Bài hát cách mạng ư? Quả là hay!

06/08/2013

Sự ra đời và phát triển của Âm nhạc cách mạng Việt Nam được khởi đầu từ Cách mạng Tháng Tám (1945), cùng với các ngành nghệ thuật khác, đã là một trong những thành viên của Hội Văn nghệ cứu quốc đến Hội Văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1948. Đây là một sự kiện lớn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống Văn hóa, văn nghệ nước nhà nói chung và âm nhạc nói riêng, góp phần mở ra một triển vọng to lớn cho sự phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

Nhân Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam (1948 – 2013) tiền thân của Liên hiêp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay, chúng ta hãy cùng nhau “du hành” về quá khứ, cùng trải nghiệm theo dòng biên niên sử bằng âm thanh của cách mạng ...

Hóa ra quả thật tôi cũng có vinh dự làm một trong những công chúng yêu nhạc chứng kiến sự xuất hiện công khai của âm nhạc cách mạng Việt Nam vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 lịch sử ấy! Ngày đó tôi đã 12 tuổi, đang đi học, rất yêu hát, thuộc lòng những Thiên Thai, Suối mơ...lãng mạn và cả những bài ca yêu nước Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Bạch Đằng Giang..., và tất nhiên nhiều bài hát Tây, như Marseillaise, quốc ca Pháp mà sáng thứ hai nào chúng tôi cũng phải hát khi xếp hàng chào cờ, rồi Frère Jacques, Alouette, J'ai deux amours mon pays et Paris, Sérénata, vv. Cả một mớ "tạp pí lù" vì nào là tham gia Hướng đạo sinh, nào là đi xem phim Tây, nào là học lỏm ở các ông chú, em bố tôi, vốn cũng là những người mê nhạc, mê hát.

Còn bài hát cách mạng thì học được vào ngay những ngày Tháng Tám ấy ngoài đường phố Hà Nội.

Ngày ấy Hà Nội rợp những cờ đỏ sao vàng, những khẩu hiệu chăng ngang đường "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Vietnam for vietnamese", thỉnh thoảng ở những góc phố lại có người cầm loa, tay chỉ lên bảng, dạy hát những bài ca cách mạng như Tiến quân ca của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi (sau này mới biết tên tác giả, chứ khi ấy người ta dạy thế nào biết thế ấy), cứ thế hát, hát say sưa, cho dù có hiểu hết được nội dung bài hát đâu, phát xít là cái gì đâu đã biết: "Việt Nam bao năm dòng rên siết lầm than, Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang, Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình, Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình, Đồng bào tuốt gươm vùng lên, Đã đến ngày trả mối thù chung...". Đế quốc sài lang mặt mũi như thế nào cũng chưa hình dung ra được, chỉ biết là ghét Tây, đánh Tây là thích rồi.

Bố tôi dạy học ở trường Thăng Long, buổi tối đi chơi với mẹ tôi ở vườn hoa Canh nông, ở gần nhà phố Félix Faure (nay là phố Trần Phú), bị thằng Tây khố đỏ đâm một nhát lưỡi lê vào bụng suýt chết, đưa vào mổ ở bệnh viện Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức), vết mổ như con rết nằm trên bụng, nhưng biết kiện ai! Tây mà! Nó trêu mẹ tôi, bố tôi mắng nó (nguyên cụ dậy Pháp văn ở trường Thăng Long), thế là nó xỉa luôn một nhát rồi bỏ đi chẳng ai làm gì được. Thế cho nên bài hát cách mạng bảo là "đã đến ngày trả mối thù chung" là thấy sướng, cứ thế hát thôi.

Bài hát cách mạng cứ thế ngấm dần vào tôi khi ra kháng chiến theo học trường Trung học Ngô Sỹ Liên, năm 1949 đi bộ đội, với ý nghĩ vào để giết Tây trả thù cho bố bị Pháp giết (năm 1947 cụ tham gia kháng chiến rồi hy sinh khi đang trên đường làm nhiệm vụ), rồi gia nhập Đội Văn công trường Lục Quân Việt Nam, khi ấy đang đóng ở nước láng giềng, do cụ Nguyễn Xuân Khoát, cụ Đỗ Nhuận phụ trách. Khi ấy thì nào là Ca ngợi Hồ Chủ Tịch của Lưu Hữu Phước, của Văn Cao, Trường ca Sông Lô (Văn Cao), Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Về đồng quê, Chiến sĩ sông Lô, Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn), Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát), Lì và Sáo, Pì noọng ơi (Văn Chung), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Bình Ca (Nguyễn Đình Phúc) v.v., biết nhiều và hát nhiều, nhiều lắm, có thể nói con đường lớn lên trong nghệ thuật của tôi phần lớn gắn bó với những bài ca cách mạng.

Bài hát cách mạng quả là hay, như nói đúng tâm tư tình cảm của mình. Sinh ra ở Hà Nội, theo gia đình rời Hà Nội lúc 13 tuổi, nhưng cũng đã biết nhớ Hà Nội da diết. Có lần đi trại hè Bắc Bắc, về Tiên Du leo lên núi Chùa Trăm gian, đứng nhìn về quầng ánh sáng Hà Nội khi ấy còn đang bị tạm chiếm, nhớ Hà Nội chảy nước mắt "...trông với về cố đô âm thầm, thù đang đốt tan hoang, trời loang máu đào..." Cũng vì thế cho nên khi ở ngoài kháng chiến, tham gia biểu diễn bài "Người Hà Nội", cứ hát đến "Hà Nội đẹp sao, ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng, bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng..." là giọng cứ run lên, không hát được.

Nói như thế không phải những bài hát cách mạng khác không nhắc đến Hà Nội thì người Hà Nội như tôi không thích, mà đã là người Việt Nam thì yêu cả nước Việt Nam này, Bắc Trung Nam đâu cũng yêu hết. Cái hay của những bài ca cách mạng đẹp, đúng nghĩa cách mạng, chính là tiếng nói tình cảm, lý trí của hàng triệu người Việt Nam, cả Bắc Trung Nam.

Nhân đây tôi cũng nói lên cách hiểu của mình về bài hát cách mạng. Không phải chỉ có đấu tranh, vùng lên, tiêu diệt quân thù, chắc tay súng vv. mới là bài ca cách mạng, mà là những bài hát nói về cuộc sống đang diễn ra trên đất nước ta, trên thế giới, về con người của xã hội mới này, của cuộc sống mới này, về tình yêu, nhưng đừng quá sướt mướt, về tình bạn, tóm lại là hát để cho người ta yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, theo tôi, đều là những bài hát cách mạng. Cách mạng là đổi đời, nói về con người, hát về về cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của một con người gắn bó với cuộc sống mới của đất nước, thì theo tôi đó là cách mạng. Tôi hiểu bài ca cách mạng như thế. Cho nên những bài hát thiếu nhi mà chúng ta đã từng hát, và thế hệ nhỏ thời nay đang hát, rồi những bài hát về tình yêu đôi lứa, giàu tình đời, tình người, không rên la, tù túng, cũng là những bài hát cách mạng cả chứ sao nữa!.

Hiểu về bài hát cách mạng như thế, cho nên khi nhắc đến lịch sử âm nhạc mới Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường nhận định: nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, Tân nhạc (hoặc còn gọi là nhạc cải cách) Việt Nam chia thành ba dòng: dòng lãng mạn, dòng yêu nước - tiến bộ (hoặc còn gọi là dòng hùng ca - lịch sử) và dòng cách mạng, thì sau Cách mạng Tháng Tám, ba dòng nhạc này đã hợp lưu thành một dòng: dòng nhạc cách mạng. Dòng nhạc này hợp nhất được những cái gì là hay nhất của cả ba dòng nhạc: trữ tình, lãng mạn của dòng lãng mạn, trong sáng lạc quan của dòng yêu nước - tiến bộ, trầm hùng (thậm chí bi tráng), quật khởi của dòng ca cách mạng. Những nét tiêu biểu này lưu giữ trong âm nhạc Việt Nam qua các giai đoạn kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay.

Tôi vẫn tâm đắc với nhận định rằng hành khúc Việt Nam là một loại hành khúc trữ tình. Vì nó thừa hưởng tâm hồn lãng mạn của người Việt Nam từ ngàn xưa chất chứa trong dân ca các miền của Việt Nam, man mác tình người, tình đời, chiến đấu nhưng tâm hồn không khô cứng, vẫn lãng mạn, chính thế mới chiến đấu và chiến thắng được. Vì thế, khi cần phân biệt khi nói đến ca khúc cách mạng, thì người ta không nóichung chung, mà thường nêu: ca khúc cách mạng thời Kháng chiến chống Pháp, ca khúc cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ, ca khúc (hoặc ca khúc cách mạng) từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay v.v...

Tính đến nay, tuổi của ca khúc cách mạng Việt Nam cũng đã ngót nghét thế kỷ, nếu tính từ Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), hoặc gần bảy chục năm tính từ sau Cách mạng Tháng Tám khi diễn ra sự hợp lưu của ba dòng nhạc lãng mạn, yêu nước-tiến bộ, cách mạng. Dòng nhạc này từng giai đoạn, ngoài những nét chung cơ bản, còn mang theo màu sắc lịch sử, màu thời gian riêng (có lẽ vì thế mà nhiều khi nghe có ca sĩ hát nhạc kháng chiến chống Pháp mà không thấy giống, dù rằng hoàn toàn đúng nhạc đúng lời), và là những vốn quý của âm nhạc Việt Nam. Có thể vì thế mà nhiều bài hát sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến nay có dịp nghe lại, vẫn thấy xúc động sâu sắc. Mà tôi biết không chỉ thế hệ cha anh, mà cả thế hệ con, cháu, khi nghe, khi hát những bài hát này, cũng thấy tự hào, thấy xúc động, vì tôi dạy cho họ hát nên tôi biết. Chỉ tiếc là những bài hát này thường được vang lên quá ít, thường vào những dịp mà nhiều người gọi đùa là "cúng cụ".

Nhưng mừng quá, được biết sắp tới sẽ tổ chức những cuộc thi hát những bài hát của hai cuộc kháng chiến, hy vọng lớp trẻ sẽ nhiệt liệt tham gia, chính đó là dịp để các bài ca cách mạng của hai giai đoạn này đến được với đông đảo công chúng. Những bài hát hay đọng lại từ đó đến nay chắc chắn sẽ góp phần thổi một luồng không khí tốt đẹp vào đời sống ca nhạc nước ta.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)

L

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...