Ảnh hưởng của ca Huế trong sáng tác ca khúc về Huế thế kỷ XX

16/01/2017

Bước sang thế kỷ XX, tình hình văn hóa xã hội của nước ta có nhiều biến chuyển theo những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sau nhiều thập kỷ chịu sự đô hộ của Pháp.


Ảnh: internet

Đây cũng là lúc nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc phương Tây và có những chuyển biến mới, được đánh dấu bằng sự ra đời của nền Tân nhạc Việt Nam vào thập niên 1930.

Dù đang ở buổi mạt kỳ của chế độ quân chủ, Kinh đô Huế vẫn là nơi hội tụ của tầng lớp quý tộc và tao nhân mặc khách - những chủ thể nuôi dưỡng sự tồn tại của bộ môn Ca Huế. Nhờ thế, nghệ thuật Ca Huế thời kỳ này được phát triển đến đỉnh cao tại Kinh đô Huế và lan tỏa đến nhiều vùng miền khác. Mặt khác, trên con đường phát triển của mình, Ca Huế cũng đã tiếp thu các làn điệu dân ca xứ Huế để làm phong phú thêm nhạc mục của mình. Sự hoàn thiện về nghệ thuật đã định hình nên một phong cách âm nhạc riêng, đặc sắc của vùng Huế, không thể lẫn lộn hay bị đồng hóa bởi một nền âm nhạc nào khác. Với một phong cách riêng, chính Ca Huế đã góp phần không nhỏ tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của mảnh đất thần kinh thơ mộng đã sản sinh và nuôi dưỡng nó.

Trong sự phát triển của nền Tân nhạc Việt Nam, phong cách đặc sắc của âm nhạc Huế nói chung và Ca Huế nói riêng đã gợi hứng cho nhiều sáng tác mới có giá trị. Nhiều nhạc sĩ đã tìm thấy ở Ca Huế những chất liệu quý giá để sáng tác nên những tác phẩm mới vừa mang hơi thở thời đại, vừa thắm đượm tình cảm quê hương. Có thể nói rằng những ảnh hưởng của nghệ thuật Ca Huế đã tạo nên một dòng nhạc mới mang phong cách Huế trữ tình, sâu lắng như tâm hồn và lối sống của con người nơi đây.

Để nghiên cứu về những ảnh hưởng của Ca Huế trong sáng tác ca khúc về Huế thế kỷ XX, chúng tôi sẽ xem xét các ca khúc tân nhạc Việt Nam được sáng tác trong thời gian thế kỷ XX, và để đối chiếu, chúng tôi sẽ khảo sát tất cả những bài bản được xem là Ca Huế, bao gồm cả những bài bản chính thống và những bài bản du nhập từ dân ca Huế (như Lý, Hò…). Những bài bản dân ca du nhập dù không tuyệt đối “thuần chất”, song chúng có phong cách khá gần gũi và đã được du nhập vào môi trường Ca Huế một thời gian dài trước đây, nhiều bài đã bị “Ca Huế hóa” bởi sự trau chuốt về giai điệu và lời ca so với chính chúng trong môi trường dân dã. Thậm chí kể từ nửa sau thế kỷ XX, khi dân ca dần dần ít được sử dụng và hầu như mất hẳn trong cuộc sống của người dân thì một số bài bản lại được vang lên thường xuyên trong môi trường Ca Huế, từ đó mới đến được với nhận thức của mọi người. Nói cách khác, dân ca đến được với người nghe chủ yếu thông qua môi trường ca Huế chứ không phải từ bối cảnh sinh hoạt nguyên thủy của nó. Sự du nhập vào một môi trường mới khiến các bài bản dân ca Huế ít nhiều bị tác động bởi các bài bản Ca Huế chính thống. Nếu nhìn từ bên ngoài, những ai không chuyên nghề thì khó phân định giữa những bài chính thống và du nhập.

Trong thế kỷ XX, thống kê chưa đầy đủ cho thấy số lượng các ca khúc về Huế đã lên đến trên 100 bài. Hiếm có một thành phố nào trên cả nước có được số lượng tác phẩm âm nhạc lớn như thế. Dĩ nhiên, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật. Song đối với những ca khúc có giai điệu mang âm hưởng Huế, ta cần khẳng định sự đóng góp của âm nhạc Huế, trong đó có Ca Huế, đã hun đúc nên bề dày và chiều sâu văn hóa nghệ thuật làm nền tảng cho các sáng tạo âm nhạc mới. Trong hơn 100 ca khúc về Huế mà chúng tôi khảo sát, khó có thể nhận thấy sự ảnh hưởng trực tiếp giai điệu của một bài ca Huế chính thống nào, nhưng cái âm điệu buồn miên man, sâu lắng, những tâm sự u uẩn, bâng khuâng cứ bãng lãng, bàng bạc trong nhiều ca khúc. Chính chiều sâu nội lực của một loại hình nghệ thuật có giá trị như Ca Huế mới tạo nên được sự ảnh hưởng như thế đối với một dòng ca khúc mới có chỗ đứng lâu bền như ca khúc Huế.

Ca khúc Đêm tàn bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã đề cập đến âm hưởng của Nam Bình, một bài bản đặc trưng của Ca Huế: “Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than như nức nở khóc duyên bẽ bàng”. Cũng trong ca khúc này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn nhắc đến khúc nhạc Nam Ai nổi tiếng của Ca Huế với tiếng đàn, giọng ca da diết, ai oán trong khoang thuyền trên sông Hương: “Thuyền mơ trong khúc “Nam Ai”. Đàn khuya trên sông ngân dài. Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài. Ôi vẳng nghe tiếng ai âm thầm trầm ngân như nhắn nhủ mối duyên thờ ơ. Sông nước lững lờ, ai mong ai chờ, đời vui chi trong sương gió. Đây phút cô đơn, ai oán cung đàn sầu vọng trần gian…”. Có thể thấy những bản Nam Ai, Nam Bình da diết vang lên trong khung cảnh sông nước hữu tình đã làm rung động tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ tài hoa và tạo cảm hứng cho ca khúc bất hủ Đêm tàn Bến Ngự ra đời.

Vào năm 1944, nhạc sĩ Phạm Duy đến Huế trong chuyến lưu diễn cùng gánh hát Đức Huy - Charlot Miều và đã nhiều lần được thưởng thức Ca Huế trên sông Hương. Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ cho biết ông đã “Được nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế từ đêm cho đến sáng. Trước đây chỉ được nghe ca Huế qua đĩa Béka giờ được trực tiếp nghe tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những hò Mái nhì, hò Mái đẩy, những lý Tình tang, những Nam Bình, Nam Ai trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm thật quá tuyệt vời!” Bằng cách đó, nhạc sĩ đã tiếp thu tính chất đặc trưng của âm nhạc Huế và vận dụng vào trong sáng tác các ca khúc của mình như ông từng thổ lộ: “Âm nhạc [Huế] nói chung và ca Huế nói riêng đã có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của tôi”. Quả thật nhiều ca khúc của ông chịu ảnh hưởng rõ nét của Ca Huế và dân ca Huế như Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh,…, đặc biệt bài Nước non ngàn dặm ra đi trong trường ca Con đường cái quan có ảnh hưởng rõ nét từ bản Nam Bình của Ca Huế.

Trong ca khúc nổi tiếng Khúc tình ca xứ Huế, nhạc sĩ Trần Đình Quân (Trần Đa Mỹ) cũng nói đến sự ảnh hưởng của Ca Huế và không gian diễn xướng của nó trên con thuyền lơ lửng Hương giang:

Có thể nói sự sang trọng, đài các, giá trị nghệ thuật, nhân văn sâu sắc, âm điệu buồn thương da diết, sâu lắng, u uẩn của Ca Huế cùng với không gian diễn xướng đầy vẻ thơ mộng, trữ tình của nó đã làm rung động tâm hồn của bao thi nhân mặc khách và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tạo nên những ca khúc Tân nhạc như những tâm tình dành tặng riêng cho Huế.

Ảnh hưởng của Ca Huế đối với ca khúc sáng tác về Huế đã được nhận thấy qua âm hưởng của các ca khúc này và được thừa nhận bởi chính một số tác giả. Thế nhưng điều gì tạo nên âm hưởng Huế trong các ca khúc này? Muốn tìm hiểu điều này, chúng ta phải xét đến những yếu tố âm nhạc nào của Ca Huế đã gây ảnh hưởng đến các ca khúc Huế. Qua phân tích các ca khúc mang âm hưởng âm nhạc truyền thống Huế và Ca Huế nói riêng, ta thấy chúng mang âm hưởng đặc trưng bởi các yếu tố sau đây:

1. Sử dụng Hơi Ai trong Ca Huế 

Hơi Ai (hoặc hơi Nam) là một trong hai hệ thống hơi nhạc chính của Ca Huế (gồm hơi Khách và hơi Ai). Đây là hơi nhạc thể hiện âm điệu đặc trưng của âm nhạc truyền thống Huế do được dùng nhiều trong âm nhạc dân gian và Ca Huế. Hơi Ai mang âm hưởng buồn man mác, đó cũng chính là tiếng lòng của con người xứ Huế trầm mặc, suy tư.

Hơi Ai có cấu tạo thang âm như sau:


Hò              xự               (y)        xang             xê            cống         (phàn)        liu       

Ở đây, chúng tôi tạm quy định chữ Hò tương đương với Đô 1 (c1), các cao độ ghi theo ký âm phương Tây chỉ có giá trị tương đối. Các bậc của thang âm khi xướng lên với đúng cao độ già, non cộng với những nét tô điểm, luyến láy đặc trưng của hơi Ai sẽ tạo nên âm hưởng đặc biệt của Huế. Chẳng hạn chữ xang, chữ phàn phải rung và vuốt lên, chữ xự phải nẩy (nghĩa là kỹ thuật mổ hay vỗ đối với nhạc khí), chữ y thường được vuốt xuống xự trước khi về hò, v.v. Những bài bản Ca Huế có hơi Ai thường dùng 5 âm Hò - xự - xang - xê - cống là chính, và thường lấy âm Hò/Liu và Xang làm âm tựa.

Nhiều ca khúc được sáng tác vào thế kỷ XX cũng sử dụng các đặc điểm này của hơi Ai nên thắm đượm tính chất Huế. Xin đơn cử một số ví dụ dưới đây.

Hãy xem xét câu đầu tiên của bài Mưa trên phố Huế (nhạc: Minh Kỳ, thơ: Tôn Nữ Hỷ Khương).

Ca khúc này được viết ở giọng Sol trưởng, so với thang âm hơi Ai thì Rê 1 (d1) tương đương với âm Hò (phần xướng âm truyền thống của các ca khúc trong chuyên đề này do chúng tôi tự làm dựa trên cơ sở các đặc điểm của hơi nhạc truyền thống Huế). Các bậc của ca khúc có thể được hệ thống trong thang âm như sau:


Hò              xự               (y)        xang             xê            cống         (phàn)        liu           

Thang âm này cũng chính là thang âm của hơi Ai vừa nêu ở trên, nhưng được di chuyển lên 1 bậc, với Hò = d1, âm tựa Hò (d1) và Xang (g1), kết câu ở Hò (d1).

Bài Từ Đàm, quê hương tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông (Văn Giảng) được viết ở giọng Đô trưởng. So với thang âm hơi Ai thì Hò = g.

Có thể thấy ở đây thang âm hơi Ai cùng dạng với các thang âm vừa nêu, trong đó Hò được chuyển thấp xuống tương đương với g, âm tựa Hò (g), Xang (c1), kết câu ở Hò (g):


        Hò              xự               (y)        xang             xê            cống         (phàn)        liu                     

Rất nhiều các ca khúc khác như Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Huế xưa, Mắt Huế xưa (Quốc Dũng, Đinh Trầm Ca), Vĩ Dạ đò trăng (Canh Thân), Thần kinh thương nhớ (Thế Minh), Thương về miền Trung (Châu Kỳ), Huế, tình yêu của tôi (nhạc: Trương Tuyết Mai, thơ: Đỗ Thị Thanh Bình), Huế, nhịp phách tiền (Việt Đức), Ngẫu hứng Lý qua đèo (Việt Đức), Chiều sông Hương (Vĩnh Phúc), v.v… có giai điệu được thể hiện theo các đặc điểm của hơi Ai như vừa nêu. Tùy từng bài mà thang âm này được chuyển bậc lên hay xuống, nhưng đặc điểm của các bậc trong thang âm không thay đổi. Chính vì thế, các ca khúc này mang một tính chất Huế rõ rệt, không thể nhầm lẫn với một vùng âm nhạc nào khác.

Khi ca khúc đã được hình thành, muốn ca khúc ấy thể hiện đúng tính chất Huế, cần phải lựa chọn ca sĩ có cữ giọng phù hợp, có thể thể hiện những nét tô điểm, luyến láy đặc trưng của hơi nhạc cổ truyền xứ Huế mà ở đây chính là hơi Ai. Thực tế cho thấy với cùng một ca khúc, người ta cho rằng ca sĩ A hát “ra chất” còn ca sĩ B thì hát “không ra chất”, đấy là do khả XXX năng thể hiện những nét luyến láy, tô điểm của hơi nhạc đặc trưng mà tác phẩm thể hiện.

2. Sử dụng đặc điểm ngữ âm tiếng Huế 

Là một loại hình âm nhạc đặc trưng của Huế, Ca Huế mang đậm sắc thái vùng nhờ gắn liền với ngữ âm giọng nói của người địa phương. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngữ âm tiếng Huế “cạn và hẹp”. Thực tế cho thấy tầm cữ dấu giọng tiếng Huế “hẹp” ở chỗ những từ có dấu sắc và dấu ngã không được phát âm cao lên như tiếng Bắc hay tiếng Nam, những từ mang dấu nặng thì không quá thấp. Điều này tạo cho ngữ điệu tiếng Huế sự “trầm lắng” như nhiều người nhận xét. Đặc điểm về ngôn ngữ ấy đã được phản ánh trong các bài bản Ca Huế và các làn điệu dân ca, từ đó ảnh hưởng đến các ca khúc mang âm sắc Huế, biểu hiện ở một số đặc điểm âm nhạc sau đây:

2.1. Giai điệu nằm ở âm khu trung và trầm, âm vực không quá rộng 

Qua nghiên cứu, khảo sát, có thể nhận thấy giai điệu của các bài bản ca Huế thường nằm ở âm khu trung và trầm, âm vực tương đối hẹp, cơ bản chỉ gói gọn trong một quãng 8 (từ Hò đến Líu, đôi lúc có thêm một số âm cao hơn hay thấp hơn, nhưng không quá một quãng 4 hay quãng 5 so với quãng 8 cơ bản này). Điều đó phù hợp với tầm cữ giọng nói “cạn và hẹp” của địa phương, khiến người hát phát âm một cách thoải mái mà không cần phải vận dụng đến một kỹ thuật thanh nhạc đặc biệt như trong một số loại hình âm nhạc chuyên nghiệp khác (như lối hát opera).

Nhiều ca khúc mới, để mang tính chất Huế, cũng nằm trong tầm âm vực này, khiến người nghe có cảm giác gần gũi, thân thuộc như nghe một bài bản Ca Huế hay dân ca nào đó. Cho nên, khi trình bày ca khúc Huế, ca sĩ không thường xuyên phải vận hơi để lên những nốt cao vượt ngoài tầm cữ giọng bình thường của mình.

Nếu xét trường hợp ngược lại, nhiều thể loại âm nhạc dân tộc khác, nhiều ca khúc, nhạc khúc khác tuy nằm ở âm khu trầm, nhưng không ảnh hưởng từ Ca Huế và không mang tính chất Huế. Như thế, đặc điểm vừa nêu chỉ là một trong những yếu tố (chứ không quyết định) tạo nên tính chất Huế trong ca khúc mới. Và nhiều tác phẩm mới dù không có yếu tố này vẫn có âm hưởng Huế, nhưng tính chất Huế ở đây không “đậm đà” như các tác phẩm hội đủ yếu tố này.

2.2. Giai điệu chứa đựng sắc thái thanh điệu tiếng Huế 

Ngữ âm đặc trưng của địa phương không những ảnh hưởng đến âm khu, âm vực mà còn đến giai điệu. Chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt ví dụ trong các giai điệu nhạc Huế, các từ có thanh sắc, thanh ngã được đặt nằm ở âm khu trung hoặc trầm trong tuyến giai điệu, những từ có dấu sắc thường được luyến lên như thanh điệu của ngôn ngữ nói.

Ở đoạn trích “Nước non ngàn dặm …” của bài Nam bình, từ “nước” có dấu sắc nằm ở âm khu trầm và được luyến lên quãng 5. Rất nhiều từ có dấu sắc được xử lý tương tự như thế trong giai điệu của Ca Huế.

Hoặc trong đoạn trích bài Cổ bản dưới đây, từ “hữu” (dấu ngã) lại được phát âm xuống thấp ở âm khu trầm, phản ánh rõ nét thanh điệu của tiếng Huế:

Nắm được quy luật này, các nhạc sĩ đã vận dụng nó vào trong sáng tác các tác phẩm mới, khiến cho những ca khúc ấy gần gũi với giọng nói địa phương và với dân ca Huế. Hãy thử xem xét ví dụ sau đây:

Ở đây, ta có thể thấy các từ có dấu sắc thường nằm ở âm khu trung hoặc trầm, và đều được luyến lên, các từ có dấu ngã cũng được hạ xuống ở âm khu trầm và có luyến lên.

Trích bài Đằm thắm tình người (Dương Bích Hà) để thấy thêm các đặc điểm tương tự qua đoạn: “… lúa vàng đầy khoang cá bạc tiếng cười trẻ”.

Khi giai điệu được áp dụng theo quy tắc vừa nêu, nó giúp cho việc phát âm được “tròn vành, rõ chữ” theo kiểu Huế, và chất Huế được nhận dạng rõ hơn trong âm nhạc. Cần nói thêm rằng đây không phải là nguyên tắc bất di bất dịch, song là một yếu tố quan trọng, khi được kết hợp với một số yếu tố khác sẽ tạo nên âm hưởng Huế cho các ca khúc tân nhạc.

3. Sử dụng các mô-tip giai điệu của Ca Huế và dân ca Huế 

Sử dụng các mô-típ giai điệu của dân ca là thủ pháp phổ biến được nhiều nhạc sĩ sử dụng trong sáng tác ca khúc, trong đó có các ca khúc Huế. Hò Mái nhì, làn điệu hò đặc trưng của Huế đã được nhiều nhạc sĩ vận dụng trong sáng tác của mình như trong các ca khúc Dòng sông ai đã đặt tên (Trần Hữu Pháp), Mưa trên phố Huế (Minh Kỳ, Tôn Nữ Hỷ Khương), Huế thương (An Thuyên),… Nghe giai điệu dàn trải, buông lơi sau đây trong bài Mưa trên phố Huế, ta có thể liên tưởng ngay đến vẻ chơi vơi, lãng đãng của điệu Hò Mái nhì bàng bạc trên sông Hương:

Ngược lại, nhịp điệu mạnh mẽ, dứt khoác trong các ca khúc Tiếng sông Hương (Phạm Đình Chương), Về miền Trung, Ai đi trên dặm đường trường (Phạm Duy) có ảnh hưởng rõ rệt từ điệu Hò Giã gạo. Âm hình tiết tấu chấm dật, với thủ pháp nhấn vào từng phách khiến cho giai điệu sau đây có tính chất khỏe khoắn, mạnh mẽ như trong điệu Hò Giã gạo:

Tương tự, bài Ngẫu hứng Lý Qua đèo (Việt Đức) lấy cảm hứng từ điệu Lý Qua đèo hay còn gọi là Lý Hoài nam, bài Tơ vương (Vĩnh Phúc) bắt nguồn từ Lý Chuồn chuồn; bài Gọi tình ai (Dương Bích Hà) lấy chất liệu từ Lý Năm canh… Thủ pháp sáng tác phổ biến được sử dụng ở đây là một đoạn giai điệu và lời ca nào đó của dân ca được lặp lại với đôi chút biến hóa, khiến người nghe dễ dàng nhận ra “hình dạng” của bài dân ca đó hiện diện trong tác phẩm. Điển hình ở đây có Dòng Hương nghiêng (Dương Bích Hà) sử dụng câu đầu của Lý Con sáo với đôi chút cách điệu qua: “Ai đem con sáo mà sang sông/ Ai đem con sáo mà sang sông”. Trong Khúc Hò khoan sông Hương, nhạc sĩ Vĩnh Phúc đã vận dụng các mô-tip của Hò Hụi để sáng tác giai điệu của ca khúc này. Một số tác giả lại lấy nhịp điệu (của Hò Giã gạo, Hò Nện) làm chất liệu cho sáng tác của mình, như trong các ca khúc Về miền Trung, Ai đi trên dặm đường trường (Phạm Duy), hay trong bài Tiếng sông Hương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

Trên đây đã giới thiệu một số các mô-típ của dân ca Huế, được vận dụng trong sáng tác ca khúc mới, khiến cho các ca khúc này mang đậm tính chất âm nhạc của vùng Huế. Những thủ pháp sáng tác dựa trên các mô-tip dân ca cũng được phân tích nhằm làm rõ chúng được vận dụng như thế nào vào ca khúc mới.

4. Tốc độ chậm, tiết tấu dàn trải, dùng thủ pháp đảo phách 

4.1. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống của người dân địa phương. Nhịp sống của người Huế vốn chậm rãi và trầm tĩnh, điều đó cũng được phản ánh trong dân ca và Ca Huế. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên tính chất Huế trong các ca khúc mới hiện nay. Đa số các ca khúc Huế có nhịp điệu chậm hoặc chậm vừa với tiết tấu dàn trải giống như nhịp sống êm đềm của người dân địa phương được phản ánh trong âm nhạc truyền thống nơi đây.

4.2. Trong Ca Huế thường xảy ra hiện tượng đảo phách, người trong nghề thường gọi là nhịp ngoại, nhịp nội (phân biệt với nhịp chánh). Đó là sự xáo trộn, sự trì hoãn khi tiếng ca, tiếng đàn “rơi” trệch khỏi phách hay nhịp mạnh, thể hiện tâm trạng chơi vơi, lãng đãng của một loại hình âm nhạc mang tính chất trữ tình cao như Ca Huế. Đặc điểm này tạo nên một “khoảng đất rộng” để nghệ sĩ thực hiện khả năng biến hóa lòng bản trong quá trình hòa tấu, vừa để diễn tả tâm trạng, tình cảm của mình, vừa khiến lời ca, chữ đàn nghe rõ ràng và “đắt” hơn. Có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ như trong đoạn đầu của bài Tứ Đại cảnh hay trong bản Nam bình. Đặc điểm này đã được vận dụng trong một số ca khúc mới như Dòng sông ai đã đặt tên (Trần Hữu Pháp), Ngẫu hứng Lý Qua đèo (Việt Đức), Tơ vương (Vĩnh Phúc)… Yếu tố này xuất hiện trong ca khúc mới là một sự gợi nhớ đến loại tiết tấu thường dùng trong Ca Huế, góp phần tạo nên tính dân tộc, tính truyền thống trong tác phẩm.

Trong đoạn trích từ ca khúc Dòng sông ai đã đặt tên sau đây, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã sử dụng nhiều lần thủ pháp đảo phách, nghịch phách:

Nhạc sĩ Vĩnh Phúc trong ca khúc Tơ vương cũng vận dụng thủ pháp đảo phách trong ca nhạc Huế, như ở đoạn “…chuồn chuồn mắc phải tơ…/ … sao bỏ quên bỏ quên câu…”

Như vậy, một số yếu tố về tốc độ, tiết tấu trong Ca Huế đã được các nhạc sĩ vận dụng vào sáng tác của mình. Điều này góp phần tạo nên tính chất Huế trong tác phẩm.

Kết luận 

Âm nhạc truyền thống, cho đến nay, vẫn được xem là mạch nguồn sáng tạo cho nhiều tác phẩm hiện đại. Sự ảnh hưởng của Ca Huế, kể cả các bài bản chính thống lẫn bài bản du nhập, đối với ca khúc mới thế kỷ XX đã được nhận diện qua các thủ pháp phát triển giai điệu, tiết điệu, trong đó nổi bật là âm hưởng của Ca Huế thông qua việc vận dụng hơi nhạc đặc trưng của Huế là hơi Ai. Chính vì thế, nhiều ca khúc Huế được sáng tác trong thế kỷ XX thấm đẫm tính chất Huế, gợi lên tình cảm quê hương sâu lắng, trữ tình, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người nghe không chỉ trong thế kỷ XX mà còn đến hiện nay và tương lai. Đây có thể xem là sự tiếp nối truyền thống âm nhạc đặc sắc của Huế trong xã hội mới với sự kết hợp của các yếu tố truyền thống và hiện đại trong âm nhạc.

Cuộc sống liên tục tiếp diễn không ngừng nghỉ, cũng như thế, dòng chảy văn hóa và âm nhạc vẫn luôn tuôn trào, thăng trầm theo những biến chuyển của xã hội, tự nó tiếp nhận những cái mới để tự làm mới mình trên cơ sở những cái cũ. Trong sự vận hành chung đó, âm nhạc Huế tiếp tục dòng chảy của mình. Trên cơ sở những thành tựu của âm nhạc Huế trong quá khứ và của thế kỷ XX vừa qua, chúng ta cần đào sâu tìm hiểu, kế thừa và phát triển những tinh hoa của âm nhạc dân tộc, đồng thời tìm ra những bút pháp sáng tạo mới, làm nên những tác phẩm âm nhạc dân tộc - hiện đại có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không ngừng biến đổi của những thế hệ khán thính giả hôm nay và mai sau.

(Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...