Bắc Ninh - "Xứ sở" của hội hè đình đám*
Hôm nay, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam đăng cai tổ chức Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc lần thứ 24 - năm 2014 - ngày hội của giới nhạc sĩ và những người yêu âm nhạc của 23 tỉnh phía Bắc. Đây là niềm vinh dự của giới nghệ sĩ Bắc Ninh nói riêng, của tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Đền Vua Bà - thủy tổ Quan Họ (làng Diềm)
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa ngõ phí Bắc của Thủ đô Hà Nội; có diện tích tự nhiên 822,71 km2, dân số trên một triệu người; có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 01 thành phố, 01 thị xã, 06 huyện, với 126 xã, phường, thị trấn; là tỉnh nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, như: Quốc lộ nằm trong vùng đất cổ xưa của dân tộc Việt 1A, quốc lộ 18, 38, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và các tuyến đường thủy dọc sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình; gần cảng hàng không Quốc tế Nội Bài…
Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; nơi phát tích Vương triều Nhà Lỹ - Triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt; noi diễn ra Hộ nghị Bình Than của Vua tôi Nhà Trần bàn kế sách chống giặc Nguyên Mông; quê ngoại của Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Một vùng đất chứa đầy ắp những dấu tích lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hóa tiêu biểu; vùng đất sinh thành nhiều bậc khoa bảng hiền tài.
Bắc Ninh cũng là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những con người ưu tú, những chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, lê Quang Đạo…
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dành độc lập cho dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Bắc Ninh luôn tự hào về những đóng góp to lớn cho sự ra đời, phát triển phồn thịnh của dân tộc Việt Nam.
Chính những nền tảng và chiều sâu văn hóa đó là động lực quan trọng để ngày nay Bắc Ninh hội nhập và phát triển. Qua hơn 17 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21. Đến nay, Bắc Ninh đã đạt 14/15 tiêu chí của tỉnh công nghiệp (chỉ còn một tiêu chí là tỷ lệ dân số thành thị chưa đạt). Trong 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, đã có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức và 10 chỉ tiêu hoàn thành.
Trong giai đoạn từ 1997 - 2013, kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng cao, bình quân đạt 13%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH, năm 2013: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 94%, nông nghiệp chỉ còn 6%; quy mô kinh tế tăng trưởng gấp 9,6 lần năm 1997; tổng thu ngân sách đạt gần 12.000 tỷ đồng, gấp 63 lần năm 1997, tăng bình quân 29,5%/ năm và có ngân sách điều tiết về Trung ương; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD, chiếm 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.243 USD, gấp 16,6 lần so với năm 1997, cao hơn 2,1 lần so với bình quân chung của cả nước.
Các KCN tập trung được hình thành với công nghệ cao, công nghệ sạch và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 5 toàn quốc và đứng thứ 2 miền Bắc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong top các tỉnh dẫn đầu cả nước. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như thủy lợi, giao thông, trường học, trạm xá, điện… được đầu tư đồng bộ hiện đại, phát huy tốt hiệu quả, là tỉnh có hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng hàng đầu cả nước.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến mạnh mẽ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn nằm trong top dẫn đầu cả nước, 80% trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất phòng học hiện đại, đồng bộ bậc nhất cả nước với tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 96%; công tác y tế được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, cơ sở vật chất, trang thiết bị được hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,42%.
Ngược dòng lịch sử, Bắc Ninh là một vùng quê có lịch sử lâu đời, là trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa nổi tiếng với nền văn hóa Luy Lâu. Vì vậy, Bắc Ninh giữ vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đây là địa bàn trọng yếu mà nhà nước phong kiến Việt Nam thi triển các chính sách xây dựng, bảo vệ đất nước, phát triển văn hóa với nhiều thành tựu rực rỡ mang những sắc thái riêng vừa tiêu biểu vừa độc đáo.
Truyền thống văn hóa của Bắc Ninh được phản ánh đậm nét ở truyền thống hiếu học, khoa bảng. Thời phong kiến, Bắc Ninh có 667 người đỗ đại khoa, chiếm ¼ của cả nước, trong đó có 43 vị đỗ Tam khôi, 16 Trạng nguyên, chiếm tỷ lệ 35% của cả nước. Nơi đây có những “làng Tiến sĩ”, như: Kim Đôi, Vĩnh Kiều… có những dòng họ nối đường khoa bảng như họ Nguyễn Đăng (Hoài Bão), họ Trần (Trịnh Tháp), họ Ngô (Tam Sơn và Vọng Nguyệt)… Những gia đình có truyền thống hiếu học, khoa bảng tiêu biểu như 5 anh em gia đình họ Nguyễn ở Kim Đôi đều đậu Tiến sĩ, hay như làng Tam Sơn nơi duy nhất của đủ Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa). Quê hương Bắc Ninh thường có câu nói về truyền thống hiếu học, khoa bảng: 1 giỏ ông Đồ, 1 bồ ông Cống, 1 đống Trạng nguyên, 1 bè Tiến sĩ, 1 bị Trạng nguyên, 1 thuyền Bảng nhỡn.
Bắc Ninh được coi là cái nôi sinh thành dân tộc Việt, tổ đình của Phật giáo Việt Nam; trung tâm Hán học sớm nhất của nước ta. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vùng đất địa linh nhân kiệt này đã được kết tinh thành một kho tàng khổng lồ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu, vô cùng phong phú đa dạng và đặc sắc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 1.558 di tích; trong đó có 517 di tích đã được xếp hạng (194 xếp hạng cấp Quốc gia, 232 xếp hạng cấp tỉnh) trong số đó nhiều di tích là những di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc, như: Lăng và Đền thờ Nam bang thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, đền Đô, đình Đình Bảng, đình Diềm, Văn miếu Bắc Ninh, thành cổ Bắc Ninh…
Bắc Ninh hiện đang sở hữu 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: chùa Dâu, chùa Bút Tháp; lưu giữ 5 nhóm bảo vật quốc gia: Phật Bà Quan Âm (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du), Phật Bà nghìn tay nghìn mắt (chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành), Rồng đá (đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình); Ba pho tượng Tam Thế (chùa Linh Ứng, huyện Thuận Thành) và Bia “Xá Lợi Tháp Minh” (Bảo tàng tỉnh).
Bắc Ninh được mệnh danh và truyền tụng là “xứ sở” của hội hè, đình đám; có 547 Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm. Trong đó, một số lễ hội tiêu biểu như: Hội Lim, hội chùa Phật tích (huyện Tiên Du); lễ hội Đền Bà Chúa Kho, hội Làng Diềm (Thành phố Bắc Ninh); hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành); lễ hội Đền Đô, hội Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn); lễ hội Như Nguyệt (huyện Yên Phong)… Những lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh thường gắn liền với sinh hoạt văn hóa Quan họ - món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội đầu xuân ở Bắc Ninh. Đó cũng là nét đặc trưng cơ bản nhất của lễ hội truyền thống của tỉnh Bắc Ninh đã tồn tại hàng ngàn năm, hiện vẫn được duy trì và phát triển phù hợp với xã hội đương đại. Cùng với sinh hoạt lễ hội, là các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú, độc đáo, đa dạng dưới nhiều hình thức diễn xướng như: Múa rối nước, hát ca trù, hát chèo, hát trống quân, diễn tuồng… và đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Không những vậy, Bắc Ninh còn là kho tàng về những truyền thuyết, truyện cổ dân gian, truyện cười, hát ví và hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, phản ánh về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương.
Người Bắc Ninh cần cù chịu khó hay lam hay làm. Đó là những nhân tố hình thành và phát triển các nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như: đúc đồng ở Đại Bái, làng tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình); làm giấy Đống Cao (thành phố Bắc Ninh); đồ gỗ mỹ nghệ ở Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn); làng gốm Phù Lãng (Quế Võ); đặc biệt là nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (huyện Thuận Thành) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Truyền thống văn hóa của quê hương Quan họ rất phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên vùng đất này đã phản ánh sinh động lịch sử lâu đời, với vị trí vai trò to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời là sản phẩm văn hó tinh thần của vùng quê trù mật, với các hoạt động kinh tế đa dạng và năng động của cộng đồng cư dân, giàu năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa.
Lịch sử truyền thống văn hóa tỉnh Bắc Ninh có thể được khái quát trong hai chữ “Thất Tổ”, đó là: Chùa Tổ, Nam Bang Thủy Tổ, Nam Giao học Tổ, Thủy Tổ Quan họ, Tổ Trúc lâm Thiền sư, Lý Thái Tổ và Tổ quân khí.
Đây là những giá trị nền tảng để Bắc Ninh kế thừa, phát huy trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, xây dựng Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh.
Bắc Ninh là vùng đất của thi ca, âm nhạc, một vùng đất có nền văn hóa nghệ thuật phát triển khá phong phú mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc, tiêu biểu cho nền văn hóa của dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống lao động sản xuất, đấu tranh dựng nước và giữ nước, phản ánh trí tuệ, tri thức, tình cảm, tâm hồn, lý tưởng thẩm mĩ của con người mà tiêu biểu nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh - một hình thái diễn xướng dân gian độc đáo về tổ chức, lối chơi và nghệ thuật ca hát, đồng thời là sự phát triển đến đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc. Âm nhạc của dân ca Quan họ Bắc Ninh giàu làn điệu, mỗi làn điệu đã đạt tới trình độ cao và hoàn chỉnh, có phong cách riêng, ngôn ngữ chau chuốt, dễ đi vào lòng người và kết nối triệu trái tim.
Hy vọng rằng với sự phong phú, đa dạng về nền tảng và chiều sâu văn hóa của xứ Bắc sẽ là chủ đề và nguồn cảm hứng đối với các nhạc sĩ.
Chúng tôi mong muốn rằng với thời gian không dài trên quê hương Quan họ, bên cạnh việc giao lưu và trao đổi về kinh nghiệm âm nhạc, Bắc Ninh sẽ khơi mạnh nguồn để các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc mới về quê hương Quan họ…
_______________
* Bài phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tại hội thảo “Âm nhạc khu vực phía Bắc - tuyền thống và đương đại” 4-4-2014. Tiêu đề do hoinhacsi đặt.