Bạn đọc viết: Vài cảm nhận về ca từ của An Thuyên

27/12/2013

Người ta bảo, toán học là cơ sở của khoa học tự nhiên, còn văn học là cái nền tảng của khoa học xã hội và văn học nghệ thuật. Thật đúng. Nhạc sĩ có kiến văn quảng bác thì lời ca trong ca khúc của họ, ngoài sự chau chuốt về từ ngữ ra, nó còn dồn nén ẩn chứa vô vàn những khả năng phong phú, gợi mở, thôi thúc người nghe, khiến trí tưởng tượng được thăng hoa, sự thụ hưởng càng trở nên tinh tế, lấp lánh.

Bình sinh mình sống đơn giản, suy nghĩ ít ngoằn nghèo nên thích nghe các bài hát mà ta tạm gọi là dòng dân gian. Một trong những nhạc sĩ mình yêu thích nhất là An Thuyên. Mình không có tẹo kiến thức nào về âm nhạc, cứ nói theo cách cảm, cách nghĩ của một người mê nhạc bình thường, chứ chẳng dựa trên cái cơ sở, cái nền tảng lí luận chi chi của ngành nhạc.

Vậy mình và các bạn như mình, chúng ta tạm gác cái phần nhạc sang một bên, để cùng bàn về cái hay, cái đẹp, cái biểu cảm của ca từ trong một số bài hát tiêu biểu của An Thuyên để thêm yêu bác nhạc sĩ thiếu tướng, người xứ “non xanh nước biếc, như tranh họa đồ”.

Này nhé:

Câu đò đưa thầm gọi

Tôi ghé về tuổi thơ

Người xưa đâu xa vắng

Ai đưa tôi qua đò?

(Neo đậu bến quê)

Lời lẽ rõ ràng, giản dị như một lời tâm tình, thủ thỉ, nhưng khi đọc lên (chưa nói là nghe) ta đã thấy quá khứ hiện về trên bến sông xưa cũ, một con đò nhỏ, dáng thon thả trong chiếc áo nâu bạc mầu của cô lái đò… Nay trở về chợt thẫn thờ, vẫn là quê ta đấy chứ đâu, vẫn là “vầng trăng non ngơ ngác” ngày nào khiến ta rưng rưng:

Ngô mướt dài bãi quê

Gió chiều chiều diụ mát

Đàn trâu chậm ngoài đê

Vẫn đi về lối cũ

(Neo đậu bến quê)

Thế rồi ngoái nhìn dòng sông, cả một trời ấu thơ sống dậy, kệ tất cả, mọi thứ, bà con, họ hàng lối xóm, cởi quần cởi áo nhào xuống dòng nước tím mát lịm, ngửa mặt lim dim như trâu mẹ năm xưa phì phò nhìn nghé con yêu thương, mà hoài niệm, mà bồng bềnh trong ráng chiều gần tắt:

Lang thang đi bốn phương trời

Nay về sông quê tắm mát

Sông Lam biết khi mô cho cạn

Người ơi, đục trong câu hát cháy lòng.

(Neo đậu bến quê)

Vẫn hát về dòng sông, giai điệu bài hát như thơ, quyến rũ, cứ uốn lượn, cứ vương vấn, cứ quấn quít cái người đi xa trở về, và cái người con gái thuở nào, cái thuở ấu thơ “gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn” hiện lên sóng sánh:

Bãi ngô chân em vương bụi phấn

Tóc xanh buông mây trong gió chiều

Thử hỏi có hình dáng thiếu nữ quê nào đẹp hơn thế.

Cái dáng “buông mây” ấy cứ theo ta đi mãi. Ta mang theo cả “vầng trăng non ngơ ngác theo tôi đi chân trần”. Vầng trăng cổ tích ấy cứ dằn vặt, cứ trăn trở. Cái gót chân thon thả ấy, cái gót chân lấm bùn ấy khiến ta say đắm từ khi nào:

Cho ta thương nhau, mồ hôi chát mặn

Cho ta thương nhau, vầng trăng không lẻ bạn

Đứt ruột nhớ mong…

(Hà Tĩnh mình thương)

Ô hay, trăng chỉ có mỗi một, đơn lẻ, ngàn đời tới nay vẫn rứa mà, đêm đêm trăng vẫn sống lẻ loi một mình, sao ta lại cứ nức nở cho cái lẽ tự nhiên ấy làm gì? Mình lục lọi, mình tự hỏi… thế rồi trong tiềm thức bật ra hai câu thơ bất hủ của cụ Nguyễn: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (Kiều - Nguyễn Du).

À ra thế, khi yêu nhau, thì thương từ cái lẻ bóng của vầng trăng thương đi. Nếu không canh cánh, không đau đáu nghĩ về nhau, và không có kiến văn sâu sắc thì làm sao bác An Thuyên có thể nghĩ ra được lời ca hay đến thế, phảng phất Nguyễn Du đấy, mà đố ai dám bảo bác ấy… đạo!

Cắt nửa vầng trăng, tôi làm con đò nhỏ

Chặt đôi câu thơ

Bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng

Đưa tôi về với người tôi yêu

(Ca dao em và tôi)

Đợi vạn vật đã chìm trong sự tĩnh lặng mà leo lên giời cắt vầng trăng non mầu sữa kia ra làm con thuyền Yêu, để chèo thuyền về thăm người ấy ở một miền quê thăm thẳm xanh biếc, để:

Cùng em đi hát dân ca quê mình

Để tôi sống giữa bao nhiêu ân tình.

Còn nhiều nữa, nhiều lắm…

“Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai”…, bạn có thấy bóng hình của câu ca dao “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay” không? Rồi nữa, “áo nâu sồng em nhuộm tình tôi”, có thấy ở đây vận dụng rất khéo câu ca dao xưa: “Chồng ta áo rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”? Chuyện xưa, tích cổ được nhạc sĩ cho vào bài hát thật nhuyễn, thật uyển chuyển.

Một đêm tôi về xứ Nghệ, trăng rải sữa lên dòng sông quê lấp lánh. Ngắm đồng lúa con gái nõn nà, ngắm bãi ngô trải rộng đôi bờ sông tự dưng trong tôi cất lên lời ca của bác An Thuyên:

Biết sông bao năm bầm khúc ruột

Cho quê mình, gạo trắng nước trong.

(Hà Tĩnh mình thương)

Chỉ một chữ “bầm“ thôi đã gợi hình gợi cảm, gọi cái gian khó của mẹ cha, đã hóa thân vào hình tượng dòng sông nuôi ta khôn lớn, chở che ta suốt một đời hun hút đi xa.

Berlin cuối năm 2013

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.