến những bông hoa tím nhỏ
Bên bờ suối bừng nở vì em!

Ôi em yêu thích biết bao nhiêu
Lại được ngắm hoa violet
Ôi chao, tháng Năm thân yêu hỡi,
Em vui sướng quá được dạo chơi!

Đúng là trong những ngày mùa đông
Cũng có nhiều niềm vui như thế:
Có thể phi nước kiệu trong tuyết
Còn buổi tối chơi rất nhiều trò;

Xây những nhà nhỏ bằng quân bài.
Chơi bịt mắt bắt dê và ẩn nấp;
Cũng có thể đi trượt băng nữa
Ở miền thôn dã thật đáng yêu.

Nhưng khi mà chim chóc hót vang
Và chúng em hân hoan vui sướng
Nhảy nhót trên thảm cỏ xanh biếc–
Thì lại là một chuyện khác rồi!

Chiếc gậy - ngựa của em bây giờ
Phải đứng ở trong góc kia thôi;
Vì nó không thể được dạo chơi
Bên ngoài vườn kẻo làm bẩn mất.

[Hầu như tất cả những phiền não
Của bạn Lottchen trĩu lòng em:
Bé gái tội nghiệp thật ủ ê
Đang đợi chờ hoa nở.](*1)

Em bày cho bạn - không kết quả
Những trò chơi để thời gian trôi,
Nhưng bạn ngồi trên bệ cửa sổ
Như mẹ gà trong ổ bé con.

Chao, giá mà thời tiết ấm lên
Và ngoài kia cây xanh hơn nữa!
Tháng Năm thân yêu ơi! hãy tới,
Chúng em – lũ trẻ cầu khẩn mà!

Ôi đến đây và mang theo về
Trước tiên là nhiều hoa violet!
Cũng mang nhiều chim sơn ca nữa
Cùng những con cu gáy xinh xinh!

Sehnsucht nach dem Frühlinge (Khát vọng mùa xuân), K. 596 hay còn gọi tên theo câu hát đầu tiên là Komm, lieber Mai, und mache (Đến đây nào, tháng Năm thân yêu) được Mozart viết cho một giọng hát và phần đệm piano. Lời ca là bài thơ cùng tên của Christian Adolf Overbeck.


Nguồn: ldianejohnson.com

Nhà soạn nhạc Robert Schumann cũng phổ nhạc bài thơ này của Overbeck nhưng lựa chọn của ông là viết cho hai giọng hát và phần đệm piano. Tên lied của Schumann là Mailied (Bài ca tháng Năm). Đây là bài số 9 trong tập Liederalbum für die Jugend (Những khúc ca cho tuổi trẻ) gồm 29 lied xuất bản năm 1849 của Schumann. Liederalbum für die Jugend cũng chỉ là 1 trong số mấy chục tập ca khúc nghệ thuật của Schumann.

Dù không giữ lại sự đối âm tuyệt vời giữa bè giọng hát và bè piano trong lied gốc của Mozart nhưng phiên bản tiếng Việt Khát vọng mùa xuân của nhạc sỹ Phạm Tuyên đã chuyển dịch thành công tinh thần lời thơ của Overbeck. Ở châu Âu, tháng Năm là tháng của mùa xuân. Mong chờ tháng Năm cũng là mong chờ mùa xuân - niềm mong chờ không của riêng ai mà của toàn nhân loại.


Nguồn: wallcoo.com

Với giai điệu đẹp và cảm xúc trong trẻo, Khát vọng mùa xuân - bông hoa nhỏ từ cánh rừng Mozart, đã trở thành bài hát yêu thích của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Không ít người lớn cũng rất yêu thích bài hát này.

Xin cám ơn nhà thơ Overbeck! Xin cám ơn nhà soạn nhạc Mozart! Và xin cám ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên vì từ "khát vọng mùa xuân" tôi đã tới thăm cánh rừng Mozart để rồi tới thăm nhiều cánh rừng mênh mông khác nữa.

Này mùa xuân ơi đến mau đây để cho thêm xanh lá cây rừng.
Trở về rừng bên suối trong lành nhìn hoa đang hé tưng bừng.

Ghi chú (*1): Mozart loại đi khổ thơ này khi phổ nhạc.

Đôi điều về ca khúc nghệ thuật

Giống như hầu hết các cách phân loại tác phẩm trong âm nhạc cổ điển, rất khó có thể đưa ra một định nghĩa tuyệt đối chính xác về thể loại ca khúc nghệ thuật. Điều này không chỉ vì sự mờ nhạt của các quy tắc mà theo đó nhiều tác phẩm đương đại được viết ra, mà còn vì sự chồng chéo của nhạc pop, nhạc broadway và nhạc dân tộc dân gian.

Với những người yêu nhạc cổ điển, ca khúc nghệ thuật thường được hiểu là những tiểu phẩm âm nhạc do các nhà soạn nhạc cổ điển viết dựa trên lời thơ sẵn có, dành cho các giọng ca được đào tạo thanh nhạc cổ điển bài bản cùng phần đệm (thường là piano).

Trong suốt buổi biểu diễn ca khúc nghệ thuật tại thính phòng hòa nhạc, dù tác phẩm ban đầu được dự tính viết cho salon, khán giả ngồi yên lặng, không hút thuốc, không ăn uống. Ca sĩ hiếm khi là nhà soạn nhạc của chính ca khúc nghệ thuật mình thể hiện. Ánh sáng hiếm khi thay đổi trong buổi biểu diễn và không có đòi hỏi gì đặc biệt về bối cảnh, trang trí sân khấu hay phục trang.

(Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.