Biểu diễn âm nhạc tuần hành trên đường phố

06/03/2013

1. Dấu tích một thời
Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức biên soạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có đoạn viết: “Cách phía nam trấn – Phiên An – mười hai dặm, đường hai bên tả hữu quan lộ, ấy là đường phố lớn thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông, bề ngang một con đường giữa, và một con đường dọc theo sông… Đầu phía bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu…, phía tây đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có Chương Châu hội quán. Gặp ngày tết, đêm trăng, tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt án, tranh đua kỹ xảo, trông như cây lửa, cầu sao, thành gấm vóc, như hội Quỳnh Dao, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu…”.

Nguồn sử liệu trên cho chúng ta thấy quang cảnh khu phố Hoa, nay thuộc địa bàn Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh vào các dịp khánh tiết, mùng 1 hay đêm rằm. Miếu Quan Thánh “đầu đường phố bắc”chính là hội quán Nghĩa An nằm trên đường Nguyễn Trãi, ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông và Chiều Châu tương ứng với Nhị Phủ miếu nằm ở góc đường Hải Thượng Lãn Ông cắt Phùng Hưng, miếu Bà Thiên Hậu và miếu Quan Đế đều nằm trên đường Nguyễn Trãi. Hội quán Ôn Lăng tọa lạc cuối đường Lão Tử, Chương Châu hội quán thì ngược về phía đầu đường Nguyễn Trãi. Tất cả các di tích trên đều còn hiện tồn tại khu vực Chợ Lớn, nơi tập trung đông đảo bà con trong cộng đồng người Hoa. Câu nói “kèn trống huyên náo”, thực chất là một thành ngữ của người Quảng Đông “La cổ huyên thiên” (chiêng trống vang trời). Như vậy, nếu tác giả Trịnh Hoài Đức không dùng thành ngữ trên như một biện pháp ẩn dụ, qua đó có thể khẳng định nghệ thuật âm nhạc truyền thống người Hoa đã du nhập vào đất Gia Định, địa bàn Chợ Lớn từ rất sớm, ít nhất cuối thế kỷ XVIII.

“Kèn trống huyên náo” nhằm chỉ hoạt động của các nhóm Phèng la (chủ yếu gồm chiêng, trống). Nhạc phèng la (hay la cổ, đồng la, chiêng trống…) có đặc trưng dễ nhận thấy là “đánh động” – một chức năng thông tin – thường xuất hiện trong các dịp lễ, như Nguyên tiêu, Vu Lan hoặc tang lễ… Loại hình âm nhạc này thực chất là nhạc lễ, hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các loại hình âm nhạc nghi thức, kể cả nhạc Duyệt binh, nhạc diễu hành… Chính vì thế, nhạc lễ bản thân nó không mang tính chất định tính, mà được định vị trong môi trường văn hóa cụ thể. Môi trường trình diễn trở thành điều kiện quyết định dạng thức của nó. Xét ở góc độ cơ cấu dàn nhạc hay bài bản đều vậy. Mặc dù trải qua thời gian dài tích hợp về bải bản cũng như làm định hình cơ cấu tổ chức, song vượt lên trên hết, tính chất phức hợp luôn bao trùm lên đặc điểm chung của lọai hình âm nhạc này. Điều đó giúp cho nhạc lễ có thể nhập thân vào rất nhiều môi trường khác nhau, từ môi trường tín ngưỡng, ca kịch, tang ma, cho đến các dịp lễ hội...

2. Náo Nguyên tiêu
Tục ngữ người Hoa có câu: “Chính nguyệt thập ngũ náo nguyên tiêu”, có nghĩa là: “Ngày rằm mười lăm tưng bừng lễ nguyên tiêu”. “Nguyên đán” theo tự hình tiếng Hán biểu trưng cho lúc mặt trời mới nhô lên khỏi mặt đất, chữ “nhật” nằm trên chữ “nhất”, hiểu là ngày đầu tiên của năm. Còn “Nguyên tiêu” có nghĩa là đêm đầu tiên có trăng của năm. Vào thời kỳ chưa có đèn điện, đèn trời (ông trăng) có tác dụng thắp sáng cho mọi hoạt động vui chơi ở cõi nhân gian. Nếu như tết chú trọng ở ý nghĩa, phần lễ, nguyên tiêu chính là dịp thể hiện niềm vui hân hoan mang tính chất hội. Các hoạt động trong dịp lễ Nguyên tiêu đều cố gắng thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, như hội đèn lồng, đi cà kheo, trình diễn sân khấu, múa lân, sư, rồng, hẩu… và một loại hình khá độc đáo còn bảo lưu đến hiện tại đó là biểu diễn âm nhạc tuần hành trên đường phố.

Biểu diễn âm nhạc tuần hành trên đường phố là một trong những họat động quan trọng diễn ra vào dịp lễ Nguyên tiêu. Trong số nhiều hoạt động tưng bừng xuống phố, từ lân, sư, rồng, hẩu… cho đến đi cà kheo, rước đèn, kiệu, gánh hoa, cờ, lọng, binh khí (phỏng theo thời cổ)… có biểu diễn âm nhạc tuần hành trên nhiều tuyến đường tại khu vực Chợ Lớn (bao gồm quận 5, 8). Số người tham gia vào đoàn tuần hành này thường rất đồ sộ, ngoại trừ nhóm nhạc lễ, còn có cả binh, tướng, thiếu niên, nhi đồng, với cờ, lọng, kiệu, gánh hoa, binh khí, mã la… Xét về cơ cấu lẫn đội hình, nó mang dám dấp của một đám rước dài miên man suốt cả con đường. Trong quá khứ, biểu diễn âm nhạc tuần hành trên đường phố chính là cách thức “xã hội hóa” nghệ thuật truyền thống, hiểu theo ngôn ngữ đương đại, đây là biện pháp nhằm “quảng bá” hình ảnh của nghệ thuật truyền thống đến với đại chúng. Ở vào thời kỳ thông tin chưa phát triển như ngày nay, không có sự hỗ trợ của phát thanh, không có kênh chuyển tải hình ảnh của truyền hình, phố phường trở thành môi trường lý tưởng để truyền bá và trình diễn nghệ thuật.

Cơ cấu tham gia biểu diễn tuần hành chủ yếu gồm nhạc khí gõ và hơi, như trống, la, kèn với nhiều chủng loại khác nhau. Theo cách gọi thông tục, những nhóm nhạc trên đều gọi là Đội phèng la (la cổ đội). La là chiêng; cổ là trống. Song, cách gọi như vậy xuất phát từ thói quen trong văn hóa. Trên thực tế, tham gia vào đội hình biểu diễn tuần hành còn có sự phối hợp tích cực của nhạc cụ hơi, dây, như kèn sôna, tiêu và đàn Tần (Sến), Nhị hồ... Có một điều thú vị rằng: xét hai câu “Kèn trống huyên náo” theo cách viết của Trịnh Hòai Đức và “La cổ vang trời” trong thành ngữ của người Quảng Đông về việc phản ánh cùng một hiện tượng cần đến sự kết hợp của cả hai “cơ cấu” trên mới làm hình thành biên chế của Đội la cổ. Bởi, trong trường hợp “Kèn trống huyên náo” vẫn còn thiếu “La – chiêng” và “La cổ vang trời” lại chưa có “kèn”. Và với cơ cấu gồm có cổ (trống), la (chiêng) và kèn (sôna) cho phép chúng ta liên hệ tới cơ cấu nguyên ủy của chúng là Nhóm nhạc cổ xuy.
Nhạc Cổ xuy hiểu đơn giản là một tập hợp nhạc khí gõ và hơi. Xuy có nghĩa là Thổi, chỉ cách thức kích âm điển hình của nhạc khí hơi; còn Cổ thuần túy là trống. Như vậy, chúng ta thấy xuất hiện ở đây một tổ chức âm nhạc khá phong phú về chủng loại, gồm có:
La: Mã la (hay còn gọi là Dẫn la), Đại la, Đại bát, Tiểu bát, Tô la, Thâm la, Nguyệt la, Cẩu tử la (theo thứ tự từ lớn đến nhỏ)
Cổ: Đại cổ.
Xuy: Đại Sô na, Tiểu sô na, tiêu.

Vào thời kỳ nhà Đường, giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa âm nhạc trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc, nhạc Cổ xuy thuộc Quân nhạc, bộ phận duy nhất chịu sự quản lý của Thái thường tự - cơ quan quản lý nhà nước về âm nhạc dưới triều đại phong kiến. Quân nhạc cũng giống như Nhã nhạc, nó thực chất đều là âm nhạc nghi lễ, thường có quy mô hoành tráng, mang tính chất bảo thủ những tập tục cũ. Việc biểu diễn tuần hành trên đường phố chính là một trong những hoạt động truyền thống của loại hình âm nhạc này được ký thác trên thực thể của nhạc lễ trong môi trường tôn giáo ngày nay.

3. Sự hồi sinh của âm nhạc đường phố
Ngày nay, môi trường biểu diễn của nhạc lễ có phần bị thu hẹp trước sự xâm lấn, thay thế của nhiều dạng thức văn hóa khác, song vào những dịp diễn ra hoạt động truyền thống, đặc biệt như tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Vu Lan, Trung Thu, chúng nhập thân dưới những hình thái khác nhau nhằm thể hiện thuộc tính đa dạng của mình. Biểu diễn âm nhạc tuần hành trên đường phố không gì khác hơn ngoài phục hiện lại bức tranh sinh hoạt trong quá khứ, ở đó, âm nhạc coi như thực thể được ký thác trên chính con người văn hóa lưu truyền qua các thế hệ. Mặc dù hình ảnh của quá khứ không thể còn hiện diện một cách đầy đủ trong đời sống thường nhật, nhưng dấu tích của nó vẫn để lại qua các hoạt động mừng lễ Nguyên tiêu… Vào dịp này, người ta tập hợp thành viên của mình tại cơ sở sinh hoạt (thường là cơ sở tín ngưỡng), cơ cấu ban nhạc kết hợp thêm đội hình nghi thức, gồm những người cầm cờ, lọng, gánh hoa, tướng, binh, trẻ nhỏ cầm đèn, trên cờ ghi những chữ cát tường: như Quốc thái dân an, Như ý cát tường, Hợp cảnh bình an… Đến giờ quy định, toàn đội hình sắp thành hàng dọc tiến hành tuần hành trên nhiều tuyến đường quanh khu vực Chợ Lớn - khu đô thị cũ tập trung nhiều hội quán, cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Quá trình tuần hành phải di chuyển qua nhiều cơ sở tín ngưỡng. Lộ trình có thể phải điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc vào tình hình giao thông. Trong quá trình di chuyển, các nhóm nhạc đều phải diễn tấu ở tư thế đứng. Nếu tính toàn bộ, kể cả đội hình nghi thức có khi lên tới hàng trăm người. Riêng đội hình dàn nhạc, đông nhất tập trung vào la (chiêng). Vì âm thanh của chúng phát ra rộn ràng, âm lượng lớn… lợi thế ở môi trường ngoài trời. Giữa đường phố ồn ào, âm lượng của chiêng, trống phát huy được tối đa hiệu quả của mình.

Nghệ thuật giống như cây đời mọc lên trên chính mảnh đất màu mỡ của xã hội, chứ không phải những chiếc “biển” được gắn lên một cách thực dụng, tầm thường. Nghệ thuật bản thân đã là một hoạt động trình diễn, mang tính phức hợp, chúng ta không thể nhìn nhận nó dưới bất kỳ lăng kính phiến diện nào, càng không cần đến sự ủy thác của những nỗ lực “chứng tỏ rằng ta có văn hóa hay không”. Họat động nghệ thuật có cơ chế tự điều tiết, sẽ thực sự phát huy hiệu quả trong xã hội với sự kiện toàn của các thiết chế văn hóa và một môi trường mang đậm tính nhân văn.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...