Bài hát "Đàn sếu" đã ra đời như thế

07/05/2020

Ngày chiến thắng 9/5 là ngày Lễ được kỷ niệm rất trọng đại ở nước Nga và ở nhiều quốc gia khác. Ở Liên Xô trước đây và ở nước Nga ngày nay, vào dịp này, ngoài các bài hát hào hùng như "Cuộc chiến tranh thần thánh", "Ngày chiến thắng"..., người ta còn hát những ca khúc của một thời lửa đạn, như "Ôi, những con đường", "Đêm đen", "Chiếc khăn xanh", "Chiều hải cảng"..., và không thể thiếu bài "Đàn sếu", bài hát đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam chúng ta.

Bài hát da diết như một lời tưởng nhớ đến những người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ vì Ngày chiến thắng, mà như trong lời một bài hát, bằng mọi cách họ đang kéo nó lại gần hơn.

Trái với hình dung của nhiều người, bài hát này không nằm trong bộ phim nổi tiếng "Đàn sếu bay qua", cũng không hề được sáng tác trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Mà nó được sáng tác vào năm 1968, 23 năm sau Ngày chiến thắng.

Rasul Gamzatov là nhà thơ nổi tiếng người Avar, Daghestan, một nước Cộng hòa tự trị của Liên xô. Ông được bạn đọc Việt Nam biết đến nhiều hơn qua cuốn "Daghestan của tôi", bản dịch của Phan Hồng Giang (phần dịch thơ của nhà thơ Bằng Việt). Rasul Gamzatov đã viết bài thơ "Đàn sếu”bằng tiếng Avar, sau đó được người bạn cùng học ở trường Đại học là Naum Grebnev chuyển ngữ sang tiếng Nga. Grebnev từng là người lính tham gia Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bị thương 3 lần, do vậy, khi dịch "Đàn sếu”sang tiếng Nga, ông đã có một sự đồng cảm rất lớn với Rasul Gamzatov để có một bản dịch thành công.

Năm 1968, bài thơ "Đàn sếu”qua bản dịch của Grebnev xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí "Thế giới mới”(Новый мир). Một ngày nọ, tình cờ ca sĩ Mark Bernes đọc được bài thơ này. Cũng cần nói thêm, Mark Bernes thời gian này rất nổi tiếng khi thể hiện các bài hát chủ đề chiến tranh.

Bản dịch đầu tiên khi in trên "Thế giới mới”có 2 dòng đầu tiên như sau:

Мне кажется порою, что джигиты,
С кровавых не пришедшие полей
(Tôi cứ ngỡ bao người lính kỵ binh
Từ chiến tường xưa đẫm máu không về)

Đọc xong bài thơ, Mark Bernes liền gọi điện cho dịch giả Naum Grebnev, nói rằng muốn bài thơ được phổ nhạc. Hai người trao đổi với nhau một số thay đổi nhỏ trong bản dịch, và Grebnev đã đồng ý thay từ "kỵ binh”trong dòng đầu thành "người lính". Sau này, nhà thơ Gamzatov nhớ lại:

"Tôi cùng với dịch giả cho rằng đề xuất của Mark Bernes là hoàn toàn hợp lý, đổi từ "kỵ binh”sang "người lính". Khi đó, chiều kích của bài hát sẽ trở nên rộng hơn".

Với bài thơ đã có đôi chỗ sửa đổi, ca sĩ Mark Bernes đến gặp nhạc sĩ Yan Frenkel, yêu cầu ông phổ nhạc. Việc phổ nhạc cho bài thơ quả thực không dễ dàng một chút nào, phải mất đến hơn 2 tháng. Yan Frenkel nhớ lại:

“Tôi gọi cho Bernes, anh ấy đến ngay, nghe bài hát và... khóc. Anh ấy không phải là người dễ mủi lòng, nhưng không hiếm trường hợp, anh ấy khóc khi gặp một điều gì đó thật sự thích".

Đối với nhạc sĩ Yan Frenkel, chủ đề chiến tranh thường được ông đề cập trong các sáng tác của mình. Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc, ông học trường Trung cấp cao xạ và sau đó bị thương nặng.

Mark Bernes ghi âm bài hát "Đàn sếu”trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt. Đây là bài hát cuối cùng trong sự nghiệp ca sĩ của ông. Nhạc sĩ Iury Rabinovich nhớ lại:

“Sau khi nghe phần nhạc, Bernes muốn thu âm bài hát càng nhanh càng tốt. Dường như anh ấy dự cảm được cái chết của mình và muốn bài hát này sẽ đặt dấu chấm cuối cùng cho cuộc đời mình. Việc ghi âm bài hát tiến hành thật gian nan. Nhưng anh ấy đã dũng cảm vượt qua và ghi âm thành công "Đàn sếu". Đúng vậy, đó là bài hát cuối cùng trong đời anh ấy".

Bài hát được giới thiệu với đông đảo công chúng qua đĩa hát "Những bản ghi âm cuối cùng", sau khi ca sĩ Bernes qua đời (1969) và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Mấy năm sau ngày bài hát "Đàn sếu" ra đời, trên mảnh đất các chiến trường xưa, người ta đã dựng các tượng đài, phù điêu với biểu tượng đàn sếu bay. Hình tượng đàn sếu trong bài hát đã trở thành biểu tượng cho sự tưởng nhớ những người đã hy sinh trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Ở Liên Xô người ta đã dựng tượng đài "Đàn sếu”ở Saratov và Leningrad (Saint Peterburg).

Từ năm 1986, trên quê hương Daghestan của tác giả phần lời bài hát - Rasul Gamzatov - hàng năm đều đặn tổ chức "Ngày lễ sếu trắng" - Ngày tưởng nhớ những người lính đã hy sinh.

Bài thơ "Đàn sếu”của Rasul Gamzatov đã được nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ khá thành công, xin trân trọng giới thiệu với các bạn:

ĐÀN SẾU

"Đôi lúc tôi chợt nghĩ rằng, người lính
Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh,
Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất
Mà hóa thành những đàn sếu trắng tinh.

Họ bay mãi tự xa xăm quá khứ
Tới ngày nay và trò chuyện cùng ta,
Phải vì thế mà ta thường tư lự
Hay chạnh buồn khi lặng ngắm trời xa.

Hôm nay lúc hoàng hôn đang dần tới
Tôi bồi hồi khi thấy giữa màn sương
Đàn sếu trắng bay chỉnh tề hàng lối
Như đoàn người lê bước giữa đồng hoang.

Đàn sếu bay trên con đường dằng dặc
Và gọi tên những ai đó lao xao.
Phải vì thế mà âm thanh Avác
Tự bao đời giống tiếng sếu làm sao…

Bay, bay qua khoảng trời mệt mỏi
Trong bóng chiều, trong bát ngát màn sương,
Giữa đoàn quân ngỡ thừa ra khoảng trống
Hình như còn dành để cho tôi.

Sẽ có ngày tôi bay cùng đàn sếu
Trong mịt mờ sương xám tựa hôm nay,
Và ở giữa trời cao như chim tôi sẽ gọi
Tất cả mọi người còn lại ở nơi đây…"

Cùng nghe NSND Mark Bernes hát bài “Đản sếu”:

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.