70 năm chiến thắng đèo Bông Lau
Sau khi mọi giải pháp chính trị giữa ta và Pháp thất bại, quân Pháp thực hiện dã tâm dùng vũ lực tái chiếm và bình định Đông Dương.
Để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, từ tháng 11/1946 toàn bộ các cơ quan đầu não Việt Minh cùng các cơ sở vật chất và hơn 6 vạn dân miền xuôi đã lần lượt chuyển lên Việt Bắc.
8 giờ tối 19/12/1946, sau phát đại bác của ta từ pháo đài Láng nổ vang trời Hà Nội – như một tiếng pháo lệnh – là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Từ đó quân đội ta và quân đội thực dân Pháp chính thức bước vào cuộc đối đầu sinh tử suốt 9 năm.
Thực hiện âm mưu, quân Pháp mở chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh thu đông 1947, càn quét lớn vùng căn cứ địa Việt Bắc của ta với ý đồ: vây bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tiêu diệt quân chủ lực kháng chiến, phá các kho tàng và công binh xưởng Việt Minh, khóa chặt biên giới Việt Trung để ngăn chặn Việt Minh nhận viện trợ của nước ngoài... Mở đầu chiến dịch ngày 07/10/1947, 800 lính dù Pháp đã nhảy xuống Bắc Kạn. Sau nhiều trận đánh dữ dội, chỉ trong 2 tháng quân đội Pháp đã thúc thủ trước Quân đội quốc gia Việt Nam, chịu tổn thất nặng nề và thất bại thảm hại, ngày 19/12/1947 toàn bộ quân Pháp phải tháo chạy khỏi Việt Bắc.
Trong những trận đánh điển hình, có 2 trận cách nhau 1 tuần đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam, đó là trận Sông Lô ngày 24/10/1947 và trận đèo Bông Lau ngày 30/10/1947.
Bông Lau là một con đèo dài 6km tính từ vực Lũng Phầy, chạy ngoằn ngoèo giữa 1 bên là vách núi dựng đứng, 1 bên là vực sâu bạt ngàn lau lách, là 1 đoạn hiểm trở trên đường số 4 giữa Đông Khê và Thất Khê giáp giới giữa huyện Thạch An Cao Bằng và huyện Tràng Định Lạng Sơn.
Ngày 29/10/1947 tiểu đoàn chủ lực 374 trung đoàn bộ binh 11 Lạng Sơn cùng các đơn vị bộ đội dân quân du kích địa phương được pháo binh chi viện đã phục kích ở đoạn Bản Sao – đèo Bông Lau dài 2km đón đánh đoàn công-voa của quân Pháp gồm 33 chiếc xe vận tải quân sự có xe thiết giáp đi đầu đang di chuyển từ Cao Bằng về Lạng Sơn. 17 giờ ngày 30/10/1947, đoàn công-voa mỗi xe cách nhau khoảng 8m đã lọt vào trận địa phục kích, chỉ huy tiểu đoàn 374 phát lệnh tấn công, 1 quả bom 25kg đã khai hỏa nổ tung chiếc xe thứ 2, chiếc đi đầu chạy thoát, tiếp đó là mìn, bộc phá giật liên hồi phá tan đội hình đoàn xe đang tán loạn, chiếc đâm vào vách núi, chiếc lao xuống vực, quân lính Pháp nhảy xuống xe tháo chạy... bazoka, pháo cối, đại liên, trung liên... của ta mai phục 2 bên đèo đồng loạt và liên tục nhả đạn bắn chéo vào đội hình địch, 2 đại đội bộ binh chủ lực của ta truy kích tiêu diệt và bắt sống được nhiều quân địch. Cả đoàn xe tan tác, quân ta đã hoàn toàn chiến thắng. Sau khi thu hết chiến lợi phẩm gồm nhiều loại súng đạn, quân trang quân dụng trong đó có 600 chiếc dù... toàn bộ số xe còn lại đã bị đốt ngút trời khói lửa. Trận phục kích chớp nhoáng chưa đầy 30 phút, ta đã diệt 104 tên, bắt sống 101 tên lính Pháp phá hủy 27 xe, đường Cao Bằng – Lạng Sơn bị cắt đứt 10 ngày gây khốn đốn cho việc di chuyển và tiếp tế của quân Pháp.
Cuối tháng 9-1947 các nhạc sĩ Phạm Duy, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền vừa từ Lào Cai về Lạng Sơn đầu quân vào đội văn nghệ tuyên truyền khu 12 do nhà thơ Hoàng Cầm phụ trách, thì cuối tháng 10 diễn ra trận đèo Bông Lau, trước chiến tích oanh liệt này, nhạc sĩ Phạm Duy với tinh thần và cảm hứng của người nhạc sĩ kháng chiến đã sáng tác bài hát Bông Lau, sau quen gọi là Bông Lau rừng xanh pha máu rất trữ tình và hào hùng. Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trận đèo Bông Lau, ông có nhắc đến bài hát này.
Thời đó để phục vụ công cuộc kháng chiến, mọi thứ đều rất tinh gọn và khẩn trương, trong đó có việc truyền bá các bài hát cách mạng và kháng chiến, bài hát vừa sáng tác xong, nhạc sĩ đem tập hát luôn cho đơn vị rồi ca hát và phổ biến truyền miệng tiếp tục dọc đường hành quân, vì thế bài hát được lan truyền rất nhanh trên chiến khu và khắp các mặt trận, trong vùng tự do hoặc vùng địch hậu, thậm chí để phù hợp với địa phương mình, cán bộ tuyên truyền của địa phương còn sửa lời đưa thêm địa danh quen thuộc vào để bộ đội du kích và nhân dân dễ nhớ dễ thuộc, miễn là phục vụ được mục đích đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương. Vì vậy các bài hát kháng chiến có thể nhiều dị bản như trường hợp bài Bông Lau rừng xanh pha máu cũng là chuyện bình thường, nhất là khi chính tác giả không nhớ được cả nhạc và lời.
Phạm Duy chỉ ở Việt Bắc mấy tháng nhưng ông đã sáng tác một số bài hát hay về Việt Bắc kháng chiến, ngoài bài Bông lau rừng xanh pha máu, Lạng Sơn kháng chiến là có văn bản, số bài khác gần như đã thất truyền.
Lạng Sơn kháng chiến nguyên bản là bài hát ca ngợi các chiến tích của quân dân Lạng Sơn trên đường số 4 mà dân Lạng Sơn đến nay có người còn nhớ. Năm 1955 tại Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy đã cho xuất bản bài này, nhưng để có thể sống với chế độ Ngô Đình Diệm, tác giả đã tự sửa lời thành bài Đường Lạng Sơn (hoặc Rừng Lạng Sơn) nội dung mô tả một người đi ngắm cảnh quẩn quanh, tuy vẫn còn tên dãy núi Cai Kinh, quân Chi Lăng, gió Thái Nguyên, trai Bắc Sơn, biên khu... nhưng so với nguyên bản nó vô cùng lạc lõng gượng gạo và nhạt nhẽo!
Sau chiến thắng Sông Lô và đèo Bông Lau, 1 đợt biểu dương chiến quả và học tập rút kinh nghiệm về chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy yếu tố bí mật bất ngờ, cách bố trí trận địa phục kích, vũ khí... được tiến hành trong toàn quân. Để phát huy tinh thần chiến thắng và phục vụ đợt học tập, đầu 1948 nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát Đèo Bông Lau:
Bài này cùng với bài Bông Lau rừng xanh pha máu là 2 bài ca ngợi đích danh chiến thắng đèo Bông Lau, đều được phổ biến rộng rãi trong đợt học tập này và sau đó phổ biến ở một số vùng kháng chiến.
Cũng trong năm 1948, nhạc sĩ Văn Chung (sinh năm 1914) đã sáng tác bài Lập chiến công ca ngợi 2 chiến thắng Sông Lô và đèo Bông Lau.
Trước chiến dịch biên giới 1950, từ 1948 đến 1949 còn diễn ra vài trận tập kích quân Pháp trên đường số 4. Năm 1949 nhạc sĩ Lục Sơn Lang sáng tác bài Lạng Sơn anh dũng ca ngợi các trận chiến thắng trên đường số 4, đoạn cuối có nhắc đến chiến thắng đèo Bông Lau:
70 năm trôi qua, tiếp nối truyền thống ông cha ta đánh giặc: lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn cộng với thế trận toàn dân giết giặc, trận Sông Lô và đèo Bông Lau là những chiến công hiển hách của quân đội ta, nó không chỉ còn là những trận nhỏ lẻ của 1 phong trào chống Pháp mà là sự đối đầu trực tiếp giữa Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Quân đội quốc gia của nước Cộng hòa Pháp quy mô từ cấp tiểu đoàn và trung đoàn chính quy trở lên.
Việc Quân đội thực dân Pháp thất trận ở Việt Bắc thu đông 1947 đã khiến Đại tướng Jean Étienne Valluy – Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương bị bãi chức triệu hồi về nước. Ngày 20/1/1948 trong kỳ họp Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau khi được Hội đồng Chính phủ nhất trí, Hồ Chủ tịch đã lần lượt ký các sắc lệnh phong tướng cho một loạt vị chỉ huy quân đội ta với nguyên tắc đánh thắng chỉ huy của địch ở cấp nào thì phong cấp đó, cụ thể:
1 Đại tướng: Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp
1 Trung tướng: Nguyễn Bình (đặc trách Nam Bộ)
9 Thiếu tướng : Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái.
Chiều 28/5/1948 lễ phong tướng đầu tiên của quân đội ta được tổ chức trọng thể trên đồi Tỉn Keo giữa cánh đồng Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đánh dấu bước trưởng thành tiến lên chính quy của Quân đội quốc gia Việt Nam – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (năm 1950 Quân đội quốc gia mới đổi tên thành Quân đội nhân dân).
|
|
Ngày nay mỗi lần hát vang những khúc ca hùng tráng về trận đèo Bông Lau, ta như còn nghe thấy tiếng quân reo dậy đất Bông Lau, xung phong và chiến thắng./.