Bài ca đất nước chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, âm nhạc nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường với những sản phẩm văn hóa nghe nhìn hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang ngày càng bị mai một, trong đó có truyền thống yêu thích hoạt động và sáng tạo văn học nghệ thuật.
Nhằm trả lại những giá trị đích thực cho âm nhạc, tôn vinh nền âm nhạc nước nhà, tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, trong đó có những người là liệt sĩ, chiến sĩ trên các lĩng vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận - phê bình và đào tạo..., được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, từ năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức lấy ngày 03 tháng 9 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên bục chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy dàn hợp xướng biểu diễn bài hát Bài ca kết đoàn, tại Vườn Bách thảo, Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 1960) để tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Trong những năm qua, cùng với việc duy trì tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Mỹ thuật Việt Nam, Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, theo định kỳ, hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Tọa đàm, giao lưu bểu diễn ca nhạc với các các nhạc sĩ các tỉnh: Kon Tum, Đăk Lăk, Bình Định, Phú Yên..., thiết thực chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan trong điều kiện “cơ chế thị trường”, nên các hoạt động ấy chưa thu hút được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và công chúng; nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị nội dung và nghệ thuật cao chưa thực sự trở thành “tài sản” của nhân dân.
Nhận thức được điều đó, năm nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự hưởng ứng tích cực của các nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên và không chuyên tại thành phố Pleiku; đồng thời nhằm thiết thực Chào mừng 74 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHNC Việt Nam, chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ X, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai - Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp Nhà hát Ca Múa Nhạc Đam San, Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đăk Lăk và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt, với các chủ đề: Bài ca Đất nước. Bài ca Đất nước là chương trình ca múa nhạc, gồm 15 tiết mục Ca Múa Nhạc đậm đà bản sắc dân tộc; phần lớn các tiết mục là những “Bài ca đi cùng năm tháng” ca ngợi Đảng, Bác Hồ, biển đảo quê hương, đất nước, trong đó có các tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ: Lê Xuân Hoan, Phi Ưng, Thảo Nam Giang, Kpă Ylăng, Linh Nga Niê Kdam và Châu Tài; nội dung các tác phẩm mới của các nhạc sĩ Tây Nguyên ca ngợi mảnh đất Gia Lai - Tây Nguyên - giàu truyền thống văn hóa lịch sử đã và đang ngày một đổi thay theo chiều hướng tích cực; với ngôn ngữ âm nhạc vừa mang bản sắc Tây Nguyên vừa mang tính thời đại; hòa âm phối khí công phu với những giọng ca của các nghệ sĩ: Rơ Ô Hằng, ca sĩ - nhạc sĩ: Phi Ưng, Thùy Dương, H’Bup, Lý Anh Đào, Thu Hương, Minh Tài, Ánh Tuyết cùng với các giọng ca nam nữ và tốp múa của Nhà hát Ca Múa Nhạc tổng hợp Đam San, đặc biệt là 2 giọng ca “nhí” Quốc Hưng và Thu Uyên đến từ Nhà Thiếu nhi của tỉnh... được dàn dựng công phu, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp, đặc biệt là màn hình led với những nghệ sĩ xuất sắc của tỉnh, nên Bài ca đất nước đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng cũng như tình cảm của các văn nghệ sĩ tham gia chương trình biểu diễn.
Ngoài ý nghĩa nói trên, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật lần này, còn nhằm động viên, cổ vũ phong trào hoạt động sáng tạo âm nhạc của anh chị em nhạc sĩ trong tỉnh; trên cơ sở đó, đáp ứng nhu cần thưởng thức nghệ thuật chính đáng ngày càng cao, ngày càng phong phú của đông đảo công chúng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà giáo dục âm nhạc trong tỉnh gặp gỡ, ôn lại truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của nền âm nhạc Việt Nam trong hơn 60 năm qua, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật không cùng của mình, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, góp phần xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.