52 năm “Vàng Anh Nam Định”
Những năm 60, trong đời sống âm nhạc của thiếu niên nhi đồng cả nước, có một hoạt động nổi bật đáng chú ý.
Phòng Văn Nghệ đài phát thanh TNVN (do nhạc sĩ Phạm Tuyên phụ trách) có chủ trương lập ở các tỉnh lớn, mỗi tỉnh một đội cộng tác viên ca hát thiếu nhi nhằm giới thiệu sáng tác của các nhạc sĩ với sự góp chung tiếng hát của thiếu nhi trong cả nước. Những bài hát thiếu nhi, ban biên tập đài chia ra cho mỗi đội khoảng 12 bài trong một quý. Các em ở các tỉnh tập hát và cứ khoảng 3 tháng một lần lên phòng thu của đài 58 phố Quán Sứ, Hà Nội thu thanh. Các nhạc sĩ của đài lo liệu phần phối khí, dàn nhạc, chỉ huy thu thanh (Hoàng Vân, Cao Việt Bách, Trần Dư, Huy Thư…)
Phần chuyên môn (dậy hát), đài hợp đồng với nhạc sĩ ở các tỉnh lo. Lúc đó ở Thủ đô Hà Nội có đội Sơn Ca do nhạc sĩ Mộng Lân phụ trách, thành phố Nam Định có đội Vàng Anh do nhạc sĩ Trần Viết Bính phụ trách, thành phố Hải Phòng có đội Hải Yến do nhạc sĩ Nguyễn Chính phụ trách, Quảng Ninh có đội Họa My do nhạc sĩ Bùi Đức Huyên phụ trách.
Các nhạc sĩ sáng tác trong cả nước rất quý mến những đội ca hát thiếu nhi này. Tiếng hát của các em đã thường xuyên giới thiệu với thính giả cả nước các bài hát thiếu nhi mới. Những chương trình ca nhạc thiếu nhi này góp phần rất lớn trong việc dục dã các nhạc sĩ viết bài hát cho thiếu nhi, động viên phong trào ca hát của thiếu nhi tất cả các khu vực trong cả nước.
Thời ấy các bài hát thiếu nhi không thiếu, các nhạc sĩ sáng tác từ những vị có tên tuổi đến những nhạc sĩ trẻ mới sáng tác ai cũng có những bài hát viết cho các em. Có lẽ lúc ấy các nhạc sĩ quan niệm viết bài hát cho thiếu nhi như một nhiệm vụ của người lớn với các con trẻ. Dù làm việc gì, dù đi đâu khi về nhà cũng phải có quà cho trẻ. Hiếm thấy có một nhạc sĩ nào đó lại không có một vài bài.
Trong 4 đội ca hát của 4 tỉnh thời ấy ,Vàng Anh Nam Định là một đội khá nổi bật. Vàng Anh có thể hát được những bài hát có nhiều bè bối, phức tạp. Các em đã thu thanh hàng trăm bài, phát lên sóng của đài phát thanh TNVN, trong đó có nhiều bài khá hay: “Thiếu nhi thế giới liên hoan” (Lưu Hữu Phước), “Tấm ảnh Bác Hồ”, hợp xướng “Ngày chủ nhật” (Mộng Lân) “Hạt gạo làng ta” (Nhạc Trần Viết Bính – Thơ Trần Đăng Khoa), Tổ khúc hợp xướng “Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu”, hợp xướng “Người bạn thiếu niên Miền Nam anh hùng” (Trần Viết Bính), “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích), “Bên bờ biển xanh” (Văn Ký), “Bác Hồ của em” (Phan Huỳnh Điểu), “Miền Nam của em” (Hoàng Nguyễn) và rất nhiều bài của nhiều nhạc sĩ khác.
Nhân dân và các đ/c lãnh đạo ở Nam Định rất yêu quý các con chim vàng anh của mình. Chính vì thế mỗi lần địa phương được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước bao giờ các em cũng được gọi đến để hát cho các đồng chí nghe. Năm 1963, Vàng Anh Nam Định đã được biểu diễn cho Bác Hồ xem khi Người về thăm thành phố dệt, biểu diễn cho Bác Tôn Đức Thắng xem ở Hà Nội, đón các đ/c Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, ở Nam Định.
Vào khoảng 5 năm trở lại đây, các em cựu đội viên Vàng Anh đã tổ chức các buổi họp mặt hàng năm của các thế hệ Vàng Anh tỉnh Nam Định.
Nhà Văn hóa Thiếu Nhi thành phố Nam Định, cái nôi của các con chim Vàng Anh bé nhỏ ủng hộ ý tưởng này. Và như thế, cứ đến ngày 21 tháng 10 hàng năm, là ngày sinh nhật của mình (đội Vàng Anh thành lập ngày 21 tháng 10 năm 1961),các con chim vàng anh dù đã bay xa bất kỳ ở đâu, dù ở độ tuổi nào, cũng gọi nhau về thành phố Nam Định, tụ tập dưới mái ấm Nhà Văn hóa Thiếu Nhi để hàn huyên, để ca hát cùng nhau nhớ lại một thời ấu thơ tươi đẹp của mình.
Ngày 20 tháng 10 năm 2013 vừa qua,chương trình “Ký ức Vàng Anh”, họp mặt các thế hệ Vàng Anh, biểu diễn các bài hát truyền thống thiếu nhi đã được Ban liên lạc hội truyền thống Vàng Anh nhà văn hóa thiếu nhi tổ chức tại thành phố Nam Định.
Đây là một cuộc họp mặt và biểu diễn khá thú vị. Các đội viên Vàng Anh ở khắp các nơi: Nước ngoài về, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Phú Yên, Đồng Nai ra ,Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, đến, cùng với các em ở Nam Định tập trung tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố. Gần 200 em, tuổi từ 12 đến 72. hợp thành một đội ngũ rất cảm động. Không ít những nụ cười và những giọt nước mắtCác em ở thế hệ đầu tiên ( năm 1960 – 1972) bây giờ đã là các cụ từ 60 tuổi trở lên, lứa thứ 2 cũng ngoài 50 tuổi. Dàn đồng ca say sưa cùng nhau múa hát hồn nhiên như ngày nào. Các cụ sống lại như các trẻ thơ, các em bé mắt long lanh, hớn hở hát múa chung với các anh chị lớn đáng tuổi bố, mẹ, nội, ngoại của mình.
Những mái tóc bạc trắng chen với những mái đầu xanh rờn cùng nhau say sưa hát bài ca truyền thống , kỷ niệm của đội mình:
“Không bao giờ chúng ta quên thời niên thiếu sống vui bên nhau
Bao nhiêu chặng đường đã đi, mang tiếng hát ngợi ca cuộc sống
Dù sau này đi đến đâu, ta không quên những ngày thơ ấu
Tuổi thơ đẹp như tiếng hát, tình bạn ta thiết tha bền lâu.”
(Bài hát Tiếng hát Vàng Anh của Trần Viết Bính sáng tác năm 1964)
Đội Vàng Anh Nam Định nhiều thế hệ, bây giờ kẻ còn người mất, các anh phụ trách thuở nào nay còn sót lại nhạc sĩ Trần Viết Bính đã 80 tuổi, các anh Hoàng Vinh. Trần Viết Được, Trương Văn Khiên, Đinh Văn Đại đều đã thành người thiên cổ, Phụ trách đội Sơn Ca Hà Nội: nhạc sĩ Mộng Lân đã qua đời, Hải Phòng cũng không còn nhạc sĩ Nguyễn Chính.
Các em thiếu nhi thế hệ hiện nay đang mong muốn đài phát thanh TNVN, đài truyền hình Việt Nam, tổ chức thành lập các đội cộng tác viên ở các tỉnh như trước đây đã tổ chức đội Sơn Ca, Vàng Anh, Hải Yến, Họa My. Tiếng hát của các em tất cả các địa phương trong cả nước lại có điều kiện vang xa qua làn sóng của các đài trung ương... Đời sống âm nhạc, ca hát thiếu nhi ở các khu vực được động viên thường xuyên chắc chắn sẽ sôi nổi hẳn lên. Các nhạc sĩ đã có tên tuổi, trước đây đã từng viết nhiều bài hát cho thiếu nhi thí dụ như các bác: Phong Nhã, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn, Hàn Ngọc Bích,Văn Dung, Hồ Bắc, Doãn Nho, Đôn Truyền, Hoàng Long- Hoàng Lân, Trương Quang Lục, (tôi xin lỗi không thể kể hết)….bây giờ đều đã lên chức cụ cố, nội, ngoại, chắc chắn sẽ không thiếu tình yêu dành cho con cháu, các bác hãy lo cho chúng những món quà tinh thần mà các cháu hiện nay đang còn thiếu. Bài hát của các các cụ, các ông viết ra có thể có ca sĩ nào thích, ca sĩ nào không thích, dòng nhạc nào thịnh hành ưa, dòng nhạc nào chưa thịnh hành không ưa thì không biết chứ con cháu của các cụ, các ông thì nhất định là thích và sẽ hồ hởi đón nhận...
Nhân sự kiện “KÝ ỨC VÀNG ANH” mới được tổ chức tại thành phố Nam Định, người viết bài này: một nhạc sĩ viết bài hát và dạy hát cho thiếu nhi, mong đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh TNVN, chú ý đến đề nghị của chúng tôi.
Mong các bạn nhạc sĩ hãy chú ý đến nhu cầu bài hát của các em, con, cháu, chắt của chúng ta hiện nay.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)