Nơi đảo xa
NƠI ĐẢO XA
Có trong tay gia tài hơn 500 bài hát ở nhiều thể loại, đề tài khác nhau, nhưng cứ mỗi lần nhắc tên Thế Song, người ta không thể quên những giai điệu thân thương của bài “Nơi đảo xa”.
Thăm chùa Trường Sa Lớn (Ảnh: Trần Văn Phúc)
“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Nghe bão tố phong đã vượt qua vượt qua...”, đã qua hơn 30 năm, nhưng lời bài ca ấy vẫn được triệu triệu người yêu mến và được đánh giá là một trong những ca khúc về biển đảo hay nhất từ trước đến nay.
Cơ duyên gặp gỡ.
Đắm mình trong giai điệu bình dị, sâu lắng mà không kém phần cháy bỏng của “Nơi đảo xa”, giống như ta là Thế Song, đang đối diện với những người lính đảo, với biết bao trăn trở, yêu thương: “Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển/Nước cả hồ nắng phơi giòn thêm ánh thép/Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi/Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em/Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó/Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu/Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/Đẩy con tầu ra khơi, đẩy con tầu ra khơi.”.
Thế Song, nhạc sĩ của biển đảo.
Quay ngược thời gian, nhạc sĩ Thế Song nhớ lại những ngày tháng rong ruổi cùng anh em trong Đài tiếng nói Việt Nam đi thực tế sáng tác. “Hồi đó là năm 1979, tôi cùng anh Khôi-họa sĩ, nhạc sĩ Phạm Tịnh (khi ấy là phó phòng âm nhạc của Đài) đi thực tế sáng tác ở Quảng Ninh. Chúng tôi đi cùng anh em lính biên phòng, đang trên đường tới Thán Phún thì gặp lệnh hoãn phải dừng lại ở thị xã Hòn Gai rồi quay về. Quay xe lại đồn biên phòng, chúng tôi gặp các anh em chiến sĩ hải quân trạm 48- một trạm sửa chữa tàu biển. Anh em mời nhau uống rượu chanh. Đến giờ vẫn nhớ cảm giác rượu cay cay nhưng rất ngon, tôi uống ghê quá khiến anh em hải quân còn thấy hoảng. Bên chén rượu, anh em đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều về cuộc sống của mình, những khó khăn vất vả nơi đảo xa, cả nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, hay một cảm giác xao xuyến, thèm được ngắm một người con gái...”.
Rồi một chiến sĩ đùa vui “anh phải viết ca khúc về bọn em nhé. Nhưng đất nước ta có tới trên 3000 km đường biển, những người lính đảo chúng em bao khó khăn vất vả thế này, liệu có viết được hết không?”. Lúc ấy, nhạc sĩ nhận lời nhưng kì thực cũng chưa hình dung ra viết gì. Thế rồi tàn cuộc rượu, không ngờ ông lại nảy ra ý tưởng viết một ca khúc. “Những câu đầu ra đời, rồi cứ thế, các câu sau tiếp nối. Trên đoạn đường hơn trăm km từ Quảng Ninh về Hà Nội, tôi đã hoàn thành lời 1 bài “Nơi đảo xa”. Lời 2 tôi viết tại Hà Nội”- nhạc sĩ Thế Song hào hứng kể lại.
Ông bảo: bài hát ra đời đúng là có duyên. Khi đi thực tế sáng tác, tôi có ý định viết về Hoàng Khiềm, bài “Bài ca trên đỉnh Pò Èm” đã ra đời. Đâu có định viết một ca khúc về biển đảo đâu, nhưng rồi cơ duyên lại đưa tôi đến những ca từ của “Nơi đảo xa”, dù lúc ấy, tôi chưa một lần được ra đảo Trường Sa hay Hoàng Sa”. Kể về chuyện phổ biến ca khúc này, nhạc sĩ thủ thỉ: “Một lần Tiến Thành đến nhà tôi chơi, tôi mang ra cho cậu ấy xem. Ai ngờ Tiến Thành bảo, anh để em hát bài này. Cũng thật không ngờ, bài ca với tiếng ca của Tiến Thành được thu âm, phát và được nhiều người yêu mến”. Sau này, cũng có nhiều người thể hiện ca khúc “Nơi đảo xa” nhưng theo nhạc sĩ Thế Song thì không ai vượt qua được giọng ca của Tiến Thành.
Nhạc sĩ của biển đảo.
Viết ca khúc “Nơi đảo xa” từ năm 1979, nhưng mãi tới tận năm 1995, tức là 16 năm sau, nhạc sĩ Thế Song mới có dịp được ra quần đảo Trường Sa, cùng các nhạc sĩ Doãn Nho, Lương Nguyên... Một tháng lênh đênh trên biển đảo, sinh hoạt cùng các chiến sĩ Trường Sa đã cho ông nhiều kỉ niệm không thể nào quên. Nhất là những đêm giao lưu văn nghệ, khi biết ông là tác giả bài hát “Nơi đảo xa”, anh em đã liên tục yêu cầu ông thể hiện. Đảo nọ đồn đảo kia, đến nơi, ông còn được anh em lính đảo ra tận thuyền công kênh vào đảo. Và cũng ở đây, lại thêm một lần nữa, ông được nghe nhiều hơn những câu chuyện về người lính đảo, để rồi sau này về đất liền, hàng loạt những ca khúc về biển đảo khác đã ra đời, như: Biển chuyện tình hóa đá, Mênh mang Trường Sa, Ngôi nhà lính đảo, Hoa hồng biển đảo, Biển mưa,... Album “Cảm xúc biển” của ông cũng đã phát hành, giới thiệu tới công chúng tuyển tập những ca khúc về biển đảo do ông sáng tác.
Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng nhạc sĩ Thế Song vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với việc sáng tác. Gia tài tác phẩm của ông đã trên 500 bài, trong số đó, một lượng lớn là những ca khúc viết về biển đảo. Đến địa danh nào, vùng biển nào, ông cũng có cho mình một sáng tác về nơi ấy, như các ca khúc Vũng Tàu biển tình yêu, Cát Bà tình em, Thiên Cầm biển tình yêu, Biển hẹn Cà Mau... Hỏi nhạc sĩ, sao lại mặn nồng với biển đảo vậy, nhạc sĩ hồn nhiên: “Tôi đâu có định hình mình phải theo đề tài gì, nhưng cứ tự nhiên mà đề tài biển đảo ùa đến với tôi ”. Những ca khúc sau này của nhạc sĩ không được nhiều người biết đến như ca khúc “Nơi đảo xa” nhưng với nhạc sĩ Thế Song, còn được sáng tác đã là một điều hạnh phúc vô bờ rồi.
Đời sáng tác, có một ca khúc được mọi người biết đến đã là niềm hạnh phúc, huống chi đó lại là ca khúc “đi cùng năm tháng” như “Nơi đảo xa” thì còn gì đáng tự hào hơn./.
Khánh Nguyên