GIAO HƯỞNG SỐ 7 - CHƯƠNG 1
CHUYỆN NÀNG KIỀU:
Giao hưởng số 7 của Nguyễn Văn Nam (Phần 1)
Nguyễn Thị Minh Châu
Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Vnmusic lược trích từ cuốn sách Giao hưởng một đời người (tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu, xuất bản: Viện Âm nhạc, 2007) phần giới thiệu giao hưởng số 7 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Chuyện nàng Kiều là giao hưởng đồ sộ nhất của Nguyễn Văn Nam, đồ sộ cả về độ dài (gồm 6 chương) cũng như về “khối lượng” âm sắc (biên chế dàn nhạc ba quản được bổ sung harpe, piano, các nhạc cụ dân tộc - tì bà, sênh sứa, trống đế - và giọng nữ trung mezzo soprano lĩnh xướng cùng hợp xướng nữ).
Bên cạnh tiêu đề Số phận, chương I (Andante espressivo) còn được gắn thêm câu lục bát mở đầu Truyện Kiều mà ai ai cũng thuộc:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Câu chuyện bắt đầu bằng giọng mezzo soprano cất lên trên nền chồng âm mang màu ngũ cung “h-e-fis-a”, ngâm ngợi và day dứt, kể mà như hỏi lại đời:
Ngày xưa, nhớ ngày xưa có nàng Kiều
Mà cuộc đời đoạn trường gian truân
Rằng sắc tài nàng đều vẹn toàn
Mà sao số kiếp nỗi niềm chất đầy oan khúc.
Màu sắc dân tộc ở đây phụ thuộc rất nhiều vào cách hát khép miệng, cách nhả chữ ém hơi, ngân nga nhấn nhá trong họng sao cho ra chất Ca trù. Chậm rãi trầm tư trên các quãng 4, 5 và 8 đúng, câu hát bất ngờ căng thẳng vút lên ở từ “oan khúc”
Thí dụ 1:
Câu hỏi chênh vênh đó được đáp lại ngay bằng nét nhạc đi xuống liền bậc nặng nề như tiếng chân của định mệnh.
Thí dụ 2:
Mượt mà, da diết ở âm khu cao của violon, chủ đề “ngày xưa” vừa được nâng đỡ bởi giai điệu phụ họa của alto, vừa bị “đeo dính” với motif “định mệnh”. Trong những sóng phát triển tiếp theo, “ngày xưa” vẫn không thoát ra khỏi “định mệnh”, rõ ràng sự nghiệt ngã cứ bám riết cuộc đời Kiều. Có lúc định mệnh không còn là bước chân đe dọa ngấm ngầm, mà lộ diện trong âm sắc dữ dằn của bộ gõ và piano với cách dùng nắm tay đập vào những phím trầm nhất.
Ngay sau chủ đề “ngày xưa”, hình tượng Kiều được tiếp tục khắc họa với lời ca “trăm năm trong cõi người ta…” ở giọng nữ trung vẫn theo cái cách đã gặp trước đó, nghĩa là phối khí rất thoáng, giai điệu chính được hỗ trợ bằng bè phụ họa và âm nền lồng các quãng 4 và 5 “h-e-fis”. Trong hơi hướng điệu sa mạc, chất Bắc càng đậm đặc hơn với những nét luyến láy và bước nhảy các quãng 7 và 8.
Thí dụ 3:
Lắng dần trong âm sắc kèn hautbois rồi đến cor, motif “ngày xưa” vừa khép lại hình ảnh dịu dàng của Kiều, thì câu chuyện cuốn ngay vào đợt sóng phát triển mới. Sự đối kháng bùng dậy trong đường nét giai điệu đi lên pha màu sắc oán Nam bộ ở dàn dây, sau pha thêm âm sắc gỗ, cộng với tiết tấu chùm ba (triolet) thôi thúc ở bộ đồng và bộ gõ. Lúc này định mệnh đã ra tay giáng một cú đánh thực sự. Motif “định mệnh” đẩy kịch tính lên đỉnh điểm với thủ pháp diễn tấu quen thuộc của Nguyễn Văn Nam: dây vê đều (trémolo), đồng kéo dài, gỗ láy rền (trillo), trong khi nhạc cụ gõ và piano thô bạo nện trên cùng một âm hình tiết tấu, rồi tất cả cùng lúc đột ngột ngắt tiếng.
Motif “ngày xưa” thoáng trở lại dưới hình thức canon hai bè và lập tức cuốn vào vòng xoáy bất an của cuộc đấu tranh nội tâm. Cơn bão lòng từ bộ dây trào dâng tới các bộ gỗ, đồng và gõ. Tiếng khóc than ở âm khu cao của kèn trompette độc tấu pha trộn cả hai nét nhạc “trăm năm” và “ngày xưa” trong nỗi đau khôn cùng.
Sau cao trào chính, motif “định mệnh” không còn mang vẻ dữ dằn căng thẳng nữa, nó hòa hợp để biến thành một phần không thể thiếu trong hình tượng Kiều, như bất hạnh cũng là một phần làm nên một đời người. Hình ảnh Kiều lại lần nữa hiện lên với motif “trăm năm” dịu dàng trong âm sắc gỗ, mềm mại trong những nét thêu lướt của đồng bằng Bắc bộ, rồi hướng tới motif “ngày xưa” ở bộ dây.
“Ngày xưa” còn tiếp tục ngâm ngợi lần lượt ở các âm sắc nhạc cụ solo khác nhau: gỗ, cor, violoncelle, cor anglais, alto. Cuối cùng trống định âm timbales lại đưa dẫn trở về motif “định mệnh”. Thế đấy, định mệnh vẫn bao quanh hình tượng Kiều, âm ỉ đeo đẳng cuộc đời nàng. Trong khi tất cả chìm dần vào chồng âm “h-d-e-fis” thì piccolo khẽ khàng đay quãng 2 thứ “h2-c3”, buông lơi câu hỏi về phận người, về chân lí.
Mà biết hỏi ai đây, hỏi trời hay tự hỏi mình?
(Còn nữa)