Âm hưởng của khát vọng hòa bình và tinh thần dân tộc

14/05/2015

Hào hùng mà da diết, lắng đọng mà tự hào, ấy là những xúc cảm đã vỡ òa nơi trái tim hàng nghìn người tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU 132), khi giai điệu ca khúc “Xây thiên đường trên trái đất bình yên” vang lên. Có thể nói, nhạc sĩ lão thành Doãn Nho đã có một tuyên ngôn bằng âm nhạc cho thấy tinh thần nhân ái, yêu chuộng hòa bình của đất nước Việt Nam.

 


Nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả ca khúc Xây thiên đường trên trái đất bình yên

Xưa nay, việc sáng tác ca khúc hướng đến những đề tài rộng lớn, lại mang mầu sắc chính trị như ca ngợi hòa bình, thúc đẩy hữu nghị giữa các quốc gia… luôn là bài toán hóc búa đối với nhiều nghệ sĩ ở nhiều thế hệ, nhất là bản thân đại đa số các nhạc sĩ Việt Nam chỉ mới được làm quen với cụm từ “Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới” cách đây chưa lâu, khi Việt Nam được trao quyền đăng cai sự kiện.

Dù vậy, cả phần lời và nhạc bài hát “Xây thiên đường trên trái đất bình yên” đã được hoàn thành chỉ trong một ngày, thậm chí còn vượt qua 150 tác phẩm dự thi Cuộc vận động sáng tác ca khúc hưởng ứng IPU 132, giành giải Nhất duy nhất trên tổng số mười giải và trở thành bài hát chính thức của sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc tế này. Ấy là bởi, tư thế của người con đất Việt đã “kinh” qua nhiều thăng trầm lịch sử cùng người mẹ quê hương, dòng sông cảm xúc nơi vị nhạc sĩ lão thành đã tuôn chảy mạnh mẽ đến mức từng câu, từng lời, từng nốt nhạc của bài hát đều thấm đẫm tinh thần dân tộc.

Nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự: “Sáng tác một ca khúc về IPU chứ không phải trường ca hay thanh xướng kịch, vì thế nó phải xúc tích mà không khô khan, phải ngắn gọn mà vẫn truyền cảm, phải thấm đượm mầu sắc dân tộc nhưng vẫn mang tinh thần thời đại. Để lấy cảm hứng, tôi đã dành thời gian đọc, nghiên cứu tất cả các tài liệu về IPU mà ban tổ chức cung cấp, đồng thời tìm hiểu thêm các thông tin trên internet, nhưng những con số, những dữ liệu, những nội dung quá rộng, quá lớn về các vấn đề đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ quyền lợi phụ nữ… chỉ trang bị cho tôi thêm kiến thức. Cho đến khi nhìn thấy lô-gô của IPU 132 với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc tòa nhà Quốc hội giữa bầu trời độc lập, cảm hứng trong tôi mới thật sự được đánh thức. Tôi bắt đầu nghĩ đến vị thế của một đất nước chủ nhà, một đất nước anh hùng cả trong chiến đấu, trong lao động và luôn kiên cường hướng tới tương lai…”.

Để rồi từ đấy, những ca từ, giai điệu đã thành hình nhanh chóng trong cảm thức mãnh liệt: “Mầu trời Việt Nam xanh thắm/ Chứa chan khát vọng hòa bình/ Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió/ Như lòng người vươn tới tương lai”. Nếu bốn câu hát đầu tiên là lời khẳng định cho tình yêu hòa bình, khẳng định vị thế độc lập của Việt Nam và tâm thế tự tại, luôn hiên ngang vươn tới tương lai của con người Việt Nam thì ở những câu tiếp theo, vị nhạc sĩ già đã thay lời hàng triệu người dân đất Việt tuyên bố với những người bạn về đức hy sinh, ý chí quật cường của cả dân tộc trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước: “Có nơi nào như nơi đây/ Biết bao kiếp người chống thiên tai địch họa/ Nước mắt mồ hôi tuôn chảy thành sông”.

Có lẽ không nơi nào trên thế giới phải gánh chịu nhiều vất vả và mất mát như Việt Nam. Dải đất hình chữ S đã oằn mình chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, với sự xâm lấn kéo dài hàng nghìn năm của quân xâm lược, bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao thế hệ. Thế nhưng, vượt lên tất cả những đau thương đến cùng cực ấy, dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn chiến thắng và phát triển, vẫn sẻ chia niềm vui, hạnh phúc với bạn bè: “Có nơi nào như nơi đây/ Dâng trái tim mình cho sẻ chia hạnh phúc/ Xây thiên đường trên trái đất bình yên”.

Không chỉ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên đất nước mình, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng làm nên chiến thắng trong đấu tranh cách mạng ở những nước bạn như Lào, Campuchia... Thành công lừng lẫy của Cách mạng Tháng Tám 1945, của kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần tạo nên sự thay đổi to lớn và sâu sắc trên bản đồ chính trị thế giới, cũng là góp phần tạo nên “hạnh phúc” lớn lao cho nhân loại, vì một “thiên đường trên trái đất bình yên”.

Rõ ràng, nếu kể cả tiêu đề thì bài hát chỉ vỏn vẹn 81 chữ, thậm chí còn ít hơn số tuổi của người nhạc sĩ sinh năm 1933, nhưng ca từ và giai điệu của nó vẫn đủ sức khắc họa chân thực, sống động tư thế, vị thế của nước chủ nhà Việt Nam trên tinh thần mở cửa, hội nhập vì sự phát triển chung của thế giới. Bài hát chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào không mệt mỏi của một vị nhạc sĩ lão thành ở tuổi 82, đúng như ông chia sẻ: ông không tham gia cuộc vận động sáng tác với tư cách của một người dự thi mà tham gia bằng tâm thế của một nhạc sĩ lão thành muốn hưởng ứng một sự kiện có ý nghĩa. Bởi hơn hết, ông luôn tâm niệm: người nhạc sĩ khi còn sức khỏe thì còn phải dám nghĩ, dám viết và dám thể hiện nó qua âm nhạc. Và đó cũng là điều mà người chiến sĩ, nhạc sĩ giàu kinh nghiệm muốn gửi gắm đến thế hệ nhạc sĩ trẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng về nhiều mặt, điều làm nên sức sống, vị thế cho những tác phẩm âm nhạc Việt Nam chính là xuất phát từ vốn sống, sự từng trải của người sáng tác và trên hết, là tinh thần dân tộc.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.