Âm nhạc của sự... ủy mị
Không phải là nhạc sến nhưng dạo gần đây, sau trào lưu dance giậm giựt thì có vẻ những bản pop - ballad ngọt ngào với ca từ ủy mị, đa sầu đa cảm lại được lòng người nghe. Và đó không phải lớp khán giả trung niên mà lại là những cô cậu choai choai tuổi teen. Phải chăng sự ủy mị đang là mốt của công chúng bây giờ?
Thực ra, không phải đến bây giờ nhạc Việt mới ủy mị, đã có một giai đoạn vàng son của nhạc bolero (gọi một cách bình dân là nhạc sến), thậm chí như với dòng nhạc xưa, nhạc tiền chiến… khó có thể nói là không ủy mị, không buồn bã; chỉ có điều, cái sự “đa sầu đa cảm” đó được giấu giếm cẩn thận sau những ca từ đẹp như thơ, những lời lẽ đầy ẩn ý, đầy những hình ảnh sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, ẩn dụ. Âm nhạc của Đoàn Chuẩn có buồn không? Rất buồn là đằng khác, nhưng nó không “huỵch toẹt” ra như âm nhạc bây giờ mà ông gửi gắm nó qua mùa Thu, lá vàng, qua tà áo xanh, cành hoa tim tím…
“Kiềng ba chân” của giai đoạn vàng
Giai đoạn vàng của nhạc trẻ Việt, công chúng chứng kiến sự lên ngôi của một tác giả mà ban đầu người ta cứ nhầm nhạc của anh là… nhạc tiền chiến: nhạc sĩ Việt Anh với hàng loạt sáng tác: Dòng sông lơ đãng, Nơi mùa Thu bắt đầu, Không còn mùa Thu, Những mùa hoa bỏ lại… Nói đến nhạc Việt Anh là nhắc đến nỗi buồn, sự ủy mị được gửi gắm qua khái niệm: “dòng sông”, “hoa vàng”, “lơ đãng”, “trăng rơi bên thềm”… Việt Anh bị ảnh hưởng khá nhiều lối sáng tác của các nhạc sĩ tiền chiến từ khúc thức cho đến cách gieo lời. Khá nhiều người trong giới sáng tác cho rằng anh chỉ mạnh về phần lời, còn âm nhạc, phần mở đầu thường rất tốt với câu intro có giai điệu đẹp nhưng đến điệp khúc là lại lan man và kết hụt hẫng. Tuy nhiên thời đó các ca khúc của Việt Anh vẫn “rần rần” trên bảng xếp hạng Làn sóng xanh, được mở khắp các quán cà phê đường phố…
Một tác giả khác không thể không nhắc đến trong giai đoạn vàng này là Đức Trí. Bản rock ballad Ta chẳng còn ai đưa anh từ vị trí nhạc công chơi keyboard, người soạn hòa âm - phối khí lên vị trí một nhạc sĩ, một hit-maker thực thụ. Hầu hết các bài hát của Đức Trí đều có giai điệu pop rất dễ nghe, bắt tai khán giả cộng thêm phần ca từ tuy bình dân, dễ hiểu, dễ cảm như muốn “rút ruột” khán giả kiểu: “Đến một lần xa một đời, nhưng ta vẫn nhớ về nhau - Có quên được đâu”, “Những ai được chết vì yêu là đang sống trong tình yêu” - Ta chẳng còn ai... Sau này, chính anh cũng công nhận là mình sáng tác Ta chẳng còn ai với lời lẽ… vô cùng “sến”!
Bản thân là người thông minh, Đức Trí như nắm rõ luật sáng tác “hit” và cứ như thế anh tạo ra hàng loạt những bài ca đình đám: Nếu như, Khi giấc mơ về, Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Đêm nghe tiếng mưa, Lúc mới yêu, Em biết… đánh thẳng vào tâm lý “đa sầu đa cảm” của đám đông. Đã có một thời giới nghệ sĩ truyền nhau rằng muốn có “hit” thì hãy xin bài Đức Trí.
Những năm đầu thập niên 2000 xuất hiện thêm một tác giả nữa tạo cơn sốt âm nhạc của sự ủy mị là Trần Lê Quỳnh. Đề tài viết của anh rộng hơn hai cái tên kể trên, không chỉ tình yêu đôi lứa mà còn bạn bè, trường lớp, đặc biệt nhất là tình cảm gia đình. Giai điệu của Trần Lê Quỳnh thậm chí còn đơn giản hơn, ca từ thì nằm giữa lằn ranh của Việt Anh - Đức Trí, có phần dung dị. Và rồi những bài hát của anh “ăn khách” một cách bất ngờ như: Chân tình, Mùa Hè cuối cùng, Nhớ gấp ngàn lần hơn, Cô gái đến từ hôm qua, Tuyết rơi mùa Hè… đặc biệt là chuỗi Màu trắng, Những ô cửa xanh, Khi mẹ khóc… với chủ đề xuyên suốt là sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình.
Cái vỏ ủy mị của âm nhạc
Sau ba nhạc sĩ trên, nhạc Việt xuất hiện thêm hàng loạt cái tên chuyên trị “dòng nhạc không sến nhưng… ủy mị” này nữa là: Phạm Khánh Hưng, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hoàng Duy, Phúc Trường… Thành công với đám đông thì nhanh chóng được xác lập, nhưng hầu hết sáng tác của các tác giả này rất dễ đề-mốt (hết mốt). Qua một thời gian ngắn là khán giả không còn biết đến nhiều nữa.
Dạo gần đây, chàng ca sĩ trẻ Phạm Hồng Phước - Top 8 Vietnam Idol 2012 nổi lên như một “hiện tượng” với hàng loạt những bài hát tự sáng tác (kèm theo là các MV được đầu tư công phu) như: Đừng là cả thế giới của nhau, Giá có thể ôm ai và khóc, Phía nhà không nắng, Kẻ lang thang và quán nỗi buồn… và ồn ào hao tốn nhiều giấy mực nhất là Khi chúng ta già. Âm nhạc của Phước không mới mẻ, cũng không hiện đại hay cập nhật trào lưu quốc tế nhưng ăn khách, được lòng khán giả trẻ vì… đánh trúng tâm lý “đa sầu đa cảm” của đám đông. Giữa một rừng nhạc dance, electro ồn ào, rộn rã thì giai điệu pop với ca từ… hơi sến: “Là vì tôi cô đơn giữa thành phố đông người, là vì tôi cô đơn giữa đời tôi - Khi người lớn cô đơn”, trở nên nổi bật và được chú ý. Những bản thu, MV phát hành online của Phước đem lại thành công cho anh, qua đó Phước cũng tìm được rất nhiều khán giả yêu mến mình.
Tuy nhiên, tinh ý một chút, người ta sẽ nhận ra những MV của Phước có một sự “học hỏi” ở các MV quốc tế không ít, âm nhạc của anh là những giai điệu nhàn nhạt mà người nghe nhạc nhiều sẽ cảm thấy như đã bắt gặp ở đâu đó, đặc biệt là phần ca từ nghe quen quen, một chút Trịnh Công Sơn, một chút thơ hiện đại của các tác giả trẻ với cách hát gần như nói. Một bầu show có tiếng chia sẻ: “Tôi hơi khó chịu khi nghe nhạc của Phước, ủy mị là một chuyện nhưng nghe lời thấy rất sáo rỗng. Thực sự tôi không hiểu “thành phố không màu” rồi “nhạc Trịnh da diết gầy hao” của bạn ấy là như thế nào nữa”.
Sau scandal với Khi chúng ta già (nhà thơ Việt Hà tố cáo Phước dùng 80% lời bài thơ của mình), cư dân mạng moi ra thêm hàng loạt cái tên trong và ngoài nước mà Phước cố tình làm sản phẩm của mình giông giống như: Aoi Teshima, Lily Allen… rồi cả bài “hit” đình đám của Phước là Khi người lớn cô đơn cũng vay mượn từ một bài thơ của nhà thơ Phan Ý Yên. Câu hỏi được đặt ra lúc này là phải chăng Phạm Hồng Phước khao khát sự nổi tiếng đến mức “sao chép”, tổng hợp chất xám của người khác tạo thành cái của mình? Một người trẻ như Phước có vẻ như chưa đủ tuổi đời để có những trải nghiệm cho những suy nghĩ như trong bài hát nên chuyện vay mượn là lẽ tất yếu, không nhiều ngạc nhiên. Sự ủy mị đem lại cảm xúc cho cả người nghe và người hát, sáng tác. Tuy nhiên khi “lợi dụng” cảm xúc để đạt được điều mình muốn mà không bằng chính tài năng của mình thì lại là một điều đáng trách. Những nghệ sĩ trẻ muốn thành công nhanh chóng có lẽ nên xem đây là một bài học hay một cái giá phải trả cho việc “đi tắt”. Con đường của Phạm Hồng Phước về sau sẽ càng khó khăn hơn bởi anh phải vượt qua được con mắt nghi ngại của những khán giả đã… trao nhầm niềm tin nơi anh.
Để nhận ra giá trị của nghệ thuật thì bắt buộc con người ta phải có nền tảng về văn hóa… Nói điều đó thì to tát quá. Việc “nghe”, đó là hoàn cảnh riêng của mỗi người, ta không bao giờ có thể áp đặt cách của ta cho riêng ai cả. Muốn người ta nghe những thứ mình nghĩ rằng tốt, hãy làm ra những thứ tốt. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, giúp các bạn trẻ (nên bắt đầu từ độ tuổi 10 - 15) nhìn được cái đẹp trong âm nhạc, cái đẹp trong cả hai: nghệ thuật và giải trí để có một sự trân trọng âm nhạc đúng mức - nhạc sĩ Đức Trí. |
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)