Âm nhạc Phật giáo Việt Nam có gì đặc biệt?
Phật giáo Việt Nam có một kho tàng âm nhạc lễ rất phong phú, từ nội dung, tính chất âm nhạc cho tới hình thức diễn xướng.
Phật giáo Việt Nam có một kho tàng âm nhạc lễ rất phong phú, từ nội dung, tính chất âm nhạc cho tới hình thức diễn xướng. Đây là sự kết tinh, chuyển hoá giữa nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc với tư tưởng, văn hoá phật giáo, tạo nên sự phong phú và thống nhất trong đa dạng. Có thể nói, dáng dấp của những bài ca cổ truyền của dân tộc hiển hiện thật rõ nét trong mỗi bài kinh, câu kệ. Nhiều thể thức âm nhạc Phật giáo ngày nay, về mặt nào đó, có thể sánh ngang với di sản âm nhạc tiêu biểu của dân tộc, như hát văn, hát chèo, hát xẩm,…
Phật giáo du nhập vào nước ta và phát triển đến nay đã gần hai ngàn năm, có thời kỳ thịnh hành được coi là “quốc giáo” của Việt Nam. Do vậy, trong đời sống văn hoá của dân tộc ta có nhiều ảnh hưởng văn hoá Đạo phật, trong đó nhiều loại hình âm nhạc dân tộc chịu ảnh hưởng lễ nhạc Phật giáo sâu sắc.
(Ảnh minh họa)
Tư duy về ông Bụt ngày xưa là tư duy nhập thế, sâu đậm trong lòng dân. Tinh thần hiền hoà ấy dàn trải ra thật xa, rộng và hội nhập vào đời sống của người dân. Đó chính là tinh thần Phật giáo Đại Thừa, hoà nhập vào đời sống hàng ngày của chúng ta và sẵn sàng để chúng ta “dân tộc hoá” mà không hề đề kháng vì bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật là không giáo điều. Nhạc lễ Phật xâm nhập vào đời sống văn hoá của dân tộc ta cũng với tinh thần ấy.
Về mặt thể loại, có 10 thể loại nhạc trong các nghi lễ Phật giáo, gồm: Tụng, trì, niệm, bạch, xướng, thỉnh, kệ, sám pháp, phục nguyên và tán. Trong nghi lễ ở các chùa chiền, ngoài thanh nhạc còn có các nhạc cụ, tiêu biểu như các loại chuông, mõ, trống, Sênh tiền, Xập xoã…
Trong nghiên cứu chuyên ngành dân tộc nhạc học thế giới, điều mà chúng ta gọi là “âm nhạc” không phải chỉ âm thanh. Để có âm nhạc, con người trước tiên phải là một tổng hợp “sống”. Vì thế, chúng ta cần quan tâm về mối tương quan giữa âm nhạc và ngôn ngữ (thổ ngữ và phương ngữ), hành vi của người thể hiện âm nhạc, phong tục địa phương và các khía cạnh ngoại vi âm nhạc. Ý niệm đạo và đời gợi cho chúng ta sự dị biệt giữa hai loại nhạc. Đó là thực tế phản ánh nội dung ý nghĩa của bài kinh, bài kệ. Tuy vậy, hầu như chúng ta không thể tách rời những bước đi song song trong tiến trình di dân từ Bắc vào Nam của âm nhạc dân tộc và lễ nhạc Phật giáo.
Đi đến đâu, ngôn ngữ và tập quán địa phương đã chuyển thể chức năng âm nhạc để nó tạo thành một truyền thống của riêng vùng đó. Chúng ta có thể thấy văn hoá âm nhạc Phật giáo thể hiện rõ trong tiến trình phát triển cư dân đến nhiều vùng âm nhạc nước ta: Bắc, Bắc Trung Bộ, Huế, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Một điểm tương quan cực kỳ lý thú giữa lễ nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc trong tuồng, chèo, dân ca, ca nhạc thính phòng. Hai dòng âm nhạc Phật giáo và truyền thống dân tộc đi song song nhau. Nói cách khác, cái gì khác nhau trong âm nhạc dân tộc, nó phải khác nhau trong âm nhạc Phật giáo. Vì thế âm nhạc đạo Phật gắn liền với âm nhạc dân tộc từ khi nó du nhập vào Việt Nam. Ads by AdAsia.
Sự vận dụng hệ thống thang âm Phật giáo cho thấy mối tương quan mật thiết với âm nhạc dân tộc. Điệu thức trong âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung là một triết lý, một thể hiện sinh học vô cùng tinh tế mà các nhà Dân tộc nhạc học quốc tế đã thừa nhận. Các âm bậc mang tính đặc thù và sự vận dụng luyến láy trong các bài tụng thể hiện đầy đủ tính năng của một truyền thống âm nhạc có mặt từ lâu đời và rất quy củ.
Ngoài các hơi điệu thông dụng, nhiều dạng thức của hơi thiền cũng đã thấm sâu vào âm nhạc nghệ thuật dân tộc, nó giao thoa từ trong hệ thống dân ca ra đến hơi thiền trong ca Huế, chèo, tuồng, và nhiều bài lý Nam Bộ…Hơi đảo và hơi xuân trong đờn ca tài tử hay ca Huế phảng phất âm hưởng nhà chùa, hoặc chịu tác dụng trực tiếp nét nhạc nhà chùa một cách hết sức cụ thể.
Rõ ràng, chức năng của âm nhạc nhà chùa thật vô cùng quan trọng và đa dạng. Một mặt thể hiện sự cần thiết của âm nhạc tôn giáo trong việc sáng tạo và truyền đạt tư tưởng từ bi, giải thoát, ngợi ca cuộc sống loài người qua những làn điệu âm nhạc hỗ trợ bởi các nhạc cụ thuộc nhiều loại.
Tiếng chuông, tiếng mõ đã đi vào tiềm thức người Việt từ các thôn, xã đến thành thị, là một biểu tượng âm nhạc dân tộc mà trong ấy tín ngưỡng Phật giáo bình dân đã thực sự ăn sâu vào đời sống của người dân, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Lang, là “như nước thấm vào lòng đất” vậy.
Trong ứng xử văn hoá, nếu chúng ta biết khai thác, bảo tồn và phát huy những tinh hoa, giá trị đã sáng tạo và đúc kết trong hàng ngàn năm qua, chúng ta càng khẳng định được vị thế là một đất nước có nền văn hoá Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và thời đại. Bảo tồn được tinh hoa dân tộc cũng là để khẳng định được “cái tôi” của các tu sĩ, trí thức của một đất nước Phật giáo lâu đời. Do đó, bảo tồn nền âm nhạc Phật giáo truyền thống là khẳng định bản sắc riêng của chúng ta.
Chúng ta cũng biết, nếu tiếp thu và bê nguyên vẹn những yếu tố truyền thống của một nước nào đó vào trong quá trình hành lễ của ta thì chắc chắn không bao giờ chúng ta bằng họ được. Vậy tại sao chúng ta không khai thác và phát huy những cái mà ngược lại. Âm nhạc Phật giáo đã từng góp phần thành công trên mặt trận ngoại giao cũng như đối ngoại trong kỳ Đại lễ Phật Đản quốc tế tổ chức tại Việt Nam, năm 2019, lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức.
Điều đó khẳng định rằng: Các sư tăng đã thực hiện được sứ mệnh đem bản sắc riêng trong văn hoá tôn giáo truyền thống của dân tộc đối ngoại với bạn bè quốc tế. Đó chính là sự thể hiện ở cái “tôi” dân tộc, giúp chúng ta khẳng định Phật giáo Việt Nam đã có một vị trí tầm cỡ nhất định trong nhiều mặt trước cộng đồng Phật giáo thế giới.
Trong tương lai, âm nhạc Phật giáo Việt Nam sẽ là một phương tiện có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác đối ngoại và ngoại giao của giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng như chúng ta đã từng tự hào mang Ca trù, Cồng chiêng, Quan họ và nhiều di sản âm nhạc khác cùng tham gia giao lưu quốc tế cũng như ngoại giao văn hoá.
Điều đó chứng minh được sự góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Phật giáo Việt Nam, trong đó có nền văn hoá Phật giáo, đặc biệt là di sản âm nhạc Phật giáo được khai thác, lưu giữ và tôn vinh.
(Nguồn: VOV.VN)