Ban đêm là "ông hoàng, bà chúa", ban ngày làm... xe ôm!

02/11/2017

Đó là ý kiến được ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng nay 2-11.


ĐBQH Dương Minh Ánh

Nói về thực trạng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật nói chung và các đơn vị hoạt động nghệ thuật truyền thống nói riêng đồng thời liên quan đến việc giao cơ chế tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật, ĐB Dương Minh Ánh cho rằng, hiện nay có trên 100 đơn vị nghệ thuật công lập hoạt động trên cả nước chưa kể các đơn vị nghệ thuật trong lực lượng vũ trang. Trong đó, có khoảng 10 đơn vị nghệ thuật được Nhà nước giao tự chủ. Đảm bảo từ 3 cho đến 100% chi thường xuyên, tuỳ từng đơn vị.

Số các đơn vị còn lại đang gặp nhiều khó khăn, chưa được giao tự chủ đặc biệt là số các đơn vị nghệ thuật kịch, hát sân khấu truyền thống. Phải khẳng định rằng, chủ trương giao tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật công là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên chúng ta cần có lộ trình làm sao cho hợp lý, để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật phát triển.

Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, các đơn vị hoạt động bảo tồn các văn hoá nghệ thuật của ông cha ta để lại hay nói cách khác đó chính là nơi giữ hồn cốt dân tộc. Nếu tính bài toán kinh tế thì các đơn vị này không đem lại hiệu quả kinh tế nhưng nó có giá trị khác lớn hơn rất nhiều.

Trên thực tế hiện nay, các đơn vị hoạt động chưa được đầu tư đúng mức trừ các đơn vị ở các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện. Còn hầu hết các đơn vị hoạt động nghệ thuật tại địa phương cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí được cấp hàng năm hạn hẹp. Do đó hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, khán giả quay lưng với hoạt động nghệ thuật truyền thống dẫn đến thu nhập của các nghệ sỹ thấp, biểu diễn bán vé không có người xem.

Các doanh nghiệp không mặn mà với hoạt động nghệ thuật truyền thống, khiến cho đời sống của các nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn. Một số nghệ sỹ phải sống ở một nơi tồi tàn, xuống cấp. Cũng chỉ vì lòng yêu nghề, buổi tối họ vẫn tham giá đóng các vai ông Hoàng, bà Chúa còn ban ngày thì đi làm thêm những công việc khác để mưu sinh.

“Thậm chí có người đi làm xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ để kiếm sống qua ngày. Có khi không nuôi nổi họ và gia đình họ. Họ là ai? Họ chính là những Nghệ sỹ Nhân dân, những nhạc sỹ, nhạc công có tên tuổi đóng góp cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống”, ĐB Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Hiện nay các đơn vị này được Nhà nước bao cấp kinh phí hoàn toàn, nếu được Nhà nước giao tự chủ thì không thể hình dung nó sẽ đi đâu về đâu. Do vậy, cần rà soát việc giao tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật nói chung theo một lộ trình phù hợp.

Đối với các đơn vị hoạt động nghệ thuật truyền thống, Chính phủ cần giao cho Bộ Văn hoá TT&DL phối hợp với các địa phương quy hoạch lại các đơn vị hoạt động nghệ thuật truyền thống, đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí, cho cơ chế phối hợp với hoạt động du lịch để quảng bá; cần tính thang bậc lương cho các nghệ sỹ theo cơ chế đặc thù không thể để họ sống dở chết dở như hiện nay.

(Nguồn: http://anninhthudo.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...