Biết ơn chị Võ Thị Sáu - Nguyễn Đức Toàn

18/05/2015

Với Côn Đảo và nghĩa trang Hàng Dương nơi có mộ chị Võ Thị Sáu Anh hùng, tôi chưa ra lần nào, nhưng có nhiều kỉ niệm. Chính tôi là người phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, người viết ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” năm 1957. Nhạc sĩ cho biết, khi viết bài hát này, ông cũng chưa biết cây lê ki ma là cây gì.

 
"Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu 1935-1952.”


Biết ơn chị Võ Thị Sáu - (Nguyễn Đức Toàn) - Thương Huyền

Đến bây giờ Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đức Toàn, người đại tá già, người nhạc sĩ từng được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vẫn chưa một lần được đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp cho chị Sáu một nén hương như câu hát của ông “Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu người nữ Anh hùng”.

Còn tôi, sau cả cuộc đời làm báo đến ngày về nghỉ hưu mới thực hiện được niềm mơ ước ra thăm Côn Đảo, nơi “địa ngục trần gian” khét tiếng. Và cũng chính nơi ấy đã trở thành trường học lớn của những chiến sĩ cách mạng trung kiên, một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.


Viếng Mộ Chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương

Đêm 16-7-2011, trăng lên rõ và sáng hơn cả đêm Rằm, cùng đoàn du khách vài chục người, chúng tôi về nghĩa trang Hàng Dương. Ngôi mộ chị Sáu nằm ở trung tâm khu B, nghĩa trang Hàng Dương. Năm 1975 khi thống nhất nước nhà, để tỏ lòng tôn kính chị, những người tù chính trị đã xây lại phần mộ.

Song những ai từng biết đến ngôi mộ chị Sáu trước đây, đều không thể quên hình ảnh ngôi mộ được xếp bằng hàng ngàn, hàng vạn những viên sỏi, những viên đá lớn, đá nhỏ… bằng tấm lòng thành kính, của những người bạn tù, những người dân trên đảo, mỗi người một viên sỏi nhỏ, theo tháng năm xếp thành mộ chị.

Ngôi mộ ấy với vô vàn chân nhang và những nhành hoa tươi suốt cả bốn mùa. Huyền thoại kể rằng, khi chị Sáu hi sinh, phía trước ngôi mộ của chị mọc lên một cây dương hai nhánh, một nhánh hướng phía Nam và một nhánh hướng phía Bắc xanh tốt tỏa bóng mát bên ngôi mộ.

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam được thống nhất. Không hiểu vì sao chính năm đó, nhánh dương hướng về phía Nam trên cây dương trước mộ chị đang xanh tốt, bỗng héo cành rồi chết hẳn.


Khí phách anh hùng của chi Sáu

Người trên đảo truyền rằng, đây là ý nguyện của chị Sáu đã được thực hiện nước nhà đã thống nhất. Đến năm 1993, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh kí Quyết định số 149, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Võ Thị Sáu, ý nguyện của chị được thực hiện, thì cùng năm ấy nhánh dương hướng về phía Bắc bắt đầu héo cành rồi cả cây lụi chết….

Không chỉ đến Côn Đảo mới nghe kể về sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu, ngay cả nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, người chưa một lần ra Côn Đảo, để thắp nén hương trầm tỏ lòng thành kính chị Sáu và những người chiến sĩ cách mạng yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương, vậy mà người nhạc sĩ có một niềm tin rằng chị Sáu linh thiêng đã cứu ông qua rất nhiều hiểm nguy.

Cách đây 54 năm, trước khi viết ca khúc “Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu” nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chưa biết lê ki ma là cây gì. Giờ đây ông đã biết đó là cây trứng gà. Nhưng ông vẫn không thể biết huyền thoại về cây lê ki ma trước mộ chị Võ Thị Sáu năm nay mới nở hoa, trỗ quả mùa đầu. Chiều ngày 17-7-2011, tôi trở lại viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương được nghe huyền thoại về cây lê ki ma trước mộ chị Võ Thị Sáu. Chuyện kể rằng, sau khi cây dương hai nhánh trước mộ chị Sáu chết vào năm 1993, Ban Quản lí nghĩa trang Hàng Dương đem một cây lê ki ma trồng vào nơi cây dương đã chết. Nhưng rồi cây lê ki ma cũng chết. Công ty cây xanh trên đảo lại trồng một cây lê ki ma khác thay thế.


(1935 - 1952)

Mùa Xuân năm 1995, ông Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị Võ Thị Sáu ở miền Đất Đỏ, đưa cây lê ki ma ra đảo trồng thế vào nơi hai cây lê ki ma đã chết. Kì diệu thay cây lê ki ma của miền Đất Đỏ bám rễ ăn sâu trên cội đất Hàng Dương, trước mộ người nữ anh hùng. 14 năm trôi qua, cây lê ki ma chỉ vươn cao quá đầu người, không ra hoa kết trái. Năm ngoái, năm thứ 15, cây lê ki ma trước mộ chị Sáu, bỗng nở hoa ra quả bói hiếm hoi nhưng rồi, quả bói cũng rụng dần khi trái vẫn non xanh.

Tháng Giêng năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 59 của chị Võ Thị Sáu, người ta nhìn thấy cây lê ki ma nở đầy hoa, sau mùa hoa, cây lê ki ma đã trỗ quả mùa đầu. Nghe người hướng dẫn viên du lịch nói vậy, chúng tôi đều ngước nhìn lên cây lê ki ma.

Có lẽ tôi là người đầu tiên của đoàn du khách phát hiện ra một quả nhỏ sau nách lá và chỉ cho mọi người xem, rồi tôi reo lên. Khi phát hiện nhành nào cũng có quả, có những nhành hai quả, có những nhành ba quả, giấu mình sau những nách lá và chùm lá buông dày. Người hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi: “Quả sai như vậy, nhưng cây lê ki ma đã bắt đầu rụng quả, khi trái vẫn xanh non". Còn cây trồng chỉ cao quá đầu người mà mãi mãi non tươi, như tuổi xuân của chị Sáu anh hùng mãi mãi trường tồn cùng sông núi.

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.