Thuyền và biển
N/A

Thuyền và biển

01/06/2013

 

 THUYỀN VÀ BIỂN

 

Thuyền và biển của Xuân Quỳnh đã được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Bài hát chinh phục mọi người không chỉ do chất nhạc và giọng ca sĩ mà còn ở chính phần lời. Khi chưa được phổ nhạc Thuyền và biển đã có một đời sống riêng. Nó được chép trong nhiều sổ tay, và truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu vô cùng cảm ơn nữ thi sĩ. Bởi lẽ Xuân Quỳnh đã nói hộ nỗi lòng của bao nhiêu lứa đôi. Nhà thơ đã biến hóa một cách sáng tạo cách nói của dân gian. Có lẽ không người Việt Nam nào không thuộc câu ca dao:

 

Thuyền ơi có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!

 

Thuyền và biển (Ảnh Onlynick - Nguồn Flickr)

 

“Thuyền” và “Bến” trở thành cách nói quen thuộc gần gũi. Xuân Quỳnh giữ lại ở bài ca dao kia hình ảnh con “thuyền”, còn “bến” vào thơ chị đã hóa thành “biển”. Từ “bến” đến “biển” là một sự thay đổi về chất. Có thể nói Xuân Quỳnh đã hiện đại hóa cách nói của quần chúng. Điều này làm cho “Thuyền và biển” của chị rất mới lạ.

 

Mạch nguồn sâu xa của Thuyền và biển là ca dao nhưng khó nhận ra dấu vết ca dao trong bài thơ của chị. ở đây, Xuân Quỳnh không chỉ diễn tả tâm trạng kẻ ở người đi mà diễn tả tâm trạng chung của người đang yêu:

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu.

 

Người ta nói rằng khi yêu có thể đoán được ý nghĩ của nhau, họ vẫn truyền cho nhau những bức điện vô hình, giữa họ dường như có một trường “điện từ” nên có thể “thần giao cách cảm”. Một cử chỉ, một lời nói, một ánh mắt, một tiếng thở dài đều mang mộit ý nghĩ đặc biệt mà chỉ họ hiểu với nhau. Người ngoài không thể nào hiểu được. Xuân Quỳnh, chính bằng kinh nghiệm và sự từng trải của mình đã khẳng định và diễn tả một cách hình ảnh điều này. Nhưng đây chưa phải là những câu thơ đặc sắc. Những câu sau đây mới là những câu thơ thật hay:

 

Những ngày không gặp nhau

Sóng bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau- rạn vỡ

 

Nỗi nhớ tình yêu bao nhiêu người đã nói, thế mà Xuân Quỳnh vẫn tìm được một cách nói khác lạ, trước chị chưa ai nói như vậy. Có những câu thơ phải qua phân tích mới hiểu được cái hay, nhưng cũng có những câu thơ đọc lên đã thấy hay chẳng cần phải phân tích. Bốn câu thơ trên của Xuân Quỳnh thuộc loại thứ hai. Người đọc cảm nhận cái hay của nó bằng trực giác. Những câu thơ được cảm bằng trực giác như thế thường lưu giữ khá lâu trong trí nhớ. Có thể phân tích lời nói theo kiểu nhân hóa, có thể phân tích cách láy lại của một điệp từ, có thể phân tích hình ảnh: “bạc đầu” hay “Lòng thuyền đau- rạn vỡ” vân vân và vân vân. Nhưng cứ làm như thế tôi e rằng thể hoàn chỉnh của nó. Cứ để nguyên như thế cho toàn bộ tâm hồn thơ Xuân Quỳnh lắng lại trong lòng độc giả. Tôi rất sợ cái việc làm thô bạo của mình phương hại đến dư âm của những câu thơ...

 

Mai Văn Hoan (trích)
 

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.