Ai về sông Tương

05/08/2014

Nói đến nhạc tiền chiến thì một trong những bài hát mà người ta dễ nhớ tới trước tiên chắc hẳn là bài Ai về sông Tương của nhạc sĩ Thông Đạt, một bài hát đi vào lòng người ngay sau một vài lần nghe bởi ca từ đậm chất thơ trên nền nhạc êm dịu, sang trọng, phảng phất buồn nhưng không bi lụy. Bài hát mở đầu bằng lời nhắn khắc khoải, da diết:

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương…

Thêm một lần hình ảnh sông Tương còn được nhắc đến ở đoạn cuối đã gợi lên trong người nghe hình ảnh của dòng sông xuyên suốt bài hát, làm đầy thêm cảm nhận về nỗi niềm nhung nhớ của những người yêu nhau trong cách trở chia ly.

Bài hát nhắc đến sông Tương, vì thế có lẽ ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về sông Tương.

Sông Tương, còn gọi là Tương Giang hay Tương Thủy, là một con sông có chiều dài gần 900 km, bắt nguồn từ huyện Lâm quý, Quảng Tây (một tỉnh của Trung quốc, giáp với các tỉnh Quảng ninh, Lạng sơn, Cao bằng của VN), rồi đổ vào hồ Động Đình, tỉnh Hồ Nam. Hồ Động Đình là một trong 4 hồ lớn của Trung Hoa, và cũng có liên quan đến truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu cơ. Nghĩa là sông Tương khá gần với người Việt cả về địa lý và tinh thần.

Sử Trung Hoa cổ viết: khi vua Thuấn mất, hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh thương tiếc không nguôi, hết vật vã thảm thiết trong cung, lại ra bờ sông Tương khóc than đêm ngày. Nước mắt hai bà nhỏ xuống bờ trúc, làm cho trúc ở đây nổi lên những đường vân đẹp như mây sóng ẩn hiện. Từ đó, người đờì sau thường tìm đến bờ sông Tương mua loại trúc này về làm mành. Trúc bên sông Tiêu Tương không những làm mành đẹp mà những cây sáo làm từ trúc Tương Giang cũng mang một âm thanh có sức truyền cảm lạ lùng.

Một câu chuyện khác cũng được ghi lại ở vùng sông Tương.

Đó là thời Ngũ Quý (907- 955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có gia đình họ Lương sinh được một cô con gái đặt tên là Ý Nương, có sắc đẹp lại hay chữ. Nhà họ Lương có một khách trọ là chàng Lý Sinh, một hàn sĩ vẻ người thanh tú. Nhân một đêm Trung thu, nàng Ý Nương ra vườn thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới, quyến luyến không muốn xa nhau. Rồi Lương lão gia biết chuyện bèn đuổi Lý Sinh đi.

Ý Nương lấy làm đau khổ sinh bệnh tương tư, mới làm bài khúc Trường tương tư mong gửi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Lời thơ thật là ai oán não nuột.

Lý Sinh tiếp được thơ, đọc xong cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ cụ Lương, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng Ý Nương làm vợ. Cụ Lương trước còn dùng dằng, sau đọc khúc Trường tương tư của con, lấy làm cảm động nên bằng lòng cho Lý Sinh cùng nàng Ý Nương kết duyên.

Mang theo những câu chuyện tình sâu sắc, cảm động nên sông Tương trở thành một biểu tượng của tình yêu lứa đôi chung thủy. Ai cũng đã từng yêu, từng trải qua chia ly, hờn giận nên có lẽ cũng đều đã từng có một lần đến với sông Tương của riêng mình. Chắc vì thế nên sông Tương không còn mang ý nghĩa là một dòng sông cụ thể mãi bên đất Trung Hoa nữa mà là một dòng sông quen thuộc với mọi người, đến độ nhiều người nghĩ đó là một dòng sông Việt, hoặc không phân biệt sông Tương với sông Thương chăng?

Nói đến Ai về sông Tương có lẽ cũng nên tìm hiểu thêm về tác giả của bài hát này, nhạc sĩ Thông Đạt.

Nhạc sĩ Thông Đạt có tên chính là Văn Giảng, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống về âm nhạc, ngay từ bé Văn Giảng đã tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc, bắt đầu tập chơi mandoline rồi sau đó đến guitar.

Văn Giảng từng dạy nhạc ở Huế, rồi ông vào Sài Gòn thi Tú tài và tốt nghiệp Cử nhân ở đó. Sau khi thi đỗ Anh văn ở Hội Việt Mỹ, Văn Giảng trúng tuyển và ông sang Hoa Kỳ học âm nhạc tại Hawaii và Bloomington. Tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó Văn Giảng trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an (Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã chết trong biến cố này) nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969. Ở đó, Văn Giảng dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc ...

Phần lớn các sáng tác của Văn Giảng thuộc thể loại hùng ca như Thúc quân (1949), Lục quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân hành ca (1951), Qua đèo (1952), Nhảy lửa(1953)... Ông còn viết tình ca với bút danh Thông Đạt, nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Ai về sông Tương.

Ai về sông Tương được Thông Đạt viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại:

Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Văn Giảng nghe và không trả lời. Sau đó ông viết bản Ai về sông Tương và ký tên Thông Đạt. Ai về sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng.

Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không, bởi Văn Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó. Nhưng Văn Giảng trả lời không biết.

Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của Ai về sông Tương. Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bàn tình ca nổi tiếng đó.

Với bút danh Thông Đạt, Văn Giảng còn sáng tác một số nhạc phẩm khác như Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài, Xin đừng chờ em nữa...

Ngoài bút danh Thông Đạt, Văn Giảng còn có một bút danh khác nữa là Nguyên Thông khi ông viết những ca khúc về Phật giáo. Dưới bút hiệu này, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo, như Từ Đàm quê hương tôi, Mừng ngày Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô thường, Hoa cài áo lam..., đóng góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam. Các bài của ông thường xuyên được hát lên trong các buổi tụng niệm tại các chùa từ Huế vào đến Sài Gòn. Bài Mừng ngày Đản Sanh của ông được dùng làm ca khúc chính thức cho ngày Phật Đản đến tận bây giờ.

Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu Việt Thanh, ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với dương cầm, tây ban cầm, đại hồ cầm...

Trong lĩnh vực này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo Ai đưa con sáo sang sông, một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển Kỹ thuật hoà âm dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.

Và bây giờ hãy quay trở về với bài hát Ai về sông Tương để thưởng thức lời ca và giai điệu ngọt ngào, êm dịu của bài hát, thả cho tâm hồn lãng đãng trôi vào một nỗi buồn nhẹ nhàng, sâu lắng muôn thuở trong thẳm sâu mỗi người, “tôi buồn – không hiểu vì sao tôi buồn” (theo ý thơ Xuân Diệu).

Nghe Ai về sông Tương qua giọng hát của ca sĩ Ánh Tuyết.

Nguồn tham khảo:

  1. http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_Gi%E1%BA%A3ng
  2. http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng_T%C6%B0%C6%A1ng
  3. http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_%C4%90%E1%BB%99ng_%C4%90%C3%ACnh
  4. http://www.vuhuu.edu.vn/Form/thu_vien/Ebook/dien_tich_kieu/bai14.htm
  5. http://www.langviet.net/forums/index.php?showtopic=45122

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.