Chào em cô gái Lam Hồng
CHÀO EM CÔ GÁI LAM HỒNG
Nhiều bạn trẻ tâm sự: Mỗi lần nghe ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng" của nhạc sĩ Ánh Dương lại thấy rạo rực trong người, hào khí non sông sục sôi, tinh thần yêu quê hương, đất nước trào lên. Bài hát nghe mãi không chán, càng nghe càng lay động lòng người.
Thanh niên xung phong (Nguồn: Internet)
Có lẽ trong cuộc kháng chiến đầy cam go, mỗi con người đều xả thân cho đất nước, cho độc lập, tự do, không mảy may vì một chút riêng tư, mới cho nhạc sĩ nguồn cảm hứng sản sinh ra ca khúc hay như vậy...
Tôi về thành phố Vinh tìm nhạc sĩ Ánh Dương. Được biết cụ đã về ở với con trai út ở phường Đông Vĩnh. Tôi và cụ có nhiều kỉ niệm sâu sắc thời đang công tác ở Quân khu 4. Đặc biệt trong chuyến đi biểu diễn trên đất nước Triệu Voi. Gặp lại nhau, cụ mừng lắm! Gần 80 tuổi vẫn khỏe mạnh, bạn bè cụ nhiều người đã về với tổ tiên, còn cụ vẫn say sưa sáng tác, như người mang nghiệp vào thân. Có lẽ trái tim ngừng đập cụ mới rời nốt nhạc.
Ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng" làm cụ bồi hồi nhớ lại quãng đời được đắm mình trong hiện thực với những con người bình dị nhưng thật đáng khâm phục. Cụ cho biết: Mùa hè năm 1967, tôi là cán bộ của Đoàn văn công Quân khu 4 được đi dự Đại hội thi đua Quyết thắng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Dự Đại hội xong được mời về giúp đỡ Đoàn văn công Tỉnh đội đóng ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc. Đường về không xa nhưng địch đánh phá rất ác liệt, phải đi ban đêm. Đồng chí Hảo, Chủ nhiệm Chính trị đưa tôi về, dặn: "Đồng chí yên tâm, hai bên đường bà con làm rất nhiều hầm, chỗ nào cũng có thanh niên xung phong bảo vệ". Đêm hôm đó trăng mờ, trời lất phất mưa, máy bay địch bắn pháo sáng đỏ rực trời. Trên đường liên tục có các nữ thanh niên xung phong ra chào, hỏi thăm sức khỏe. Anh Hảo tâm sự: "Tôi muốn có một tác phẩm nói về các nữ thanh niên xung phong can trường, dũng cảm này. Họ quên cả thân mình để con đường thông suốt". Tôi nói: "Các cô gái thanh niên xung phong Hà Tĩnh thật gan dạ!". Con đường 15A bom đạn cày đi, xới lại hai bên không còn màu xanh, sống chết kề trong gang tấc, thế mà các cô gái mới mười tám, đôi mươi kiên cường bám trụ suốt ngày đêm. Xe đang chạy tự nhiên khẫng lại. Bom nổ trước mặt. Mặc cho máy bay đang gầm rú, các cô có mặt hối hả lấp hố bom cho xe chúng tôi qua. Họ xem cái chết nhẹ như lông hồng. Mỗi chiếc xe qua trọng điểm lại bắt gặp tiếng nói, tiếng cười, lời chào thân thiện. Thỉnh thoảng lại có giọng hò bằng làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh vút lên xao xuyến lòng người. Chứng kiến những hình ảnh cảm động đó, trong tôi trào lên cảm xúc. Đêm đó, tôi hoàn thành ca khúc. Về Tỉnh đội, tôi đem ca khúc dàn dựng cho Đoàn. Trước khi về đơn vị, tôi báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Linh, ông khen bài hát hay.
Đầu năm 1968, Đại hội thi đua Quyết thắng toàn Quân khu 4, Đoàn văn công dàn dựng thành tiết mục tam ca bài hát chào mừng Đại hội. Không ngờ bài hát lại cuốn hút người nghe đến thế! Chẳng mấy chốc, ca khúc lan ra toàn Quân khu, người trên sân khấu hát, khán giả ở dưới cũng hát... Hai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Nguyễn Đình Tấn thu thanh về phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đó, ca khúc được khán giả cả nước yêu thích. Ngay sau đó, Ánh Dương được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ, trở thành người duy nhất lúc bấy giờ không qua thời gian dự bị.
Thành công của nhạc sĩ Ánh Dương là biết vận dụng những tinh hoa của chất dân ca Nghệ Tĩnh đưa vào ca khúc một cách nhuần nhuyễn. Đây vốn dòng dân ca trữ tình, thơ và nhạc quyện chặt vào nhau, nâng tầm nghệ thuật. Nhạc sĩ vận dụng hình thức so sánh hình ảnh anh lái xe để ca ngợi cô gái Lam Hồng, nên tác phẩm có sức sống mãnh liệt. Năm 2007, nhạc sĩ Ánh Dương vinh dự được trao "Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật" đợt 2 với nhóm ca khúc: "Chào em cô gái Lam Hồng"; "Hoa đào nở trên biên giới"; "Phu chăm xi"; "Dốc lòng, dốc sức giải phóng miền Nam" và bản giao hưởng "Tượng đài chiến thắng".
Trước lúc chia tay, cụ tâm sự: "Tôi có nhiều ca khúc viết tâm đắc muốn đồng bào được nghe. Nhưng nhạc sĩ bây giờ muốn ca khúc của mình được phát phải có tiền thuê ca sĩ, dàn nhạc, thuê phòng thu. Một nhạc sĩ già như tôi làm gì có tiền. Tôi mong trước khi về với các cụ tiền bối hợp xướng viết theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam "Ơn nước, nhớ Người" bốn chương được dàn dựng. Tôi bỏ công ra viết suốt một mùa hè, lao động cật lực mới có và đã được nghiệm thu".
Tôi cũng như nhạc sĩ Ánh Dương, mong có một người nào đó yêu thích âm nhạc, có tài chính tài trợ cho cụ, để mọi người được nghe, được thưởng thức những tác phẩm của một nhạc sĩ tài hoa, và để ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng" sống mãi cùng năm tháng.
Hải Hưng