Bảo tồn văn hóa cồng chiêng bản Mường trước xu thế hội nhập
Trước những biến đổi mạnh mẽ của xã hội trong xu thế phát triển kinh tế, đổi mới, hội nhập toàn cầu, văn hóa nói chung và văn hóa cồng chiêng của cộng đồng người Mường (Hà Nội) nói riêng cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Một buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng trong đồng bào dân tộc Mường huyện Quốc Oai.
Ảnh: hanoi.gov.vn
Các thế hệ người Mường ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai đã gìn giữ, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Đối với họ, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang trong mỗi bản, làng đã trở thành những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với tâm hồn và đời sống văn hóa tinh thần của bà con nơi đây. Trong ngày Tết cổ truyền, lễ hội đầu xuân, ngày vui của bản, làng, dòng họ hay những chương trình văn hóa, văn nghệ… của đồng bào Mường nơi đây đều không thể thiếu những âm thanh trầm bổng của cồng chiêng.
Tuy nhiên, trước những biến đổi mạnh mẽ của xã hội trong xu thế phát triển kinh tế, đổi mới, hội nhập toàn cầu, văn hóa nói chung và văn hóa cồng chiêng của cộng đồng người Mường cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Các nghi lễ và sinh hoạt cộng động dần bị thu hẹp và đơn điệu. Các bài bản công chiêng mang đậm tính dân gian, các nguyên tác trình diễn đã dần bị lãng quên, mai một. Văn hóa cồng chiêng của người Mường trong các lễ hội đã không còn quy mô và đẩy đủ như trước, các dàn cồng chiêng quý hóa đã mất dần, số người biết đánh chiêng giai điệu rất ít, chủ yếu ở lứa tuổi trung niên, người già, còn giới trẻ chỉ biết khầm theo tiết tấu dàn chiêng. Nhiều nghệ nhân già qua đời mang theo cả kho tàng di sản văn hóa cồng chiêng mà khó phục hồi được…
Theo thống kê, trong huyện Quốc Oai, số lượng cồng chiêng Mường hiện còn lại không nhiều, đều trong tình trạng cũ. Tại xã Đông Xuân, nơi được đánh giá là có đội cồng chiêng hoạt động sôi nổi nhất huyện Quốc Oai cũng không lưu giữ được mỗi thôn có một bộ cồng chiêng 12 chiếc. Chính vì vậy giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Mường là việc quan trọng, có ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng dài lâu đến đời sống tinh thần của người Mường.
Phòng Dân tộc tổ chức lớp tập huấn dạy đánh cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số
huyện Quốc Oai. Ảnh: hanoi.gov.vn
Nhận thức rõ việc cần bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc Mường, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quốc Oai đã quan tâm, chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện mua thêm 03 bộ cồng chiêng và mời các giảng viên, các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Mường về tập huấn, dạy đánh cồng chiêng. Việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng nhằm giúp bà con hiểu và biết cách đánh cồng chiêng, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của bản Mường là việc làm cần thiết. Song cũng rất cần sự quan tâm hơn nữa của huyện và thành phố để mỗi thôn sẽ được đầu tư một bộ cồng chiêng tốt, đồng bộ, để tiếng chiêng được nối dài.
Hy vọng, từ những lớp học, trong tương lai không xa, tiếng chiêng lại ngân vang trên vùng đất đồng bào dân tộc Mường của Quốc Oai để mời gọi, thúc giục bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc…
(Nguồn: http://cinet.vn)