Âm nhạc thay đổi cuộc đời

12/12/2013

Nhạc trưởng người Venezuela Gustavo Dudamel đã chứng tỏ trẻ em nghèo cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Julian Lloyd Webber1 giải thích bằng cách nào ông nhất quyết thực hiện bằng được điều đó ở Anh.


Julian Lloyd Webber chơi nhạc cùng cô bé 6 tuổi Lauren Russell, một thành viên của chương trình
In Harmony Liverpool

Đêm 19-8-2007, tôi là một trong hàng nghìn khán giả bị sững sờ trong khán phòng Royal Albert Hall nóng bỏng khi xem nhạc trưởng trẻ tuổi người Venezuela Gustavo Dudamel dẫn dắt Dàn nhạc Trẻ Simón Bolívar Youth. Như bất kỳ ai trong đám khán giả, tôi bị cuốn hút bởi xúc cảm và năng lực âm nhạc mạnh mẽ một cách lạ thường của các nhạc công trẻ khi trình diễn bản Giao hưởng anh hùng ca số 10 của Shostakovich và Mambo của Bernstein. Lối trình diễn đạt tới đẳng cấp thế giới với tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất – nhưng điều thật sự gây ấn tượng lại là những bạn trẻ này không xuất thân từ những gia đình giàu có. Còn xa mới như thế. Họ được đào tạo trong một chương trình xã hội đặc biệt ở Venezuela mang tên El Sistema2, mà sức mạnh được tạo ra khi cùng nhau chơi nhạc đã cứu cuộc đời hàng trăm nghìn đứa trẻ nghèo khổ và từng phạm tội. Vì vậy khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Andrew Adonis hỏi tôi, chỉ một vài tuần sau đó, là liệu tôi có muốn phụ trách một chương trình tương tự như vậy ở Anh không, tôi đã không chần chừ một giây nào. Bởi nếu có một sợi dây xuyên suốt cuộc đời nghệ sỹ của tôi, thì đó là niềm tin mạnh mẽ rằng âm nhạc là dành cho mọi người.

Khi lần đầu tham gia các khóa học tại Royal College of Music Junior Department hồi đầu những năm 1960, ngay lập tức tôi nhận thức được rằng mình chỉ là một trong số rất ít học sinh học ở một ngôi trường phải đóng học phí. Thật đáng buồn, ngày nay tình thế đã đảo ngược – hầu hết những ngôi trường mà học sinh đang theo học đều thuộc dạng phải đóng học phí. Vì vậy, cần phải ghi nhận nỗ lực của Chính phủ hiện hành, khi họ không chỉ tiếp tục ủng hộ chương trình In Harmony [chương trình giáo dục âm nhạc ở Anh phỏng theo mô hình El Sistema của Venezuela], đem âm nhạc đến với mọi đứa trẻ – mà còn mở rộng chương trình từ ba lên sáu dự án. Tại sao họ lại làm như vậy? Mới đây, Bộ Văn hóa đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng chính phủ kỳ vọng nguồn tài trợ của mình sẽ đem lại những kết quả xác thực. Mà In Harmony đang cung cấp những kết quả xác thực nhất!

Tháng 4-2009, sau 18 tháng chuẩn bị, In Harmony khởi động với ba dự án thí điểm ở những khu vực kém phát triển nhất của quận Lambeth (London), TP Liverpool và TP Norwich. Chương trình đã chứng tỏ thành công mỹ mãn khi năm ngoái, Chính phủ mở thêm bốn dự án nữa ở Leeds, Gateshead, Nottingham, và Telford. Cùng thời gian này, những chương trình học theo mô hình El Sistema khác ở Anh bắt đầu xuất hiện một cách độc lập. Và giờ đây, ngày 1 tháng Chín, gần tròn sáu năm sau buổi hòa nhạc gây xúc động mạnh mẽ của Simón Bolívar Youth Orchestra ở Proms3, niềm vui chúng ta luôn mong chờ đã đến: những bạn trẻ từ In Harmony Liverpool xuất hiện trên chính sân khấu Albert Hall, bên cạnh Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Liverpool, cũng tại Proms. Đó là thời khắc không thể nào quên đối với tất cả những ai tham gia In Harmony từ ngày đầu. Sau bốn năm hoạt động, thành công tuyệt vời này đã chứng tỏ rằng trẻ em có thể tiến bộ nhiều về âm nhạc như thế nào trong một thời gian ngắn.

Daniela Miranda: “Khi chơi nhạc, cháu thấy tự do”

Daniela Miranda, 9 tuổi, đăng ký học violon trong dự án In Harmony Lambeth từ tháng 4-2009. Hiện giờ cô là cây violon số một của Dàn nhạc Holst, dàn nhạc chính của In Harmony Lambeth. Cô bé sinh ra tại London, là con của một gia đình Peru nhập cư. Em trai của cô bé chơi bộ gõ trong dàn nhạc Thiếu nhi Stockwell của In Harmony Lambeth.

Cháu đã gia nhập In Harmony như thế nào? 

Mẹ cháu nhận được một bức thư từ trường học. Gia đình cháu thật sự không biết In Harmony là gì nhưng bức thư nói rằng chúng cháu sẽ được chơi nhạc và đó là điều mà mẹ cháu luôn mong cho bọn cháu. Vì vậy mẹ hỏi ý kiến bọn cháu và tất nhiên là bọn cháu đồng ý.

Học chơi violon khó như thế nào?

Thoạt đầu thì rất khó. Nhưng sau thì dễ hơn. Trước đó cháu chưa bao giờ được thấy cây đàn violon nào cả nên cháu phải học cách giữ đàn, cách cầm vĩ và cả các tư thế. Và phải học nghe nhạc, học các nốt nhạc và tiết nhịp. Vì vậy thoạt đầu ai cũng cảm thấy không tài nào làm được. Nhưng sau khi nhận ra có thể làm được, nó khiến người ta kinh ngạc như thể mình có thể làm được mọi việc.

Thật vất vả khi cháu vừa học nhạc, vừa phải đến trường. Điểm số của cháu như thế nào kể từ khi cháu tham gia In Harmony? 

Điểm số của cháu tốt lên. Đầu tiên cháu không biết gì về toán, cháu không thể hiểu các bài toán, nhưng khi thấy âm nhạc được làm ra như thế nào, giờ đây cháu đã có những điểm số tốt hơn ở môn Toán và ở tất cả các môn khác. Âm nhạc làm cho người ta thông minh hơn!

Cháu cảm thấy như thế nào khi chơi nhạc?

Khi ở trường, cháu thường xuyên cảm thấy căng thẳng. Cháu vẫn tự nhủ: Daniela, đừng có sợ hãi. Cậu có thể làm việc này, cậu có thể làm việc kia. Giờ đây khi chơi nhạc, cháu thường nhắm mắt lại và cảm thấy tự do như một con chim. Cháu không còn cảm thấy sợ nữa.

Cháu đã biểu diễn ở những nơi không thể tin được, như O2 arena hay Trung tâm Southbank. Điều đó có làm cho cháu căng thẳng?

Có thể lúc đầu là như vậy. Nhưng bọn cháu biểu diễn rất nhiều, ở khắp mọi nơi. Và giờ đây cháu cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi đến chơi ở một buổi hòa nhạc.

Cháu muốn làm nghề gì khi lớn lên? 

Cháu không biết chắc lắm. Có thể là một giáo viên dạy nhạc?

Proms còn là sự xiển dương chặng đường mà những đứa trẻ trong chương trình In Harmony Liverpool đã vượt qua, cũng như lòng kiêu hãnh và sự kiên cường của một trong những cộng đồng nghèo nhất nước Anh. Quan trọng hơn cả, nó là bằng chứng về sức mạnh thay đổi cuộc đời của âm nhạc. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc sống của nhiều trẻ em tại Trường tiểu học Faith ở Tây Everton, nơi In Harmony Liverpool đặt trụ sở, đã được sang trang.

Năm 2008 – trước khi In Harmony hoạt động – chỉ có 35% trẻ em ở ngôi trường này đạt yêu cầu về môn đọc. Đến năm 2010 – chưa đầy hai năm sau khi In Harmony bắt đầu ở đây– con số này đã nhảy lên hơn 80%; môn toán cũng ghi nhận tiến bộ tương tự.
Một báo cáo năm 2012 của Ban Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng cho trẻ em (Standards in Education, Children’s Services and Skills) cho biết: “Hết sức rõ ràng là việc tham gia vào chương trình ‘In Harmony’ đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân học sinh và sự phát triển xã hội, cũng như trình độ học vấn chung của các em. Nhận ra sự may mắn của trường học khi được tham gia vào dự án ‘In Harmony’, các bậc cha mẹ và giáo viên của trường đã nói hết sức nồng nhiệt về việc học nhạc làm thay đổi thái độ và năng lực của con em họ như thế nào. Như một bậc phụ huynh nói, ‘âm nhạc đã dạy cho con em chúng tôi biết tôn trọng bản thân, tôn trọng lẫn nhau, và quý trọng học vấn’.”

Một cách thành thực, năm 2008 khi lần đầu tiên được José Antonio Abreu, người sáng lập El Sistema, mời tới Venezuela, tôi được nghe nhiều lời đồn thổi về El Sistema đến nỗi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để thất vọng. Tôi chỉ có thể nói rằng, thực tế còn ấn tượng nhiều hơn tất cả những gì mà người ta muốn tôi tin. Từ đó, tôi quyết tâm để càng có nhiều người tham gia những chương mô phỏng Sistema ở Anh được trải nghiệm El Sistema càng tốt.

Đầu năm nay, Hội thiện nguyện Sistema England, nơi tôi làm chủ tịch, đã gửi những người lãnh đạo dự án và các giảng viên của chương trình In Harmony đến Venezuela để tận mắt chứng kiến El Sistema. Họ đã tới các nucleo (câu lạc bộ ở khu vực) trên khắp cả nước và trò chuyện với bọn trẻ, các bậc phụ huynh và giảng viên; họ cũng được gặp người truyền cảm hứng Antonio Abreu. Họ nhận thấy, mặc dù về cơ bản đây là một chương trình xã hội nhưng nó sẽ chẳng mang đến thay đổi xã hội nào nếu không đem lại những thành tựu âm nhạc xuất sắc. Chỉ khi những đứa trẻ hiểu rằng, nhờ khổ luyện, chúng có thể trình diễn ngay cả những tác phẩm âm nhạc khó nhất, thì chúng mới có được sự tự tin để vươn tới bất kỳ mục tiêu nào khác trong đời. Các giảng viên Anh cũng được gặp Lennar Acosta, một thanh niên lớn lên trên đường phố Caracas, từng sống cuộc đời tội phạm, cho đến khi âm nhạc đã thay đổi cậu. Cậu kể: “Tôi đã đổi khẩu súng của mình lấy một cây kèn clarinet.” Giống như nhiều đứa trẻ khác, âm nhạc đã biến đổi cuộc đời của Lennar, và giờ đây cậu quản lý một nucleo có 1.000 thành viên từ những vùng ngoại ô của Caracas.

Thành công của El Sistema đã trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu – trên khắp thế giới, những chương trình được Sistema truyền cảm hứng đang xuất hiện gần như mỗi ngày, bất kể ở chế độ chính trị nào. Bí quyết thành công của những chương trình này ở chỗ chúng không chỉ là những dự án giáo dục âm nhạc; chúng là những chương trình xã hội với tâm điểm là âm nhạc. Vào những thời điểm gặp khó khăn, xã hội trở nên căng thẳng hơn. Âm nhạc có thể làm nguồn cảm hứng – chất keo kết dính, nếu bạn muốn nói như vậy – gắn kết con người với nhau, bởi vì âm nhạc đòi hỏi sự bình đẳng. Nó không biết đến biên giới của ngôn ngữ, chủng tộc hay hoàn cảnh xuất thân. Tất cả mọi nghệ sỹ đều bình đẳng – cùng tập luyện và biểu diễn bên nhau trong In Harmony.

Buổi hòa nhạc diễn ra tại Proms tối Chủ nhật, 1/9, mang tên Bear Hunt do Dàn nhạc thiếu nhi Tây Everton cùng Dàn nhạc Hoàng gia Liverpool và Dàn hợp xướng thiếu nhi thuộc Dàn nhạc giao hưởng Liverpool thực hiện không chỉ thể hiện lòng can đảm và tài năng của các nghệ sỹ nhỏ tuổi khi biểu diễn trước 6.000 khán giả, mà nó còn là lời tuyên bố hùng hồn về sức mạnh thay đổi cuộc đời của âm nhạc, về thành công của dự án xã hội In Harmony. Buổi biểu diễn đã bán sạch vé này còn được phát sóng trực tiếp trên kênh Radio 3.

“Giờ đây Tây Everton đã nổi tiếng nhờ một dàn nhạc trẻ em,” Rod Skipp, giám đốc nghệ thuật của In Harmony Liverpool, nói. “Điều đó có rất nhiều ý nghĩa với cả cộng đồng – một biểu tượng thực sự về lòng kiêu hãnh.”

Dự án In Harmony Liverpool được khởi động cách đây bốn năm, nhằm đưa âm nhạc vào tâm điểm chương trình học ở Trường tiểu học Faith ở Tây Everton và tạo điều kiện cho mỗi học sinh có thể theo học ít nhất một nhạc cụ.

“Bọn trẻ có những cơ hội biểu diễn thật tuyệt vời – chúng đã được chơi ở Trung tâm [nghệ thuật] South Bank [London], thường xuyên được chơi ở Philharmonic Hall [Liverpool] – nhưng biểu diễn ở một festival âm nhạc cổ điển lớn nhất thế giới lại là đẳng cấp khác hẳn. Thật không thể tin được,” Rod Skipp cho biết thêm.

Louise Currie, 10 tuổi, học sinh Trường tiểu học Faith, nói, “Thật đáng sợ vì nhiều người ở đó và cháu có thể đã mắc một ít lỗi. Bọn cháu cảm thấy tự hào về chính mình.”

Emily Spitzer, 8 tuổi, thành viên của Dàn hợp xướng thiếu nhi, thấy trải nghiệm việc trình diễn trước 6.000 người là “kỳ cục”.

“Ở nhà cháu có tới tám người nghe cháu qua đài,” cô bé cho biết thêm.
Alex Jabakhanji, 10 tuổi, nói: “Cháu chỉ lo lắng khi bắt đầu nhưng khi kết thúc cháu cảm thấy tự hào.”

Joe Houghton, 11 tuổi, thành viên của Dàn hợp xướng thiếu nhi, đồng ý: “Cháu đã tham gia một số buổi hòa nhạc trước đó vì vậy cháu cũng lo lắng nhưng cháu nghe nói nếu không lo lắng gì mới là không bình thường.”

Trong khi bọn trẻ còn bận rộn với toàn bộ trải nghiệm trong chuyến đi của chúng thì những khán giả người lớn hiểu rằng họ đang chứng kiến một khoảnh khắc trong lịch sử âm nhạc.

----------------------------------------------------------------------

1 Julian Lloyd Webber (1971), là một trong những nghệ sỹ cello thành công nhất ở Anh. Ông đã cộng tác với nhiều nghệ sỹ xuất chúng như Yehudi Menuhin, Lorin Maazel, Neville Marriner, Georg Solti, Elton John…

2 Đọc thêm về mô hình El Sistema: “El Sistema, cảm hứng từ Venezuela”
(http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=41&News=3947)

3 The Proms, hay The BBC Proms, được khởi xướng từ năm 1895, là sự kiện âm nhạc kéo dài tám tuần vào mùa hè hằng năm ở London. Trong thời gian này, các buổi hòa nhạc và các sự kiện âm nhạc khác diễn ra hằng ngày, chủ yếu tại Royal Albert Hall (với hơn 70 buổi hòa nhạc). 

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...