Bóc lột lao động trẻ em trong showbiz Việt

16/10/2013

Việc các tài năng nhí biểu diễn trên sân khấu không phải chuyện lạ trong showbiz Việt, nhưng khi hai gương mặt bước ra từ Giọng hát Việt nhí là Quang Anh và Phương Mỹ Chi trong một đêm phải diễn đến ba suất (hai địa điểm) tại Hà Nội, người ta không khỏi giật mình về cái gọi là khai thác lao động trẻ em trong showbiz.

Theo Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép sử dụng trẻ em dưới 13 tuổi nếu đó là các ngành nghề biểu diễn, văn hóa nhưng với những yêu cầu nghiêm ngặt: không quá bốn giờ/ngày và 20 giờ/tuần, không làm thêm vào ban đêm… Đó là chưa kể những quy định khác như người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho lao động trẻ em học văn hóa. Với showbiz Việt, những quy định đó gần như không tồn tại. Tại các sân chơi thi thố về ca hát, việc các em phải làm việc quá sức là điều không xa lạ. Ở các vòng ghi hình, các em phải biểu diễn, chuẩn bị từ sáng đến đêm khuya, đôi khi chỉ kịp lót dạ bằng bánh mì. Ở các vòng biểu diễn trực tiếp, dù thời gian lên sóng là một-hai tiếng đồng hồ, nhưng trước đó các em phải tập luyện, biểu diễn tổng duyệt chương trình… cả ngày. Đó là chuyện không chỉ ở Giọng hát Việt nhí mà còn ở Vietnam’s Got Talent, Đồ rê mí. Việc tạo điều kiện cho lao động dưới 13 tuổi học văn hóa càng xa xỉ hơn, nếu không muốn nói là ngược lại. Ban đầu nhà sản xuất chương trình thường cam kết không làm ảnh hưởng đến lịch học của các em. Nhưng rốt cuộc, chương trình “lại được” kéo dài vì càng kéo dài thì nhà sản xuất càng thu nhiều tiền từ quảng cáo.


Những vũ công nhí minh họa cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bằng những động tác "máu lửa"

Tận dụng sức nóng từ truyền hình thực tế, các đơn vị tổ chức biểu diễn không bỏ qua các đối tượng nhí này. Đó là lý do vì sao Quang Anh và Phương Mỹ Chi được săn đón. Theo gia đình Phương Mỹ Chi, trung bình mỗi ngày gia đình tiếp bốn-năm công ty đến bàn việc ký hợp đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động trẻ em không chỉ là ở tần suất bao nhiêu và giờ giấc thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - cha đẻ của ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang mà Phương Mỹ Chi thể hiện trong đêm chung kết, cho rằng một ca khúc như thế hoàn toàn không phù hợp với đối tượng như Phương Mỹ Chi. Việc phải cảm thụ một ca khúc quá sức, cũng là một cách áp đặt không phù hợp lên khả năng “lao động” của gương mặt nhí này. Đó là chưa kể, không ít gương mặt nhí phải xuất hiện trên những sân khấu không phù hợp với lứa tuổi. Phương Mỹ Chi, Quang Anh… xem ra chẳng có liên quan gì đến "gu" âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng vẫn có mặt trong liveshow của ca sĩ này với chủ đề Hãy về với anh vào 20/8. Đăng Quân - Quán quân Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên thì cho biết, sau khi đoạt giải em khá đắt sô… đám cưới. Nhóm múa Hoa mẫu đơn cũng bước ra từ chương trình này sau đó thường xuyên biểu diễn trong các chương trình tạp kỹ, event lẫn đám cưới, trong đó Thiên Khôi - một gương mặt của nhóm múa đã được mời biểu diễn trong vở múa đương đại Tích tắc vừa qua.

Không hề vô lý khi các quốc gia luôn có các điều luật lao động riêng biệt dành cho trẻ em. Theo một chuyên gia tâm lý, việc biểu diễn quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến việc học văn hóa mà còn tác động đến quá trình hình thành tâm lý và quan điểm sống của trẻ, nhất là khi các em ngộ nhận về hào quang và khả năng kiếm tiền của mình. Ở các nước khác, việc sử dụng lao động trẻ em, không chỉ trong showbiz, nếu sai quy định, không chỉ người sử dụng lao động mà cả người giám hộ của lao động đó cũng sẽ bị chế tài bởi pháp luật. Cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em của chúng ta đã ở đâu trong những lúc này?

Chuyện về lao động trẻ em trong showbiz không đơn giản chỉ là làm việc quá sức, mà còn là việc đặt một đứa trẻ vào vòng xoáy thị phi. Khi đó, đứa trẻ phải chịu đựng những điều không thuộc lứa tuổi của mình. Sau một ngày quá sức, đứa trẻ có thể nghỉ ngơi để lấy lại sức lực, nhưng sau một trận thị phi, đứa trẻ có còn là một đứa trẻ như xưa?

Theo điều 15, Nghị định 91 của Chính phủ, mức xử phạt cho hành vi lạm dụng lao động trẻ em quá nhẹ nhàng, chỉ “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cha, mẹ bắt con, người giám hộ bắt trẻ em mà mình giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em mà mình nuôi dưỡng làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép. Người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu sự phát triển của trẻ em”. Dù vậy, gần như chưa hề có trường hợp sử dụng trẻ em nào trong showbiz sai luật bị phạt. Vì thế, lao động trẻ em vẫn bị khai thác… vô tư.

(Nguồn: http://phunuonline.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...