Âm nhạc Phật Giáo - Năng lực màu nhiệm của cuộc sống

28/11/2014

Từ thuở lọt lòng, chúng ta ai cũng lớn lên trong tiếng ru của bà, của mẹ, ta mang theo hành trang những câu ca dao, những ca từ thấm đượm và đong đầy tình yêu thương con người trong lời ru ấy. Những làng mạc, đồng quê, con sông trưa hè, tiếng chuông chùa mỗi sớm chiều và tiếng tụng kinh luân hồi nhịp mõ đổ. Những ngôi Chùa, tiếng chuông, mõ tụng kinh rất gần gũi với con người Việt Nam. Và như thế, trải qua những thăng trầm của năm tháng, những biến đổi của con người, của vũ trụ của quy luật thời gian, Đạo Phật dần hình thành trong tâm hồn mỗi người con đất Việt.


Giáo sư Trần Văn Khê và con trai. Nguồn: www.tranvankhe.vn

Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam, với rất nhiều công trình kiến trúc Chùa chiền và số lượng kinh sách trải qua các thời kỳ. Trong đó âm nhạc Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong việc xiển dương Đạo Phật.

Thế giới ngôn ngữ âm thanh của Đạo Phật mang những sắc thái huyền nhiệm, nó vượt ra khỏi ngôn ngữ, hành động thông thường. Nó chứa đựng những triết lý sâu sắc, ngôn ngữ ấy, âm thanh ấy kết nối con người với con người, con người với vạn vật, nó chứa đựng năng lực mầu nhiệm. Đó là năng lực hướng thiện, đưa con người quay trở về với chính mình và sống với giây phút hiện tại. Đây cũng chính là triết lý cốt tủy và sâu sắc nhất của Đạo Phật.

Xã hội ngày càng phát triển, trái đất đang nóng lên bởi sự gia tăng dân số. Việt Nam với 90 triệu dân cùng với sự phát triển của công nghệ số, của các phương tiện truyền thông hiện đại trong khi thế giới được gọi là thế giới phẳng thì đồng nghĩa với việc có rất nhiều lựa chọn cho con người. Người ta có thể nghe, xem tuỳ ý nhiều thể loại âm nhạc. Rất nhiều thể loại âm nhạc kém chất lượng, ca từ sáo rỗng, kém thẩm mỹ và nghệ thuật ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt Nam vẫn được số đông khán thính giả lựa chọn.

Âm nhạc Phật giáo giống như một ngôi chùa linh thiêng khuất sâu trong hang núi, chỉ có ai thật sự trú tâm mới có thể tìm thấy và chứng nghiện sự linh thiêng nhiệm màusâu xa ấy; Giống như một mảnh đất trù phú màu mỡ, âm nhạc Phật giáo đang chờ đón những chủ nhân gieo mầm trồng trọt. . .

Phật giáo hiểu một cách chân thực nhất là con đường đi tới giác ngộ. Nhà Phật dạy con người phương pháp để sống và duy trì sự sống bằng một nền đạo đức ôn hòa, với cái hiểu rốt ráo về “Khổ”(Tất cả các sự vật hiện tượng vật chất và tâm thức đều bị chi phối bởi quy luật của biến hoại và thay đổi) , “Vô thường” (không có gì tồn tại mãi mãi) “Vô ngã” (không có một cái gì trường tồn, bất biến, vững chắc, tồn tại của mọi sự vật hiện tượng mà không phụ thuộc vào các yếu tố khác, vì vậy mà cái ngã là không tồn tại). Nhà Phật lấy tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) làm nền tảng chuyển hóa tâm thức con người, thông qua sự chuyển hóa tâm thức và nỗ lực của bản thân để giải thoát con người khỏi sự khổ đau.

Triết lý của ngài Gautama hay còn gọi là Đức Thích ca Mâu ni, người sáng lập Phật Giáo, được lưu giữ bằng sự ghi nhớ và truyền miệng giữa các thế hệ đệ tử của ngài. Trải qua các thời kỳ kết tập kinh điển, lần đầu tiên những lời của đức Phật nói trong 49 năm với các vị đệ tử của mình trên khắp đất Trung Ấn được viết trên lá Bối ở 3 hình thức hay còn gọi là Tam Tạng ( Kinh – Luật – Luận ). Trong đó Kinh và Luật do chính Đức Phật nói, về sau các thế hệ đệ tử của ngài căn cứ vào những triết lý trong kinh điển mà viết những bộ luận để phân tích và bày tỏ quan điểm cá nhân theo cách hiểu khác nhau về giáo lý (Pháp).

Trong nhiều năm hoằng Pháp trên khắp miền Trung Ấn , Đức Phật đã thuyết Pháp với nhiều tầng lớp con người, trong đó có cả những kỹ nữ, kẻ cướp chỉ bằng chính tâm từ ái và cách hiểu chân thực nhất với vạn vật sau 6 năm tu hành và giác ngộ do chính sự quán chiếu của mình. Chính những triết lý này về sau được tổng kết trong tạng Kinh và đã thay đổi cuộc đời biết bao con người.

Các nước Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada. Các nước Châu Âu như Đức, Pháp, các nước Châu Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc. Các nước Trung Á như Ấn Độ, Nepal đã sử dụng âm nhạc kết hợp với những lời kinh (triết lý) ở dạng có nghĩa hoặc qua những ngôn ngữ bí mật gọi chung là Chân ngôn, hay còn gọi là Thần chú, minh chú, thuộc phái Mật Tông – một trường phái của Phật giáo ra đời vào thế kỷ I, II trước Tây lịch. Chân ngôn là những ký tự đặc biệt đuợc coi là ngôn ngữ bí mật có năng lực đặc biệt kết nối con người và vũ trụ thông qua sự quán tưởng.

Các nhạc sỹ, ca sĩ đã tạo nên những tác phẩm hoàn chỉnh được phối khí và dàn dựng công phu, nghiêm túc dựa theo chất liệu âm nhạc dân gian hoặc âm nhạc đương đại sử dụng chất liệu dân gian.(thường ở thể loại thanh nhạc, khí nhạc. Được biểu diễn bằng dàn nhạc dây hoặc dàn nhạc điện tử kết hợp với những nhạc cụ truyền thống của dân tộc, của địa phương các quốc gia. Sự kết hợp với dàn hợp xướng hoặc những đơn ca để tăng thêm hiệu quả, những bản thu thanh do các dàn hợp xuớng được đào tạo trong những Tu viện Phật giáo trường phái Mật Tông, đôi khi là những giọng ca của những nhà sư không được đào tạo cơ bản về thanh nhạc nhưng trong sáng và giàu tính biểu cảm, làm nổi bật giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần của Âm nhạc Phật giáo,đồng thời dẫn dắt người nghe quay về khảo nghiệm tâm thức .

Nữ ca sĩ – Ni cô Ani Choying Dromal là một điển hình về khai thác và phát triển âm nhạc Phật giáo. Cô được biết đến với biệt danh “Cani”. Không giống với những ca sĩ khác, cô đi khắp nơi trên thế giới nhằm thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người sống trong cảnh đói nghèo và giúp họ thêm niềm tin vào cuộc sống bằng chính giọng ca như tiếng suối chảy của mình, với những câu chân ngôn dẫn dắt con người về với sự tĩnh lặng.

Nhạc sỹ Mỹ Steve Tibetts khi nghe được tiếng hát của cô trong một chuyến du lịch đến vùng Kathmandu đã hết sức xúc động và mời cô thu âm. Ông đã ghi lại tất cả những bài hát của của cô. Khởi đầu với album mang tên “Cho” (Tiếng Tây Tạng là “Chúng sinh”) và gần đây là Album “Mangal Vani” (sự khởi đầu tốt lành).

Hàng triệu người trên thế giới đã lắng nghe những tác phẩm âm nhạc của cô và họ đã thay đổi cách sống, quan niệm, cảm hóa chính mình và cảm hóa òng người, cô muốn mang những lời kinh để giáo hóa mọi người, và nhờ có âm nhạc mà nó mang một công năng đặc biệt chạm lđến trái tim con người. Cho đến nay Ani Choying Dromal là một ca sĩ tầm cỡ Quốc tế và được đón nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới.

GS, TS Trần Văn Khê một nhà lý luận âm nhạc, cả cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc, một cuốn từ điển sống về các làn điệu dân ca Việt Nam. Chính ông đã thồi luồng gió mới vào âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và hòa thượng Thích Thiện Châu ông đã ký âm lại những bài tụng của các thầy và được các thầy giảng giải nghĩa lý thâm sâu trong đó.

Âm nhạc là dùng âm thanh để diễn tả cảm xúc con người, thông qua âm nhạc, mọi thông điệp sẽ đuợc gửi gắm tới người nghe nhanh hơn dễ tiếp thu và cảm thụ hơn. Nếu âm nhạc thưởng thức có mục đích giải trí đơn thuần thì âm nhạc Phật giáo có mục đích giúp cho sự tu tập của các phật tử, tạo nên trạng thái tâm hồn yên tĩnh, thư thái.

Mọi người có thể dễ dàng thấu hiểu triết lý của những câu kinh hay chân ngôn – nơi ẩn chứa công năng đặc biệt có giá trị chuyển hóa tâm thức con người, từ đó giúp xã hội phát triển toàn diện hơn, hạn chế tệ nạn xã hội, sự suy đồi hành vi, lối sống, đạo đức.

Nhà Phật quan niệm rằng thay vì trừng phạt tù tội hãy chuyển hóa tâm thức mỗi người, chuyển đổi chứ không trừng phạt, vì khi tâm thức chuyển đổi thì mọi thứ trong cuộc đời chuyển đổi theo, đó chính là nền tảng của sự an vui, làm gia tăng hạnh phúc.

Âm nhạc Phật giáo là phương tiện rất hữu ích để chuyển hóa con người theo hướng tích cực, đảm bảo thuần phong mỹ tục của dân tộc, cho nên chất lượng âm nhạc rất quan trọng đối với việc khai thác và phát triển âm nhạc phật giáo Việt Nam. Thay vì chạy đua với cơm áo gạo tiền, thay vì đôn đáo để tìm những giá trị bên ngoài, tìm viên kim cương vốn tưởng rơi trong đời sống, hãy quay trở về nhìn lại chính mình, quán chiếu chính mình, viên kim cương ấy không rơi đi đâu cả. Nó nằm ngay trong tâm thức của mỗi người, chỉ có điều bao giờ ta sẽ nhìn thấy vị trí và tìm ra viên kim cương ấy mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Phật giáo Thế Giới, Pháp sư Thánh Nghiêm-Pháp sư Tịnh Hải, Nhà xuất bản Khoa học xã hội

2. www.anichoying domal.com

3. www.tranvankhe.vn

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 36)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...