Ba nàng Kiều cùng vào một vở múa
Tối 10 và 11/3, vở Múa Kiều (đồng biên đạo Yoo Oh Chun - Nguyễn Phúc Hùng) do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trình diễn đã đến với công chúng TP.HCM. Vở múa đương đại này cuốn hút người xem bằng sự sáng tạo hình thể, và cả sự xót thương cho thân phận nàng Kiều.
Sau khi trình diễn tại Nhà hát TP.HCM, Múa Kiều sẽ trình diễn nhiều suất cho khán giả trẻ và du khách đến Việt Nam. Vở cũng dự kiến mang ra các liên hoan nghệ thuật quốc tế để giới thiệu về văn hóa Việt.
“Duyên phận” với Kiều
Vở diễn lộng lẫy với trang phục lụa, động tác, cơ thể, âm nhạc, ánh sáng… Ba nàng Kiều cùng xuất hiện trong vở do NSƯT Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang và Phan Tiểu Ly thủ vai, hình ảnh Thúy Vân được diễn viên trẻ Đỗ Hoàng Khang Ninh thể hiện; nữ diễn viên Đinh Phương Dung trong vai Đạm Tiên, Hồ Phi Điệp đóng Kim Trọng, Phan Thái Bình đóng Kim Trọng và Từ Hải, Sùng A Lùng thể hiện hình ảnh Mã Giám Sinh, Yoo Oh Chun vào vai Giác Duyên…
Mùa Xuân tươi sáng với những cặp đôi trẻ trung. Ảnh: Trần Hoàng Sơn
Phần đầu thể hiện khung cảnh ngày Xuân với “Cỏ non xanh rợn chân trời”, nơi những cô gái e ấp trong chiếc áo yếm đằm thắm, đi hội gặp người mình thương mến và tình yêu đôi lứa chớm nở. Đây có thể nói là phân đoạn thể hiện đậm nét văn hóa Việt truyền thống.
Sau đó, bám sát diễn biến của câu chuyện gốc, gia đình Kiều gặp họa khiến nàng phải nén nỗi đau “bây giờ trâm gãy bình tan”, thôi chọn lựa giữa “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, chấp nhận bán thân vào chốn lầu xanh để chuộc cha.
Trong cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích, giọng hát ca trù của NSND Thanh Hoài vang lên cùng với tiếng đàn đáy truyền thống và cỗ phách mộc mạc: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu…” khiến nhiều khán giả rơi nước mắt xót thương cho thân phận đớn đau của nàng Kiều.
Một cảnh trong vở “Múa Kiều”. Ảnh: Trần Hoàng Sơn
“Mỗi lần đọc Truyện Kiều là tôi lại thương số phận nàng Kiều. Tôi rất ngưỡng mộ Nguyễn Du, nên từ lâu đã mong muốn tái hiện kiệt tác này bằng một vở diễn, một tác phẩm nào đó trên sân khấu, với tâm thế của xã hội hiện đại” - Yoo Oh Chun cho biết.
Yoo Oh Chun đã biết Truyện Kiều từ lâu, nên khi có bản dịch sang tiếng Hàn, bà đã mua tặng cho rất nhiều nhân viên trong công ty của mình ở Hàn Quốc. Đi đâu bà cũng mang theo Truyện Kiều để đọc đi đọc lại. “Ngày nào tôi cũng đọc khoảng 50 câu Kiều” - Yoo Oh Chun chia sẻ.
“Mỗi buổi sáng, hầu như các dòng trạng thái trên trang cá nhân của Yoo Oh Chun cũng đều là những câu mang âm hưởng Truyện Kiều” - biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết. Biên đạo này cũng cho biết khi trao đổi về ý tưởng vở diễn với đồng đạo diễn Yoo Oh Chun, anh đã không khỏi ngạc nhiên về độ am hiểu của bà.
Làm việc với ê-kíp trong vòng một năm để chuẩn bị cho vở diễn, đạo diễn - biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết: “Tác giả Yoo Oh Chun cũng là một diễn viên, biên đạo, nên không khó khăn gì khi chuyển tải nội dung câu chuyện lên sân khấu múa. Bà Yoo Oh Chun cũng có rất nhiều trải nghiệm, cảm nhận về Việt Nam. Cảm xúc gắn bó thân thiết của nữ tác giả - biên đạo này về Việt Nam rất đặc biệt và có nhiều điểm đồng điệu với chúng tôi”.
Ngôn ngữ nghệ thuật đương đại
Kiều quyết định gieo mình xuống sông Tiền Đường để thoát nợ trần ai, nhưng sự cứu chuộc nơi cửa chùa với sư Giác Duyên và cảnh đời đẹp đẽ bình dị đã mang lại không gian yên bình trong đoạn kết câu chuyện và cũng là cảnh cuối của vở múa.
Ở cảnh này, giọng hát ca trù của NSND Thanh Hoài được vang lên trên nền âm nhạc đương đại do cả dàn nhạc trình tấu, với âm thanh chủ đạo mang tính kể chuyện là piano dẫn lối.
Đạo diễn - biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết: “Vì ngôn ngữ của múa là ngôn ngữ cơ thể, nên chúng tôi sẽ tập trung diễn đạt vẻ đẹp thân thể, cũng như lột tả vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ đặc biệt này. Chúng tôi không quá lo sợ chuyện khán giả sẽ đặt kỳ vọng vào nội dung câu chuyện theo kiểu đọc Truyện Kiều thế nào thì bây giờ phải thấy câu chuyện tái hiện trên sân khấu đúng y như thế”.
“Nếu chỉ như thế thì là múa minh họa rồi, chứ không phải một vở múa thực sự. Chúng tôi hy vọng sẽ mở ra một không gian tưởng tượng mới với Truyện Kiều, để mang lại cho khán giả những cảm nhận sâu sắc về cái đẹp”.
Vở múa đưa lên sân khấu cùng lúc ba nàng Kiều: “đời thực của Kiều”, “linh hồn của Kiều”, “tương lai của Kiều”. Bởi vì: “Chúng tôi hiểu là bà Yoo Oh Chun muốn thể hiện hình ảnh của nàng Kiều ở cả ba thời điểm: quá khứ, hiện tại và tương lai. Vở diễn không quá nặng nề, bi lụy mà sẽ tạo ra một không gian nghệ thuật nhẹ nhàng, tươi sáng” - Nguyễn Phúc Hùng khẳng định.
Âm nhạc vở múa “Kiều” có sựtham gia của NSND Thanh Hoài - Ca trù, Lê Hoài Phương - Đàn đá, Cao Hồ Nga - Đàn Tơ-rưng, Trần Khánh Tường - Sáo Trúc, Nghiêm Thu - Đàn tỳ bà, các nghệ sĩ nhạc dân tộc khác, nghệ sĩ nhạc dân tộc người Hàn Quốc – Kwon-Soon Kang.
Theo: (Thethaovanhoa.vn)