Bông hoa cô đơn – Từ thơ đến nhạc

14/04/2016

Lê Thị Quý là một Giáo sư, Tiến sĩ về Xã hội học và là một nhà hoạt động hăng hái bảo vệ bình đẳng giới. Nói đến các công trình nghiên cứu, các dự án mà chị thực hiện, không ai lạ. Nhưng nói đến thơ của chị, đó là điều mới mẻ.

Chính vì thế, khi nhận chùm thơ mà Lê Thị Quý tặng, tôi rất ngạc nhiên và lý thú. Tôi đặc biệt quan tâm đến bài “Bông hoa cô đơn”. Đây là một bài thơ ngắn, không cầu kỳ, nhưng sâu sắc.

Mở đầu, chị viết:

Ta nhặt bên đường cánh hoa rơi
Nép trong sỏi đá, lấm bụi đời
Nhợt nhạt, mong manh trên tuyết trắng
Em đã chết rồi, bông hoa cô đơn

Đó là một đoạn miêu tả cụ thể về một bông hoa rơi trên tuyết. Nhưng, ẩn bên trong, đã gợi lên điều gì đó sâu xa hơn. Những “bụi đời”, “nhợt nhạt”, “mong manh” đâu chỉ nói về hoa? Đó là cuộc đời, với những thân phận hẩm hiu.

Chị viết tiếp:

Bông hoa cô đơn trong lãng quên
Của đời thường bạc bẽo
Thay em giờ trong bình sứ trắng
Những đóa hoa non, rực sắc hương

Sự liên tưởng đã mở ra một nội dung mới. Đó là sự loại thải và thay thế. Nói cụ thể, ở đây, là hoa tàn được thay bằng hoa tươi. Nhưng, tại sao lại là hoa “non”? Người ta chỉ nói cây non, người non, tình non (em em ơi, tình non đã già rồi – Xuân Diệu). Vậy thì, hoa non ở đây chính là hiện thân của những gì trẻ trung, tươi mới, đầy hương sắc thay thế cho “em” – bông hoa cô đơn. Liên tưởng rộng hơn, có chủ đích hơn, ta thấy hình ảnh của những người phụ nữ đã bị quá lứa, lỡ thì, bị đứng bên lề cuộc yêu đương.

Lê Thị Quý kết bài thơ:

Ta đến bên em trong cô đơn
Chẳng để sẻ chia nỗi xót thương
Bởi em cho đời, dù ngắn ngủi
Niềm vui, mà chẳng đợi đáp đền

Đây là cái kết bất ngờ và đầy nhân tính. Cô đơn thì vẫn cô đơn. Nhưng tác giả không than thở về nỗi cô đơn, mà khẳng định, tôn vinh sự hi sinh thầm lặng mà kẻ cô đơn đã hiến cho đời. Đó là niềm vui. Hiến dâng vô tư, không cần được đáp đền. Phải chăng, là một phụ nữ, lại là người bền bỉ đấu tranh trên trường bình đẳng giới, Lê Thị Quý thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng, cao quý của nữ giới, những người luôn luôn đem niềm vui đến cho cuộc đời?

Nhìn từ góc độ âm nhạc, “Bông hoa cô đơn” có cấu trúc chặt chẽ, khuôn khổ gọn gàng, trong thơ có giai điệu, cho nên rất phù hợp với một ca khúc. Tôi phổ nhạc cho “Bông hoa cô đơn” ở giọng thứ, một loại giọng chứa đựng nỗi buồn, nhưng không để giai điệu quá u uất, mà chỉ thoang thoảng buồn, để rồi sáng lên ở đoạn kết. Tôi cũng chọn viết ca khúc ở dạng hai đoạn đơn, không có phần tái hiện, cho phù hợp với cấu trúc và ý tứ của bài thơ. Đoạn mở đầu, giai điệu thoảng buồn, nhịp điệu buông lơi:

Ta nhặt bên đường cánh hoa rơi
Nép trong sỏi đá, lấm bụi đời
Nhợt nhạt, mong manh trên cát trắng
(Nhợt nhạt, mong manh trên cát trắng)
Em đã chết rồi, (Em đã chết rồi) bông hoa cô đơn

Thủ pháp láy cụm từ, nâng cao độ của giai điệu ở cụm láy giúp cho nhạc có đủ lời, nhưng quan trọng hơn, là giúp nhấn mạnh vào đối tượng phản ánh, tạo thế phát triển cho âm nhạc.

Tới đoạn phát triển, thủ pháp láy cụm từ và nâng cao độ cụm từ láy tiếp tục được vận dụng, đồng thời thay đổi tiết tấu, thể hiện sự dâng trào của cảm xúc:

Bông hoa cô đơn
Bông hoa cô đơn của đời bạc bẽo
Bông hoa cô đơn
Hôm nay thay em trong bình sứ trắng
Những đóa hoa non, rực sắc hương
Bông hoa cô đơn
Bông hoa cô đơn, ta đến bên em
Chẳng để sẻ chia nỗi niềm thương xót

Lần hát thứ nhất được dừng ở đây chứ chưa đi hết bài thơ, để người nghe có thể lắng lại, suy nghĩ. Một đoạn nhạc nối, với giai điệu sáng sủa, tiết tấu có chỗ dồn dập dẫn hướng suy nghĩ cho người nghe – hướng về một sự lạc quan.

Lần hát thứ hai cũng tạm dừng ở câu “Chẳng để sẻ chia nỗi niềm thương xót”, nhường chỗ cho đoạn nhạc không lời cất lên. Người nghe tạm bỏ qua phần lời để thưởng thức, suy ngẫm, sau đó nghe câu kết:

Vì em cho đời, dù ngắn ngủi
Niềm vui, (niềm vui, niềm vui) mà chẳng đợi đáp đền...

Với ý thơ đã chuyển sang phần ngợi ca, âm nhạc tăng dần độ cao, sáng láng hơn, rồi trở về tĩnh lặng, đem lại niềm tin cho người nghe ở những gì tốt đẹp của cuộc sống.

Ca khúc kết thúc ở đó mà không có phần tái hiện, vì cả tác giả thơ và tác giả nhạc đều muốn mở ra một bầu không khí mới cho niềm tin và sự lạc quan…

Đã phổ nhạc cho thơ của một số nhà thơ thân quen, tôi hiểu tâm lý tác giả thơ là muốn thơ của mình giữ được hình hài của nó khi khoác tấm áo âm thanh. Như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thường tỏ ra rất cảm động, thích thú khi nghe ca khúc phổ thơ của mình mà ít bị biến dạng đi. Chính vì thế, khi phổ nhạc cho thơ, trước hết tôi chọn bài thơ nào có cấu trúc tương đồng với cấu trúc của ca khúc để thực hiện. Với ca khúc này, cũng vậy. Nhưng, để không bị chạy theo thơ, tôi sử dụng một số thủ pháp thay từ (thường là từ đồng nghĩa, khác âm), láy câu, láy cụm từ, làm cho âm nhạc có sự phát triển tương đối độc lập mà không làm hỏng thơ.

Khi thu thanh BÔNG HOA CÔ ĐƠN, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long nói rằng, đây là một ca khúc để suy ngẫm. Mong rằng BÔNG HOA CÔ ĐƠN sẽ đem đến sự suy ngẫm lạc quan cho người nghe, trong niềm hứng khởi của sự thưởng thức âm nhạc.

Hà Nội, 17 tháng 3 năm 2016

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.