Bản hùng ca một thời kiêu hãnh

23/04/2014

So sánh với những ca khúc “đầy lửa” viết về đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, thì “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” của nhạc sĩ Trần Nhật Dương, lời Trần Nhật Minh là một ca khúc rất khác. Bên cạnh một tinh thần hào sảng, mạnh mẽ, anh hùng của dân tộc, ca khúc còn như một vần thơ đầy trữ tình, sâu lắng. Ca khúc đã được Hội Nhạc sĩ trao tặng giải B cho thể loại Ca khúc năm 2013.

Xin chào nhạc sĩ Trần Nhật Dương!. Anh có thể chia sẻ, cảm xúc nào thôi thúc anh viết lên tác phẩm “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”?

40 năm trước, khi Mỹ đem “pháo đài bay B52” đánh phá Hà Nội, sự khốc liệt của chiến tranh, hình ảnh quả cảm quật cường của nhân dân Thủ đô là những hình ảnh tôi không bao giờ quên được. Khi đó, tôi mới chỉ là một cậu bé 12, 13 tuổi, chưa hiểu nhiều về những xót xa, mất mát của chiến tranh nhưng đã biết bộ mặt tàn nhẫn, khủng khiếp của nó. Trong dịp kỉ niệm 40 năm. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, NSƯT Lê Thủy mời tôi tham dự chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” và đặt hàng tôi viết một tác phẩm. Từ những thôi thúc của một người con được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi đã “thai nghén” và viết nên tác phẩm “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” với phần lời của nhà báo Trần Nhật Minh. Đối với tôi, ca khúc là một lời tri ân của những người con Hà Nội dành cho các thế hệ cha anh đi trước, đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ sự sống của chúng ta.

Những năm tháng đó hẳn vô cùng ác liệt. Vậy mà bên cạnh những nét nhạc mạnh mẽ, hào sảng, vẫn thấp thoáng những giai điệu trữ tình. Tại sao vậy?

Những ngày tháng khốc liệt đó, nằm trên căn gác hai nhìn lên trời, đạn pháo với tôi chỉ như những chùm pháo hoa rực rỡ sắc màu. Hết đợt bom, mọi sinh hoạt lại diễn ra bình thường giữa những đổ nát. Hoa vẫn nở; tiếng hát vẫn cất lên để át đi tiếng súng; trong các căn hầm tối, những bà mẹ vẫn hạ sinh những mầm sống mới; “mẹ vẫn ru con giấc ngủ mơ nắng ấm mai này”… Dù là một “mai này” mông lung, vô định vì chiến tranh quá dữ dội, nhưng người Hà Nội mang trong mình một niềm tin mãnh liệt rằng, chúng ta sẽ chiến thắng. Tôi đã viết “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” chính từ những hồi ức như thế.

Được biết, Trần Nhật Minh là một người trẻ tuổi, đủ để xa lạ với những năm tháng chiến tranh, điều gì khiến anh quyết định mời một người “không có kinh nghiệm thời chiến” góp bút vào tác phẩm của mình?

Tôi nghĩ, trong trường hợp này, sách báo và tài liệu lịch sử đã rất hữu ích. (cười). Trần Nhật Minh là một người trẻ tuổi. Nhưng cậu ấy có những hiểu biết khá dày dặn về xã hội, về lịch sử. Đối với một đất nước đã phải trải qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, có lẽ đứa trẻ nào lớn lên cũng mang trong mình chút hiểu biết về những năm tháng hào hùng đó của dân tộc. Tôi với Minh cùng công tác tại một cơ quan, dù tuổi tác cách xa nhau nhưng hai anh em chơi khá thân. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là niềm tự hào của tất cả chúng ta, những người đã trực tiếp sống những năm tháng máu lửa và cả lớp hậu bối thời bình sau này. Vì thế, khi xây dựng ý tưởng thực hiện “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”, tôi muốn sự kiêu hãnh ấy không chỉ được nhắc nhớ trong tôi mà còn được truyền sang cả những người trẻ tuổi như Trần Nhật Minh, để các bạn ấy có thể cảm nhận được phần nào với những năm tháng khó quên của đất nước.

Nhưng có phải vì không trực tiếp chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nên có cảm giác, lời ca của Trần Nhật Minh “hiền” quá?

Ngay từ đầu tôi chỉ muốn từ một góc độ nhẹ nhàng, bình dị để khắc họa lại những ký ức của một thời Hà Nội anh dũng, kiên cường. Vì thế, phần lời này của Trần Nhật Minh, với sự tinh tế, nhẹ nhàng, thậm chí còn nhiều chất thơ lãng mạn đã đáp ứng được đúng những gì tôi mong muốn. Bởi người Hà Nội thơ lắm, quật cường lắm. Dù chiến tranh có ác liệt đến đâu cũng chưa bao giờ làm họ sợ hãi. Tôi nghĩ đó chính là lí do lớn nhất để làm nên chiến thắng.

Làm báo vốn tưởng phải chiếm hết thời gian của anh, vậy mà có vẻ nhạc sĩ Trần Nhật Dương vẫn không sao nhãng việc sáng tác?

Trước khi là một nhà báo, tôi đã là một nhạc sĩ rồi. Trong tôi luôn tâm niệm, dù có làm gì đi nữa, mình vẫn là người sáng tác, công việc máu thịt của mình vẫn là viết nhạc. Nhạc sĩ – Nhà báo, hai công việc này, nghe có vẻ “kênh” nhau nhưng thực ra lại hỗ trợ, tương tác cho nhau rất nhiều. Làm báo, tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, nôm na là có nhiều “thực tế” – để tôi viết nhạc. Khi cầm bút sáng tác, tôi hiểu về đời sống âm nhạc hơn, cũng là một điều tốt cho công việc viết báo của mình. Ngoài ra, một điều nữa mà tôi tâm đắc lắm, đó là với danh xưng “nhạc sĩ”, tôi thấy mọi người trân trọng mình hơn.

Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 33)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.