Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay
1. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh để sáng tạo, biểu hiện hình tượng, nhằm truyền tải thông điệp của cuộc sống con người, từ tâm trạng, khát vọng đến ý chí vượt lên thử thách, chông gai trong lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại là sự đan xen, quyện hòa của ba dòng chảy chính: âm nhạc dân gian - truyền thống; âm nhạc hàn lâm - kinh điển và âm nhạc đại chúng. Đó là kết quả quá trình phát triển liên tục, không ngừng nghỉ của dòng chảy âm nhạc dân tộc trong những cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa của thế giới, nhưng vẫn giữ được nhịp sống, hơi thở, khí phách dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, lắng đọng những giá trị lớn lao, góp phần bồi đắp đời sống tinh thần con người Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa, mà đi liền mặt tích cực là cuộc “xâm lăng văn hóa”. Âm nhạc dân tộc Việt Nam tiếp tục trụ vững và góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc. Theo thống kê của Viện Âm nhạc, hiện nay nước ta có hơn 17 nghìn bài dân ca, gần 9 nghìn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian, do 1.848 nghệ nhân hát và đàn; trong đó, nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại - tất cả đều mang hồn cốt, khí phách dân tộc Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Chúng ta vô cùng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã nuôi dưỡng tình yêu và sự am hiểu sâu sắc đối với âm nhạc dân tộc. Trước lúc đi xa, Người muốn nghe một câu hò Ví Dặm. Tình yêu ấy của Bác đã khẳng định sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, đã hun đúc nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta hôm qua và hôm nay. Chúng ta càng tự hào khi UNESCO đã vinh danh 7 loại hình âm nhạc dân tộc của Việt Nam (Nhã nhạc cung đình Huế, năm 2003; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, năm 2005; Dân ca Quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh, năm 2009; Ca trù, năm 2009; Hát xoan, năm 2011; Đờn ca Tài tử Nam Bộ, 2013; Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, 2014). Đó là minh chứng hùng hồn giá trị trường tồn của âm nhạc dân tộc, được thế giới tôn vinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bên cạnh những giá trị văn hóa tiên tiến được tiếp thu và phát triển, thì cũng có không ít những sản phẩm tiêu cực, phản văn hóa, đang làm công chúng băn khoăn. Nói như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì “cùng lúc vừa có luồng gió mát, lại có cả luồng gió độc thổi vào đất nước ta, tạo thành cuộc đối đầu: một bên ra sức bảo vệ nền văn hóa; một bên đang len lỏi, pha trộn làm cho văn hóa ngoại lai lấn lướt, gây nên hậu quả không nhỏ”. Mặt khác, hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá công cuộc đổi mới và hội nhập của nước ta, nhằm làm cho thế hệ trẻ lãng quên quá khứ lịch sử oai hùng của dân tộc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trước thực trạng đó, một nhu cầu cấp bách đặt ra đối với những người làm âm nhạc là làm sao nắm bắt chính xác thực trạng, những đòi hỏi chính đáng của công chúng; trên cơ sở đó kiến nghị những giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm làm cho âm nhạc dân tộc thật sự là nền tảng, nòng cốt của đời sống âm nhạc đương đại, là công cụ phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
2. Trong ba mươi năm đổi mới, đặc biệt từ khi có Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về văn hóa, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc. Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là đội ngũ các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nghệ nhân, nghệ sĩ, công tác nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá, biểu diễn âm nhạc dân tộc đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Với nhiều biện pháp tích cực, lực lượng các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã có nhiều cố gắng, cho ra đời những công trình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, nhất là âm nhạc dân gian, được dư luận chú ý. Số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nghiên cứu về đề tài âm nhạc dân tộc nói riêng và văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung ngày thêm tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Những kết quả nghiên cứu đó đã trực tiếp góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận các di sản âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời gian qua.
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, công tác sáng tác, quảng bá, trình diễn âm nhạc dân tộc đã có những bước chuyển mới. Phong trào đặt lời mới cho các làn điệu âm nhạc cổ truyền tiếp tục được quan tâm, giúp cho dòng nhạc này dễ tiếp cận và đến được với công chúng hơn. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật với các chương trình mang âm hưởng dân ca, cũng như các tiết mục nghệ thuật ca ngợi hình ảnh quê hương, đất nước, lãnh tụ, danh nhân, đã góp phần bồi đắp tình yêu âm nhạc, kết hợp được tính truyền thống, dân gian với tính hiện đại, hướng con người tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ, một động lực tinh thần quan trọng làm nên giá trị cuộc sống hôm nay. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các lễ hội cổ truyền, nghệ thuật, âm nhạc cổ truyền đã được chú ý khôi phục. Số lễ hội dân gian cổ truyền cùng với những lễ hội mới (như Festival Huế, Festival Biển, …); những đợt liên hoan âm nhạc (Liên hoan Tiếng hát dân ca, Festival Đờn ca Tài tử…) đã làm đời sống văn hóa, âm nhạc trên đất nước ta sôi động hơn, phong phú hơn, gây được hiệu ứng tích cực lan tỏa trong công chúng. Một số địa phương đã chủ động, tích cực tìm giải pháp tuyên truyền, quảng bá âm nhạc dân tộc, như phong trào đưa dân ca vào trường học; trình diễn các tiết mục dân ca trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh; hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; tổ chức nhiều cuộc liên hoan hát dân ca hàng năm;…. Đó là chưa kể hàng trăm chương trình giới thiệu văn hóa - âm nhạc dân tộc, dân gian trên các đài truyền hình, đài phát thanh quốc gia cùng vô số các “clip” về âm nhạc dân tộc được đưa lên trang mạng xã hội... Công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn đẩy mạnh quá trình thu thập, sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc cũng như việc giới thiệu âm nhạc dân tộc đến với công chúng ngày một rộng rãi hơn.
Một điểm nhấn khác trong cố gắng bảo tồn, phát huy, phát triển âm nhạc dân tộc là công tác đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp. Trong những năm qua, hệ thống các trường đào tạo chính quy do Nhà nước bảo trợ đã có những cố gắng lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho âm nhạc dân tộc nước nhà. Khoa Âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, bước đầu gây được tiếng vang trong nước và quốc tế. Cùng với các trung tâm đầu tầu về đào tạo âm nhạc dân tộc, các trường văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương cũng tích cực đào tạo lực lượng tại chỗ, trực tiếp giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị âm nhạc truyền thống của từng địa phương. Ngoài hệ thống đào tạo chính quy tại các trường âm nhạc, văn hóa nghệ thuật, việc đào tạo, truyền thụ âm nhạc dân gian, âm nhạc dân tộc cũng được cả xã hội chú ý, các cơ quan quản lý văn hóa quan tâm vun bồi. Qua kiểm kê di sản Đờn ca Tài tử, hàng ngàn câu lạc bộ Đờn ca Tài tử đã hoạt động từ trước, nay được quan tâm, đầu tư, giới thiệu, tham gia liên hoan trao đổi nghề nghiệp. Trong dân gian, nhiều cơ sở dạy truyền khẩu thay cho lớp học chính quy; nhiều đội cồng chiêng đã được thành lập cùng với việc khôi phục những bài chiêng hầu như thất truyền; nhiều nghệ nhân, nhạc sư vẫn đau đáu với nghề mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu… Điều đó cho thấy, dân ca, âm nhạc dân tộc vẫn như những nguồn mạch len lỏi chảy trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
3. Tuy nhiên, sự phát triển âm nhạc dân tộc hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, giới trẻ ngày nay đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị hao mòn theo năm tháng. Trong khi người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân Việt Nam chơi các nhạc cụ dân tộc, thì người Việt Nam lại đang quay lưng lại những nhạc cụ mà bầu bạn quốc tế đánh giá rất cao. Trong khi biểu diễn nghệ thuật dân tộc ngày càng thưa vắng khán giả, thì nghệ thuật hiện đại lại chiếm lĩnh trận địa và “lên ngôi”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu hiện tượng: rạp Hồng Hà chuyên diễn Tuồng, xưa kia khán giả rất đông, nhưng bây giờ người xem lại thưa thớt, thậm chí mời xem miễn phí cũng không đi. Đáng chú ý, có hiện tượng hàng nghìn người sắp hàng mua mỗi đôi vé có giá lên đến hàng triệu đồng để xem chương trình của Bằng Kiều (ca sĩ Việt kiều ở Mỹ) tại sân khấu Mỹ Đình, Hà Nội.
Thứ hai, đời sống âm nhạc đương đại đang chứng kiến sự lên ngôi của dòng nhạc thị trường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng và đang có chiều hướng gia tăng. Một thực trạng đáng suy nghĩ là, trong khi các bộ môn nghệ thuật khác, như Tuồng, Chèo, Cải lương, Bài chòi, ca Huế… được Nhà nước bao cấp một phần đáng kể, thì các loại hình Ca trù, Quan họ, hát Xẩm, Chầu văn,… gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nghệ nhân âm nhạc dân gian đang có cuộc sống không ổn định và hành nghề thật gian nan, thường xuyên phải gồng mình chống đỡ những cuộc tấn công mạnh mẽ của dòng nhạc ngoại lai và dòng nhạc thương mại.
Thứ ba, âm nhạc dân tộc đang có nguy cơ mai một, biến chất trong sự bủa vây của thị trường. Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc - đây thực sự là nguy cơ lớn, không thể xem thường. Trong khi đó, những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc chưa phát huy được hiệu quả, có nơi, có lúc rơi vào hình thức, thậm chí phản tác dụng. Chúng ta đã phục dựng những lễ hội, làm sống lại môi trường diễn xướng nguyên sơ của âm nhạc dân tộc, tuy vậy cũng đã xuất hiện những lễ hội truyền thống làm mất đi hồn cốt dân tộc, nhạt nhòa mục đích cố kết cộng đồng, coi nhẹ việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống hào hùng dân tộc và tôn vinh nghệ thuật - âm nhạc dân tộc. Không ít nghệ sĩ biểu diễn đã tự hạ thấp giá trị đích thực của nghệ thuật âm nhạc dân tộc vì chạy theo thị hiếu tầm thường và lợi ích vật chất. Tình hình đó, làm cho những nghệ sĩ tâm huyết có cơ sở băn khoăn: “càng bảo tồn, càng có nhiều công nhận di sản, càng làm cho di sản chỉ còn là… di ảnh của tài sản cha ông và là hoài niệm”(!).
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước đối với đời sống âm nhạc nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng còn nhiều bất cập, yếu kém. Các văn bản luật, dưới luật quy định chế độ, chính sách (chế độ tiền lương, bảo hiểm, nhuận bút, bản quyền,…) đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nói chung, những người làm âm nhạc dân tộc nói riêng còn lạc hậu, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, quy định về biểu diễn nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng còn nhiều hạn chế. Việc thiếu những chế tài đủ mạnh để thiết lập đời sống âm nhạc lành mạnh vô hình chung khiến cho âm nhạc dân tộc ngày càng khó khăn. Đặc biệt, những nhà phê bình còn né tránh việc phê phán dòng âm nhạc lai căng, âm nhạc thương mại, thiếu dũng khí bảo vệ tôn vinh âm nhạc dân tộc nước nhà.
Thứ năm, việc tuyên truyền, phổ biến âm nhạc truyền thống trên các cơ quan thông tin đại chúng, trong trường học, câu lạc bộ cũng chưa được coi trọng thường xuyên và chưa có một chiến lược lâu dài. Đã xuất hiện tình trạng một số cơ quan báo chí có biểu hiện chạy theo lợi ích, tuyên truyền, cổ súy cho dòng nhạc thương mại, không có giá trị. Rất nhiều chương trình âm nhạc giải trí, “câu khách” được báo chí đưa vào vị trí quan trọng, trong khi các chương trình âm nhạc dân tộc chịu lép vế. Bên cạnh đó, những cố gắng đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, các câu lạc bộ thì chủ yếu mang tính tự phát, do sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, tổ chức, cá nhân là chính.
4. Một số giải pháp chủ yếu
4.1. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của âm nhạc dân tộc.
Bảo tồn, phát huy, phát triển âm nhạc dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thậm chí phải làm qua nhiều thế hệ. Trách nhiệm nặng nề mà cao quý ấy không thể chỉ đặt lên vai đội ngũ nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng ta đã có quan điểm, chủ trương đúng đắn về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng để thực hiện mục tiêu ấy cần huy động tối đa lực lượng, nguồn lực để triển khai. Muốn công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ yêu thích và có trách nhiệm, thì trước tiên phải làm cho họ hiểu về cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Để những sản phẩm âm nhạc dân tộc được tiếp nhận và phát triển thì trong thời gian tới, các phương tiện truyền thông cần xác định đúng và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phát huy giá trị quý báu về âm nhạc dân tộc và nhạc cụ dân tộc, bao gồm các hay, cái đẹp, cái độc đáo, phong phú của dân tộc ta. Các phương tiện thông tin đại chúng là một kênh có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quảng bá giá trị của âm nhạc dân tộc trong nước cũng như đến với bạn bè quốc tế. Chú trọng tuyên truyền có trọng điểm theo những chương trình giáo dục thẩm mỹ âm nhạc dân tộc, nhằm góp phần mang đến cho người nghe những cảm xúc thẩm mỹ âm nhạc cao đẹp, góp phần bồi đắp thẩm mỹ nghệ thuật đúng đắn cho thế hệ tương lai của đất nước.
4.2. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Trước hết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục gấp rút sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một trong sinh hoạt âm nhạc truyền thống. Đây là một công việc quan trọng, cấp bách. Việc coi trọng bảo tồn một cách hệ thống ở tầm chiến lược, đang là vấn đề nóng bỏng, vì chỉ như vậy mới tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững âm nhạc truyền thống trong tương lai. Hiện nay, trong giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc tồn tại nhiều quan điểm khác biệt trong cách thức bảo tồn, phát huy vốn quý đó của cha ông. Trong lúc chúng ta cần tiếp tục thảo luận, thống nhất sâu nhận thức thì việc làm cấp bách đầu tiên là sưu tầm đầy đủ, tạo lập kho giữ liệu nguyên gốc các làn điệu, nhạc cụ âm nhạc dân tộc. Trên cơ sở đó, việc bảo tồn phải gắn liền với phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc thông qua việc phục dựng môi trường diễn xướng; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng dùng âm nhạc dân tộc để làm du lịch theo kiểu chộp giật, chạy theo mục đích kinh tế đơn thuần…
Thứ hai, cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ làm âm nhạc dân tộc. Từ thành công của mô hình đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường trong thời gian qua, chúng ta cần tổng kết và nhân rộng. Đối với việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, cần rà soát kỹ lưỡng tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ đội ngũ giảng viên, giáo trình đến việc tuyển sinh, đầu ra cho sinh viên. Nhà nước cần có chính sách đầu tư thích đáng, hiệu quả cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo đầu ngành về âm nhạc dân tộc, như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế; đồng thời cần có cơ chế để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ động, tích cực của các trường văn hóa, nghệ thuật các địa phương. Nhân dân luôn có những cách thức sáng tạo, hiệu quả để phát triển những giá trị âm nhạc dân tộc gắn liền với cuộc sống của mình; tuy nhiên, trong một yêu cầu phát triển mạnh mẽ nền âm nhạc dân tộc, các trường chuyên nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng.
Thứ ba, hết sức coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng âm nhạc dân tộc. Tài năng có được trên cơ sở bẩm sinh cùng quá trình tự rèn luyện, học hỏi tinh hoa của nền âm nhạc các nước. Chúng ta càng thấm thía điều tâm nguyện của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát triển tài năng. Cần chú ý hơn nữa việc phát hiện, bồi dưỡng những tài năng âm nhạc trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Để đạt mục tiêu ấy, cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng các tài năng âm nhạc dân tộc. Các cơ quan chức năng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để tạo bước đột phá trong đãi ngộ đối với đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển âm nhạc dân tộc. Trong khi chờ đợi những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, các địa phương trong điều kiện cụ thể của mình vẫn có thể chủ động xây dựng đề án, kế hoạch phát triển văn hóa, văn nghệ; trong đó đặc biệt chú trọng, quan tâm đến âm nhạc dân tộc, làm cho nghệ sĩ sống được bằng nghề.
4.3. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành hữu quan và các địa phương.
Từ thực tiễn càng thấy rõ vai trò phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các địa phương… trong việc tạo sự thống nhất về xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc. Đồng thời, coi trọng hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm, nghiêm minh những biểu hiện tiêu cực, lai căng, tuyên truyền, cổ súy những sản phẩm thấp kém trong đời sống âm nhạc đương đại. Đề cao vai trò của các nhà phê bình âm nhạc, nhất là việc phản bác những biểu hiện lệch lạc, “loạn chuẩn”, “lệch chuẩn” trong đời sống âm nhạc; đồng thời khẳng định và quảng bá những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc của âm nhạc dân tộc.
Nhân đây, xin được nhắc lại lời tâm huyết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Rồi đây, từ thế hệ này sang thế hệ mai sau, dân tộc Việt Nam ta không thể không có người sáng tác nên một bản nhạc có giá trị, đẹp đẽ như bản nhạc “Nhiệt tình” của Bethoven? Chúng ta phải dám nghĩ, dám làm, dám chắp cho mình đôi cánh để bay lên thì mới làm nên được sự nghiệp lớn”. Theo lời dặn đó, chúng ta có cơ sở để tin tưởng và hy vọng rằng, với nhận thức mới, với quyết tâm mới, chúng ta thấy mình đang được bồi đắp thêm trách nhiệm và niềm tin trên con đường triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Hội nghị BCHTW 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” - một Nghị quyết đã đặt văn hóa, văn học, nghệ thuật ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.