Âm nhạc chân thật sẽ sống mãi!

26/02/2014

Có thể nói như vậy về sự kiện chương trình Bài hát yêu thích (BHYT) tháng 1-2014, “Chiếc vòng cầu hôn” - ca khúc giành giải BHYT tháng 12 năm cũ trong 3 tháng liền đã đồng thời đã được vinh danh BHYT của năm 2013.

Giai điệu của trái tim

Xúc động khi lên nhận giải thưởng này, nhạc sĩ Trần Tiến đã gửi lời tri ân khán giả, những người đã yêu thích thực sự ca khúc do ông sáng tác cách đây 30 năm (1984). Và với những ai yêu nhạc, BHYT mà người nghe lựa chọn cho “Chiếc vòng cầu hôn” coi như lịch sử lặp lại, khi đúng 20 năm trước, nhạc phẩm này được vinh danh tại Giải bài hát hay nhất năm 1992-1993 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn.

Điểm dễ nhận thấy rằng BHYT là một sân chơi rộng, mà ở đó, bất kể dòng nhạc nào, từ nhạc thị trường, nhạc cách mạng, nhạc trữ tình… đều có đất diễn như nhau. Liên tiếp trong hai mùa vừa qua, những ca khúc âm nhạc bảo lưu những giá trị truyền thống được xướng tên, được vinh danh bởi chính sự bình chọn của khán giả (cho dù từng có nghi ngại là không ít chiêu trò qua tin nhắn của fan!), cho thấy BHYT đã thực sự tạo ra một sân khấu khá công bằng với âm nhạc Việt Nam. Chính sự sòng phẳng và công bằng ấy (ít ra là so với các chương trình tương tự trên sóng truyền hình!), cùng với chất lượng những tác phẩm được thể hiện đã giúp âm nhạc chạm tới tim khán giả. Nói cách khác BHYT đã và đang trở thành một nơi tôn vinh những giá trị âm nhạc đích thực.

Khi tôi hát chiếc vòng cầu hôn / Tôi nhớ đến một người lính trẻ / Anh đeo trên tay chiếc vòng cầu hôn / Anh nói sau này hết giặc / Sẽ trở về với người con gái anh yêu... Đã có bài thơ họa lại như vậy cho giai điệu da diết đến nao lòng của gã nhạc sĩ du ca Trần Tiến: Vòng tay cầu hôn, tình yêu của em / Lung linh trên cao vầng trăng dịu êm / Tỏa sáng ngọn núi người lính yên nằm / Ra đi mang theo mối tình đầu tiên / Em yêu cao nguyên cao nguyên đầy gió / Nơi đây ra đi bao nhiêu chàng trai / Một sớm ngồi hát bên ánh lửa rừng / Ai mang trên tay mối tình của em...

Trân trọng những đóng góp vì nền âm nhạc Việt

Chiếc vòng cầu hôn có 2 đoạn, đoạn thứ nhất nói về người lính ra trận, đoạn thứ hai bộc lộ tâm tình người con gái quê nhà. Hai con người, hai không gian khác nhau, nhưng lại có những điểm tương đồng, và hình ảnh, giai điệu lời ca trùng lặp đã tạo nên sự song hành quấn quyện gắn bó không rời! Thật ra còn một hiện diện của bên thứ ba, nói như lời bài thơ: Tôi không phải người con gái trong ca khúc / Cũng không phải người con gái, người lính năm xưa chờ đợi / Nhưng nỗi đau và nỗi nhớ thương tha thiết / Tôi cảm nhận và truyền vào những giai điệu lắng sâu, da diết (...) / Tôi hát say sưa bản tình ca của người lính trẻ / Đã hy sinh cho đất nước mình / Cả cuộc sống, tình yêu và tuổi trẻ / Để lại bản tình ca đẹp nhất / Và tôi vẫn hát say sưa...

Chính bên thứ ba này đã làm cho ca khúc luôn hiện diện trong lòng người yêu nhạc, bất kể giai điệu được ca sĩ nào thể hiện, từ một danh xưng “ông hoàng nhạc Việt” cho đến người nghệ sĩ nghèo đàn hát mưu sinh nơi quán xá... Tất cả đều bình đẳng trước giai điệu vô cùng thiết tha khi chiếc vòng tình yêu đang tỏa sáng lung linh, lồng vào trái tim trong lồng ngực, thổn thức trước một mối tình vĩnh cửu - tình yêu của người lính giữa chiến trường! Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng dư âm về nó thì chưa tắt, và sẽ mãi không tắt! Bởi linh hồn là bất diệt, tình yêu là bất diệt! Nhất là tình yêu của người lính! Nghe ca khúc “Chiếc vòng cầu hôn” của nhạc sĩ Trần Tiến, dâng tràn những cảm xúc vừa dịu ngọt, vừa xót xa về một mối tình đẹp thiêng liêng giữa cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc.

Từ kết quả của BHYT, một lần nữa cho thấy giá trị đích thực của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng chỉ được thẩm định, được sàn lọc khách quan nhất thông qua công chúng thưởng thức. Như vậy, tiếp bước chàng trai trẻ tuổi 50 “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho BHYT 2012 và bây giờ là “Chiếc vòng cầu hôn” nói riêng và nhạc Trần Tiến nói chung vẫn vang lên đây đó, trong quán cà phê, trên những chuyến xe, trên những cánh đồng, trên những thảo nguyên xa xôi; vang lên trong những chiều cuối tuần nơi ký túc… là một minh chứng hùng hồn cho những giá trị đích thực của nó hôm nay và mai sau. Ghi nhận và xin trân trọng tất cả những đóng góp đó cho nền âm nhạc Việt Nam hôm nay!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 33 - Số Xuân)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.