Bình thường và phi thường

26/12/2013

Con người nói chung có thể không làm được việc phi thường, song không thể không làm những việc bình thường, như ăn, ngủ, thở, đi lại… Vì, hễ chúng ta ngừng làm những việc bình thường này ngay lập tức sẽ dẫn tới chuyện phi thường (nhằm chỉ tình trạng nguy kịch về thể trạng, sức khỏe, như không ngủ vài ngày, nhịn ăn một ngày, ngừng thở vài phút, thậm chí tim chỉ cần ngừng đập vài giây đã có thể dẫn tới tử vong). Nói thế thấy rằng, con người dù là bậc phi phàm chuyên làm việc phi thường cũng vẫn là một hữu thể tại thế chịu sự chi phối bởi quy luật của tự nhiên. Luật này quy hành vi của muôn loài, không riêng gì loài người về trật tự của vũ trụ. Ai đi ngược lại trật tự đó sẽ bị trả giá, thậm chí phải trả cái giá vô cùng đắt đỏ là chính mạng sống có một không hai của bản thân. Sức mạnh hùng lực của vũ trụ rõ ràng tiềm ẩn đằng sau và vượt lên trên giới hạn của sự sống muôn loài. Nó vừa thể hiện sự toàn vẹn của vạn vật, vừa mang sức mạnh hủy diệt ghê gớm. Theo quy luật tự nhiên, một kết cấu hoàn chỉnh thường mang giá trị tạm thời, còn năng lực hướng tới tình trạng hỗn độn, mất trật tự mang tính hủy diệt mới là luật thường. Phật giáo khái quát quy luật trên bằng quan niệm Vô thường, hiểu là cái thường của sự biến đổi. Kinh dịch với hàm nghĩa Biến dịch, Giao dịch và Bất dịch cũng nhằm chỉ tình trạng thường biến trong vũ trụ.

Suốt nhiều thế kỷ, triết học Hy Lạp từng lầm tưởng vũ trụ là một thể tĩnh. Nhà bác học thiên tài Albert Einstein cũng đã coi vũ trụ là một thể tĩnh để đến cuối đời ông phải viết một bài đăng trên tạp chí chuyên ngành công khai thừa nhận sai lầm đó của mình. Quả là phi thường! Cho tới thời cận đại, cộng với sự hỗ trợ của thiết bị quan trắc thiên văn, chúng ta càng ngày càng nhận rõ hơn tình trạng thường biến của vũ trụ. Luật thường biến chính là hệ thống Thiên pháp bất thành văn ràng buộc mọi hành vi nhằm duy trì bản thể sự sống, bao hàm cả cái chết theo ý nghĩa cuộc đời. Hàng ngày, trong từng khoảnh khắc, từng phút giây, thậm chí từng sát na, cuộc sống đều ẩn chứa những cuộc chia ly và sự hồi sinh. Sống chết là sự toàn hảo của trật tự vũ trụ. Những con phố có “lá hát như mưa suốt con đường đi” thực chất là hình ảnh chia ly đầy sáng tạo của thiên nhiên, đất trời. Đó là bản tình ca ngợi ca sự sống, một sự sáng tạo bao hàm cả hai nghĩa gặp gỡ và chia ly.

Tương truyền, nhạc sĩ vĩ đại người Ý Paganini khi trình diễn tác phẩm “Âm láy ma quỷ” của nhà soạn nhạc người Ý Giuseppe Tartini bị đứt mất một dây, ông bèn đàn trên ba dây, sau đó cây đàn đứt tiếp dây thứ hai, Paganini đàn biến tấu “Âm láy ma quỷ”. Hành động trên quả là phi thường. Trước sự chứng kiến của người đương thời, trong đó có vị công nương trẻ tuổi đã bước lên sân khấu bày tỏ sự thán phục, đan xen lời thách thức, mỉa mai rằng: “Tôi hy vọng sẽ có dịp được chứng kiến ngài biểu diễn trên cây đàn 1 dây”.

Và điều phi thường ấy đã xảy ra trong một lần biểu diễn khác, Paganini bước lên sân khấu với cây đàn violon chỉ có một dây. Và tuyệt phẩm “Biến tấu trên dây son” đã ra đời qua tài nghệ phù thủy, bậc thầy có 1 không 2 của nghệ sĩ Paganini. Tác phẩm này đã đi vào lịch sử âm nhạc, được nhiều nghệ sĩ vĩ cầm trên thế giới chọn lựa đưa vào nhạc mục trình diễn. Tất nhiên, người đời sau biểu diễn “Biến tấu trên dây son” bằng cây đàn hội đủ cả bốn dây, tuy ba dây còn lại kể như thừa. Và ngày 18 tháng 11 năm 1995 trong buổi trình diễn của nghệ sĩ violon người Ba Lan, Isaz Perman, lịch sử dường như lặp lại cho chúng ta ấn chứng về huyền thoại Paganini trong quá khứ. Hôm ấy Perlmahn đang chuẩn bị biểu diễn thì cây đàn cũng bị đứt dây. Trong sự mong đợi thay bằng một cây đàn khác, Perman đã lê bước khó nhọc trên dôi chân bị liệt bẩm sinh lên sân khấu để hòa tấu cùng dàn nhạc trên cây đàn thiếu dây.

Những giây phút phi thường vẫn lướt qua nhanh trên cuộc đời bình thường. Paganini làm nên lịch sử bởi khả năng phi thường của mình. Song, để có được năng lực đó, lịch sử không quên ghi chép lại thời thơ ấu gian khổ của ông. Bố Paganini vốn là một người nghiện rượu và cờ bạc - hai trong “bốn bức tường” đã đổ nát của một gia đình. Người cha vì muốn cậu con trai trở thành thiên tài nhằm cung ứng tài lực cho việc duy trì thói hư tật xấu của mình, ông ép cậu phải tập luyện cật lực, thường xuyên tập đàn tới 14 tiếng một ngày. Có những ngày bị bỏ đói, đánh chảy máu mồm vì đàn sai. Mưu đồ biến cậu con trai ưu tú thành “cây rụng tiền” đã phát huy tác dụng, khi mà tiềm năng phi thường của Paganini được phát huy cao độ.

Theo mô tả, kỹ thuật của Paganini đạt tới cảnh giới xuất quỷ nhập thần, ngón tay được ví như những tia chớp trên cần đàn, đi kèm với tài năng đó xuất hiện nhiều lời dèm pha, đố kỵ, không kém cả những quy kết độc địa, cho ông là hiện thân của quỷ Sa tăng dẫn đến bị tước quyền Giáo hội. Sau khi chết, Paganini không được rửa tội, quan tài phải treo lơ lửng trong hang núi, cho tới ngày đứa con trai về già mới chứng kiến lễ rửa tội cho cha sau ít lâu cũng đi vào cõi vĩnh hằng. Đây là một phiên bản khá bi đát về thân phận của một nghệ sĩ kiệt xuất. Một phiên bản khác cho rằng, sau khi trở nên nổi tiếng, giàu có, Paganini tiếp tục đi theo vết xe đổ của cha, lao vào cờ bạc, ăn chơi trác táng - những thói hư tật xấu bình thường của một con người đã phát huy khả năng phi thường, biến cuộc đời, số phận của con người tài danh này trở thành một tác phẩm chất chứa nhiều bi kịch. Điều không thể phủ nhận là, để trở thành thiên tài được ghi danh trong lịch sử âm nhạc, Paganini phải đánh đổi bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt. Thiên tài vốn là kết quả của 99% mồ hôi, nước mắt... cùng 1% tài năng xuất chúng. Tuy nhiên, 99% ấy mới mang giá trị bình thường, còn 1% phi thường có khả năng biến 99% kia thành ý nghĩa chỉ xuất hiện ở bậc thiên tài. Một nền giáo dục minh triết phải hướng tới khả năng biến 99% trở nên có giá trị nhờ 1% thông tuệ của người thiết kế. Nếu không, 99% của 99% sẽ bị đổ xuống sông xuống biển một cách lãng phí.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, 1% tài năng là không thể thiếu. Năm 2011, nhà Kinh tế học Mỹ J. E. Stiglitz đoạt giải Nobel đã viết bài báo với tựa đề “Của 1%, do 1%, vì 1%”. Cho dù nội dung sách đề cập tới lĩnh vực kinh tế, nhưng mở rộng ra trên nhiều địa hạt, đặc biệt là nghệ thuật rất có tác dụng tham chiếu. Chúng ta thường lãng quên số phận của 1% có ảnh hưởng tới 99% còn lại.

Khi đạo diễn Lý An làm bộ phim “Ngọa hổ tàng long”, phần âm nhạc được giao cho nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới Đàm Thuẫn viết với phần diễn tấu đầy tính chất bi tráng của nghệ sĩ Cello bậc thầy Yoyoma trong cuộc đối đầu với đàn Hồ truyền thống. Để vươn tới cảnh giới quỷ khốc thần sầu, bộ phim cần tới sự hợp tác của một ekip đạt tới tính đồng bộ từ ý tưởng đến tài năng. Xưa kia, tiếng trống Chùa thường giao cho những Cao tăng đắc pháp đạt tới cảnh giới Đại định đảm nhiệm. Tiếng chuông vang rền vang ba cõi, khiến cho loài ngọa quỷ nghe thấy cũng được giải thoát. Ý nghĩa biểu trưng của tiếng chuông khoan hãy bàn, nhưng rõ ràng, giá trị nghệ thuật, ý nghĩa nội hàm đã được đề cao. Ngày nay, nhiệm vụ gõ chuông thường giao cho những chủ tiểu, hàng Sadi mới nhập Sa môn đảm trách. Thử hỏi sao tiếng chuông không tránh khỏi hời hợt, vô cảm?

Bình thường và Phi thường vốn chẳng phải những giá trị mâu thuẫn nhau, từ khi còn trẻ cho đến lúc trưởng thành, già đi, tuổi của chúng ta so với tuổi trời, tuổi đất, tuổi trăng gió hồn nhiên không tuổi vẫn mãi chỉ là đứa trẻ. Đất trời đổi đắp, muôn vật sinh sôi, rồi tàn lụi, hình ảnh thiên nhiên luôn đọng lại trong tâm trí con người tác phẩm không bao giờ tái hiện lại nguyên dạng. Vượt lên trên hết, đa số đều là những chuyện bình thường. Động đất, núi lửa, sóng thần, thiên tai khủng khiếp… chiếm khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi. Điều phi thường tiềm ẩn đằng sau sức mạnh cuồng liệt, cao cả, vượt xa khả năng chế ngự của con người cũng chỉ là những phút giây xao xuyến của đất trời, so với chuỗi ngày bình yên, có gió thoảng, trăng sao, cỏ cây hoa lá êm đềm... Giống như ngày tết trên cõi nhân gian. Ví thử tết thuộc thời khắc phi thường trong chuỗi 365 ngày bình thường, rõ ràng, những ngày bình thường kia mới chính là năm tháng cuộc đời. Con người ta chủ yếu sống trong chuỗi ngày bình thường nhằm làm những điều bình thường, thay vì làm chuyện phi thường trong khoảnh khắc bất thường. Phi thường và bình thường không phải lúc nào cũng chuyển hóa được cho nhau, song, bất cứ giá trị nào sau khi trở nên phổ biến, chúng thực chất đều là Một.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...