Âm nhạc cách mạng Mỹ

07/06/2013

Trong lịch sử nước Mỹ, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong cả quân sự lẫn xã hội. Một số ca khúc được sử dụng như những phương tiện chiến đấu lợi hại trong các cuộc chiến tranh như: ca khúc “God Save the Thirteen States” trong giai đoạn Cách mạng Mỹ; ca khúc “Battle Hymn of the Republic” trong thời kì nội chiến; ca khúc “God Bless America” trong chiến tranh thế giới; “Ballad of the Green Berets” trong cuộc chiến ở Việt Nam; và gần đây nhất là ca khúc “God Bless the USA” trong cuộc chiến vùng vịnh…

Cách mạng Mỹ (Tranh: John Trumbull)

Cách mạng Mỹ (1775 - 1883) là cuộc cách mạng của nhân dân 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ cùng nhau đứng lên lật đổ đế quốc Anh để thành lập lên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong thời kì này, có những ca khúc nổi tiếng mang chủ nghĩa anh hùng ca, chuyển tải lòng yêu nước và khích lệ tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Những ca khúc ấy được nhân dân Mỹ xếp vào dòng “Âm nhạc cách mạng – Revolutionary War Music”.

Đầu tiên phải kể đến ca khúc “God Save the Thirteen States” được Thomas Heyward viết lời dựa trên giai điệu của bài “God Save the Queen”. Heyward là luật sư, ông cũng là một du kích mang quân hàm đại úy. Năm 1780, Heyward bị bắt làm tù binh trong một trận giao tranh ở miền Nam Carolina. Ngôi nhà ông ở bị chính quyền thuộc địa Anh đốt cháy, trang trại của ông bị lục soát, 130 công nhân giúp việc bị bắt và bán lại cho chủ đồn điền mía ở Jamaica. Năm 1781, Heyward viết lại lời bài quốc ca Anh. Ngay lập tức bài hát được phổ biến rộng rãi trên khắp nước Mỹ.

Cho dù Heyward chỉ viết phần lời, nhưng vì ông là công dân của một đất nước đang phải chịu ách nô lệ, nên ca khúc “God Save the Thirteen States” nhanh chóng nổi tiếng vì đó là lời hiệu triệu thúc giục phong trào đấu tranh giành lại độc lập tự do cho nước Mỹ. Với giai điệu có sẵn là bản quốc ca quen thuộc, ca khúc trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ có cảm tình, dễ hát và rất dễ phổ biến. Bằng chứng là sức lan tỏa ghê gớm của “God Save the Thirteen States”, nó được ví như “cái tát” vào mặt Hoàng đế Anh George III.

Năm 1832, Samuel Francis Smith, một công dân Mỹ cũng lại sử dụng giai điệu đó để viết lời cho bài ca yêu nước nổi tiếng mang tên “My Country, Tis of Thee”. Ca khúc này được ví như tấm huân chương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng ca yêu nước gắn lên cuộc đời Smith.

Ca khúc “The World Turned Upside Down” cũng là một trong số những ca khúc cách mạng nổi tiếng của nước Mỹ. Bài hát mô tả quân đội Anh hùng mạnh bị đánh bại bởi quân đội của các nước thuộc địa như Mỹ bị cho là yếu hơn nhưng họ được đào tạo tốt hơn và có tổ chức kỉ luật cao hơn. Hình ảnh đế chế Anh sụp đổ đã khích lệ tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của các du kích quân.

“Liberty Song” là ca khúc kêu gọi ngăn chặn hành vi bạo tàn áp đặt lên nước Mỹ, ca ngợi phong trào nổi dậy chống lại ách đô hộ, lên án những kẻ phản bội. Cùng với “God Save the Thirteen States” và “The World Turned Upside Down”, ca khúc “Liberty Song” được xếp vào nhóm ca khúc cách mạng như là những “cái tát” giáng thẳng vào mặt thực dân Anh, đồng thời hiệu triệu tinh thần yêu nước, thôi thúc người dân Mỹ đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ ách cường quyền.

Chẳng ai thích chiến tranh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì mỗi con người đều có trách nhiệm và sứ mệnh riêng với cuộc chiến. Những người đàn ông phải ra tiền tuyến, những người phụ nữ ở lại phía sau phải chấp nhận hi sinh người cha, người chồng, người anh, người em, hay những đứa con dứt ruột đẻ ra. Ca khúc “Johnny Has Gone for a Soldier” kể về nhưng tâm sự như thế của người phụ nữ có tên Johnny. Dù không phải là ca khúc có sức chiến đấu mãnh liệt, nhưng “Johnny Has Gone for a Soldier” chính là tâm nguyện, là mong mỏi tự do hòa bình của mỗi người dân Mỹ. “Yankee Doodle” cũng là một trong những bài hát như thế, với ca từ giản dị, nét giai điệu đơn giản, song đã trở thành ca khúc cách mạng nổi tiếng của thời đại bởi nó vạch trần bộ mặt thật của chế độ thực dân đế quốc Anh.

 

"The World Turned Upside Down"

Trình bày: Maddy Prior và ban nhạc Carnival

Thu âm năm 1995

 

Di sản Âm nhạc cách mạng Mỹ trong giai đoạn 1775 – 1883 là không nhiều. Nội dung có thể tóm tắt rằng: Trước cách mạng, Mỹ là thuộc địa của Vương Quốc Anh, nhiều loại hình âm nhạc đã phát triển mạnh mẽ ở các thuộc địa; Nhưng âm nhạc cách mạng Mỹ chỉ chú trọng sáng tác lời dựa trên nền những giai điệu nổi tiếng có sẵn, chủ yếu là giai điệu Anh, bởi thế mà ca khúc cách mạng Mỹ có phần lời mới trên nền giai điệu ca khúc Anh có số lượng nhiều hơn số ca khúc ở chính quốc.

Nửa cuối Thế kỉ XVIII, nếu như âm nhạc châu Âu đương thời phát triển rực rỡ với các tác phẩm khí nhạc đồ sộ, nhà hát có những buổi hòa nhạc lớn, thì ở Mỹ, âm nhạc cách mạng chỉ đơn giản là chức năng phục vụ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không đề cao yếu tố nghệ thuật. Âm nhạc vừa để giải trí, vừa dùng trong diễu hành; tính chất phù hợp với các buổi tuyên truyền tại các hộ gia đình hay các nhóm dân cư nhỏ nhằm đề cao tinh thần yêu nước và phê phán chủ nghĩa thực dân Anh.

Mặc dù công việc in ấn đã hình thành và phát triển trong xã hội Mỹ khi đó, nhưng âm nhạc cách mạng vẫn sử dụng cách lưu truyền thô sơ nhất đó là “truyền miệng”. Việc thẩm định âm nhạc không phải bằng học thuật âm nhạc mà bằng sở thích qua tai nghe của công chúng. Đa số những bản Ballad yêu nước được người này nghe người kia hát mà bắt chước, chỉ số ít là được in trên báo giấy để phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Việc sáng tác ca khúc cách mạng nhiều lúc đơn giản đến mức chính người nghệ sĩ biểu diễn trong các gia đình, hát cho mọi người cùng nghe trong các quán Bar, hát cho nhóm người trên đường phố, họ đã ứng tác tại chỗ lời ca dựa trên nét giai điệu âm nhạc sân khấu Anh. Song, nghệ thuật âm nhạc, dù đơn giản chỉ là ca khúc, thì nhạc sĩ sáng tác vẫn phải có những văn bản cụ thể, là những bản kí âm chép tay hay in ấn cho phép lưu trữ và lưu thông trong cộng đồng xã hội. Nghệ thuật thanh nhạc Mỹ ra đời với tác phẩm đầu tiên được viết năm 1759 là ca khúc "My Days Have Been So Wondrous Free" được phổ nhạc từ bài thơ thế tục bởi Francis Hopkinson. Những thập niên 60 của Thế kỉ VIII, người Mỹ công nhận âm nhạc nhà thờ là một nghệ thuật, đòi hỏi phải có cảm xúc và óc sáng tạo, nghệ sĩ sáng tác và trình diễn phải có kĩ thuật cơ bản nhất định. Đây là cuộc cách mạng trong tư duy âm nhạc của người dân Mỹ trong thời điểm sơ khai.

Nước Mỹ sau bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Tổng thống Thomas Jefferson, trở thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Công dân Mỹ đến từ mọi nơi trên thế giới và họ mang theo âm nhạc của họ có sự cải biến cho phù hợp với xã hội Mỹ. Nền âm nhạc non trẻ với khởi nguồn thô sơ đã dần hình thành và chẳng bao lâu sau đã phát triển rực rỡ. William Billings được coi là nhà soạn nhạc đầu tiên của nước Mỹ, ông sinh ngày 7 tháng 10 năm 1746, mất ngày 26 tháng 9 năm 1800 tại Boston. Trong thời kì cách mạng Mỹ, mặc dù Billings bị đơn độc giữa những người Mỹ sáng tác ca khúc cách mạng, song ông vẫn luôn kiên trì bước đi trên con đường của mình để trở thành người đặt nền móng cho âm nhạc Mỹ phát triển với đặc thù khác âm nhạc châu Âu. Nói theo Gilbert Chase: điều gì đặc biệt trong âm nhạc Mỹ? – câu trả lời là âm nhạc Mỹ không phải là âm nhạc châu Âu.

Cho dù âm nhạc Mỹ phát triển từ quá khứ cho đến nay đã được cả thế giới công nhận, cũng như âm nhạc cách mạng Mỹ giai đoạn 1775 – 1883 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là vũ khí đấu tranh cho cuộc giải phóng dân tộc, song ở mọi giai đoạn lịch sử nước Mỹ vẫn luôn tồn tại những bài ca có thể xếp thành dòng nhạc cách mạng cho dù có thể nó mang danh nghĩa này danh nghĩa kia như nhạc phản chiến trong cuộc chiến Việt Nam, nhạc vùng vịnh trong cuộc chiến tranh vùng vịnh…

Điều đáng nói là, nước Mỹ đến tận hôm nay vẫn đưa âm nhạc cách mạng vào trong nhà trường để giáo dục cho học sinh hiểu về lịch sử đất nước, tự hào với truyền thống dân tộc, hiểu sâu sắc về một dòng âm nhạc cách mạng trong quá khứ đã giúp cha ông họ chiến thắng trong các cuộc chiến. Học sinh Mỹ hôm nay không chỉ học để biết, mà các thầy cô giáo yêu cầu các em học sinh phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể trong quá khứ để hoàn thành các bài tập là viết được những lời ca, viết được những nét giai điệu hào hùng mà cha ông họ ngày xưa đã làm.
 

Nghe ca khúc "The World Turned Upside Down" TẠI ĐÂY:

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.