Bạn đọc viết: Nhạc Việt qua cái nhìn phối kiến luận

13/01/2014

Cuối năm thường là dấu mốc để dừng lại, nhìn ngắm những dấu chân đã đi và dõi đến con đường sẽ đi. Trên con đường của âm nhạc, bạn sẽ nhìn ngắm điều gì, và dõi đến điều gì?

Phê phán một nền âm nhạc đã, đang xuống dốc không phanh với cái nhìn u ám? Độ lượng mỉm cười xí xóa và nhen nhóm chút hi vọng đổi khác trong năm mới? Hay mặc kệ, bạn làm việc của bạn, và âm nhạc… cứ làm chuyện của âm nhạc? Bạn có thể chê, nhưng xin hãy cho tôi biết, mình mắc lỗi ở đâu. Bạn có thể đặt niềm tin vào tôi, vô điều kiện, nhưng xin hãy chỉ cho một lối đi để ít nhất, không một lần nữa, phụ niềm tin của bạn. Bạn cũng có thể là người ngoài cuộc. Nhưng xin đừng thờ ơ, hãy dõi theo để cho tôi biết vì sao tôi ngã và chỉ tôi cách đứng dậy.

Theo cái nhìn phối kiến luận (Oztega Y Gasset, 1883 – 1955), không phải tôi chỉ là tôi, mà tôi là một ngã tư đường, nơi đó có biết bao nhiêu thứ đổ lên Tôi và làm nên tôi. Tóm lại, tôi là Tôi phối kết với hoàn cảnh. Trong bài viết này, người viết xin mượn cái nhìn này để chiêm nghiệm những nỗi niềm của nhạc Việt trong giai đoạn hiện nay.

Nghệ thuật Việt Nam nói chung, và âm nhạc Việt Nam nói riêng, vốn mang trên vai quá nhiều sứ mệnh, quá nhiều vết thương. Âm nhạc bừng sáng trong một giai đoạn, rồi sau đó, le lói, dè dặt, cầm chừng. Có thể đưa ra vài nguyên nhân cho sự sống ngắc ngoải này, nếu lấy công thức tôi = Tôi + hoàn cảnh (I = Me + circum) làm hệ quy chiếu.

Thứ nhất, công thức bị khuyết Tôi (Me), thành ra, chỉ còn: tôi = hoàn cảnh (I = circum). Cuộc sống hiện đại đòi hỏi sự tiện lợi, nhanh chóng. Nền kinh tế thị trường có thể đem mọi thứ ra thương trường, kể cả nghệ thuật. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Lúc này, nhạc sỹ, ca sỹ, và khán thính giả cũng đu mình vào cuộc chơi mới.

Về phía người làm âm nhạc, trong cuộc chơi này, để thuận theo hoàn cảnh, họ cất đi cái Tôi. Hoặc cũng có trường hợp, họ không đủ chiều sâu văn hóa để có riêng cho mình cái Tôi, mà hoàn toàn bị hoàn cảnh đổ bóng xuống ngòi bút. Sản phẩm tạo ra, vì thế, cũng chỉ là sản phẩm tạm thời của hoàn cảnh. Đó là những ca khúc dễ dãi, chiều lòng đám đông, thường ít có giá trị và không mang dấu ấn cá nhân. Hằng ngày, nhan nhản trên các kênh âm nhạc, thể nào bạn chẳng nghe những lời ca kiểu như: “Yêu anh đi em… anh không đòi quà./Chia tay… anh không đòi lại quà./Anh yêu… anh không đòi quà./Yêu em… anh không đòi lại quà.”(Anh không đòi quà) Gặp người khó tính, chắc sẽ nhíu mày phê phán rồi lập tức chuyển kênh, tất nhiên! Nếu là người vui vẻ, chắc sẽ phá lên cười rồi cũng… lập tức chuyển kênh. Nhưng chắc chắn, không ít khán – thính giả thích thú lắng nghe, gật gù tâm đắc, thậm chí còn nhẩm hát theo. (nếu không thì hát cho ai, viết cho ai, và tại sao trên các bảng xếp hạng của các trang âm nhạc trực tuyến những ca khúc này luôn ở vị trí đầu bảng?!) Điều này cho thấy, về phía người thưởng thức cũng xảy ra trường hợp tương tự. Họ không có cái Tôi để phối kết với hoàn cảnh mà đang bị ném vào hoàn cảnh, và bị đồng hóa với đám đông. Họ nuông chiều cảm xúc và dần dà, bóp méo quá trình thưởng thức, thậm chí, bóp méo cả nhận thưởng thức với những ca từ thô vụng, ngô nghê, cạn cợt.

Nhưng may quá, nhạc Việt, qua chừng ấy năm cầm chừng, thoi thóp, không chỉ có Anh không đòi quà, không chỉ có những lời hát tây ta lẫn lộn, mà nếu chịu khó “đãi cát tìm vàng”, cũng có được những tác phẩm đúng nghĩa được chăm chút cả về phần ca từ lẫn nhạc điệu: “Trôi trong gương khuôn mặt em sáng trong/Nhìn em, nhìn em tại sao buồn theo/Mi cong cong dòng sông mắt trong/Thuyền trôi về đâu, về đâu mà sóng vỗ, sóng vỗ/Trôi trong gương con đường em đã quên/Với bao ngôi nhà còn mơ trong âm vang…” (Trôi trong gương), có chiều sâu: “Bài ca đó là tôi./Sáng nay mùa thu ghé qua./Và tôi biết mình say/Say trong bờ môi sướt mướt.” (Người hát tình ca). Những ca khúc hợp thời nhưng không dễ dãi, giản dị nhưng không thô sơ trong thời gian gần đây có thể kể đến như: Nhật ký của mẹ, Tôi yêu thành phố tôi,… hoặc vài ca khúc thuần teen nhưng vẫn có phần ca từ “sạch”, có thể nghe được tuy chỉ dừng lại ở mức “dễ thương, dễ nghe, dễ nhớ” như Lưng chừng hạnh phúc, Kem dâu tình yêu... Rõ ràng, bên cạnh những người bị hoàn cảnh lôi tuột đi, vẫn còn có những tác giả tạo tác được với hoàn cảnh để tạo ra một món ăn tinh thần vừa vặn với thời đại, đủ “trẻ” để chinh phục người trẻ, đủ “già” để không làm phật ý người… không trẻ, và đủ sâu để sẻ chia với người có chiều sâu. Nếu lý tưởng như vậy, hẳn, sinh mệnh nhạc Việt, đến bây giờ, đã không èo uột đến thế. Nhưng tiếc là, công thức lý tưởng trên chỉ là số ít, số nhiều vẫn còn đang nằm lại ở công thức tiếp theo: chỉ có Tôi mà không có hoàn cảnh.

Đây là những nhạc sỹ có bản sắc, những người nghe có tầm, nhưng dường như, họ đang mắc kẹt với cái Tôi của mình và không tìm được lối ra để hòa hợp với hoàn cảnh. Một số tuyệt giao với âm nhạc, một số lại khước từ đám đông, họ sáng tác để tự thưởng thức, hoặc chỉ công bố tác phẩm trong một nhóm nhỏ bạn bè như một cách chia sẻ, rồi thôi. Có khi họ tự hát lên cho nhau nghe, cũng có khi thu âm đàng hoàng, nhưng rồi lại đem về… cất. Họ tự nhận thức được, đó là những ca khúc “già nua”, “lỗi thời”, chỉ còn hợp với thế hệ họ và một vài bè bạn đồng cảm. Những bài hát, vì thế, vẫn chỉ là “những câu chuyện hát cho nhau nghe”. Với những người nghe của công thức này, họ cũng khư khư giữ lấy cái Tôi, lấy mỹ cảm của thế hệ trước làm thước đo cho mỹ cảm của thế hệ nay. Để rồi nhất định quay lưng với hoàn cảnh mới. Ôm trong mình bầu nhạc khí của những thập niên trước, họ tuyệt đối không hít thở cái mới – dẫu cho cái mới vây quanh họ và thời thế đã đổi khác. Dẫu cho bây giờ, người ta chỉ còn có thể chiêm ngắm: “Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa trắng rơi…” hay “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng nhớ người…” chứ không thể viết như thế, nhìn như thế, cảm như thế, thì họ vẫn buồn bã lắc đầu, đòi hỏi hoàn cảnh phải “thích ứng” với mình. Họ sống bi quan với cái Tôi riêng mình, cách biệt với thế giới xung quanh. Vô tình, sự tạo tác giữa họ với hoàn cảnh bị đứt gãy, rộng hơn, là giữa người thưởng thức với người sáng tác. Hố thẳm khôn cùng này là sản phẩm tất yếu của cái tôi không kịp, không thể, không muốn phá vỡ mình để chảy cùng nhịp với đời sống.

Và cứ thế, sinh mệnh âm nhạc bơ vơ giữa những lời ca đơn độc thiếu sự sẻ chia, đồng điệu, e dè trước những ánh mắt nghiêm khắc chỉ chực phê phán, hoặc là lạc lối giữa bao nhiêu cạm bẫy. Nếu không “giải” cái tôi để chảy vào hoàn cảnh, nếu không tự làm đầy cái tôi của mình để đứng vững trên nó mà chạm tay vào phối cảnh, thì có lẽ, nền âm nhạc Việt Nam sẽ mãi còn thoi thóp.

Bạn nghĩ gì khi năm mới? Sửa soạn khăn áo cho một cái Tôi mới? Hay tháo hết áo khăn ra để tìm cái Tôi? Bạn thiếu cái gì? Cái Tôi, hay áo khăn vừa vặn, hợp thời với cái Tôi? Dù gì đi nữa, cũng chúc bạn làm đầy được chỗ trống trong công thức riêng mình. Tôi nghĩ, đó là lời chúc an lành nhất mà tôi có thể dành cho bạn trong mùa xuân này.

Sài Gòn, những ngày cuối năm

(Nguồn: http://www.giaidieuxanh.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...