Âm nhạc phật giáo và âm nhạc dân tộc

09/10/2015

Chúng ta đang sống trong những ngày rộn ràng của đại lễ Phật Đản, một lễ hội văn hoá tâm linh mang tầm thế giới. Nhân dịp này, tôi xin lược ghi một số nhận xét về sự liên quan giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc, xem như góp một bông hoa nhỏ kính mừng ngày lễ hội tôn giáo trọng đại mà cả nước đang nô nức đón mừng.

Nét đặc thù của âm nhạc Phật giáo

Trước hết, điểm độc đáo của âm nhạc Phật giáo là không hề có khuôn mẫu cố định. Xuất phát tại Ấn Độ với cách tán tụng theo truyền thống Veda, nhưng nhạc Phật giáo ở từng quốc gia đều được bản địa hóa theo tính cách đặc thù của mỗi nước và thường được thể hiện theo âm nhạc truyền thống của nơi đó. Cùng một bài kinh mà nét nhạc thay đổi tuỳ quốc gia, tùy trường phái, thậm chí tùy từng vùng. Chẳng hạn cùng niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà hai miền Nam, Bắc ở nước ta niệm khác nhau, theo thang âm điệu thức câu hát ru của mỗi miền; còn tại Hongkong hay Singapore thì tăng ni niệm theo thang âm nhạc Quảng Đông.

Ngoài ra, nhạc Phật giáo luôn luôn liên quan đến các nghi thức hành lễ, như nghi tiết tại chùa (ba thời kinh sáng, trưa, chiều), nghi tiết trong tang ma, trong lễ hội tôn giáo lớn như Phật đản, Vu Lan ….

Nhạc Phật giáo lại đặt trọng tâm vào thanh nhạc hơn khí nhạc. Ngoài phong cách tụng và tán quen thuộc trong các cuộc lễ tế, còn có trì, niệm, bạch, xướng, thỉnh, đọc, hô, tùy theo loại kinh hay trình tự của một thời kinh.

Quá trình phát triển âm nhạc Phật giáo Việt Nam

Đạo Phật du nhập vào nước ta từ rất sớm, nhưng phát triển rực rỡ nhất là vào thế kỷ X với triều Lý. Trên những phiến đá của chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh) – một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của thời Lý – có chạm khắc hoa sen cùng hình dàn nhạc công đang tấu nhạc dân tộc, với ý nghĩa hướng dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thời kỳ đó các vua thường cất chùa trước khi xây dựng cung điện, và dàn nhạc tôn giáo cũng có thể đồng thời dùng cho dàn nhạc cung đình. Điều này cho thấy, từ thời nhà Lý âm nhạc Phật giáo đã có liên quan mật thiết với âm nhạc dân tộc.

Đến đời nhà Trần, Phật giáo vẫn được xem là quốc giáo và tiếp tục thời kỳ phồn thịnh. Theo sử sách, khi Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn băng hà ở núi Yên Tử vào năm 1308, hỏa cốt của ngài được mang về kinh sư, sau đó triều đình rước về chôn ở Phủ Long Hưng (Thái Bình). Bá tánh nghe tin ấy đã cùng nhau tụ tập đầy nghẹt chung quanh cung điện để tiễn đưa linh cửu vị vua anh minh. Thấy khó lòng xua dân dãn ra, một vị quan là Trịnh Trọng Tử nghĩ ra cách tập hợp quân sĩ và cho hát bài “Long ngâm” tại sân Thiên Trì để thu hút thiên hạ lại nghe, nhờ đó mới có thể di quan. “Long ngâm” là bài nhạc dùng trong chùa vào những ngày lễ lớn, cho thấy trong cung đình lúc bấy giờ rất thường sử dụng nhạc Phật giáo.

Đến đời nhà Lê, năm 1437 vua Lê Thái Tôn giao cho Nguyễn Trãi và Lương Đăng định lễ nhạc, nhưng do quan điểm về Nhã nhạc bất đồng nên Nguyễn Trãi dâng sớ thoái thác. Vì thế, Nhã nhạc nhà Lê đều do một tay hoạn quan Lương Đăng phỏng theo quy chế nhạc cung đình nhà Minh mà thực hiện. Âm nhạc Phật giáo cũng vì thế mà lắng xuống.

Qua đời nhà Nguyễn, cũng không nghe nhắc đến nhạc Phật giáo trong các quyển Lê Triều Hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

Tuy không được coi trọng ở các đời vua sau, nhưng nhạc Phật giáo vẫn được sử dụng nghiêm túc trong nhà chùa. Các cách tán tụng vẫn bảo tồn theo âm hưởng từ thời xa xưa và được phát triển ngày càng phong phú.

Sang thời kỳ cận đại, có vài sự thay đổi trong tinh thần giản dị hoá nghi thức Phật giáo, mà đáng lưu ý là những thay đổi trong những dàn nhạc lễ miền Nam với việc sử dụng hai nhạc khí nước ngoài là ghita phím lõm và organ để phụ họa theo những bài tán trong các lễ hội. Đàn ghita phím lõm, vốn thông dụng trong những dàn nhạc tài tử cải lương, tuy đã được Việt Nam hóa nhưng âm sắc sôi động của nó không mang lại không khí trang nghiêm cần thiết trong lễ hội tôn giáo. Riêng đàn organ còn làm cho bản sắc dân tộc bị lu mờ hơn nữa. Chúng ta đừng quên âm nhạc Phật giáo rất gần gũi với văn hoá dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập, người nước ngoài có dịp dự một lễ hội Phật giáo, khi nhìn thấy cây đàn ghita Tây Ban Nha, đâu có biết rằng đó cây ghita phím lỏm, và nhứt là lại thấy đàn organ thì sẽ nghĩ rằng âm Nhạc Phật giáo đã bị Âu hóa, và đã thành “Nhạc ngoại lai” chớ không còn là Nhạc Phật giáo Việt Nam nữa.

Liên quan mật thiết giữa âm nhạc Phật giáo và âm nhạc dân tộc

Âm nhạc Phật giáo dân tộc có khá nhiều điểm tương đồng với âm nhạc truyền thống, từ nét nhạc, thang âm, điệu thức, tiết tấu đến nhịp phách; chỉ khác nhau về mục đích. Âm nhạc truyền thống giúp người nghe thưởng thức nghệ thuật, còn âm nhạc Phật giáo nhằm mang lại cho người nghe (hay người đọc) một trạng thái tâm hồn an tịnh, thanh thản hầu thấu cảm giáo lý nhà Phật. Nhạc Phật giáo hướng nội, trong khi nhạc nghệ thuật hướng ngoại. Nhưng không phải vì thế mà âm nhạc Phật giáo không mang tính chất nghệ thuật. Nét nhạc và cách tán các bài như Dương chi tịnh thủy (Nhành dương liễu rải nước cam lồ xuống trần), Tào khê (Nước trong suối) rất phong phú và tinh vi.

Nét nhạc đi song song với sự lên bổng, xuống trầm của thanh giọng, của ngôn ngữ như trong dân ca hay các bài ca trong nhạc thính phòng.

Thang âm cũng thuộc loại ngũ cung, 5 âm chính, 2 âm phụ.

Điệu thức cũng có hơi Thiền, hơi Ai, như hai điệu thức Khách và Ai của ca nhạc Huế, điệu Bắc hơi Nhạc, hơi Hạ, và hơi Ai trong ca nhạc tài tử miền Nam. Nhưng điệu Thiền, ngoài việc diễn tả không khí trang nghiêm, có thêm tâm hồn thanh thản, nét nhạc uyển chuyển lên cao, tiết tấu từ bình điệu đến hoãn điệu… Thang âm điệu thức hầu như giống nhau hoàn toàn, ngoại trừ tiết tấu trong các bài tán theo truyền thống miền Trung có những nhịp đặc biệt cho các điệu tán rơi, tán sắp, tán trạo với cách nhịp tang, mõ khác nhau. Chuông Trống thì phải đánh theo các câu kệ

“Bát Nhã hội (3 lần, 3 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Thỉnh Phật thượng đường (4 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Đại chúng đồng văn (4 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Bát Nhã âm (3 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Phổ nguyện pháp giới (4 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Đẳng hữu tình (3 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Nhập Bát Nhã (3 tiếng trống, 1 tiếng chuông)

Ba La Mật môn (4 tiếng trống, 1 tiếng chuông)”

Về nhạc khí, ngoài một số dụng cụ đặc thù như mõ gia trì, chuông gia trì, đẩu, mộc bảng thì trong Phật giáo cũng sử dụng các nhạc khí truyền thống dân tộc như đàn nhị, đàn nguyệt, kèn, trống, phách, trong những lúc Khai trường, nhập lễ hay phụ họa theo các bài tán.

Về bài bản thì nhạc lễ dùng trong Phật giáo giống như nhạc lễ dùng trong cung đình và ngoài dân gian, ở miền Trung, mở đầu dàn nhạc tấu theo phong cách Đại Nhạc giản dị hóa, tấu các bản Đăng đàn đơn hay Đăng đàn kép, rồi theo phong cách Tiểu Nhạc tấu bản Ngũ đối thượng, Long Ngâm. Trong truyền thống miền Nam dàn nhạc tấu Ngũ đối Hạ lúc Khai trường Nhập lễ chỉ theo phong cách dàn nhạc Ngũ âm miền Nam có Phe Văn, Phe Võ.

Ảnh hưởng qua lại giữa âm nhạc Phật giáo và nhạc truyền thống

Nhạc Phật giáo chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống rõ nhứt là trong cách niệm và tụng kinh mang âm hưởng của tiếng hát ru từng miền.

Thông thường trong các lễ hội lớn của Phật giáo luôn sử dụng dàn nhạc lễ trong dân gian, đặc biệt theo truyền thống miền Trung là hai dàn đại nhạc và tiểu nhạc trong cung đình thâu nhỏ lại. Một vài truyền thống Phật giáo ở Tiền Giang có những cách tán dùng hơi và nhịp của lối hát Khách của hát Bội, chỉ khác nhau trong cách dùng mẫu âm ở những chỗ phải luyến láy.

Một số thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống được các nhà sư sử dụng để đặt những bài tán. Hơi thiền trong Phật giáo có cấu trúc âm thanh như hơi nhạc, hơi hạ của miền Nam, nhưng tiết tấu chậm hơn. Hơi ai của nhạc Phật giáo hơi giống như những điệu ai dùng trong nhạc lễ hay cải lương tài tử, nhưng đơn giản hơn.

Cách vận hành giai điệu trong âm nhạc truyền thống cũng được các nhà sư áp dụng để làm cho phong cách tán tụng được phong phú hơn.

Ngược lại, âm nhạc Phật giáo cũng giúp ích và làm giàu thêm cho âm nhạc dân tộc. Nhạc Phật giáo có phong cách “thài” (cách điệu hóa ngôn ngữ theo những chữ nhạc trong thang âm ngũ cung mà không chú trọng đến sự lên xuống đa dạng của nét nhạc) mà các ca công trong cung đình đã vận dụng vào trong các ca chương, như nhận định của cụ Lữ Thi, một nhạc công dàn nhạc cung đình ngày xưa.

Hơi thiền với tiết tấu khoan thai, nghiêm trang trong nhạc Phật giáo có thể dùng để ngâm những bài thơ, bài kệ có thiền vị, đem lại tâm bình an cho người nghe.

Về mặt tiết tấu, nhạc dân tộc chỉ có nhịp hai, nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu mà không có nhịp đánh theo chu kỳ như trong các bài tán của Phật giáo. Truyền thống Phật giáo miền Trung có những tiết tấu đặc thù rất tinh vi với nhịp tán rơi, nhịp tán sắp, tán trạo. Đây là đóng góp của nhạc Phật giáo làm giàu thêm tiết tấu cho âm nhạc dân tộc.

Ngoài ra điệu múa cung đình Lục cúng hoa đăng (múa đèn) chính là phỏng theo điệu múa lục cúng trong Phật giáo khi dâng hương, đăng, hoa, trà, quả, thực. Hoặc điệu múa Đấu chiến thắng Phật trong cung đình cũng từ một điệu múa trong chùa mà ra.

Điệu múa Lục cúng hoa đăng

Lịch sử Phật giáo lại là đề tài cho âm nhạc kịch nghệ dân tộc, chẳng hạn sự tích Phật Bà Quan Âm làm đề tài cho vở chèo Quan âm Thị Kính, hoặc cuộc đời Đức Phật Thích Ca từng là đề tài cho nhiều vở cải lương và phim ảnh.

Tóm lại, âm nhạc, văn hoá cũng như ngôn ngữ Phật giáo giúp cho âm nhạc, kịch nghệ truyền thống dân tộc có thêm nhiều yếu tố để làm giàu và phát triển.

* * *

Trong lịch sử hàng ngàn năm đồng hành với âm nhạc dân tộc, dẫu trải qua nhiều thịnh suy nhưng âm nhạc Phật giáo vẫn giữ gìn những giá trị tinh thần truyền thống. Đằng sau các nghi thức tôn giáo là tâm linh dân tộc, do đó chúng ta đừng vì sự tiện lợi trong tổ chức hay biểu diễn mà làm mất đi cái hồn của bản sắc văn hoá.

Bình Thạnh mùa Phật Đản

11.05.2008

GSTS Trần Văn Khê

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...