Âm nhạc Ba Lan
F. Chopin
Văn hóa âm nhạc Ba Lan là một trong những nền văn hóa âm nhạc Xlavơ cổ xưa nhất. Những tư liệu sớm nhất chứng minh sự tồn tại của âm nhạc Ba Lan nằm trong những ghi chép các chuyến viễn hành của các nhà buôn Ả Rập đã từng buôn bán trên đất Ba Lan vào thế kỷ VII. Chiếc còi bằng xương khoét 5 lỗ và những mảnh vỡ của một cây sáo tìm thấy trong những cuộc khai quật khảo cổ trên lãnh thổ Ba Lan cũng thuộc thời kỳ này. Loại đàn guxli 5 dây tìm thấy gần Gđanxca thuộc thế kỷ XII. Những hồi ký của các tu sĩ Đức (thời Tiền Trung Cổ) du hành qua vùng Vixla cũng cho biết đã thấy những ca khúc đa thần giáo. Trong kho tàng dân ca Ba Lan thời đó vẫn còn lưu giữ những ca khúc nghi lễ thô sơ gắn với tục lệ thờ cúng thiên nhiên đa thần giáo (trong các dân ca lao động có nhắc đến tên các vị thần Lađo, Magian vv).
Ngay trong giai đoạn phát triển cổ xưa nhất, trong các hình mẫu ca khúc, trong các đặc điểm điệu thức, đã cho thấy những điểm tương đồng với các ca khúc của những dân tộc Xlavơ khác.
Âm nhạc dân gian Ba Lan thuộc loại một bè, đơn giai điệu, có sự gắn bó mật thiết với múa; nhiều ca khúc dân gian là giai điệu của múa. Nét đặc trưng là tiết tấu nhịp ba chấm dôi, luân phiên nhấn từ phách mạnh của ô nhịp sang phách yếu và phách thứ hai đảo phách. Cũng có những loại tiết tấu khác trong những ca khúc lễ nghi và dân ca nông dân cổ xưa. Một số nhạc cụ có hình mẫu gần với những nhạc cụ cổ xưa, như sáo 2 lỗ, chuông nhỏ, còi tu huýt, trống nhỏ, sáo mục đồng, vẫn còn được dùng trong các làng quê Ba Lan thời nay.
Nhạc cụ dân gian Ba Lan rất phong phú, bao gồm cả nhạc cụ dây kéo vĩ, dây gẩy, nhạc cụ hơi, nhạc cụ gõ. Khí nhạc (nhạc cho nhạc cụ) rất phổ biến trong sinh hoạt dân gian. Thời Trung cổ, các dàn nhạc và nhạc công thường xuyên có mặt trong các lễ hội, các cuộc vui chơi dân gian.
Nhạc dân gian Ba Lan được các nhạc sĩ Ba Lan cùng nhiều nhạc sĩ nước ngoài sử dụng trong sáng tác, nhất là nhạc các điệu múa dân gian Ba Lan. Ngay từ thế kỷ XVII nhạc của điệu nhảy Polonaise đã có trong các bản partita, các tổ khúc của J.S.Bach, G.F.Handel. Ảnh hưởng của âm nhạc dân gian Ba Lan nổi lên trong các sáng tác của F. Chopin, S.Monioushco, K.Shimanovsky. Các nhạc sĩ Nga đã sử dụng những giai điệu Ba Lan trong các opera, như Glinca trong Ivan Susanin, Tchaikovsky trong Eugène Onegin, Moussorgsky trong Boris Godounov. Nhiều tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Nga như Glinca, Alabiev, Tchaikovsky, Glazounov, Liadov… đã dựa trên những giai điệu dân gian Ba Lan.
Âm nhạc chuyên nghiệp Ba Lan bắt đầu phát triển từ thế kỷ IX trong các sáng tác âm nhạc tôn giáo, tại nhiều thành thị đã có những trường dạy hát cho giáo dân, âm hưởng dân gian Ba Lan đã thấm sâu vào nhạc nghi lễ tôn giáo của nhiều trung tâm lớn như Poznan, Cracov… Cùng với nhạc tôn giáo, từ thế kỷ XII âm nhạc dân gian Ba Lan cũng lan tỏa trong khí nhạc thế tục tại các nhà nguyện hoàng cung hoặc quý tộc. Các ca khúc hiệp sĩ trong thế kỷ XIII cũng được sử dụng rộng rãi trong triều đình vua Ba Lan Boreslav Krivous.
Từ thế kỷ XIV văn hóa âm nhạc thành thị bắt đầu phát triển, ngày càng có nhiều nhạc công trong các thị dân, và đến thế kỷ XVI trong các phố phường của thủ đô Krakov đã có nhiều hội nhạc sáo, nhạc trompet, hội những những người chơi và chế tạo đàn orgue. Trong trường đại học tổng hợp Krakov, thành lập từ năm 1364, lúc này đã có nhiều ca khúc của sinh viên tự sáng tác. Thành phố đã có những nhà xuất bản âm nhạc sản xuất và bán các tuyển tập ca khúc, các bản nhạc, những xưởng sản xuất nhạc cụ.
Âm nhạc Ba Lan có một bước phát triển mới trong thời Phục hưng. Các thể loại khí nhạc, thanh nhạc nở rộ với nhiều thể loại mới, chịu ảnh hưởng đáng kể của các trường phái phức điệu Italy, Hà Lan.
Âm nhạc thế tục, cả thanh nhạc và khí nhạc cũng phát triển mạnh mẽ, trong các thể loại nhạc hôn lễ, tang lễ, lịch sử, trào phúng, được xuất bản trong và ngoài nước. Nhạc nhảy múa của Ba Lan lan tràn khắp châu Âu.
Năm 1628 trong triều đình vua Vladislav Đệ tứ lần đầu tiên xuất hiện các vở opera do các nhạc trưởng, ca sĩ, dàn nhạc người Italia dàn dựng và biểu diễn. Các nhà quí tộc Ba Lan cũng có những đội opera riêng, phần lớn gồm những nông nô có khả năng đàn, hát thuộc lãnh địa của họ.
Các nhạc sĩ nước ngoài đến làm việc tại Ba Lan đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu những giai điệu dân gian, những thể loại âm nhạc Ba Lan ra thế giới, trong đó có nhạc sĩ Shmelser người Áo với tác phẩm Kèn túi Ba Lan, nhạc sĩ Pháp F.Couperin với tác phẩm cho đàn clavecin Khúc ca theo kiểu Ba Lan, và nhạc sĩ người Đức với Trio-sonate Ba Lan.
Ảnh hưởng của âm nhạc dân gian Ba Lan trong những thế kỷ tiếp sau đã xuất hiện nhiều trong các sáng tác của các nhạc sĩ Ba Lan F. Chopin, S. Monioushco, K. Shimanovsky.
Cùng với âm nhạc cung đình, âm nhac các thành thị cũng phát triển. Nghệ thuật opera đã lan tỏa ra ngoài cung đình. Năm 1724 thành phố Varsava dã có nhà hát chuyên dàn dựng các vở opera do các nhạc trưởng người Ba Lan dàn dựng, biểu diễn miễn phí, khiến nghệ thuật opera có điều kiện lan tỏa rộng rãi.
Khi đất nước Ba Lan rơi vào tình trạng bị chia cắt, lệ thuộc nước ngoài, đã dấy lên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xuất hiện nhiều ca khúc yêu nước, trong đó có bài hát Mazurka Đombropxki, mở đầu bằng lời ca “Nước Ba Lan chưa hề chết…”, sau này trở thành quốc ca Ba Lan; những bài hát của những người khởi nghĩa Ba Lan, trong đó có bài “Tiến lên, nhanh nữa lên!” là bài hát của quân khởi nghĩa do Koxchiusco lãnh đạo năm 1794. Bài “Cùng khói lửa những đám cháy” đã được nhạc sĩ Nga Moussorgsky dùng trong bài hát “Tướng cầm quân” trong tổ khúc “Bài hát và điệu múa của Thần chết”. Một trăm năm sau, trong những ca khúc cách mạng của nhân dân các thành thị Ba Lan, bài hát “Cô gái Vacxava “ của K.Coupinsky đặc biệt nổi tiếng, không chỉ được hát ở Ba Lan, mà còn vang lên trong các cuộc cách mạng của nhiều nước trên thế giới.
Nhà hát Narođova khánh thành năm 1765 gắn với sự phát triển nghệ thuật opera dân tộc Ba Lan. Năm 1778 vở opera dân tộc Ba Lan đầu tiên – Hạnh phúc trong nghèo khó của M.Kamenxki được công diễn. Câu truyện trong opera này diễn ra trong những làng quê Ba Lan, âm nhạc opera sử dụng rộng rãi những giai điệu và điệu múa dân gian. Các tác giả khác trong thế kỷ XVIII tiếp tục phát triển những chủ đề dân tộc đồng thời cũng viết những vở theo những chủ đề kinh điển, trong đó có vở Faust của A. Raddivil là vở đầu tiên trong lịch sử opera châu Âu dựa trên Faust của Goethe.
Giữa thế kỷ XVIII đã xuất hiện những nhạc sĩ Ba Lan sáng tác giao hưởng, như Ia. Surốpxki, V. Đancốpxki, v.v. 80 giao hưởng viết trong thế kỷ XVIII của các nhạc sĩ Ba Lan chủ yếu theo phong cách trường phái Mannheim của Đức và tiền cổ điển Vienne, với đặc điểm sử dụng những giai điệu dân tộc ở các chương cuối.
Nhạc sĩ Ba Lan F. Ianevit, là người đặt nền móng đầu tiên cho thể loại âm nhạc thính phòng cũng như thể loại concerto cổ điển Ba Lan. Ông chịu ảnh hưởng của J. Haydn, thày dạy ông, và của Ia. Cletrinxki - theo các phong cách nhạc phong nhã (galant), nhạc tiền cổ điển và tiền lãng mạn.
Âm nhạc cho piano của Ba Lan bắt đầu phát triển vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với tên tuổi của V. Lessel. Thể loại polonaise được sử dụng rộng rãi. Người trực tiếp đi trước Chopin trong thể loại này M.K. Oginsky, tác giả của những bản polonaise nổi tiếng toàn châu Âu.
Ngoài ra trước giai đoạn Chopin còn một số tên tuổi như M. Shimanovscaia, Iu. Déshinxki, Iu. Cachcovki… là những tác giả chủ yếu viết những tiểu phẩm theo phong cách phong nhã, những polonaise, những etude, mazurka v.v. Về sáng tác và biểu diễn violon nổi lên các tên tuổi của K. Lepinsky, người đã biểu diễn cùng với N. Paganini; Iu. Elsner, nhạc sĩ sáng tác, tác giả nhiều opera về chủ đề lịch sử dân tộc, thày dạy Chopin sau này, và là người sáng lập (năm 1821) Đại học âm nhạc (sau là Nhạc viện), đồng thời là người xuất bản âm nhạc. Ông còn là tác giả nhiều bản sonate, đưa các thể loại mazurka, cracoviak vào các sonate này.
Với những nỗ lực của các nhạc sĩ Ba Lan giai đoạn cuối tk.XVIII, đầu tk.XIX, sự phát triển âm nhạc dân tộc, sự phát triển của các thể loại nhạc cho piano, sự phổ biến rộng rãi của những cuộc hòa nhạc tại gia cùng với việc xuất bản nhiều những bản đàn cho piano, tất cả những yếu này tố này đã dần dần chuẩn bị nèn móng cho sự nở rộ sáng tạo của người đại diện lớn lao của nền âm nhạc Ba Lan F. Chopin, một trong những người đặt nền móng cho trường phái sáng tác dân tộc Ba Lan.
Sáng tác của ông đã mang giá trị toàn cầu, khẳng định sự phát triển của âm nhạc lãng mạn cho piano. Chopin, vốn cũng là người chơi piano kiệt xuất, đã mở rộng những khả năng biểu hiện của cây đàn, làm phong phú thêm kỹ thuật chơi piano. Dựa trên những đặc điểm về điệu thức, về âm điệu của âm nhạc dân gian Ba Lan, ông đã mở rộng những phương tiện hòa thanh và những nguồn âm điệu của âm nhạc châu Âu. Chopin đã sáng tạo những thể loại nhạc piano mới, biến những prelude vốn chỉ để dạo đầu tác phẩm trở thành tác phẩm độc lập, phát triển và nâng cao tính nghệ thuật, thơ mộng hóa các thể loại nhảy múa dân gian mazurka, polonaise, cracoviak, bổ sung, nâng cao nội dung nghệ thuật, nhiều khi bi kịch hóa những etude, scherzo, đưa vào thêm thể loại ballade cho piano, kiến giải theo cách mới hình thức sonate, là một trong những người sáng tạo tổ khúc piano lãng mạn. Ông thể hiện trong âm nhạc những hình tượng đa dạng của thế giới tâm hồn con người – trữ tình mơ mộng, trong sáng, lãng mạn, thê thảm bi thương, những trào sôi anh dũng, lòng yêu đời trong sáng. Sáng tạo của Chopin, những đổi mới của ông trong lĩnh vực hòa thanh, đã có ảnh hưởng cực kỳ to lớn không những đến những nhạc sĩ Ba Lan, nhạc sĩ nước ngoài cùng thời, mà cả dến những nhạc sĩ thế hệ kế tiếp.
Sau Chopin, S. Moniuszko (1819-1872) là nhạc sĩ có đóng góp to lớn trong lĩnh vực opera và thanh nhạc Ba Lan. Dựa vào những truyền thống nghệ thuật của Chopin cũng như của các nhạc sĩ Nga M.I. Glinca, A.S. Dargomyshsky, ông đã hoàn thiện thể loại opera dân tộc Ba Lan, phát triển những nét độc đáo trong ca khúc và vũ khúc dân gian Ba Lan. Tính dân tộc trong các opera của ông còn thể hiện thông qua kịch bản dựa vào những chủ đề trong đời sống Ba Lan với những xung đột xã hội điển hình, những chủ đề yêu nước (Galka,1847, Lời nói ngay thật, 1860...) cho đến nay vẫn còn được biểu diễn trong và ngoài nước.
Sau ngày Ba Lan giành được độc lập (1918), đời sống âm nhạc trong nước khởi sắc, đã có 3 nhạc viện ở Lvov, Katovisa, Poznan, xuất hiện nhiều dàn nhạc giao hưởng, 3 nhà hát opera, nhiều nghệ sĩ piano, violon và ca sĩ xuất sắc. Nhạc sĩ sáng tác K.Shimanovsky là người có ảnh hưởng lớn đến lớp sáng tác trẻ.
Thế chiến 2 và 6 năm bị phát xít Đức chiếm đóng hầu như làm tê liệt hoàn toàn đời sống âm nhạc trong nước. Các trường nhạc bị đóng cửa, sách nhạc, các thư viện lưu trữ bị đốt phá, một số bị đưa về Đức, các phòng hòa nhạc bị phá hủy hoặc đóng cửa, các cuộc hòa nhạc chỉ dành riêng cho quân chiếm đóng Đức. Nhạc sĩ, nhạc công rải rác các miền trong mước, không có nhạc cụ, thôi không hoạt động.
Sau 1945, chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập, đời sống âm nhạc, đời sống văn hóa trong nước được khôi phục. Các trường nhạc là của nhà nước, có cơ sở tài chính vững chắc, nhanh chóng được phục hồi, số lượng nhiều hơn trước chiến tranh. Nhà hát, nhạc viện ở Varsava, ở Cracov và nhiều thành phố khác, các nhóm nhạc truyền thống, những dàn tứ tấu, dàn nhạc thính phòng… hoạt động sôi nổi. Sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa của nước Ba La xã hội chủ nghĩa được phản ánh vào trong tính chất của nền âm nhạc Ba Lan: nhiều nhạc sĩ sáng tác Ba Lan đã sử dụng âm nhạc dân gian trong sáng tác các hợp xướng lớn cũng như trong ca khúc; nhiều nét phong cách dân tộc được thể hiện trong nhiều tác phẩm cho dàn nhạc, như Giao hưởng Ba Lan của Z. Mysensky, Giao hưởng số 2 (cho xôlít, hợp xướng và dàn nhạc) của K.Serotsky, Cantate tôn vinh lao động của B.Voitovich...
Vào giữa những năm 50, trong sáng tác của các nhạc sĩ CHND Ba Lan xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau, nhiều nhạc sĩ rời bỏ những truyền thống văn nghệ dân gian dân tộc, một số theo phong cách tân cổ điển, một số sử dụng những kỹ thuật nhạc 12 âm và cả những thủ pháp tân kỳ nhất trong âm nhạc Tây Âu. Trong số này có các nhạc sĩ K. Penderesky, K. Serotsky, V. Kotonsky..., các tác phẩm của họ nhận được giải thưởng của các cuộc thi, các Festival quốc tế, được biểu diễn ở nhiều nước. Nổi nhất là K. Penderesky và Liutoslavsky.
Vào những 60 -70 thế kỷ XX, bên cạnh lớp nhạc sĩ đàn anh, nhiều nhạc sĩ lớp trẻ như X.M.uretsky, R.utzinsky, K.eier (học trò D.hostakovich), B.heffer (“cực đoan” nhất trong số nhạc sĩ theo phong cách “thể nghiệm”). Giữa các năm 70 xuất hiện khuynh hướng từ bỏ kỹ thuật soronisme dùng những âm vang mới, mà hướng về phong cách sáng tác nhấn mạnh những yếu tố giai điệu (giao hưởng số3 - những làn điệu than vãn của Turetsky).
Cũng nổi lên tên tuổi một số nữ nhạc sĩ sáng tác như I. Bruzlovich, K. Nazar-Momushanscaya, M. Ptashinskaia..
Nhìn chung điểm nổi lên trong trường phái sáng tác đương đại Ba Lan là thiên hướng viết những tác phẩm quy mô lớn, đồ sộ, mang tính biểu hiện gay gắt, sắc nét.
Hiện nay các Đoàn ca hát dân gian Ba Lan “Mazovshe”, “Shlensk” với các dàn hợp xướng, đội balet, đang là những tổ chức nghệ thuật Ba Lan nổi tiếng trên thế giới. Văn nghệ quần chúng Ba Lan cũng có những đoàn hợp xướng, những dàn estrade, những dàn kèn, những Hội khuyến nhạc quần chúng, nổi nhất là Đoàn ca múa “Kharnam”.
Hiện nay CHND Ba Lan có hai cuộc thi âm nhạc quốc tế nổi tiếng – Thi piano quốc tế mang tên F. Chopin, tổ chức 5 năm một lần (từ 1927, bị đình hoãn trong thế chiến 2, khôi phục lại từ năm 1949), và cuộc thi violon quốc tế mang tên G. Veniavsky (từ 1935, 5 năm một lần).