Bàn về Ehtnomusicology
1. Chuyển dịch thuật ngữ
Đứng ở góc độ khởi phát, Ethnomusicology hình thành trên cơ sở kết hợp, giao diện giữa (ít nhất) hai ngành Âm nhạc học và Dân tộc học nhằm tạo ra một liên ngành mới. Sự kết hợp này xuất phát từ thực tiễn tác nghiệm trên phạm vi rộng lớn của đời sống âm nhạc không giới hạn về thời gian, cũng như không gian văn hóa. Về mặt thuật ngữ, Ethnomusicology đã được chuyển dịch thành khá nhiều cụm từ khác nhau, như: “Âm nhạc học dân tộc”; “Dân tộc nhạc học”; “Âm nhạc dân tộc học”… Qua đó cho thấy sự lúng túng, thiếu tính nhất quán, đồng thuận và chưa thể đi đến thống nhất cách chuyển dịch thuật ngữ trên.
Thực tế, việc chuyển dịch thuật ngữ giản dị hơn nhiều so với cách đặt tên cho một ngành khoa học mới. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng tiếng Việt vốn không sản sinh trên cơ tầng của tư duy Duy lý. Nên, trong quá trình tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài khó tránh khỏi nhiều cách chuyển nghĩa khác nhau. Không chỉ giới hạn trên phương diện chuyển dịch thuật ngữ, mà ngay cả trong cách thức tư duy, lối ứng xử trong giao tiếp, chúng ta thường gặp nhiều tình huống thiếu tính nhất quán. Bởi vậy, ngoài cách hiểu dưới góc độ Ngôn ngữ ra, chúng ta nên tham chiếu bối cảnh văn hóa của sự lựa chọn.
Trước khi thuật ngữ “Âm nhạc học dân tộc”; “Dân tộc nhạc học”; “Âm nhạc dân tộc học”… được sử dụng ở lĩnh vực âm nhạc, các ngành khoa học khác như Văn hóa học, Xã hội học, Nhân học (Nhân loại học)… đã có những bước khởi động khá sớm trong cách thức chuyển ngữ. Nhằm hướng tới mục tiêu có khả năng “hòa mạng” với các ngành khoa học khác trong phạm vi ngành Âm nhạc học, chúng ta buộc phải suy xét cách chuyển ngữ đã được áp dụng ở những chuyên ngành này như một biện pháp tham chiếu.
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhiều ý kiến bất đồng xoay quanh “Âm nhạc học dân tộc”, “Nhạc học dân tộc”, “Âm nhạc dân tộc học” hay “Dân tộc học âm nhạc”, ở đây cần bóc tách hai cụm từ “Âm nhạc” và “Dân tộc” nhằm làm sáng tỏ nội dung liên quan tới khái niệm “Dân tộc”. Vì, nội dung này rất đáng được quan tâm.
Trong nhiều giáo trình Nhập môn Dân tộc học, từ Ethnos đa số được dịch là Tộc người. Ở nước ta, khái niệm “Dân tộc” đồng nghĩa với từ “Nation” có nội hàm không đồng nhất. Theo “Từ điển tiếng Việt”, Nxb Khoa học Xã hội, Trung tâm Từ điển học Hà Nội, Việt Nam xuất bản năm 1994, ở mục “Dân tộc” trang 239 giải thích có bốn nội dung liên quan: “1.Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung một lãnh thổ, các quan hệ kinh tế, một ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hóa và tính cách. 2. Tên gọi chung những cộng đồng người cùng chung ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa, hình thành trong lịch sử từ sau bộ lạc. 3. Dân tộc thiểu số. 4. Cộng đồng người ổn định làm hình thành nhân dân một nước, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và đấu tranh chung.”
Như vậy, “Dân tộc” vốn là một khái niệm đa nghĩa. Thứ nhất, Dân tộc nhằm chỉ một cộng đồng người, như dân tộc Kinh, dân tộc Chăm… tương ứng với thuật ngữ Ethnos. Thứ hai, Dân tộc được hiểu là quốc gia với một thể chế chính trị thống nhất, có lãnh thổ, có ngôn ngữ chung, tương ứng với thuật ngữ Nation. Trong khi Ethnos chủ yếu nhằm chỉ Tộc người. Phương pháp Dân tộc học coi tộc người như một nội dung quan trọng, không giới hạn trên nguyên tắc “có chung lãnh thổ”, như cộng đồng người Việt ở Hải ngoại, người Do Thái, Digan… Ngoài ra, trôi nổi trên bề mặt xã hội còn có khái niệm “Dân tộc” hiểu là truyền thống, như “Trang phục dân tộc”, “Khoa âm nhạc dân tộc”…
Bên cạnh đó, khái niệm Dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bầu không khí chính trị, xã hội. Qua mỗi thời kỳ, nó lại được khoác lên nhiều ý nghĩa, vai trò khác nhau, như vào thời kỳ chiến tranh, “phong trào giải phóng dân tộc” được hiểu là cuộc cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm nhằm đem lại sự toàn vẹn lãnh thổ. Dân tộc lúc này được hiểu ở khía cạnh bờ cõi, cương vực, lãnh thổ quốc gia. Cuối thế kỷ XX, cùng với làn sóng Toàn cầu hóa, xu thế nhất thể hóa về mặt văn hóa đặt ra cho các quốc gia đứng trước nguy cơ đồng hóa về văn hóa, Liên hợp quốc kêu gọi các nước đứng lên bảo vệ truyền thống văn hóa của mình. Từ đó, khái niệm Bản sắc văn hóa dân tộc dấy lên như một ngọn cờ chi phối quan điểm văn hóa nhiều quốc gia và nội hàm từ “Dân tộc” nhằm chỉ khái niệm bản sắc văn hóa truyền thống.
Với tính chất bất ổn về mặt nội hàm, trên thực tế thường phải dùng thêm bổ ngữ đi kèm với danh từ Dân tộc để làm rõ khái niệm, như dân tộc thiểu số, dân tộc Tày… và ngay trong từng cách gọi này, các đại lượng cũng không đồng đẳng nhau, như dân tộc Tày và dân tộc Việt Nam chẳng hạn. Dân tộc Tày chỉ một tộc người cụ thể, còn dân tộc Việt Nam lại bao gồm cả 54 thành phần dân tộc cùng sống trên một vùng lãnh thổ. Mặt khác, nước ta là một quốc gia đa dân tộc, vì thế dân tộc thường được hiểu theo nghĩa tổ hợp các tộc người cùng chung sống trên đất nước, có chung đường biên giới, lãnh thổ, chính trị. Khi tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử… một tộc người cụ thể, vấn đề có thể vượt ra khỏi đường biên giới quốc gia để vươn tới đặc trưng văn hóa không bị chia cắt bởi không gian địa lý. Đó là lý do khiến cho nhiều học giả đã chuyển hướng nghiên cứu từ cách tiếp cận bình diện sang lĩnh vực, nhằm xóa đi đường biên chia cắt không hợp lý theo phạm vi nghiên cứu. Xuất phát từ trở ngại chia cắt đường biên không hợp lý giữa văn hóa và chính trị, nhiều quốc gia trên thế giới đã xảy ra tình trạng phải định dạng lại bản sắc. Ngoài ra, với tính chất di trú, phát tán của nhiều hiện tượng văn hóa, nên người nghiên cứu cần đến sự hỗ trợ của hệ lý thuyết khác mới có thể tiếp cận được bản chất vấn đề. Trở lại khái niệm Dân tộc trong thuật ngữ Ethnomusicology, rõ ràng, Enthos dùng để chỉ tộc người, chứ không phải Dân tộc, như khái niệm được dùng phổ biến. Vì, tính chất co dãn này, theo tôi, nên dịch Ethnomusicology là Âm nhạc học tộc người thay cho Âm nhạc học dân tộc nhằm tránh nhiều cách hiểu khác nhau, cũng như làm giới hạn khả năng thâm nhập trên nhiều vùng văn hóa của một ngành khoa học.
2. Vị trí và vai trò của Ethnomusicology
Sở dĩ bất kỳ ngành khoa học nào cũng có xu hướng tích hợp, tiếp thu thêm phương pháp mới là vì những khiếm khuyết tự thân. Ngành âm nhạc cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Âm nhạc là một chuyên ngành hẹp, không thể quán xuyến hết toàn bộ đời sống rộng lớn vốn vượt ra ngoài phạm vi của mình, vì thế buộc phải tiếp thu, dung nạp thêm phương pháp của nhiều ngành khác, trong đó có Dân tộc học.
Đứng ở góc độ từ vựng, chúng ta dễ dàng phân biệt giữa Dân tộc học âm nhạc và Âm nhạc học dân tộc, nhưng trong hoạt động thực tiễn, sau khi sử dụng phương pháp, bằng cách tìm ra những đặc trưng riêng mới có thể phân biệt được nhằm tránh tình trạng đưa ra kết quả không phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, cũng như phương pháp tư duy. Dân tộc học xét với tư cách một bộ môn khoa học dùng vào mục đích nghiên cứu âm nhạc, rõ ràng, việc chuyển đổi công năng, từ vị trí tiền tố sang hậu tố, tuy không đúng về trật tự Ngữ nghĩa học, nhưng lại hoàn toàn tương ứng với sự lựa chọn của nhiều ngành khác đã có tiền lệ và lịch sử, như Xã hội học văn hóa, Nhân học du lịch, Mỹ học âm nhạc, Văn hóa học âm nhạc, Nhân học sinh thái... Tương tự như vậy, ngành nghiên cứu âm nhạc dựa trên phương pháp của ngành Dân tộc học nên đặt tên là Dân tộc học âm nhạc. Chúng ta không thể “chấp” vào hình thức của từ Musicologi để chuyển ngữ khi đứng ở góc độ chuyển ngữ, chủ đích của việc tiếp thu Dân tộc học nằm ở phương pháp, chứ không phải đối tượng. Đối tượng hướng tới ở đây vẫn không nằm ngoài lĩnh vực âm nhạc, chỉ có thay đổi, bổ sung thêm phương pháp mới.
Như trên đã nói, âm nhạc thuộc chuyên ngành hẹp, khó thể dùng phương pháp để nghiên cứu nhiều dạng thức văn hóa vượt ra ngoài phạm vi tiếp cận. Cần coi Ethnomusicology như một phân ngành của Âm nhạc học, chứ không phải một lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt, cũng tương tự như các môn Triết học âm nhạc, Mỹ học âm nhạc, Hình thái học âm nhạc, Phê bình học âm nhạc, Nhân (loại) học âm nhạc, Tâm lý học âm nhạc, Xã hội học âm nhạc, Địa lý học âm nhạc, Trị liệu học âm nhạc, Sử học âm nhạc... Không nên ưu tiên chuyển ngữ từ Âm nhạc học (xuất phát từ nội hàm Musicology) mà quên phương pháp nghiên cứu chủ yếu (ở trường hợp này) lại thuộc ngành Dân tộc học, ví dụ ngành Xã hội học văn hóa tiếp cận đối tượng nhờ sử dụng phương của ngành Xã hội học, ngành Nhân học kinh tế tiếp cận đối tượng trên cở sở phương pháp của ngành Nhân học (chứ không phải Kinh tế học)... Theo đó, Dân tộc học âm nhạc hiểu là việc sử dụng phương pháp Dân tộc học để nghiên cứu về âm nhạc. Nếu sử dụng phương pháp, đặc biệt là tư duy phương pháp của ngành Âm nhạc học để nghiên cứu âm nhạc dân tộc, thì có thể dịch là Âm nhạc học dân tộc, Âm nhạc học tộc người hoặc Nhạc học dân tộc. Việc dùng từ Dân tộc nhạc học để chuyển ngữ theo trật tự tiếng Anh, tiếng Hán vô hình trung làm đảo lộn cấu trúc tiếng Việt. Vì, ở tiếng Việt, bổ ngữ luôn nằm trước danh từ, như sông dài, biển rộng, chứ không thể là dài sông, rộng biển… Ngoài ra, việc coi hay nhấn mạnh Ethnomusicology là một phân ngành của Âm nhạc học giúp chúng ta không ngần ngại “từ chối” việc “tranh chấp” tiền tố hay hậu tố như đã trình bày.
Trong hoạt động nghiên cứu, chúng ta có thể dùng một phương pháp nhằm giải quyết nhiều vấn đề, ngược lại có thể giải quyết một vấn đề bằng nhiều phương pháp. Xuất phát từ thực tiễn càng ngày càng có khuynh hướng xuất hiện những ngành mới trên cơ sở kết hợp nhiều ngành (từ hai trở lên), có thể là liên ngành, xuyên ngành hay đa ngành… Dù sao việc xác định mục tiêu, tư duy tiếp cận cho việc lựa chọn giải pháp nghiên cứu vẫn phải đặt vào trọng tâm. Phương pháp chỉ là công cụ, con đường, phương tiện, còn tư duy phương pháp mới là mục đích. Với suy nghĩ như vậy, việc sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ yếu của ngành Âm nhạc, hướng tới mục tiêu tìm hiểu những vấn đề liên quan tới lĩnh vực âm nhạc thì việc chuyển ngữ là Âm nhạc học Dân tộc có thể chấp nhận được. Còn sử dụng phương pháp (chủ yếu), đặc biệt là phương pháp luận (tư duy về phương pháp) của ngành Dân tộc học với mục tiêu tìm hiểu về giá trị, thuộc tính, đặc điểm văn hóa, giá trị biểu trưng, hành vi… thuộc phạm vi tộc người thì nên lấy tên Dân tộc học âm nhạc, hiểu là nghiên cứu âm nhạc trong văn hóa thông qua cách thức tiếp cận bằng phương pháp của ngành Dân tộc học. Trong trường hợp nghiên cứu theo phương pháp này mà hướng tới kết quả của ngành khác cần cân nhắc cách thức lựa chọn phương pháp nghiên cứu (ở đây giới hạn trong phạm vi định danh). Rất nhiều trường hợp đã xảy ra độ lệch pha, không tương thích giữa mục đích và phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu âm nhạc dưới góc độ Dân tộc học sẽ đem đến những kiến giải trong phạm vi âm nhạc theo hướng làm sáng tỏ thuộc tính văn hóa, chứ không tìm hiểu những kiến thức thuộc phạm vi chuyên ngành hẹp.
3. Ethno hay Apro
Cho dù Ethnomusicology khá non trẻ trong nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, không có nghĩa mới mẻ trong lĩnh vực nghiên cứu. Nước ta có Viện Dân tộc học trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chuyên sử dụng phương pháp nghiên cứu Dân tộc học vào việc tiếp cận những vấn đề thuộc tộc người, văn hóa nông thôn. Nếu xuất phát từ mục đích tiếp nhận thêm một ngành nghiên cứu có tính tác nghiệp cao để xây dựng một chuyên ngành tương ứng có thể thay thế bằng cách hợp tác nghiên cứu, kế thừa thành quả và liên thông nguồn nhân lực ở những cơ sở tinh thông về phương pháp.
Mặt khác, vấn đề đặt ra ở đây: có nên thiết lập chuyên ngành Ethnomusicology với tư cách là một ngành học? Rõ ràng, ngành Dân tộc học có sở trường nghiên cứu về vùng văn hóa nông thôn, tộc người (thiểu số), song, đặt trong bối cảnh xã hội diễn ra nhiều thay đổi nhanh chóng như hiện nay, tình trạng giao diện giữa đô thị hóa nông thôn và nông thôn hóa đô thị thì Dân tộc học lại tỏ ra không đắc dụng khi triển khai nghiên cứu mảng đề tài có tính chất giao diện, đa diện về mức độ biến đổi văn hóa. Chưa kể, việc xây dựng một ngành học buộc phải suy xét vấn đề đầu ra cho nguồn nhân lực. Những sinh viên được đào tạo về chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp phải được cung cấp nhiều sự lựa chọn cho tương lai, chứ không thể hướng tới một mục tiêu duy nhất. Sự lựa chọn giải pháp thay thế ở đây nên là ngành Nhân (loại) học âm nhạc.
Như chúng ta biết, bên cạnh ngành Dân tộc học có thể đi sâu tìm hiểu các cộng đồng, tộc người, xã hội nông thôn, còn có ngành Xã hội học chuyên nghiên cứu về xã hội đô thị, cư dân hiện đại... Ngành Nhân học tích hợp cả hai ngành Dân tộc học và Xã hội học vào phương pháp tư duy. Đây là một chuyên ngành đắc dụng trong khả năng thâm nhập nhiều địa bàn nghiên cứu khác nhau. Việc thiết lập chuyên môn cũng như chuyên ngành đào tạo dựa trên cơ sở của ngành Nhân học âm nhạc có thể coi như một lựa chọn mang nhiều tính ưu việt (ít nhất so với Dân tộc học). Trong sự chuyển biến chậm chạp của nhiều Học viện âm nhạc trên thế giới, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao bộ môn Ethnomusicology vẫn đóng vai trò quan trọng. Song, tại nhiều cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước đã có những bước chuyển đổi phương pháp nghiên cứu từ Dân tộc học, Xã hội học sang Nhân học từ khá sớm.
Nhiều năm qua, phương pháp nghiên cứu Nhân học chiếm vị trí chủ đạo trong nhiều dự án nghiên cứu về văn hóa. Nó có khả năng thỏa mãn một cách khá rộng nhiều sự lựa chọn cùng mục tiêu nghiên cứu. Như trên đã đề cập, Dân tộc học tập trung nghiên cứu di sản văn hóa thuộc về quá khứ, xã hội nông thôn, những cộng đồng kém phát triển, văn hóa truyền khẩu… còn Nhân học nghiên cứu cả quá khứ và hiện tại, văn hóa nông thôn, cũng như vùng thị tứ (đang trong quá trình chuyển biến về nhiều mặt), xã hội đô thị, di sản truyền khẩu hay văn tự... Vì, những tiện ích dụng của nó, cộng với tư duy phương pháp bao dung phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, thiết nghĩ những nhà hoạch địch chiến lược đào tạo nên tham khảo biện pháp thay thế Dân tộc học bằng Nhân học. Đứng trước hiện trạng đất nước, chúng ta không chỉ hướng mục tiêu nghiên cứu tới xã hội nông thôn hay đô thị, tộc người thiểu số hay đa số, văn hóa truyền khẩu hay văn tự, mà còn tập trung làm rõ những vấn đề giao diện giữa chúng. Trong trường hợp đó, ngành Nhân học âm nhạc cho phép người nghiên cứu có khả năng tiếp cận một cách sâu rộng đối tượng từ phương pháp tư duy đến hệ thao tác, quan trọng hơn, ngành học này cũng giúp cho sinh viên có khả năng tác nghiệp trên nhiều điều kiện khác nhau, vấn đề sống còn của một ngành học xét ở phạm vi tác động xã hội.