Ác mộng của sinh viên khoa sáng tác
(Tiến tới kỷ niệm 60 năm Trường Âm nhạc Việt Nam)
Tôi thấy sinh viên sáng tác ở Việt Nam vất vả quá!
Chúng ta đều biết rằng hầu hết sinh viên Việt Nam đều ở trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đặc biệt là sinh viên sáng tác, bởi hầu như họ ít có cơ hội đi làm thêm như các bạn ở các khoa khác. Vậy mà cứ đến kỳ thi thì các bạn học ngành sáng tác âm nhạc lại phải tự túc chạy xuôi chạy ngược để tìm người chơi bài và dựng bài thi cho mình.
May mắn gặp được người chơi đàn có trách nhiệm và có sự thông cảm thì việc tập đúng, đủ giờ, và lấy ít tiền sẽ giúp cho sinh viên đó đi qua được một cửa ải của việc học. Không may mà gặp phải người chơi đàn không có trách nhiệm hoặc xem việc này là chạy sô kiếm tiền thì coi như là sinh viên đó gặp ác mộng.
6 kỳ thi học kỳ của 3 năm học đầu với các bài thi từ ít nhất là một đến nhiều là cả chục nhạc cụ, cộng với bài tốt nghiệp với dàn nhạc giao hưởng cùng nhạc trưởng, là 7 cửa ải đầy mồ hôi nước mắt của các bạn trẻ, họ phải giật gấu vá vai hoặc chắt bóp nhịn ăn nhịn mặc để cố thoát qua những kỳ thi ấy mà hầu như là chẳng có sự giúp đỡ của nhà trường, của khoa.
Ở trên thế giới, sinh viên đi học sáng tác luôn được các các khoa khác cùng với nhà trường lo hoàn toàn cho việc dựng bài thi, kể cả bài tốt nghiệp một cách đàng hoàng chu đáo. Còn ở ta thì kể từ khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam đến nay, cứ đến mùa thi là cái điệp khúc vừa não nề vừa lo lắng thậm chí cả thất vọng hoặc đau buồn lại rền rĩ ủ ê như những bóng ma đâu đó lảng vảng ám ảnh các lớp học sáng tác.
Sẽ có nhiều lý do để các trường đại học lớn của Việt Nam né tránh hoặc từ chối việc giải quyết vấn đề bất cập này. Nhưng chắc chắn rằng một nền giáo dục âm nhạc Việt Nam sẽ khiếm khuyết nếu các lãnh đạo từ nhà trường cho tới khoa không nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cho tương lai của cái gọi là TÁC GIẢ & TÁC PHẨM.