Âm nhạc trị liệu không còn xa lạ với công chúng
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của những ca khúc rất được giới trẻ yêu thích như "Vầng trăng khóc", "Mộng thủy tinh", "Con đường mưa", "Chiếc khăn gió ấm", "Đêm trăng tình yêu"… Đặc biệt, ca khúc "Nhật ký của mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là bài hát nhận được tiền bản quyền nhiều nhất trong vòng một thập niên qua.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã từng tung ra ca khúc "Ngày mai lại tươi sáng" để cổ vũ tinh thần cho những người nơi tuyến đầu cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận ra rằng phần đông trong xã hội hiện nay đang bị tổn thương bởi tác động từ COVID -19, nên anh quyết định thực hiện album hòa tấu trị liệu "Heal me".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết bản thân đã tham khảo ý kiến tư vấn chuyên nghiệp của các chuyên gia tâm lý khi làm album "Heal me". Với 6 ca khúc được hòa âm tỉ mỉ có phần vocal tạo cảm giác nhẹ nhàng và thư giãn, album "Heal me" đưa người nghe đi vào hành trình tự tại theo từng bước "Lãng quên", "Chữa lành", "Thanh lọc", "Giấc ngủ ngon", "Lời chúc buổi sáng", "Một khởi đầu mới".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thổ lộ: "Trong chúng ta, ai cũng từng có lúc trải qua những khoảng thời gian đau khổ tuyẹệt vọng khi phải đối mặt với những khó khăn mất mát trong cuộc sống. Bản thân tôi cũng từng như vậy. Và trong suốt thời gian đó, tôi đã tự mình nếm trải những nỗi buồn, một mình gặm nhấm những nỗi đau trong lòng. Tôi đã tìm đến âm nhạc để giúp mình có thể vơi bớt nhẹ nhàng hơn và suy nghĩ tích cực hơn. Có thể nói, thời gian lúc đó những giai điệu này những bài hát này đã giúp cho tôi vượt qua những tổn thương tâm hồn. Và trong cuộc tái chiến COVID -19, tôi muốn chia sẻ phương pháp trị liệu tâm lý bằng hòa tấu cho mọi người!".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung năm nay 37 tuổi. Anh từng được xác lập kỷ lục là người viết nhiều ca khúc nhất cho thiếu nhi tại Việt Nam vào đầu năm 2020, với 300 ca khúc được đăng ký bản quyền tác giả. Tuy nhiên, với dòng âm nhạc trị liệu thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không phải người đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Từ những năm 1940, các nhà trị liệu bằng âm nhạc tại Hoa Kỳ đã dùng âm nhạc để cải thiện các kỹ năng giao tiếp và giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân. Các bệnh nhân tham gia vào những chương trình phục hồi chức năng bằng liệu pháp âm nhạc cho thấy các biểu hiện cảm xúc và giao tiếp xã hội tích cực hơn so với những bệnh nhân chỉ nhận được phương pháp chữa bệnh thông thường.
Dựa trên điều này, một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu đề xuất việc đưa âm nhạc vào điều trị những người bị bệnh nhồi máu cơ tim. Theo các bác sĩ tâm lý, việc sử dụng âm nhạc trong trị bệnh luôn mang lại kết quả khả quan cho người lớn, trẻ đang độ tuổi trưởng thành và cả trẻ em.
Liệu pháp này giúp bệnh nhân có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng, tăng cường sức khoẻ về mặt tinh thần, gia tăng khả năng tái phục hồi cơ thể sau thời gian điều trị bệnh cũng như hỗ trợ một cách tích cực cho quá trình giao tiếp.
Liệu pháp âm nhạc có thể vận dụng đối với những người kém phát triển về tâm thần, mất khả năng học hỏi… để giúp họ vượt qua những trở ngại trong việc tiếp thu những điều mới, góp phần hỗ trợ cho các bệnh nhân mắc chứng giảm trí nhớ, nhất là ở người cao tuổi, cũng như các bệnh lý khác có liên quan đến trí nhớ, những người phải đối mặt với những căn bệnh đau đớn về thể xác dù mạn tính hoặc cấp tính, người bị tổn thương não bộ, người bị chứng căng cơ, người nghiện rượu…
Trường hợp phụ nữ trong quá trình sinh nở, liệu pháp âm nhạc còn giúp giảm những cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Trong quá trình điều trị, âm nhạc còn có tác dụng khuyến khích người bệnh vận động nhiều hơn, cũng như giúp họ giảm căng thẳng và thư giãn.
Album nhạc trị liệu "Heal me".
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng - nhân vật nổi tiếng trong phong trào văn nghệ của học sinh xuống đường tranh đấu tại Sài Gòn trước 1975, từ gần một thập niên qua đã hướng những sáng tác của mình đến mục đích âm nhạc trị liệu. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã từng phát hành album "Trùng tu giọt lệ" gồm những ca khúc có chức năng trị liệu như "Lạ lùng", "Đùa với hư không", "Khất thực nụ cười", "Hạt giống câu kinh" hoặc "Tơ trời một thoáng".
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng bày tỏ quan niệm: "Trị bệnh là trị từ gốc rễ. Gốc rễ của căn bệnh từ không gian, môi trường, văn hóa. Còn dân ca đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt. Tôi dùng chất liệu dân ca để có thể xoa dịu cơn đau, xóa tan cảm giác tức tối, lay động cảm xúc trong ý thức người nghe. Tôi gợi mở nhiều về hình ảnh, âm thanh làng quê, chẳng hạn như lời mẹ ru, cánh đồng xanh, tiếng sáo cánh diều… Trong y khoa gọi đây là "đối chứng trị liệu".
Tôi quan tâm một số chứng bệnh của người Việt hay mắc phải như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, tâm thần phân liệt, như cái đĩa nén được dồn tụ từ gốc rễ của gen di truyền, tác động xã hội, công việc, tình cảm... Âm nhạc giống như thuốc, tùy căn bệnh của mỗi người sẽ có liều thuốc âm nhạc phù hợp.
Về mặt hòa âm phối khí, tôi cũng đo liệu sóng, âm điệu, nhịp điệu để tùy tình trạng người bệnh sẽ cho nghe bài hát phù hợp. Như người bệnh tim sẽ nghe nhạc khác người bệnh gan, người già bệnh sẽ có "phương thuốc" khác người trẻ bệnh…".
Trước mắt, nhạc sĩ Miên Đức Thắng tạm chia âm nhạc trị liệu thành bốn nhóm: liệu pháp an thần, liệu pháp giải uất, liệu pháp bi thắng nộ và liệu pháp sôi động. Những bài hát do nhạc sĩ Miên Đức Thắng sáng tác theo xu hướng âm nhạc trị liệu có thể xem như cơ sở ban đầu để các những người hoạt động âm nhạc và y tế cùng ngồi lại tìm ra giải pháp phát triển cho bộ môn này.
Từ album "Trùng tu giọt lệ" của nhạc sĩ Miên Đức Thắng đến album "Heal me" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, đời sống âm nhạc Việt Nam đã có hai thế hệ quan tâm đến âm nhạc trị liệu. Tương lai của âm nhạc trị liệu tại nước ta đang cần thêm nhiều nỗ lực khác.
Với tư cách một công chúng sớm hấp thu âm nhạc trị liệu, nhà giáo - dịch giả Nhật Chiêu cho rằng: "Giống như thơ Haiku của Nhật Bản hoặc mỹ học sân khấu của Ấn Độ, âm nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng hướng đến cảm thức bình an trong tâm hồn và thể xác. Đó là sự gặp gỡ của nghệ thuật, thiền và y học".