Áo dài đi với quần tây...

16/05/2013

Sàn diễn Luala Concert Xuân Hè 2013 vừa khép lại với mùa diễn thứ tư trên vỉa hè 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội, với một “thiết kế” hoàn toàn mới: Dàn nhạc thính phòng Tây thay vì độc diễn (hai mùa đầu), kết hợp với các diva (mùa thứ ba), thì lần này diễn với jazz, với tuồng, với cải lương...

So với ba mùa diễn trước, “thực đơn” âm nhạc của Luala Concert Xuân Hè 2013 vô cùng đa dạng, mỗi buổi diễn là một không gian âm nhạc khác nhau. Là sự kết hợp giữa nhạc jazz với âm hưởng cải lương và hát văn của nhóm Phù Sa với các thành viên Quyền Thiện Đắc (sax), Vũ Ngọc Hà (guitar) và Lê Quốc Hưng (trống) cùng NSƯT Đào Văn Trung (violon).

Là những thể nghiệm âm nhạc mới của nhạc sĩ Trí Minh kết hợp âm nhạc điện tử với các chất liệu dân gian trong đó có màn trình diễn đàn đáy của NSND Xuân Hoạch, đàn tranh của NSUT Trà My, đàn môi của nghệ sĩ Đức Minh... ngẫu hứng với kèn tuba của nghệ sĩ Lê Minh Chiều, trống của nghệ sĩ Quang Minh...

Khi là chuyến du ca đi khắp mọi miền đất nước của nữ ca sĩ - nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý được “tái hiện” trên vỉa hè Hà Nội, bên cạnh những quen thuộc Mùa yêu, Nghe tôi kể này, Lẩn thẩn, Nhiều người ôm giấc mơ, Thu lu, Nghèo..., là phần trình diễn những ca khúc mới và âm sắc bản địa qua các loại nhạc cụ dân tộc của Lý với Ngô Hồng Quang và Đức Minh.

Lúc lại là tiếng đàn piano độc đáo của nghệ sĩ Phó An My “đối thoại” với âm nhạc cổ truyền, từ tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Tiếng Thốt, Xúy Vân giả dại, Luyện năm cung đến các bản hò Huế…Đặc biệt, bế mạc mùa diễn năm nay, sau những tác phẩm của âm nhạc cổ điển phương Tây của Bach, Strauss, Vivaldi, khán giả đã được thưởng thức một không gian âm nhạc với sự giao thoa giữa cải lương và cổ điển qua tác phẩm Hồn Việt do NSƯT Đào Văn Trung sáng tác được chơi theo giọng điệu của âm nhạc cải lương cùng dàn nhạc giao hưởng. 

Sự kết hợp “áo dài và quần tây”, hay “nặng lời” hơn, là giữa “mắm tôm” và “rượu vang” này vốn không phải lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ở Việt Nam. Nhạc sĩ Quốc Trung đã nhiều lần đưa các nghệ nhân lên sân khấu trình diễn cùng dàn nhạc điện tử Phương Đông. Phó An My, Đặng Tuệ Nguyên “chơi” piano với hát tuồng trong Festival Huế và cả Nhà hát Lớn...

Tuy nhiên, đổ bộ ồ ạt và trở thành tinh thần của một chuỗi chương trình như tại Luala Concert Xuân Hè 2013 thì có thể xem là của hiếm, nhất là khi chúng lại đến thẳng với công chúng “ngoài đường”. Hầu hết họ tỏ ra thích thú và hào hứng với những thử nghiệm âm nhạc mới. Dù được trình diễn ở hình thức nào, chúng đều khai thác triệt để yếu tố bản địa của từng loại hình nghệ thuật truyền thống (bao gồm âm hưởng, giọng điệu, ngôn ngữ, âm sắc), để tạo nên một tác phẩm mới hoàn toàn.

Khai thác các yếu tố bản địa của từng loại hình nghệ thuật truyền thống để tạo nên những sáng tác mới là con đường để đến với tiêu chí “đậm đà bản sắc dân tộc”, hay ngược lại, các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cần đến các cảm hứng mới để hấp dẫp công chúng? Luala Concert Xuân Hè 2013 là một trong số nhiều câu trả lời. Theo Giám đốc nghệ thuật chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, mọi sản phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, luôn cần sự thẩm định của 3 thước đo thuyết phục: Thuyết phục được thế hệ trẻ - những người tạo ra sự tiếp nối văn hóa giữa các thế hệ; Thuyết phục được những người thuộc nền văn hóa khác; và Thuyết phục những người làm chuyên môn. Nếu đạt được 3 tiêu chí này thì không có lý do gì không thành công, anh khẳng định.

 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Nhạc truyền thống Việt Nam không cần sống trong sự “đùm bọc” của âm nhạc phương Tây

Khi âm nhạc truyền thống được khai thác trở thành một thành tố trong tổng thể có kết hợp với âm nhạc phương Tây (dàn nhạc giao hưởng hay nhạc điện tử…) thì nó không đơn thuần là truyền thống nữa. Nếu coi đó là con đường mới cho âm nhạc truyền thống thì chưa chính xác lắm. Âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ không cần sống trong sự “đùm bọc” của âm nhạc phương Tây. Nó đã tồn tại cả nghìn năm nay cùng với sự trường tồn của dân tộc nên dù có những thăng trầm, thay đổi, mất mát, bổ sung gì theo sự tự vận động tự nhiên từ đời sống cộng đồng nơi đã sinh ra nó đi chăng nữa thì nó sẽ vẫn tồn tại cùng dân tộc.

 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Nhạc của ông cha ta để lại đâu có “thấp” mà phải “nâng cao?

Nhìn lại dòng chảy lịch sử, các giá trị nhạc Tây phương đã được du nhập vào Việt Nam được hơn một thế kỷ. Trong thời kỳ đầu, những tác phẩm âm nhạc do người Việt Nam sáng tạo theo phương pháp Tây phương được gọi là Tân nhạc. Và, không chỉ âm nhạc, những giá trị văn hóa nói chung học được từ Tây phương đều được coi là mới (tân) nhằm đối sánh với những giá trị dân tộc bản địa (cổ). Điều này dần dà tạo thành một thói quen rằng cứ cái gì của Tây thì là mới, mà của ta thì là xưa cũ.

Đến nửa sau thế kỷ 20, cách hiểu đó được nhấn thêm một bước nữa, hệ giá trị của Tây phương từ nhạc cụ đến những nguyên tắc âm nhạc nói chung được xác định là “hiện đại, khoa học, thời đại…”. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận sâu sắc hơn nữa không chỉ trong những người làm nghề mà còn ở cả một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Đứng về mặt giao thoa văn hóa, sự kết hợp giữa nhạc Việt Nam và Tây phương từ hơn một thế kỷ qua diễn ra khá phong phú và đa dạng. Việc dùng phần đệm kiểu Tây đệm cho nhạc cổ truyền Việt Nam hay biến đổi nhạc ta theo cấu trúc Tây... cũng đã là chuyện thường tình.

Chúng ta cứ sáng tạo, thử nghiệm chứ đừng đặt định những khẩu hiệu vĩ mô mang tính dẫn đường kiểu như coi đó là “sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại” hay “nâng cao nhạc cổ truyền”... Nhạc của ông cha ta để lại đâu có “thấp” mà phải “nâng cao”? Mà sao phải “hiện đại hóa” âm nhạc? Còn muốn đưa ra những sáng tạo mới, đòi hỏi các nghệ sĩ, nhạc sĩ phải thực sự bỏ nhiều trí tuệ, dày công nghiên cứu tính toán. Đại thể sự kết hợp giữa nhạc theo hệ thống thang âm bình quân của Tây và nhạc đa thang âm cổ truyền dân tộc là rất nhạy cảm về mặt hòa âm cũng như sự đồng điệu của nghệ thuật phối khí. Sự lai ghép kết hợp trong âm nhạc cũng khá gần gũi với sự cấy ghép trong ngành sinh học, hay pha trộn trong ẩm thực, không phải sản phẩm thử nghiệm nào cũng thu hút số đông và đứng vững theo thời gian. Con đường sáng tạo là rất đáng khuyến khích, song không dễ tạo được những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao trong một sớm một chiều”.

 (Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...