Bảo tồn điệu hát then cổ của người Tày

12/01/2017

Nói đến hát then của người Tày ở tỉnh Tuyên Quang không thể không nhắc đến huyện Chiêm Hóa. Then Chiêm Hóa được chọn tham gia các cuộc liên hoan văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc và nhiều hội thi cấp quốc gia khác. Tỉnh Tuyên Quang được giao làm đầu mối lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hát then là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đại diện cho đồng bào Tày khu vực Việt Bắc.

Là một trong bảy nghệ nhân của tỉnh Tuyên Quang được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, ông Hà Văn Thuấn (trong ảnh), sinh năm 1942, dân tộc Tày, thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa là người có khả năng khai thác, biểu diễn thuần thục các làn điệu hát then (then cổ, then mới) và chế tác, sử dụng thành thạo đàn tính. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 30 bài hát lời mới phổ nhạc theo làn điệu hát then; khai thác hơn 60 bài then cổ truyền dạy lại cho các thế hệ sau.

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về sự phát triển toàn diện và sáng tạo đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, lúc đầu, ông đứng lên truyền dạy cho con cháu trong gia đình, sau đó nhiều người đã tìm đến nhà ông học. Đến nay, mỗi năm ông đều được Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm văn hóa tỉnh mời về dạy hát then cho học viên từ nhiều huyện trong và ngoài tỉnh về học, trong đó có cả người dân tộc Kinh và Tày. "Then cổ có cốt truyện, giáo dục con người có tâm, có đức, hướng đến cái thiện, cho nên mỗi khi truyền dạy, tôi đều cố gắng để truyền tải một cách dễ hiểu và nhanh nhất", Nghệ nhân Ưu tú Hà Văn Thuấn tâm sự.

Toàn huyện Chiêm Hóa hiện có khoảng hơn 1.200 người biết hát Then, hơn 600 người biết chơi đàn tính, hơn 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính, dân ca, dân vũ được thành lập ở các xã, thị trấn, trường học và Trung tâm văn hóa huyện. Việc duy trì các câu lạc bộ hát then khiến Chiêm Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa nơi ông đang sinh sống là một trong những thôn đầu tiên của huyện thành lập được câu lạc bộ hát then, đàn tính.

Ngày chưa thành lập, cả thôn chỉ có một nhóm người biết hát then, chơi đàn tính. Với tâm huyết và mong muốn bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, họ tập hợp thu hút những người yêu thích hát then ở thôn khác, cùng nhau tập luyện và biểu diễn trong nhóm. Đến nay, riêng câu lạc bộ hát then, đàn tính thôn An Thịnh đã có hơn 20 thành viên. Trong các chương trình biểu diễn văn nghệ do xã tổ chức đều có đóng góp của nhóm hát then, đàn tính thôn An Thịnh.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, Nghệ nhân Ưu tú Hà Văn Thuấn luôn hết mình với niềm đam mê hát then và nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ sau để bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc mình. "Bảo tồn, truyền dạy đã khó nhưng làm sao lưu truyền và đừng để bị mai một nét văn hóa dân tộc của cha ông mới là cái khó...", ông Thuấn tâm sự.

(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...