Âm nhạc đương đại - "Chẳng hiểu gì"!

19/03/2013

Những câu nói được nghe thấy nhiều nhất từ các nhạc sĩ tham dự buổi nói chuyện của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân với chủ đề Âm nhạc đương đại diễn ra vào sáng qua (15/3) là “Không hiểu gì; Chẳng có chủ đề, giai điệu, tiết tấu gì cả”…

Trong khi “âm nhạc đương đại đã trở thành quá khứ” trên thế giới thì ở Việt Nam, ngay đối với nhiều nhạc sĩ, có vẻ như nó vẫn hoàn toàn... mới toanh và không dễ được chấp nhận.

Đã là quá khứ

Người được chọn là diễn giả của buổi nói chuyện về Âm nhạc đương đại không ai khác chính là nhạc sĩ trẻ Vũ Nhật Tân vốn khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước về sáng tác nhạc thử nghiệm đương đại.

Mở đầu bài nói chuyện của mình, Vũ Nhật Tân đã gây “sốc” khi khẳng định rằng âm nhạc đương đại trên thế giới “đã là quá khứ” trước những người mà đa phần mới “lần đầu tiên nghe thể loại âm nhạc này”.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết, âm nhạc đương đại được tính từ đầu thế kỉ 20 đến hết thế kỉ 20, trải dài 100 năm và được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1900-1930 là thời kì công nghệ chưa phát triển, máy móc còn ít, hệ thống điện tử chưa đầy đủ. Âm nhạc đương đại thời kì này họ dựa vào nền tảng của dàn nhạc giao hưởng, các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng cũng như hòa tấu, tứ tấu, tam tấu, ngũ tấu, hợp xướng nhưng với ngôn ngữ rất khác. Giai đoạn hai từ 1930 đến nay là cùng với sự phát triển của kĩ thuật điện tử, công nghệ thì sinh ra một dòng rất mới là dòng âm nhạc điện tử.


Hình từ trái qua phải: Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Thiếu Hoa

“Tức là đến nay chúng ta đã đi qua âm nhạc đương đại rồi, âm nhạc đương đại đã là quá khứ” - Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân khẳng định.
Anh chia sẻ thông tin, trong chuyến làm việc gần đây nhất tại Mỹ, anh đã nhận thấy, âm nhạc hiện đại hay âm nhạc đương đại không còn là vấn đề người ta quan tâm nhiều mà lại là tính cá nhân của từng nhà soạn nhạc, từng nhạc sĩ. “Người ta quan tâm đến việc cá nhân nhà soạn nhạc đó soạn ra cái gì và mang lại được cái gì mà thôi” – anh khẳng định.

“Cho đến hiện nay theo tôi được biết, ngoài hai dòng nhạc là dòng nhạc dựa trên nền của dàn nhạc giao hưởng và dòng nhạc điện tử thuộc về âm nhạc đương đại của thể kỉ 20 thì còn có thêm dòng âm nhạc phát triển trên nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc mà nhạc sĩ đó sinh sống. Ở châu Âu hay ở Mỹ họ đang phát triển âm nhạc cổ truyền của họ để kết hợp với âm nhạc điện tử và kết hợp với dàn nhạc giao hưởng để tạo nên một mô hình nhạc mới” – nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết thêm.

Tranh cãi sôi nổi

Chọn một chủ đề “cũ người” nhưng “mới ta” là Âm nhạc đương đại, buổi sinh hoạt của Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã thu hút được khá đông nhạc sĩ tham gia và đặc biệt là đã gây ra những tranh cãi sôi nổi.

Ngay sau khi Vũ Nhật Tân trình bày về sự phát triển của âm nhạc đương đại trên thế giới thì một nhạc sĩ hỏi: “Tôi muốn hỏi những ca khúc được sáng tác hiện nay thì có được coi là âm nhạc đương đại hay không?” Ngay tiếp đó, một nữ nhạc sĩ cũng có thắc mắc tương tự: “Theo tôi hiểu thì chữ đương đại trong khái niệm nhạc đương đại là một từ ghép của hai từ đương thời và hiện đại chứ không phải là một khái niệm chỉ một dòng nhạc cụ thể giống như là nhạc cổ điển chẳng hạn. Nữ nhạc sĩ này còn dẫn ra một trường hợp rất “thời sự”: “Ca khúc Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho mới đây được phối khí và làm mới lại thì có phải là đương đại hay không?”

Sau khi nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho mọi người nghe một sáng tác đương đại của nhạc sĩ Cristop Pendereski (một nhạc sĩ đương đại nổi tiếng người Ba Lan thế kỉ 20) sáng tác năm 1959 thì một nhạc sĩ đứng lên yêu cầu Vũ Nhật Tân cho nghe một sáng tác “đương đại” hơn của một nhạc sĩ “đang sống cùng thời với chúng ta” cho phù hợp với chủ đề của buổi sinh hoạt.

Được nghe thêm các tác phẩm âm nhạc đương đại của những nhà soạn nhạc nổi bật khác của thế giới như Stokhausen (Đức), John Cage (Mỹ) thì nhiều đại biểu dường như càng “rối” hơn. Những câu “Không hiểu gì cả” được mọi người quay sang chia sẻ với nhau nhiều nhất. Ngay cả khi Vũ Nhật Tân giới thiệu tác phẩm Vô vi của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết – một nhạc sĩ nhạc đương đại của Việt Nam sống tại Pháp - thì vẫn không vì “chất Huế” hay “tinh thần Phật giáo rất đậm nét” của tác phẩm này mà nó dễ hiểu hơn đối với mọi người.

Một nhạc sĩ chia sẻ: Mỗi người có cách hiểu khác nhau nhưng nói chung tôi không hiểu. Tôi không hiểu được nội tâm của người nhạc sĩ khi viết tác phẩm này là như thế nào. Ông còn nhận xét thêm: “Không có giai điệu, tiết tấu, thỉnh thoảng lại gõ lên một tiếng, thổi lên một tiếng”. Ông khiêm tốn kết luận: “Tóm lại là mình chưa đủ trình độ để nghe”.

Trước không khí ồn ào tại buổi diễn sinh hoạt, tuy không phải là diễn giả mà chỉ là người dẫn chuyện, nhưng Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội - nhạc sĩ Văn Dung - chia sẻ: “Chúng ta không bao giờ biết được nhạc, chúng ta chỉ có thể cảm nhạc, mà mỗi người thì sẽ có cách cảm khác nhau”.

Tuy thế, lý lẽ này của Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội cũng không đủ làm các hội viên “yên tâm” về âm nhạc đương đại. Cuối cùng nhạc sĩ Văn Dung đành phải dùng đến lý lẽ: “Hôm nay chúng ta đến đây để nghe Vũ Nhật Tân nói về những hiểu biết của anh ấy về âm nhạc đương đại, không phải là đến đây để tranh cãi thế nào là âm nhạc đương đại. Chúng ta hãy cứ nghe thông tin còn mỗi người tiếp nhận thông tin thế nào thì lại là chuyện khác!”.

(Nguồnhttp://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...