Bản quyền trong văn học nghệ thuật: Một năm nhiều... tranh cãi

03/01/2017

Xác định việc thực thi nghiêm túc về bảo vệ tác quyền góp phần thúc đẩy, kích thích lao động sáng tạo nghệ thuật, thậm chí kéo giảm nhiều nghịch lý đang tồn tại trong đời sống văn hóa nghệ thuật, nhưng sau một năm nhìn lại, thực thi bản quyền vẫn là lĩnh vực gắn với nhiều vụ tai tiếng và không ít bức xúc, tranh cãi chưa có hồi kết.

Sau nửa năm kể từ khi hơn chục bức tranh bị cho là giả mạo của các họa sĩ nổi tiếng “lọt” qua khâu thẩm định, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bị phát hiện, gây nhiều bức xúc trong dư luận, vụ việc hy hữu nhưng bị cho là nghiêm trọng nhất trong vấn nạn tranh giả ở Việt Nam có vẻ bị “chìm xuồng”.

Những bức xúc của người trong cuộc, các họa sĩ, nhà quản lý sau vụ việc như “đá ném ao bèo” khi trái bóng trách nhiệm bị chuyền qua hết cơ quan này đến cơ quan khác. Ít ồn ào hơn nhưng vẫn luôn là một trong những vấn đề chưa tìm được giải pháp thỏa đáng là câu chuyện bản quyền về biểu diễn nghệ thuật.


Một trong số tranh bị xác định là sản phẩm giả trong vụ tranh giả vào bảo tàng năm 2016.

Trong đó, tác quyền âm nhạc vẫn như khối mây đen ám ảnh. Vụ việc nhiều nhạc sĩ, kể cả đại diện Đài Truyền hình Việt Nam lên tiếng vì thanh toán tác quyền chưa rõ ràng, thậm chí nhiều mập mờ chưa có câu trả lời cuối cùng. Cuối năm 2016, công chúng được biết thêm một tổ chức hội bảo vệ quyền tác giả của nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc ra đời: Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc (APPA). Nhưng, chủ tịch Hội, NSND Thanh Hoa cũng cho biết Hội đang loay hoay chưa biết thực hiện thu tác quyền như thế nào một cách phù hợp nhất.

Lĩnh vực xuất bản sách, “ồn ào” nhất vẫn là vụ sách lậu tràn lan ngoài thị trường theo tố cáo của Công ty First News – Trí Việt. Không chỉ kháng cáo sau nhiều lần bị xử thua kiện, đơn vị này còn tổ chức riêng đoàn công tác đi khắp các tỉnh, thành thu thập bằng chứng về sách lậu, “nhờ cậy” đến đại sứ quán của quốc gia có nhiều nhà xuất bản bán bản quyền cho Trí Việt với mong muốn đưa sự việc vượt ranh giới quốc gia. Nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phước cho biết, đấu tranh với sách lậu vẫn là hành trình nhiều nan giải.

Không thể phủ nhận, thời gian qua, hoạt động bảo vệ bản quyền nói chung, bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được triển khai tích cực hơn. Việc Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan chính thức được thành lập, đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết bài toán khó về bản quyền, trong đó có những tranh chấp quanh bản quyền chưa có hồi kết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một kết quả cụ thể chứng minh việc đáp ứng cho kỳ vọng này vẫn là một đòi hỏi khó.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về thực thi bảo vệ bản quyền tác giả, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, đây là lĩnh vực khá mới mẻ với Việt Nam. Để bảo vệ tác quyền hiệu quả, điều đầu tiên là nhận thức.

Nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước, sau đó mới ra toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, thế giới người ta đã làm rất lâu. Việt Nam đi sau thì phải làm  tuyên truyền để người dân có đánh giá đúng về công sức của người làm sáng tạo, nhận thức đúng đắn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó là phải hoàn thiện hệ thống luật pháp. Hiện nay, có những hành vi nước ta xử lý hành chính, nước khác xử lý hình sự và như thế mới đủ sức răn đe. Nhưng nếu chúng ta xử lý hình sự ngay thì còn khó khăn.

Khi nhận thức đến một mức nào đó thì luật pháp mới được mọi người đồng thuận. Các cơ quan trong hệ thống bảo vệ bản quyền cũng cần hoàn thiện hơn. Tòa án xử lý về bản quyền phải có những người chuyên về lĩnh vực này, có hiểu biết thì mới phán xét được. Ngay như cơ quan bảo vệ quyền tác giả, chúng ta cũng mới có ở trung ương là Cục Bản quyền tác giả. Lẽ ra chân rết phải có ở các địa phương. Các sở ở các tỉnh, thành cũng phải có những cán bộ làm về bản quyền nhưng hiện nay thì chưa có…

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, chuyện bảo vệ bản quyền với chúng ta còn mới so với nhiều quốc gia khác nên rất cần sự hỗ trợ của quốc tế. Đó là sự hỗ trợ tư vấn luật pháp, văn bản, xây dựng các chế tài, kể cả các phương tiện kỹ thuật. Sự đồng hành của các tổ chức quốc tế với Việt Nam ở thời điểm này là rất đáng quý. Hiện tại, các tổ chức này vẫn đang giúp đỡ Việt Nam về xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, tăng cường năng lực cho các cơ quan về bảo vệ bản quyền.

Từ thực tế này, ông Biên cho rằng: "Mỗi quốc gia đều có những đặc trưng riêng nhưng bảo vệ bản quyền ở Mỹ, ở Thụy Sĩ có rất nhiều thứ cần phải học. Việc bảo vệ bản quyền, các nước này làm rất bài bản. Bản thân người dân của họ cũng ý thức được sự quan trọng của thực thi bảo vệ bản quyền. Ý thức rất quan trọng. Vì cùng một bức tranh, có người nói đây là tranh thật, người khác nói đây là tranh giả. Hiện nay cũng chưa có nhà sáng chế nào sáng chế ra cái máy để phân biệt tranh thật, tranh giả, chiếu vào thấy tranh thật, giả, càng không khẳng định được tranh này là thật hay giả. Bây giờ dùng phương pháp chiếu carbon để xem tranh này bao nhiêu lớp, lớp trong khoảng bao nhiêu năm, lớp ngoài là bao nhiêu năm, nhưng họa sĩ ông nào trực tiếp vẽ vào đấy thì không khẳng định được. Hiện nay, phương tiện kỹ thuật vẫn thiếu, chưa có điều kiện để hỗ trợ việc này".

Thừa nhận thực tế quản lý bản quyền đang có sự chồng chéo giữa các cơ quan nhưng Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng khẳng định rằng nếu nước ngoài xử lý được thì chúng ta cũng xử lý được. Hơn nữa, nghệ thuật hiện nay đan xen nhau, không đứng một mình như xưa mà liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Ví dụ, lĩnh vực hội họa bây giờ không đơn thuần là thực hiện tác phẩm trên giá vẽ nữa mà còn liên quan đến nghệ thuật sắp đặt, nghệ sĩ sáng tạo đưa ra ngoài trời, kết hợp với nghệ thuật hình khối của điêu khắc, kết hợp với trình chiếu (video) của điện ảnh, kết hợp cả trình diễn của nghệ thuật biểu diễn. Một tác phẩm, một triển lãm, nghệ sĩ gối vào mấy lĩnh vực nghệ thuật.

"Vì vậy quy định về bản quyền phải liên quan đến nhiều lĩnh vực. Những người làm luật phải theo thực tế, theo cuộc sống để mà làm chứ không thể máy móc áp dụng các luật cũ không phù hợp. Càng phát triển thì càng phải học kinh nghiệm xử lý của quốc tế, điều chỉnh trong quá trình thực tế. Việc quản lý bản quyền không chỉ có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì còn sang cả lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhưng cũng phải phân định những lĩnh vực của khoa học công nghệ là khoa học kỹ thuật, khác với các lĩnh vực văn hóa và phải chia ra để quản lý. Phần gối vào với nhau thì các bộ phải ngồi lại với nhau để tính xem chồng lấn như thế thì giải quyết như thế nào… Để bảo vệ bản quyền một cách bài bản và hệ thống bảo vệ bản quyền hoàn thiện thì cần có lộ trình dài", ông Biên nói.

(Nguồn: http://cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...