Báo cáo của Hội đồng xét Giải thưởng âm nhạc năm 2012

22/02/2013

BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG XÉT GIẢI THƯỞNG
ÂM NHẠC NĂM 2012

- Hội đồng được thành lập theo QĐ số 74QĐ/HNS ngày 7/12/2012, gồm 3 ban:
Ban Khí nhạc: GS NSND Trọng Bằng cùng các Ủy viên: GS Chu Minh, GS Nguyễn Văn Nam, NSND Trần Quý, TS Minh Cầm.
Ban Thanh nhạc: NS Đức Trịnh cùng các NS Trần Long Ẩn, Trần Nhật Dương, Tôn Thất Lập, Nguyễn Ngọc Thiện.
Ban Lý luận: GS NS Ca Lê Thuần cùng các Ủy viên: GS Thế Bảo, GS TS Minh Khang, TS Đào Trọng Minh, PGS TS Cù Lệ Duyên.

- Hội đồng làm việc trong 4 ngày từ ngày 27/12 đến 30/12/2012

- Số lượng tác phẩm dự giải:
  + Ca khúc: 135
  + Ca khúc thiếu nhi: 18
  + Romance: 7
  + Hợp xướng: 9
  + Giao hưởng: 4
  + Thính phòng: 11
  + Chương trình biểu diễn: 2
  + Các tác phẩm – công trình nghiên cứu – lý luận - sưu tầm – biên soạn các bài báo Âm nhạc: 16


Chủ tịch Đỗ Hồng Quân đọc nhận xét tại Lễ trao giải thưởng âm nhạc 2012

Nhận xét:

Về lĩnh vực thanh nhạc: đây vẫn là lĩnh vực sáng tác chính của các NS hội viên. Số lượng 135 ca khúc so với năm trước có ít hơn, đặc biệt ca khúc thiếu nhi và romance số lượng giảm nhiều.

Về nội dung, chủ đề: các tác phẩm vẫn bám sát các chủ đề lớn của cuộc sống: ca ngợi quê hương, truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh của Dân tộc. Nổi lên là các ca khúc về biển đảo, Trường Sa, về Tổ quốc, Bác Hồ, nông thôn mới. Các NS vẫn bắt nhịp cùng với hơi thở của xã hội, phát hiện những mảng màu sắc mới về các vùng miền, quê hương, tình yêu lứa đôi, cảm xúc trước thiên nhiên tươi đẹp và đặc biệt là mảng tri ân các Anh hùng liệt sĩ…
Bút pháp sáng tác và ngôn ngữ âm nhạc ít có tìm tòi, mang tính bứt phá. Giai điệu, hòa thanh, phần đệm vẫn dựa trên những thủ pháp truyền thống, đôi khi trở nên mòn cũ, thiếu sự tìm tòi sáng tạo nên nhìn chung chưa có tác phẩm thật nổi bật, gây ấn tượng mạnh.

Ca khúc thiếu nhi: vẫn là lĩnh vực khó và hiếm. Tuy vậy, trong 18 ca khúc thiếu nhi đã có sự phát hiện mới về thế giới tuổi thơ bằng giai điệu, ca từ và tiết tấu như: “Quà của Ba” – Quốc Tây, “ Đồng giao tuổi học trò” – Vũ Trọng Tường…

Chủ đề Biển đảo – Giáo dục lòng yêu nước nhẹ nhàng, hấp dẫn: “Trường Sa – pháo đài giữa biển” – Lê Gia Hiếu, Tạ Hữu Yên…

Mảng Romance: chưa có nhiều tác phẩm đúng thể loại, chỉ có 2/7 tác phẩm là đúng nghĩa Romance, còn lại chỉ như ca khúc quần chúng, thiếu những yếu tố về giai điệu, tính phát triển, sự hòa hợp với phần đệm (piano) để tạo thành một hình tượng âm nhạc thống nhất. Vì vậy không có giải cao

Về khí nhạc và hợp xướng:
Tuy số lượng tác phẩm ít nhưng các tác giả đã cố gắng tìm tòi ngôn ngưc mới, thủ pháp kỹ thuật mới. Vận dụng chất liệu âm nhạc dân tộc kết hợp với yếu tố hàn lâm kinh điển nhưng chưa thật thuyết phục. Chưa phát huy hết chức năng của dàn nhạc cũng như những tốp thính phòng, tam tấu, tứ tấu… Trong nhiều tác phẩm, nổi lên vấn đề tác giả chưa biết phát triển những chủ đề đã có, sau khi trình bày chủ đề thì không còn sự phát triển tiếp theo (mà kỹ thuật phát triển là 1 trong yếu tố đặc trung của nhạc giao hưởng)

Hợp xướng: các tác giải chọn những chủ đề lớn để thể hiện bằng hợp xướng như: “Chân sóng” – Thanh Thảo và Văn Phượng, “Quảng Trị miền cát trắng” – Thụy Kha, “ Tổ quốc và biển” – Phạm Tuy… Nhưng đáng tiếc là bút pháp viết cho hợp xướng còn non. Việc phối bè cho các giọng chưa được chú trọng, nhiều bản hợp xướng chỉ như ca khúc đồng âm, đôi khi có bè phụ đi kèm. Nhìn chung, kỹ thuật thanh nhạc và nghệ thuật hợp xướng đợt này còn thấp. Đề nghị mở lớp huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ viết hợp xướng cho hội viên có khả năng.

Về các công trình – tác phẩm lý luận:
Hội đồng đã thống nhất với Ban lý luận chọn 1 tác phẩm xuất sắc:
“Tổng tập Âm nhạc VN Tác giả - tác phẩm” của nhóm tác giả - gồm: GS NSND Trọng Bằng/ PGS TS Nguyễn Thị Nhung, PGS TS Phạm Tú Hương, PGS TS Lê Văn Toàn, TS Vũ Tự Lân, Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - được trao giải đặc biệt.

Số lượng tham gia dự thi không nhiều, chỉ có 16 công trình – tác phẩm với các thể loại: sách nghiên cứu, chuyên khảo, sách biên soạn, giáo trình, tư liệu, sưu tầm và bài báo tuyển chọn.
Mảng sách nghiên cứu – chuyên khảo là tốt nhất.
Phần tư liệu, sưu tầm và sách biên soạn nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Ít về số lượng và yếu về chất lượng.
Báo viết tuy không có giải nhất nhưng có 2 giải nhì, 4 giải ba, chất lượng trung bình.

Mùa giải Âm nhạc 2012 đã khép lại, xin cảm ơn các nhạc sĩ hội viên đã nhiệt tình tham gia. Cám ơn Hội đồng xét giải, các nhạc sĩ, giáo sư, tiến sĩ, các nhà lý luận âm nhạc đã công tâm và nhiệt tình làm việc
Năm tới, 2013, sẽ có sự điều chỉnh về thời gian xét giải để phù hợp với việc kịp thời giới thiệu 1 tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhạc sĩ lên Hội đồng của Liên hiệp Hội VHNTVN trao giải nên công việc nhận tác phẩm sẽ kết thúc vào 15/10/2013 và Hội đồng xét giải sẽ làm việc trong tháng 10/2013.

Xin chúc 1 Năm mới - Quý Tỵ sáng tạo – thành công

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...