Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa hát múa nhà tơ – cửa đình

15/10/2015

Hát múa nhà tơ (hát cửa đình) đã trở thành nét văn hóa độc đáo riêng có của người Việt còn được lưu giữ trong dân gian.

Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của các làng, xã ven biển, đảo và vùng biên giới của Quảng Ninh, hát múa nhà tơ (hát cửa đình) đã trở thành nét văn hóa độc đáo riêng có của người Việt còn được lưu giữ trong dân gian. Đây là một trong những hình thức diễn xướng dân gian vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng là hình thức diễn xướng dân gian như hát ví, hát dặm, hát ca trù song hát nhà tơ (hay còn gọi là hát cửa đình) ở Quảng Ninh lại khá lạ lẫm với người nghe. Xuất hiện và phát triển từ trước cách mạng tháng 8 ở vùng cộng đồng người Kinh ven biển Đông Bắc, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính nghi lễ, phong tục này là hoạt động không thể thiếu trong mùa lễ hội dịp đầu xuân tại các đình làng ở Quảng Ninh.

Với mong muốn cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng được bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, các kép hát có thể hát thâu đêm, kéo dài suốt những ngày diễn ra lễ hội. Khi biểu diễn trong gia đình thì được gọi là hát nhà tơ, còn tại các đình làng thì được gọi là hát cửa đình.


Các nghệ nhân đang dạy hát nhà tơ - cửa đình

Di sản văn hóa phi vật thể hát nhà tơ, hát cửa đình hiện chỉ còn tập trung tại các xã ven biển Vân Đồn, Hải Hà, Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh và 2 xã vùng biên Vạn Ninh, Quảng Nghĩa (thành phố Móng Cái).

Ông Nguyễn Quang Vinh, chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hát nhà tơ - cửa đình tồn tại khoảng thế kỉ thứ 13, thời điểm Lý Thường Kiệt tập trung một lượng lớn quân về tập kết. Khi đó, người dân từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Đồ Sơn (Hải Phòng) ra Quảnh Ninh đánh cá, làm nghề. Sau đó dân lập nên một cái đình thờ, đền thờ tri ân người có công với nước. Vạn Ninh là một trong những cái nôi của hát nhà tơ - cửa đình, nơi duy nhất ở Quảng Ninh có đình thờ Lý Thường Kiệt”.

Ông Nguyễn Quang Vinh còn cho biết thêm, hát nhà tơ - hát cửa đình bắt nguồn từ ca trù Việt Nam. Cũng với những ca nương, với trống trầu, phách và đàn đáy nhưng ở hai loại hình này có nhiều khác biệt, mang lại những đặc trưng nghệ thuật riêng. Nếu như ca trù, người cầm trầu là người chỉ huy buổi hát thì ở hát nhà tơ, hát cửa đình, người hát lại là chủ công, trống trầu chỉ phụ đệm theo người hát.

Một sự khác biệt rõ nét nữa đó là hát múa nhà tơ, hát cửa đình có múa dâng hương, dâng hoa, dâng nến lên các vị thần và không gian múa chỉ diễn ra tại các đình làng trong ngày hội đầu xuân. Mỗi kép hát thường có 5 người, trong đó có một kép đánh đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu và 3 đào nương thay nhau hát.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biên Vạn Ninh nghèo khó, trong ký ức của nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Thảo (80 tuổi), việc học hát múa nhà tơ - cửa đình gắn với những chiều ngồi nghe mẹ hát, thấm dần trong những lần vừa đi đánh dặm vừa hát, rồi say mê khi mới 15 tuổi. Cho đến giờ, đã hơn nửa thế kỷ nhưng bà Hoàng Thị Thảo vẫn say mê hát nhà tơ – cửa đình.

Ngoài nghệ nhân Hoàng Thị Thảo, CLB thôn Nam còn là nơi sinh hoạt của 2 nghệ nhân dân gian Phùng Thị Gái và Nguyễn Thị Từ. Đây là thế hệ thứ ba của Vạn Ninh còn thuộc, lưu giữ được tất cả các giọng hát và các điệu múa một cách nguyên bản.

Những câu hát chúc thần như lời chào, lời kính cáo của kép hát với thần linh sẽ bắt đầu buổi trình diễn. Sau đó, các đào hát có thể tùy hứng thể hiện sự hiểu biết của mình qua những câu hát khuyên bảo lòng trung của bề tôi với vua, giáo huấn về đạo đức, lòng thủy chung, khuyên bảo con cái về đạo hiếu, về tình làng nghĩa xóm… Qua các giai điệu, lời ca, tiếng hát của hát nhà tơ - cửa đình, chúng ta có góc nhìn toàn diện về bức tranh xã hội, văn hóa của người dân miền biển, của vùng đất Đông Hải xưa kia.

Các kép hát sẽ lần lượt thể hiện 6 giọng hát phổ biến của hát múa nhà tơ - cửa đình: giọng Thét nhạc, giọng Thả, giọng Phú, giọng Ca Trù, giọng Hãm và giọng Nhị. Càng về khuya, giọng hát của các đào hát càng da diết, luyến láy, trầm bổng. Song hành với các lối hát là các điệu múa bình dị, uyển chuyển như: dâng hương, dâng hoa và dâng nến lên các vị thần.

Mặc dù cách hát của loại hình này khó không kém hát ca trù, song câu lạc bộ văn nghệ dân gian thôn Nam của xã Vạn Ninh ngày càng thu hút các hội viên trẻ tham gia. Bà Lê Thị Lộc, chủ nhiệm CLB văn nghệ dân gian thôn Nam cho biết: “Đầu tiên Hội thành lập có 18 hội viên thôi, sau đó dần dần thì chị em xin vào hội viên, bây giờ được 42 hội viên. Câu lạc bộ vẫn hoạt động đều đều một tuần hai, ba buổi. Các bà các chị suốt cả ngày đi biển cuốc giun rồi cào sò, cào hà nhưng mà tối vẫn cứ ra đây đi tập văn nghệ”.

Dù người dân Quảng Ninh có lam lũ, vẫn ra đồng hay tần tảo buôn bán nơi góc chợ để mưu sinh cuộc sống nhưng những mạch ngầm say mê từng ca từ, điệu nhạc của hát múa nhà tơ, hát cửa đình đã và đang ngấm dần vào da thịt, nuôi dưỡng lớp người kế cận cho di sản văn hóa phi vật thể này của Quảng Ninh./.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...