Âm vang phố núi
Ghi nhanh qua Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam năm 2014
Tiết mục của Tây Ninh: Prongpack quê tôi
Sau một chuyến đi dài với hành trình trên 500 km vượt qua bạt ngàn rừng núi và vùng đất đỏ bazan bụi mù dọc trên Quốc lộ 14, đoàn nhạc sỹ Tây Ninh đã đến TP Pleiku (Gia Lai) chiều ngày 16/03/2014 để tham dự Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam lần thứ 23 năm 2014 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì tổ chức . Khi vào đến địa phận thành phố chúng tôi thấy nhiều cơ sở làm ăn của tập đoàn kinh tế nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai nào là sân tập bóng đá,nhà thi đấu thể thao,khách sạn,nhà máy, công ty… đều hầu hết có logo HAGL. Không khí thành phố cao nguyên rất dễ chịu mát mẻ so với thời tiết nóng bức của Miền Đông vì cao hơn mặt biển khoảng 500 m ,chợt nhớ một câu hát quen thuộc nói về Pleiku: “Phố núi cao phố núi đầy sương,phố núi cây xanh trời thấp thật buồn,anh khách lạ đi lên đi xuống,may mà có em đời còn dễ thương,em pleiku má đỏ môi hồng….” (Còn một chút gì để nhớ - Phạm Duy – Vũ Hữu Định) Đoàn Tây Ninh được bố trí ở Khách sạn Tre Xanh plaza nằm trung tâm thành phố rất khang trang hiện đại.
Tranh thủ dạo một vòng TP Pleiku hiện nay thấy hạ tầng cơ sở rất hiện đại,nhiều công viên,phố thị nhộn nhịp, khá nhiều các nhà cao tầng không còn cảm giác như xưa : Đi dăm phút đã về chốn cũ đâu? Như thy sỹ Vũ Hữu Định từng nói
Tham gia Liên hoan kì nầy có hơn 200 nhạc sĩ, ca sĩ đến từ 19 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam ,diễn ra trong 02 ngày 17 và 18/3/2014,tiêu chuẩn mỗi đoàn được giới thiệu 2 tác phẩm mới, được sáng tác từ năm 2013 đến nay.
Chi hội nhạc sĩ tỉnh Tây Ninh tham dự Liên hoan gồm 7 thành viên ( 4 nhạc sĩ và 3 ca sĩ ). Sáng ngày 17/3/2014 các đoàn đến Quảng trường Đại đoàn kết TP để dâng hương lên Bác.Nơi đây là một quảng trường rộng rãi bãi cỏ xanh mượt. diện tích khoảng 12 ha với nhiều cây xanh bóng mát với một tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên làm bằng đồng đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao khoảng 4,5m. Bác đứng đó giữa nắng vàng rực rỡ Tây Nguyên trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn kết với dáng vẻ uy nghi nhưng thật dung dị, tay phải giơ cao trong tư thế vẫy chào. Sau đó đoàn trở về Nhà văn hóa thiếu nhi Gia Lai để dự khai mạc. Mở đầu là một chương trình văn nghệ đặc sắc do Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Đam San thể hiện rất sôi nổi và đậm chất Tây Nguyên. Tiếp đến là tiết mục dự thi của các Chi hội tham gia biểu diễn. Chi hội Tây Ninh bắt thăm số 7 nên trong buổi sáng đó trình diễn luôn 02 bài : Nhớ dòng sông quê của NS Trần Quang Cường với điệu valse nhịp nhàng qua sự thể hiện của tam ca nữ ( Thanh Ngọc – Huế Anh - Phương Ngọc) với ba chiếc áo dài tím thướt tha gây nhiều ấn tượng cho người xem và bài hát mạnh mẽ , sôi nổi mang âm hưởng Tây Nguyên của NS Nguyễn Quốc Tây : Krong Pắc quê tôi do Thanh Ngọc trình bài cùng tốp múa
Buổi chiều, tại tầng 3 hội trường khách sạn Tre Xanh là hội thảo,một số tham luận của các tỉnh tham gia như Tây Ninh-Khánh Hòa-TP HCM-Gia Lai-Đà Nẵng-Bình Định…với chủ đề “Giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập”. Một số tham luận được các đại biểu chú ý như của NS Kpa Ylăng- TP HCM về bảo tồn dân ca Tây Nguyên ,tham luận của NS Hình Phước Liên -Khánh Hòa về yếu tố trữ tình trong dân ca Raglai, NS Lê Xuân Hoan về âm nhạc dân tộc BaNa ở Gia Lai…Cuối cùng đoàn Tây Ninh lên trình bày tham luận hơi khác chủ đề một tí ( nhưng đã có xin chủ trương của Hội Nhạc sỹ rồi) đó là : Khảo sát các điệu lý ở Tây Ninh do NS Nguyễn Quốc Đông giới thiệu một số đặc trưng các điệu lý Tây Ninh như Lý dây bầu,Lý bên kia,lý oa tu hỡi… được sự quan tâm của mọi người.Lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu các điệu lý ở một sân chơi lớn mang tính chất chuyên nghiệp.Trong buổi tổng kết NS Đỗ Hồng Quân cũng đánh giá cao các điệu lý Tây Ninh,tiếc rằng không có đĩa CD hay tuyển tập Dân ca Tây Ninh để tặng anh em các tỉnh.
Sáng ngày 18/03/2014 các Đoàn được đi tham quan Biển Hố T’nưng cách TP Pleiku khoảng 5 km một khung cảnh nên thơ trữ tình với hai hồ rộng mênh mông hàng trăm héc ta nằm giữa có một con đường đẹp đầy thông xanh rợp mát reo vi vu như DaLat chợt nhớ câu hát của NS Nguyễn Cường:”.. Em đẹp nhất pleiku ơi – trái tim tôi muốn vỡ ra rồi .không dám nhìn vào đôi mắt ấy – đôi mắt pleiku Biển Hồ đầy…” chính nơi đây là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Cường sáng tác bài hát hay về Phố Núi : Đôi mắt Pleiku. Sau đó, đoàn đi thăm tiếp Công trình thủy điện IALY cách Pleiku khoảng 40 km. Giữa núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ chúng tôi gặp một hệ thống công trình hiện đại, đồ sộ và nguy nga, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng đồi núi.Nơi đây người ta chặn dòng SêSan để lấy điện phục vụ cho cả Tây Nguyên và đường dây quốc gia 500 kv.Thuỷ điện Ialy là bậc thang thứ ba trên sông Sê San. Sông Sê San là một chi lưu lớn của sông Mê Công được tạo thành bởi nhánh Đăkbla và nhánh Krôngpôcô. Diện tích toàn bộ lưu vực là 17.000 Km2 . Trên đất Việt Nam sông Sê San dài 237 Km, với diện tích lưu vực 11.450 Km2 . Sang đất Campuchia, sông Sê San hoà với sông Xrêpốc để đổ vào Mê Kông.
Từ hơn 40 tác phẩm âm nhạc dự Liên hoan, ban tổ chức đã chọn ra 18 tác phẩm đặc sắc (đoàn Tây Ninh đạt 1 giải B với tác phẩm: Krong Pắc quê tôi của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây ) và những tác phẩm nầy sẽ trình diễn trong Lễ bế mạc tổ chức đêm 18/03/2014 tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Gia Lai được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Gia Lai.
Trong tổng kết Liên hoan, NS Tôn Thất Lập- Chủ tịch hội đồng thẩm định tác phẩm đã đánh giá : Mỗi nhạc sĩ đều khai thác những vốn sống của chính mình và những sự việc chung quanh mình nên dễ có những suy tư rất thực. Những cái nhìn, lý giải sự việc rất đời thường nhưng rất độc đáo, mới lạ khơi gợi nhiều cách suy nghĩ về cuộc đời. Một số ca khúc tiêu biểu như “Điệu ru mặt trời” của NS Đình Nghĩ (Lâm đồng) tác giả khai thác chất liệu của dân tộc cil kờ ho, một dân tộc rất ít người như là Lạch, Mạ âm nhạc rất lạ, nhẹ nhàng, truyền cảm. Điệu ru mặt trời của Đình Nghĩ muốn mô tả loài hoa hướng dương hay còn gọi là hoa dã quỳ, loài hoa cứ khi bắt đầu nở rộ ven đường rừng là hết mùa mưa (đó cũng là biểu tượng sức sống Tây nguyên).
Hay tác phẩm “Mong anh về” của Ngọc Tượng (Gia Lai) đề tài tình yêu nhỏ nhẹ nhưng mang trong đó nội dung lớn: những vấn đề phức tạp, tế nhị, những xung đột, mâu thuẫn to lớn đối với dân tộc Tây Nguyên trong những năm tháng qua và cả trong tình hình hiện nay: đấu tranh, kêu gọi người lầm lỡ quay về với buôn làng!.
Một loạt các tác phẩm hay khác đạt giải A như “Tiếng sáo đêm trăng và nỗi nhớ” (Võ Đông Điền – Bình Dương), “Bên dòng song Đăk Bla” (Nguyễn Duy Khoái – Đà Nẵng), “Nắng gió cao nguyên” (Lê Xuân Hoan – Gia Lai)…
Đặc biệt “Lời ru Bu noong” (Võ Cường – Đắc Nông) khai thác chất liệu cùng một lúc hai dân tộc Mơ nông prông và Chao mạ. …
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đôngtại quảng trường Đại đoàn kết (Pleiku)
Qua Liên hoan chúng tôi nhận thấy: Năm nay các bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên chiếm ưu thế ,điều nầy cũng dễ hiểu thôi vì chúng ta đang dự Liên hoan ở một thủ phủ của Tây Nguyên. So với các tỉnh thành bạn ,chúng ta không yếu kém về mặt sáng tác ca khúc, nhưng chúng ta bị hạn chế nhiều về ca sỹ và cả kinh phí dàn dựng,bản demo…do đó các tiết mục chưa hoàn thiện lắm, đa phần các nhạc sỹ tự lo cũng gặp nhiều khó khăn
Nhưng kì nầy ta đạt được một giải B thì cũng là khá rồi vì một vài tỉnh bạn còn không có giải nào cả. So với những kì Liên hoan trước ở Phan Rang và Quảng Ngãi thì năm nay chúng ta yếu hơn ( vì các đợt trước đều có giải xuất sắc – giải A ). Qua đó cho thấy chất lượng Liên hoan ngày càng được nâng cao,chúng ta không thể chủ quan được .Nhìn chung , hầu hết các tỉnh đều đầu tư khá nhiều cho đoàn dự Liên hoan ( có tỉnh đầu tư vài chục triệu cho tiết mục) hoặc hỗ trợ một phần chi phí làm đĩa playback và bồi dưỡng ca sỹ …chính điều nầy tạo điều kiện tốt cho các nhạc sỹ dàn dựng tác phẩm của mình. Một điều nữa rất quan trọng là hầu hết các tỉnh Miền Trung đều có Đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp nên lợi thế hơn ta rất nhiều ( nếu cần ca sỹ,vũ công,trang phục… thì có sẵn)
Bế mạc Liên hoan chủ tịch Đỗ Hồng Quân trao cờ luân lưu cho NS Lê Nghiệp chủ tịch Hội âm nhạc Cần Thơ đăng cai Liên hoan âm nhạc năm 2015 tại TP Bặc Liêu.
Tạm biệt phố núi,tạm biệt Biển Hồ thơ mộng...chúng tôi xuôi về đồng bằng tiếc rằng thời gian cập rập quá cũng chưa kịp ngắm hay làm quen “Em Pleiku má đỏ môi hồng” nào ?...
NS NGUYỄN QUỐC ĐÔNG
(Chi hội nhạc sỹ VN tỉnh Tây Ninh)